Nhà báo Hoài Nam (Melbourne): “Ca khúc NGUYỄN HỒNG ANH- một thời để nhớ!”

08 Tháng Chín, 2024 | Nghệ sĩ Việt Nam
CD-1 gồm những ca khúc viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh

LỜI TÒA SOẠN: Nói theo cách nói của người xưa, nhà báo Hoài Nam là một “người tài tử” – cầm kỳ thi họa, môn nào cũng “biết”, nếu không muốn nói là “thông”. Những năm gần đây, anh dành nhiều thời giờ hơn cho âm nhạc, trong đó chương trình “70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam”, thực hiện trong 2 năm 2008, 2009 trên SBS Radio, Úc châu, sau đó được cả trăm website trong cũng như ngoài nước phổ biến, xứng đáng để được gọi là một công trình để đời.

Từ gần 2 năm nay, trên một website văn học nghệ thuật của người Việt hải ngoại (nhưng có đến 60% độc giả là người trong nước), anh đang cống hiến giới thưởng ngoạn loạt bài “Những Ca Khúc Ngoại Quốc Lời Việt” rất công phu, thú vị.

Hoài Nam và Nguyễn Hồng Anh là chỗ thâm giao; chính mối giao tình ấy cùng với việc bổn báo chủ bút “nổi hứng” ca hát trở lại, đã khiến Hoài Nam bỏ công viết bài báo khá dài này; không phải để xưng tụng, tô son điểm phấn cho nhau, mà chỉ có mục đích giới thiệu tới độc giả Tivi Tuần-san người ca nhạc sĩ đang bước vào mùa thu đời người, và để cùng nhau nhớ lại một thời  đáng nhớ, tưởng chừng đã quên. TVTS.

Nguyễn Hồng Anh (áo vét đen góc phải) trong buổi ra mắt Ban đại diện Sinh viên Trường Chính trị Kinh Doanh Viện Đại học Đà Lạt niên khóa 1971-72  tại sân Năng Tĩnh. Hình chung cấp

Nguyễn Hồng Anh (NHA), Chủ bút Tivi Tuần-san, là một nhà báo, và một chủ báo khá thành công trên thương trường; điều đó có lẽ ai cũng biết. Riêng các thành viên của Hội Thụ Nhân (cựu sinh viên Đại học Đà Lạt) có thể còn biết thêm một hai điều: anh xuất thân Trường Chính Trị Kinh Doanh của viện đại học này, và từng làm Trưởng ban Đại diện Sinh viên của trường.

Nhưng không mấy người biết NHA còn là một ca nhạc sĩ. NHA hát từ ngày còn đi học và bắt đầu sáng tác vào năm 1976, nhưng riêng bản thân chúng tôi, dù ở cùng khu vực Trương Minh Giảng, Sài Gòn, cũng chỉ được nghe anh đàn, hát những ca khúc của anh sau khi gặp nhau ở Melbourne vào cuối năm 1982 – thời gian chúng tôi cùng tham gia các sinh hoạt văn nghệ của cộng đồng nói chung, của cựu quân nhân nói riêng, và những buổi họp mặt thân mật tại tòa soạn Gươm Thiêng, tờ đặc san của cựu quân nhân QLVNCH tại Úc.

Tới cuối năm 1985, sau khi NHA đăng bạ chuẩn bị ra mắt tờ Tivi Tuần-san thì không ai còn được nghe anh đàn hát nữa, bởi “chỉ lo làm ăn” – nguyên văn lời anh.

Gần 30 năm sau, bỗng dưng vào đầu tháng 12/2012, cùng với việc được cô Phượng Hoàng, người phụ trách chương trình Việt ngữ của SBS Radio, Úc-đại-lợi, phỏng vấn và giới thiệu ca khúc  Hòa Bình Lừa Dối của anh trong tiết mục Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật của đài, đúng vào Ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/2012, NHA đã đưa lên trang mạng YouTube ca khúc Dòng máu Việt Nam do anh sáng tác và đích thân trình bày. Hỏi ra mới biết vào tuổi hơn “sáu bó”, “chàng” đã ca hát trở lại, dù chỉ hát trong studio.

Hiện nay, nếu mở trang YouTube trên Internet, ngoài Dòng máu Việt Nam, người ta còn thấy hơn một chục ca khúc khác của NHA đã được đưa lên mạng, trong số ấy có những bản đã từng được Thanh Thúy, Hải Lý, Jeannie Mai hát vào năm 1981, nay được các ca sĩ thuộc thế hệ đàn em trình bày.

