Lê Vân Tú |
Ngoài việc đề cập đến những nghệ sĩ đã thành danh trong thế giới âm nhạc Việt Nam, việc giới thiệu những nghệ sĩ được biết đến trong một phạm vi nào đó, nằm trong mục đích khám phá những ca sĩ hoặc nhạc sĩ sáng tác chưa có dịp hoặc thiếu phương tiện để phổ biến giọng hát hay những tác phẩm của mình đến người thưởng thức, cũng là một sự quan tâm lớn của người viết.
Một người viết nhạc tên Lê Vân Tú, hiện cư ngụ ở Canberra, Úc Châu, ở trong trường hợp này.
Nhưng trường hợp của ông còn có thêm một điểm đặc biệt nữa là đã từng có dịp phổ biến những sáng tác của mình đến người nghe từ khi còn là một học sinh ở Huế. Nhưng sau khi vào đến Sài Gòn, một vài va chạm với thực tế khi muốn theo đuổi con đường nghệ thuật đã khiến ông chán nản để tạm gác lại giấc mộng của mình.
Những va chạm này khiến ông chán nản. Vì vậy trong một thời gian dài, Lê Vân Tú chỉ biết chú tâm vào vấn đề học vấn để đi đến thành công trong vai trò nghiên cứu và giáo sư giảng dạy Điện Toán tại các trường đại học Canberra và Melbourne từ nhiều năm nay. Đặc biệt về ngành Trí Tuệ Nhân Tạo. Không kể trước đó ông cũng đà từng dạy về ngành toán tại đại học Western Australia và đại học Melbourne từ năm 75 đến năm 80.
Tuy nhiên cũng trong thời gian giảng dạy ấy, Lê Vân Tú vẫn không thể tách rời hẳn với âm nhạc để vẫn tiếp tục sáng tác, coi như một thú giải trí của riêng mình. Với một cuộc sống không còn quá bận rộn trong thời gian gần đây, người viết nhạc mới bước vào lớp tuổi 70 này, bỗng thấy tâm hồn mình như rộn rã hẳn lên, như bắt gặp được một thôi thúc mạnh mẽ nào đó để trở lại cùng âm nhạc với nhiều hứng khởi. Đồng thời phương tiện chuyển đạt đến người nghe giờ đây đã trở nên phổ thông trong quần chúng nên Lê Vân Tú đã cảm thấy rất thoải mái để trở về với giấc mộng ấp ủ từ thời còn son trẻ.
Lê Vân Tú mở mắt chào đời tại Huế ngày 22 tháng 1 năm 1939. Thời trung học, ông theo học các trường Nguyễn Tri Phương và Quốc Học Huế. Cũng trong thời kỳ này, Lê Vân Tú đã được nhạc sư Nguyễn Hữu Ba chỉ dẫn kỹ lưỡng về nhạc lý trong suốt 3, 4 năm.
Do ảnh hưởng của vị giáo sư dạy nhạc nổi tiếng nghiêm khắc, Lê Vân Tú đã áp dụng một cách tuyệt đối lời khuyên được ông coi như khuôn vàng thước ngọc của giáo sư Nguyễn Hữu Ba, đại ý là: “Làm nhạc cũng như làm thơ. Nó có những niêm luật của nó. Niêm luật đặt ra để cho bản nhạc được hay hơn. Nếu muốn phá bỏ niêm luật đó thì phải thật là hay mới nên phá bỏ. Nếu không sẽ trái với niêm luật của âm nhạc”.
Và ngay từ bản nhạc đầu tiên mang tựa đề Bến Tầm Dương do ông viết vào năm 1955, Lê Vân Tú đã theo đúng nguyên tắc này. Sáng tác của một cậu học trò mới được 16 tuổi sau đó đã từng được nhạc sĩ Văn Giảng khen ngợi và khuyến khích. Nhạc phẩm đầu tiên của Lê Vân Tú đã được nữ ca sĩ Hà Thanh trình bầy trên đài phát thanh Huế, mặc dù ông không quen biết gì người ca sĩ đồng hương.
Nhờ được nhiều sự khuyến khích với tác phẩm đầu tay và nhất là được một tiếng hát tên tuổi là Hà Thanh trình bầy, nên Lê Vân Tú liên tiếp viết sau đó một số ca khúc khác như Bên Dòng Sông Hương, Mái Tóc Ngày Thơ, Hoa Vông Vang, vv… và đều được Hà Thanh gửi đến thính giả của đài phát thanh Huế…
Những sáng tác của Lê Vân Tú, chẳng hạn như Tiếng Buồn Của Dòng Sông thường được viết ra theo nguồn xúc cảm của ông nên chưa mấy quan tâm đến niêm luật. Tuy nhiên vì đã quen với những niêm luật ghi sâu trong đầu óc, nên khi dòng nhạc viết ra thường là đúng như hướng dẫn của vị giáo sư anh rất quí mến là Nguyễn Hữu Ba.