Tính tới nay, tháng 7/2013, Dòng máu Việt Nam (trên YouTube) vẫn có số lượt người nghe nhiều nhất, một phần vì về cả hình thức lẫn nội dung, ca khúc này thích hợp với mọi thành phần đối tượng, một phần vì tò mò, ai cũng muốn nghe thử xem tác giả hát hò ra sao.

Nhưng riêng với những người thích nhạc tình thì bản đứng No.2 – Thiền sư xuống núi, do nữ ca sĩ Hoàng Nhung hát – có sức thu hút hơn. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Thiền sư xuống núi là một bản nhạc tình.

Có thể viết mà không sợ quá lời: những ai chuộng nhạc tình và có chút lãng mạn, chỉ cần nghe Thiền sư xuống núi một hai lần, sẽ yêu thích ngay.

Nhưng dù là tình ca hay thân phận ca, các ca khúc của NHA đều mang dấu ấn thời cuộc. Anh trao đổi với chúng tôi:

…Những bài viết về tình yêu của tôi dĩ nhiên do đang yêu – hoặc nghĩ rằng mình đang yêu(!) mà làm, nhưng những bài mang âm hưởng thiền cũng phần nào do hoàn cảnh bấp bênh của xã hội, một cuộc sống không tương lai nên nghĩ đến một cuộc sống xa với thực tại. Cái bài thiền đó vừa mượn triết lý nhà Phật để tỏ tình yêu vừa muốn quên đi thực tại…

Còn trong các bản thân phận ca, có  bài “Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời hát ca” (mượn ý N.D.) là thê thảm đớn đau nhất, khi tôi thấy những con heo ở nhà hàng xóm còn có gì để ăn mà mình chẳng có gì bỏ vào bụng, đó là chưa kể sự kềm kẹp về công ăn việc làm và suy nghĩ. Nhà tôi rất thích bài này…”

Vì chương trình đã dẫn của SBS Radio không đề cập tới thân thế  của NHA, và các video nhạc trên YouTube cũng không cho biết về con đường đã dẫn đưa anh tới với âm nhạc, chúng tôi xin được gửi tới bạn đọc Tivi Tuần-san bài viết sau đây, về hoàn cảnh, cơ duyên, động lực sáng tác của một nhạc sĩ tài tử – tài tử nhưng cũng đã để lại chút gì đó cho đời.

* * *

NHA sinh trưởng tại Thừa Thiên, tốt nghiệp Trường Chính Trị Kinh Doanh Đà Lạt năm 1973. Từ 1973 tới 1975, anh vừa học cao học tại Sài Gòn, vừa làm việc cho công ty kế toán SGV-Thuan Certified Public Accountants, một công ty kiểm toán quốc tế do người Phi-luật-tân làm chủ, với một partner người Việt, đặt trụ sở ở đường Nguyễn Thông, Quận 3, Sài Gòn.

Tháng 2 năm 1975, NHA được công ty đưa ra Đà Nẵng để làm việc với mấy người Phi, kiểm toán “Chương trình tái thiết Đà Nẵng và các vùng phụ cận” do Hoa Kỳ tài trợ, nhưng đến sau ngày 10 tháng 3, khi Ban Mê Thuột bị quân cộng sản tấn công, các nhân viên người Phi rời Đà Nẵng vào Sài Gòn, NHA ra Huế tìm cách đưa gia đình vào Đà Nẵng, để rồi cả gia đình bị kẹt tại Đà Nẵng khi thành phố bị mất vào ngày 29/3/1975.

Khoảng tháng 6 /1975, NHA vào Sài Gòn rồi mượn bà chị  họ 2 cây vàng, về Long Khánh mua hai sào đất nằm sâu trong rừng của một ông “Việt Cộng nằm vùng” để làm rẫy. Anh chấp nhận đổi đời với cuộc sống trong rừng để xa lánh mọi chuyện, và cũng nghĩ biết đâu gặp kháng chiến về thì đi theo họ luôn!

Thời gian làm rẫy khá cực nhọc vì phải khai quang, chặt cây cối để trồng ngũ cốc, hoa màu, và cũng rất nguy hiểm vì bom đạn mìn bẫy có thể còn sót lại sau chiến tranh (có lần anh hú hồn khi gặp một mớ đạn súng phóng lựu M-79). Nhưng bên cạnh đó, NHA cũng thích lối sống “thiên nhiên hoang dã” trên cái nhà sàn – thực ra chỉ đáng gọi là một cái chòi – không có vách lộng gió thênh thang, tắm thì tắm ở con “suối mơ” gần đó, trên người lúc nào cũng chỉ có cái quần xà-lỏn…, anh thấy cũng là lạ và đôi khi tự cho là điều thú vị!

Nhưng chỉ ba tháng sau, khi thu hoạch để đem về Sài Gòn thì bị du kích ngăn chặn không cho mang đi và tịch thu. (Kinh nghiệm bị tước đoạt lúa ngô khoai về sau đã được NHA ghi lại trong bản thân phận ca Chuyện của tôi)

Trở lại Sài Gòn, NHA được anh bạn hàng xóm vong niên gốc Bắc Kỳ khuyên nên bám lấy thành phố, vì kinh nghiệm của người ở ngoài Bắc vào cho biết dù ở miền Bắc cộng sản, đời sống ở thành thị luôn luôn dễ thở hơn, ít bị chèn ép hơn ở thôn quê.

Sau đó, NHA được anh bạn giới thiệu vào dạy ở trường Lê Bảo Tịnh, và anh chọn môn thể dục thể thao vì môn này không phải sử dụng trí não, đỡ mệt với chuyện chính chị chính em dưới chế độ mới.

Chính trong thời gian này, cùng với những rung động của mình trước người khác phái, NHA đã sáng tác những ca khúc đầu tiên của anh. Dĩ nhiên là tình ca.

Qua năm 1977, dù được bà hiệu trưởng hứa cho đi học đại học thể dục thể thao để vào “biên chế”, NHA cũng xin nghỉ dạy vì đã bắt đầu chán chế độ tới tận cổ, chỉ muốn dành thì giờ tìm cách vượt biên. Cũng vào thời gian này, NHA bắt đầu sáng tác những bản thân phận ca.

Ngày 30/4/1980, đúng 5 năm sau ngày Sài Gòn bị thất thủ, NHA cùng với 153 thuyền nhân khác, trên một chiếc ghe dài 12 mét, vượt biên thành công tới đảo Kuku thuộc Nam Dương, và vài ngày sau được đưa tới Trại tỵ nạn Galang.

Tại Galang, NHA được trao chức vụ Trưởng ban Văn nghệ kiêm Trung tâm trưởng Trung tâm Sinh hoạt Thanh thiếu niên (Youth Center).

Nguyễn Hồng Anh (kiếng tròn) trình diễn ca khúc “Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương” với sự phụ họa của người em trai (cầm micro) và các thân hữu, ban nhạc “Yêu Thương” trong đêm 13.10.1980 tại trại tị nạn Galang , Indonesia qua chương trình nhạc chủ đề “Thân Phận Ca” gồm các ca khúc của tác giả. Hình cung cấp

Thời gian hơn 12 tháng sống tại trại tỵ nạn, NHA đã sáng tác thêm một số ca khúc viết về thân phận, thực hiện một tập thân phận ca gồm 20 ca khúc viết bằng ba ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, và tổ chức một đêm trình diễn sáng tác của mình.

Tháng 6 năm 1981, NHA cùng ba người em trai được đi định cư tại thành phố Adelaide, tiểu bang Nam Úc; và tới cuối năm, di chuyển sang thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria. Tại đây, khi đã quá cái tuổi tam thập nhi lập, NHA mới lập gia đình, và tới năm 1986, theo lời tâm sự nửa đùa nửa thật của anh, “di truyền âm nhạc” từ máu cha đã nhường chỗ cho “di truyền kinh doanh” trong máu mẹ, NHA ra mắt tờ Tivi Tuần-san. Lẽ dĩ nhiên, ở Việt Nam bà cụ rất hài lòng, bởi từ trước tới nay, bà chưa bao giờ muốn cho các con học nhạc và theo đuổi nghiệp cầm ca.

Từ ngày ấy, chúng tôi không bao giờ thấy NHA ôm đàn trở lại. Cho tới cuối năm 2012.

Linh mục Dòng Tên Dominici người Ý (phải, sáng lập Bán Nguyệt San Tự Do tại đảo Galang) đang thăm hỏi Nguyễn Hồng Anh (mang kiếng tròn) sau khi dự đêm nhạc Thân phận ca của anh ngày 13.10.1980 tại trại tị nạn Galang, Indonesia. Hình cung cấp

Sông nước hữu tình

Qua hơn nửa đời giang hồ, giao kết và sinh hoạt văn nghệ, tôi có một nhận xét cá nhân là so với tỷ lệ dân số, miền Trung hình như có nhiều văn nghệ sĩ hơn các miền khác. Tôi tự giải thích như sau: về chủ quan, người miền Trung, nhất là dân Quảng, Thừa Thiên – Huế có truyền thống chuộng cái đẹp, thích phô diễn cái đẹp (gọi là “thích làm dáng”, không biết có phật lòng chăng?); về khách quan, khung cảnh hữu tình ở miền Trung đã ảnh hưởng không ít tới tâm hồn con người.