Đang hăng say trong việc sáng tác, Lê Vân Tú đã phải rời Huế để vào Sài Gòn theo học đại học. Vì chưa biết định hướng ra sao, trước tiên ông ghi tên theo học trường Kiến Trúc, rồi qua đến Quốc Gia Âm Nhạc. Để rồi cuối cùng cảm thấy thích hợp với môn toán nên đã theo học môn này tại trường đại học Khoa Học và tốt nghiệp tại đây với hạng Tối Ưu vào năm 1966. Nhờ vậy ông đã được giữ lại làm giảng nghiệm viên cho trường.
Nhiều người nêu lên thắc mắc về sự khác biệt nếu không nói là đối chọi nhau giữa toán học và âm nhạc khi thấy một người có tâm hồn nghệ sĩ như ông lại thích hợp với môn toán. Không những thế lại còn rất xuất sắc về môn này. Lê Vân Tú đã trình bầy đại ý là nhiều người cho rằng học toán khô khan, nhưng theo ông không đúng. Thật ra phải là người có nhiều xúc cảm, có đầu óc tưởng tượng phong phú mới nên học ngành này vì đó là một môn học trừu tượng. Và cũng theo ông, học môn này không khác gì sống trong một thế giới ảo tưởng.
Vợ chồng Lê Vân Tú |
Sau khi trở thành giảng nghiệm viên cho trường Đại Học Khoa Học, cuộc sống vật chất của Lê Vân Tú có phần dễ thở hơn trước. Đó là khi ông mới đặt chân vào Sài Gòn để vừa đi học, vừa phải đi làm. Ngoài việc đi bỏ báo vào sáng sớm. Sau khi đi học về là đi lấy dữ kiện cho Viện Thống Kê. Đến tối lại đi dạy học kèm. Tuy vậy mà ông vẫn ở trong tình trạng bữa đói, bữa no với một cuốc sống rất ư gian nan, đầu tắt mặt tối.
Với một cuộc sống khó khăn như vậy, Lê Vân Tú không còn có thời gian để nghĩ đến việc sáng tác, ngoài vài ba nhạc phẩm viết trong những ngày đầu tiên nơi một nơi còn quá mới lạ đối với một người sinh viên trẻ tuổi. Tuy nhiên ông cũng từng thăm hỏi để kiếm cách phổ biến những sáng tác của mình.
Thuở Lê Vân Tú mới ở Huế vào Sài Gòn, ở đây chỉ có 2 phương tiện gọi là để “lăng xê” một nhạc phẩm mới là những chương trình ca nhạc trên đài phát thanh và chương trình ca nhạc tại các phòng trà. Cả hai nơi này ông không hề quen biết một ai để gửi gấm những đứa con tinh thần của mình. Một thanh niên trẻ tuổi, còn ngây thơ như Lê Vân Tú vào thời đó đã giật mình khi được cho biết là rất cần đến sự quen biết để những ca khúc được phổ biến trên đài phát thanh.
Ông còn ngạc nhiên và giật mình hơn nữa khi biết muốn sáng tác của mình được một ca sĩ hát tại phòng trà thì phải trả tiền. Một lần anh được Trịnh Công Sơn, quen biết từ ngoài Huế, giới thiệu cho một nữ ca sĩ nổi tiếng để anh liên lạc, nhờ trình bầy một ca khúc tại phòng trà. Lê Vân Tú tâm sự là anh đã bị “sốc” mạnh khi điều kiện của người nữ ca sĩ đó đưa ra là 500 đồng, một số tiền quá to lớn đối với một anh sinh viên năm thứ nhất, từ Huế vào Sài Gòn sống thui thủi một mình.
Chưa hết, có lần nhạc phẩm Đảo Dừa của anh đã được nhạc sĩ Hoàng Trọng hòa âm cho cả ban nhạc của ông trình bầy. Nhưng lại không được nhạc sĩ Võ Đức Tuyết đồng ý khi cho rằng nhạc phẩm này quá ủy mị không phù hợp với chủ trương của nền Đệ Nhất Cộng Hòa lúc đó.
Một lần khác, nhạc sĩ Từ Công Phụng giới thiệu nhạc phẩm Thiên Đường Hiu Quạnh của Lê Vân Tú, trong đó có phần đóng góp lời ca của ông với tác giả để Nhật Trường trình bầy. Nam ca sĩ này tỏ ra thích thú và đồng ý vì nhận thấy trong bài này có một câu viết rất lạ. Nhưng cũng với điều kiện Lê Vân Tú phải trả tiền hòa âm. Cho đến lúc đó, vẫn mang một đầu óc ngây thơ, nên Lê Vân Tú vẫn chưa hiểu thế nào là những qui luật được gọi là bất thành văn trong thế giới “show business” của Sài Gòn, cũng như của bất cứ nơi nào trên thế giới, nên lại đã coi trường hợp này như một cú “sốc” nữa!