Cho nên, nói riêng về âm nhạc, đa số sáng tác của các nhạc sĩ gốc miền Trung đều là những ca khúc đẹp: Quê mẹ của Thu Hồ, Ai về sông Tương & Đôi mắt huyền của Văn Giảng, Bướm hoa & Trên sông Hương & Đêm đông của Nguyễn Văn Thương, Xuân và tuổi trẻ của La Hối, Đường xưa lối cũ & Tà áo cưới của Hoàng Thi Thơ, Sao đêm & Nắng chiều của Lê Trọng Nguyễn, Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên, Mưa rơi của Châu Kỳ – Ưng Lang, Tà áo tím & Đường nào lên thiên thai của Hoàng Nguyên…, và dĩ nhiên, không thể không nhắc tới Ướt mi, Diễm xưa, Chiều một mình qua phố, Nhìn những mùa thu đi… của Trịnh Công Sơn.

NHA may mắn sinh ra và lớn lên ở một làng quê rất đẹp, đó là làng Tân Mỹ, cũng là quê của hai người bác họ là nhạc sĩ Thu Hồ và nhạc trưởng Trần Văn Lý, thầy dạy đàn của nhiều người, trong đó có nhạc sĩ Lê Văn Thiện.

Làng Tân Mỹ thơ mộng vì nằm song song với ruộng đồng và con sông Hương ở đoạn cuối nhìn ra  biển Thuận An. Đoạn sông này rộng hơn một cây số; giữa sông, cách làng khoảng một trăm mét có cồn cát trắng dài chừng hai cây số gọi là Bãi Dương vì trên cồn có cả rừng phi lao (dương liễu). Theo lời kể của NHA, ngày còn làm thủ tướng, ông Ngô Đình Diệm đã từng về Bãi Dương dự lễ hội chày giã gạo và ông Ngô Đình Cẩn sau đó đã xây một trang trại nghỉ mát cuối làng Tân Mỹ, sử dụng cho đến khi xảy ra cuộc đảo chính năm 1963.

Nửa thế kỷ sau khi Nguyễn Hồng Anh cùng gia đình rời làng quê của anh, ngôi thánh đường Giáo xứ Tân Mỹ đối diện Bãi Dương vẫn còn đó nguyên vẹn, với tượng Đức Mẹ Ban Ơn trước tiền đường trên cao nhìn ra hướng biển Thuận An, quanh mái vòm đúc 2 chữ  La-tinh  Stella Maris (Sao Biển) và hai câu đối chữ Nho  hai bên tượng do Linh mục Nguyễn Văn Thích đề tặng, có nghĩa “Biển không nổi sóng không phải biển/ Sao sinh mặt trời sao rất sáng”. Hình chụp ngày 16.7.2010 nhân dịp kỷ niệm 125 năm thành lập Giáo xứ Tân Mỹ. Nguồn hình: Ban truyền thông Tổng Giáo phận Huế

Cùng với việc lớn lên bên sông nước hữu tình, NHA còn xuất thân từ một gia đình có truyền thống âm nhạc. Trong số năm anh em trai hiện đang sinh sống ở Melbourne, có ít nhất bốn người biết đàn hát: NHA, người em kế hát nhạc pop rất hay, và hai người em áp út đàn guitar và bass.

Ông bố của NHA là người đàn phong cầm (harmonium) trong nhà thờ, còn thân mẫu cũng xuất thân từ ca đoàn. Cùng với tài đàn phong cầm, ông bố còn đàn mandoline và có giọng hát rất ấm. Vào năm lớp Ba (Grade 4 ngày nay), NHA bắt đầu học đàn lóm mỗi khi thấy ông đàn và hát bản Biệt ly của Doãn Mẫn; đó là bản nhạc đầu tiên NHA tập đàn bằng mandoline. Năm lớp Nhì, NHA lại mê đàn guitar vì nghe được hợp âm.

Anh mơ ước có một guitar nhưng vì bà mẹ không bao giờ muốn cho con trai học đàn, cho nên kể cả khi đã lên trung học, gia đình khá giả hơn, anh cũng không có được.

Nhưng NHA không chỉ mê đàn mà còn thích hát. Nhân nói tới việc mẹ không cho học đàn, NHA hồi tưởng nỗi ấm ức khi không được hát trong kỳ thi lấy bằng Tiểu học. Nguyên vào thời ấy, khi đi thi Tiểu học, học sinh được chọn một trong hai môn nhiệm ý là đọc thuộc lòng hoặc hát. NHA chọn môn hát vì lúc đó anh đã biết đàn mandoline, biết đọc nốt nhạc và biết hát – một chuyện hơi “khó tin” bởi vì ở trường làng của các nữ tu Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm  Phú Xuân không dạy nhạc. Chính vì cho rằng NHA hát không được, các Chị (ở Huế các nữ tu dòng này được gọi là Chị  chứ không phải Xơ) “không có con mắt tinh đời” đã bắt anh phải chọn môn đọc thơ thuộc lòng!

Nhưng cũng nhờ bị “ếm tài” mà ngày nay, cậu học trò lớp Nhất của hơn nửa thế kỷ về trước vẫn còn… thuộc lòng bài thơ (ca dao) đã đọc trong kỳ thi Tiểu học:

Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nuớc biếc như tranh họa đồ

Thương em anh cũng muốn vô

Sợ truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang…

Trở lại với chuyện đàn địch, phải đợi tới khi lên Đà Lạt học đại học, xa nhà muốn làm gì thì làm, NHA mới mua được cây guitar đầu tiên, và tự mày mò tập đàn, không nhờ một ai hướng dẫn.

Thời gian này, mỗi khi từ  Đà Lạt về Sài Gòn, NHA thường ở lại nhà bác (nhạc trưởng) Trần Văn Lý. Sau năm 1975, dù tay đã “cứng” nhưng vì quá rảnh rỗi và cũng vì mê tiếng đàn piano, NHA xin bác dạy đàn cho mình, nhưng chỉ được hai ba buổi thì vượt biên thành công.

Ngoài ra, NHA còn tự học thổi sáo và khẩu cầm (kèn harmonica) là hai nhạc cụ “rẻ tiền”. Ngày còn là sinh viên, anh có sáng kiến lấy băng keo dán kèn harmonica vào thành đàn guitar để có thể sử dụng được cả hai nhạc cụ. Lúc ấy, anh không hề biết rằng ở phương tây, các ca nhạc sĩ nổi tiếng như John Lennon của ban Beatles, ông vua du ca Bob Dylan của Mỹ, cũng vừa đàn guitar vừa thổi harmonica, có khác chăng là họ đeo trên cổ một cái khung để làm “giá” giữ cây kèn.

Như vậy, có thể nói NHA không có căn bản về đàn, nhưng riêng tiếng guitar của anh thì rất có hồn. Hình như càng có nhiều chất “men”, càng có hồn!

Còn giọng hát của NHA, tuy anh cho biết thua xa giọng của ông bố, nhưng vào những năm từ 1982 tới 1985, nghe anh hát trong các buổi trình diễn ở nơi công cộng cũng như họp mặt thân mật, chúng tôi cho là rất ấm, và khá mạnh. Rất tiếc, 30 năm sau anh mới chịu thu đĩa!

Trước năm 1975, thời gian đã tốt nghiệp và có nghề chuyên môn, NHA vẫn ước mơ được theo nghiệp cầm ca. Anh thường đi theo bạn bè tới các vũ trường, không phải vì mê nhảy đầm mà vì anh rất thích hát trong khung cảnh này (hát cho mọi người nhảy). Anh thường xin ban nhạc cho mình hát những ca khúc bằng tiếng Pháp theo điệu slow hay pasodoble; lẽ dĩ nhiên ban nhạc rất “hoan hỉ” khi có người “đỡ việc” cho họ.

Có lần khi tham dự một buổi tiệc, một người Mỹ nói với NHA rằng anh được làm việc cho SGV (Certified Public Accountants) là một điều may mắn, vì sẽ có tương lai rất tốt đẹp, anh bèn trả lời rằng anh thích làm một “singer” hơn là một “auditor”, bởi cái nghề kiểm toán này chán quá!

Những ca khúc điển hình…

Nhận xét những sáng tác của NHA, trước hết nói về hình thức, bởi vì anh cho biết “không qua một lớp học hay được ai hướng dẫn cả, cứ mò mẫm làm”, và sáng tác hoàn toàn theo hứng, cho nên chúng tôi cũng không thể đem khuôn vàng thước ngọc (hòa âm, cân phương, đối điểm, nhạc ngữ…) ra để đánh giá. Còn nói về cái “hồn” trong các ca khúc ấy, chúng tôi cho rằng nên để người thưởng ngoạn tự cảm nhận.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin giới thiệu 5 ca khúc điển hình. Đó là 4 bản đã được đưa lên trang mạng YouTube, là Của hồi môn, Thiền sư xuống núi, Đêm đại dương, Dòng máu Việt Nam, và một bản mới thu âm xong là Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương.