Từ đó, ông đâm ra chán nản để không còn nghĩ đến âm nhạc, cùng một lúc quyết định tạm gác giấc mộng âm nhạc sang một bên. Mặc dù vậy, âm nhạc vẫn như luôn gắn bó với ông, để Lê Vân Tú theo học đàn guitar với nhạc sĩ Lâm Tuyền một thời gian vào những năm 61, 62.
Thực tế cho ông thấy được cuộc sống của người thầy của anh qua tình trạng rất ư ư nghèo túng khiến ông cảm thấy rất tội nghiệp cho kiếp sống của một người nghệ sĩ. Rồi ông đi đến một kết luận rất đơn giản là chỉ có những người khá giả mới đi theo ngành nhạc được nếu muốn có một đời sống thoải mái. Còn riêng ông chắc không thể nào theo đuổi nổi. Nên từ đó ông chỉ chú tâm vào chuyện học hành vì chỉ như vậy mới thoát khỏi cảnh nghèo túng.
Đến năm 1973, Lê Vân Tú được sang Úc du học, sau một thời gian giảng dạy tại một số trường đại học ở Đà Lạt, Sài Gòn và Tây Ninh. Từ đó cậu bé nhà nghèo – con giữa của một gia đình có 5 người con, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ- đã chỉ chuyên chú vào việc học hành để chiếm được những bằng cấp cao trong ngành toán học và khoa học như Văn Bằng Điện Toán, Thạc Sĩ Khoa Học năm 1975 và Tiến Sĩ Toán Học năm 1978.
Từ ngày sống ở Úc Châu, trong những lúc rảnh rỗi, Lê Vân Tú vẫn tiếp tục viết nhạc, coi như một sự thôi thúc để sáng tác mà không bao giờ nghĩ sẽ đi theo con đường chuyên nghiệp. Hơn nữa, ông tin rằng định mệnh đã không an bài cho mình trở thành một nghệ sĩ, là người đối với ông có một cách sống khác biệt, không giống với thế giới của mình.
Những ca khúc của Lê Vân Tú phần lớn mang những cảm hứng của ông đến từ các sự kiện thật ngoài đời. Đó là những sự kiện ông đã gặp hoặc nghe được và cảm thấy tâm hồn xúc động để thấy vang lên ngay những giai điệu trong đầu để cùng một lúc lời và nhạc thoát ra một lúc.
Những sáng tác của Lê Vân Tú đã thoát ra khỏi những đề tài than vãn về thân phận bèo bọt của con người trong thời gian đầu tiên để đến với những tình cảm nhẹ nhàng hơn sau những thành công trong việc học vấn, kể từ khi tốt nghiệp Tối Ưu tại trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn và sau đó được mời tiếp tục làm việc tại đây. Cũng từ đó ông nhìn cuộc đời với một cặp mắt bớt bi quan hơn xưa để viết ra những sáng tác trước khi đi du học tại Úc như Tiễn Em Về, Một Mùa Để Thương, Một Mùa Để Nhớ, Như Mây Mùa Thu, vv… Tù khi sống ở hải ngọai, Lê Vân Tú nhận thấy dòng nhạc của mình có nhiều thay đổi vì nhãn quan được mở rộng hơn trước.
Nhìn chung, qua khoảng 50 ca khúc của mình, dòng nhạc của Lê Vân Tú luôn luôn gắn bó với dòng đời trôi nổi của ông. Từ những buồn phiền chán nản đến những niềm vui và hạnh phúc. Và từ những khắc khoải của thân phận đến những niềm lạc quan trong cuộc sống.
Lê Vân Tú lập gia đình truớc khi đi du học với một cựu sinh viên Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt. Vợ con anh kẹt lại Việt Nam sau biến cố tháng 4/ 75 để mãi đến năm 1979, cả gia đình mới được đoàn tụ. Hai vợ chồng anh có với nhau 2 người con gái và cả hai đều đều đã lập gia đình và cùng cư ngụ tại Úc.
Dù Lê Văn Tú không phải là một nhạc sĩ sáng tác chuyên nghiệp, nhưng lại là một nhà khoa học nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tai Úc Châu, nhưng vợ ông vẫn đưa ra nhận xét ông là một người không thực tế. Nhận xét đó cỏ vẻ trái ngược, nhưng đối với Lê Vân Tú thật ra rất chính xác. Vì ông luôn quan niệm cả hai lãnh vực này đều đòi hỏi một trí tưởng tượng cao trong một thế giới trừu tượng. Và cũng nhờ vậy, ông đã tạo thành những ca khúc diễn tả chính xác những cảm xúc của mình, không khác gì những chính xác cần thiết trong khoa học…
(Trích TVTS – 1194)