Của hồi môn  Thiền sư xuống núi có lẽ là hai tình khúc hay nhất của NHA. Cả hai bản đều được sáng tác khi còn ở Việt Nam, nhưng trong khi Của hồi môn (viết năm 1976, lúc mới biết yêu ?) được viết theo thể điệu “new wave” sôi động (cũng có thể hát theo điệu “swing”) với lời hát thật dễ thương, ngây ngô (cố tình?) thì Thiền sư xuống núi, viết một năm sau đó theo thể điệu “slow” khoan thai, lại nói về cái hệ lụy tất yếu ở đời thường mà ai cũng muốn bị (hay được) vương vào: tình yêu!

Còn hai bản thân phận ca Đêm đại dương và Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương tuy đều được viết ở Trại tỵ nạn Galang, nhưng từ hình thức tới nội dung, cũng có sự tương phản. Đêm đại dương (1981) được viết theo thể điệu rumba – một thể điệu có sức diễn tả lôi cuốn, để nhớ lại 7 ngày đêm lênh đênh trên biển cả cùng với hơn 150 mạng người liều chết tìm tự do.

Còn Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương (1980) là sáng tác đầu tiên của NHA sau khi đặt chân tới Trại tỵ nạn Galang, với mục đích đóng góp cho buổi hội thảo “Trông Về Quê Mẹ” tổ chức vào ngày1/9/1980. Mặc dù NHA khiêm nhượng cho biết ca khúc này “được viết theo đơn đặt hàng”, nhưng theo chúng tôi, về hình thức, đây là ca khúc công phu nhất (mỗi đoạn được viết theo một thể điệu khác nhau), là khúc hát nặng tình quê hương nhất.  Hai chữ “quê hương” ở đây là tất cả – làng thôn xưa, thành phố cũ; bạn bè còn ở lại, cha ông đã nằm xuống, tuổi trẻ sẽ lớn lên; là quá khứ, là hiện tại, là tương lai; là vinh nhục, lỗi lầm, là tin yêu, hy vọng…

Còn Dòng máu Việt Nam, viết theo thể điệu “fox”, có thể xem là một bản du ca đúng nghĩa. NHA cho biết anh sáng tác bài này trong thời gian ngắn ngủi làm việc cho hãng xe hơi Holden vào khoảng năm 1984.

Công việc của NHA trong hãng là đóng gói các bộ thắng xe, một công việc khá nặng nhọc nhưng lại có những lúc rảnh rỗi khi chờ người kiểm phẩm (inspector) kiểm soát các bộ thắng trước đóng gói. Nhờ làm công việc này, có sẵn tờ giấy lớn trước mặt, một ngày nọ NHA đã viết sơ ca khúc Dòng máu Việt Nam trong hãng, và về nhà hoàn tất vào buổi tối hôm đó. Ca khúc này tương đối ngắn vì chỉ có một tiểu khúc (phiên khúc) và một điệp khúc, nhưng hát lên nghe rất “bắt”. Còn nhớ mỗi lần NHA trình diễn Dòng máu Việt Nam, nhà báo Hồ Công Lộ, một khuôn mặt rất quen thuộc trong các sinh hoạt cộng đồng, đều tấm tắc khen ngợi.

Vào tháng 8/2012, NHA đã viết thêm phiên khúc thứ hai (khi xem bản vẽ cổng chào Victoria Street Gateway  ở Richmond và liên tưởng tới tình hình biển Đông) cho ca khúc này, và sau đó đã tự mình trình bày để thu vào CD.

Cái hứng cuối mùa…

Nhưng tại sao sau gần 30 năm quên đàn hát để “chỉ lo làm ăn”, vào tuổi hơn “sáu bó”, phong độ chẳng còn bao nhiêu, NHA lại ca hát trở lại và thực hiện CD? Câu trả lời của anh thật ngắn gọn, nguyên văn: “cái hứng cuối mùa”!

Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương (1980) là sáng tác đầu tiên của NHA sau khi đặt chân tới Trại tỵ nạn Galang… về hình thức, đây là ca khúc công phu nhất (mỗi đoạn được viết theo một thể điệu khác nhau), là khúc hát nặng tình quê hương nhất.  Vài góc hình ảnh khán thính giả trong đêm nhạc Thân phận ca của NHA  13.10.1980 tại trại tị nạn Galang. Hình cung cấp

Trở lại với năm 1981, vài tháng sau khi định cư tại Adelaide, NHA được người thân ở Mỹ gửi cho cuốn băng cassette “Siêu Âm 1” do Thanh Thúy thực hiện, trong đó có bốn ca khúc của anh là các bản Chuyện của tôi (do Thanh Thúy hát), Biển vắng (Vân Thanh), Sao ta còn ngồi đây (Hải Lý), và Còn nỗi buồn (Jeannie Mai, bản này NHA viết chung với em trai là Nguyễn Văn Khâm).

Mặc dù ngạc nhiên, thích thú trước việc nhạc của mình được các ca sĩ nổi tiếng hát, NHA cũng lấy làm tiếc khi hai bản anh thích nhất là Hòa bình lừa dối  Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương lại bị bỏ sót. Rồi trong bối cảnh lúc ấy (khí thế và tâm trạng của người Việt tỵ nạn), thấy những bài nói về “thân phận” của mình lại được phát hành trong một cuốn băng nhạc khiêu vũ, NHA viết thư than phiền với Thanh Thúy, thì được người nữ danh ca này trả lời rằng việc chọn ca khúc là do nhạc sĩ Lê Văn Thiện – người trước kia ở Galang cùng thời với NHA và được anh tặng tập “Thân phận ca”. Đồng thời, Thanh Thúy cũng gửi tặng NHA mấy cuốn cassette.

Rồi ngày tháng qua đi, bận rộn với sinh kế, nhất là sau khi ra tờ TiVi Tuần-san, NHA đã hoàn toàn quên chuyện văn nghệ văn gừng của ngày trước, cả đến mấy cuốn cassette do Thanh Thúy gửi tặng cũng không còn giữ lại. Sau này khi rỗi rảnh, thỉnh thoảng nhớ lại ngày xưa mình cũng đã từng làm nhạc, có muốn cùng vợ nghe lại bốn bản trong băng cassette của Thanh Thúy cũng đành chịu. Mãi cho tới giữa năm 2012, khi lên Internet mới tìm và nghe được những bài hát của mình trên YouTube, được liệt vào thể loại nhạc “trước 1975”, có ghi tên ca sĩ, còn nhạc sĩ  thì không biết là ai.

Cũng vào giữa năm 2012, sau chuyến du lịch Ấn-độ, nhân viết bút ký về các di tích của Phật như  Bồ Đề Đạo Tràng, Vườn Lộc Uyển, NHA có “khoe” với độc giả rằng ngày xưa mình từng làm hai bản nhạc về thiền là Thiền sư xuống núi   (Thiền sư) Lên núi; sau đó một độc giả Phật tử đã điện thoại tới khen lời hát trong bài Lên núi, và hỏi tại sao không nhờ người thực hiện mấy bản đó. Từ đó, NHA bắt đầu có ý muốn phát hành nhạc của mình.

Tới một ngày nọ, một người đàn em ở Trường Chính Trị Kinh Doanh ngày xưa là Lê Phú đem tới tặng NHA cuốn CD anh vừa thực hiện và đã tổ chức ra mắt ở vùng Footscray. Qua câu chuyện trao đổi giữa hai người, Lê Phú rất ngạc nhiên khi biết ngày xưa NHA cũng viết nhạc, và nói NHA đưa cho anh một bản để nhờ người ta thực hiện thử xem sao. NHA trao bản Thiền sư xuống núi.

Khoảng một tháng sau, NHA nhận được bản đã thu âm. Nghe xong anh rất thích thú, đưa lên YouTube để thiên hạ nghe cho vui, và nhờ thực hiện thêm vài bài nữa. Càng nhận được các bài mới, anh càng thích thú và có ý định sẽ thực hiện một cuốn CD cùng với một cuốn hồi ký về nghề làm báo để ra mắt vào năm 2015, nhân dịp tưởng niệm 40 năm ngày mất Sài Gòn và kỷ niệm 30 năm ngày ra mắt TiVi Tuần-san.

Nhưng cứ mỗi bài được thu âm xong, NHA lại thêm hứng thú, mà anh gọi là “cái hứng cuối mùa”, nên anh đã chuyển ngữ mấy bản viết bằng tiếng Anh và tiếng Pháp sang tiếng Việt, rồi cho thu âm cả hai thứ tiếng. “Thừa thắng xông lên”, NHA lần lượt cho thu tất cả những bài đã làm ngày xưa, quyết định sẽ thực hiện ba cuốn CD, mỗi năm ra mắt một cuốn, hoặc sớm hơn chứ không đợi tới năm 2015 như dự trù lúc ban đầu.

Bên cạnh “cái hứng cuối mùa” của NHA, không thể không nhắc tới sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần của người bạn đời. NHA cho biết sau khi nhờ thu âm bản Thiền sư xuống núi, chính vợ anh đã gợi ý việc thực hiện CD, và sau đó đã “hộ tống” chồng tới studio để thu bản Dòng máu Việt Nam. Gần đây, khi không tìm được ca sĩ có giọng thích hợp để hát bản Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương, cũng chính bà vợ của NHA đã khuyến khích chồng “tới luôn”, dù anh tự cho rằng mình “không còn hơi nữa”!

Bên cạnh ‘cái hứng cuối mùa’ của NHA, không thể không nhắc tới sự khuyến khích, cổ vũ tinh thần của người bạn đời…” (Vợ chồng NHA, Kew Studley Park, năm 2013. Hình cung cấp)

Vẫn biết mỗi người trong chúng ta yêu âm nhạc theo cách cảm nhận của riêng mình, và yêu với một mức độ khác nhau, nhưng theo lẽ thường, những người viết nhạc, nhất là viết nhạc không vì cơm áo, phải có cảm nhận sâu sắc hơn, say mê hơn. Cho nên có thể kết luận, 30 năm không hát, không cầm đàn, không có nghĩa là tình yêu âm nhạc đã chết trong lòng NHA. Nó chỉ tạm vắng bóng, và nay đã trở lại.

Một trong những điều mâu thuẫn trong kiếp nhân sinh là khi còn ở tuổi thanh xuân, người ta luôn mơ ước, khát khao một tương lai huy hoàng rực rỡ, để rồi tới mùa thu của cuộc đời, lại có khuynh hướng hoài niệm tuổi thanh xuân đã qua, đã mất. Sự hoài niệm ấy đem lại cho chúng ta niềm hạnh phúc bâng khuâng hay nỗi hối tiếc muộn màng là tùy thuộc tuổi thanh xuân ấy là một thời để nhớ hay chỉ là một quá khứ đáng vùi quên.

NHA cho biết anh đã cảm nhận được niềm hạnh phúc khi nhớ về. Và, nguyên văn lời anh, “nếu hứng đến, tôi có thể sẽ viết thêm một hoặc hai bản chiêm nghiệm cuộc đời, như là ‘chung khúc’ của một kiếp nhân sinh trên cõi đời này”.

Hoài Nam

Melbourne – Đông Chí 2013

(Trích báo in TiVi Tuần-san số 1427 phát hành ngày 31.7.2013)

Các ca khúc của Nguyễn Hồng Anh

Tại Sài Gòn:

1.Em là hoa (1976)

2.Cứ yêu em (1976)

3.Nhớ những buổi chiều (1976)

4.Tình mê (1976)

5.Mưa đầu mùa (1976)

6.Dư hương  (1976)

7.Của hồi môn (1976)

8.Em đi về đâu (1976)

9.Xuân Ly (1977)

10.Thiền sư xuống núi (1977)

11.(Thiền sư) Lên Núi (1977)

12.Nhớ nhớ thương thương (1977)

13.Nghe về nỗi nhớ (1977)

14.Chuyện của tôi (1977)

15.Giấc mơ bên sông (1977)

16.Sao ta còn ngồi đây (1977)

17.Hòa bình lừa dối (1977)

18.Everybody wanna go away (1978)

19.Come to me baby for the last time (1978)

20.Round and round the world (1979)

21.The caged bird (1979)

22.Boat people dance (1979)

23.God has to know (1979)

24.Il est temps de partir (1979)

25.Kiếp sau xin chớ làm người (1979)

Tại trại tị nạn Galang:

26.Chiều viễn xứ chiều nhớ quê hương (1980)

27.Còn nỗi buồn (1980 với Nguyễn Văn Khâm)

28.Bao giờ cho quên (1981)

29.Biển vắng (1981)

30.Đêm đại dương (1981)

Tại Melbourne:

31.Đường về quê (1982)

32.Tôi hỏi tôi (1983)

33. Dòng máu Việt Nam (1984)

34. Như người Việt Nam (1984)

Ghi chú của TVTS: Tác giả NHA còn “nổi hứng” sáng tác thêm 10 ca khúc trong thời gian năm 2014 đến 2016, và cũng đã được đưa lên mạng… như Đứng dậy dân ta ơi, Từ Bạch Đằng đến Biển Đông, Melbourne thành phố của tôi, Đời Cho Ta, Mùa thu cuộc đời, Trăm măm một đời v.v…