“NHƯ NGƯỜI VIỆT NAM”: chân dung con người và đất nước

02 Tháng Một, 2014 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

 

Nguyễn Hồng Anh, tác giả của 36 ca khúc đã được viết cách đây ba thập niên nay mới bắt đầu cho lưu hành

 

Vào cuối tháng 12 này, thính giả sẽ có dịp đón nhận thêm 12 ca khúc trong loạt 36 ca khúc của Nguyễn Hồng Anh (NHA), được ông sáng tác vào những thập niên 1970, 1980 (đã phát hành vào ngày Noel, TVTS chú thích).

 

Cũng như cây viết Hoài Nam đã từng đề cập đến trong bài “Một thời để nhớ” trên TiVi Tuần-san 1429 số ra ngày 14.8.2013,  “cái hứng cuối mùa” của ông Nguyễn Hồng Anh (NHA) sẽ không chỉ dừng lại ở một CD-1 mà ông sẽ “thừa thắng xông lên” để ra mắt những đứa con tinh thần khác của mình trong thời gian sắp tới.

 

Và quả thật chỉ sau 3 tháng ra đời của CD-1, NHA sắp lại trình làng một CD thứ hai với tựa đề “Như người Việt Nam”.

 

Nếu những ai đã có lần nghe qua một trong những tình khúc của CD-1, CD đầu tay của NHA, hẳn sẽ cảm nhận được dòng nhạc của NHA là thế nào.

 

Tuy rằng sự cảm nhận của mỗi người có những nét đặc trưng riêng, nhưng điều mà mọi người có thể thấy đó là dòng nhạc của NHA rất đa dạng. Dòng nhạc của ông bao gồm rất nhiều lĩnh vực: tình yêu trai gái, quê hương đất nước, thân phận con người và đời sống tâm linh.

 

Điển hình như hai bài hát của CD-1, được Hoài Nam đánh giá là hai bài hát hay nhất, đó là: Của hồi môn và Thiền sư xuống núi.

 

Của hồi môn mang đến cho người nghe một điệu nhạc vui vẻ lãng mạn về tình yêu đôi lứa, một viễn ảnh tương lai đầy hạnh phúc của một cặp uyên ương sắp cùng nhau chung sống dưới một mái ấm.  Trong khi ấy, Thiền sư xuống núi lại nói đến người đã xa lìa thế tục từ lâu nhưng rồi lại muốn quay lại với tục trần để nếm trải được sự ngọt bùi cay đắng của kiếp nhân sinh.

 

Tôi là một người may mắn vì có dịp được thưởng thức toàn bộ 36 tác phẩm của NHA, từ giai đoạn thu âm cho đến khi hoàn thành. Một số những bài hát của ông dường như đều được tôi “thưởng thức” mỗi ngày. Có lẽ vì được nghe nhiều lần, nên đôi khi có một vài bài hát nó thường xuất hiện trong đầu tôi mỗi khi rảnh rỗi.

 

Tôi xin kê ra đây 12 bài hát sẽ nằm trong CD2:

 

Như người Việt Nam (1984)

Xuân ly (1977)

Chuyện của tôi (1977)

Điệu vũ thuyền nhân – Boat people dance (1979)

Bao giờ cho quên (1981)

Nhớ nhớ thương thương (1977)

Chim trong lồng – The caged bird (1979)

Biển vắng (1981)

Nghe về nỗi nhớ (1977)

Thiền sư lên núi (1977)

Tôi hỏi tôi (1982)

Lời nguyện cho quê hương (1984)

 

Nguyễn Hồng Anh đang trình bày vài ca khúc của ông cho bạn bè cùng lớp khóa 6 Chính Trị Kinh Doanh nhân dịp đón vợ chồng một người bạn học cũ từ San Francisco, Hoa Kỳ  sang thăm Melbourne trong mùa Giáng Sinh 2013

 

 

Tôi hiểu rằng nếu chỉ dùng bút mực thôi thì không thể diễn tả hết được những tâm ý trong từng nhạc phẩm của NHA, nhưng tôi hy vọng mình có thể diễn tả được một phần nào đó tâm sự mà tác giả muốn gởi đến người nghe. Ngoài ra, trong một bài viết tôi cũng không thể lần lượt đi từng bài hát, vì tôi biết tôi cần để lại một sự đánh giá chân tình cho người nghe nhạc NHA, đồng thời tôi cũng không muốn “múa rìu qua mắt thợ” vì tôi tự nhận biết bản thân cũng không thể diễn tả hết được tâm tình của ông qua từng bài hát.

 

Như người Việt Nam  là tên của bài hát đã được NHA dùng làm chủ đề của CD-2. Có lẽ chính vì lời bài hát trong ca khúc đầy ý nghĩa đã khiến cho ông dùng nó để “chọn mặt gởi vàng” cho CD mình.

 

Trong dòng nhạc chậm rãi và tha thiết của thể điệu slow rock, ngay khi bắt đầu vào bài hát, thính giả  đã được nghe lời mời  gọi tha thiết đến hai lần:

 

“Hãy sống như người Việt Nam

Hãy sống như người Việt Nam”

 

Và rồi những tính cách của Việt tộc như:

 

“Việt Nam có trước có sau

Có tình đồng bào tình nhân loại”

 

Và còn gì rung động hơn khi cảm nghiệm giòng sinh mệnh dân tộc bằng con tim:

 

“Hãy thở hơi thở Việt Nam

Hãy thở hơi thở Việt Nam

Việt Nam trong tim tôi

Hơi thở bốn ngàn năm

Việt Nam trong mắt tôi

Ánh sáng mãi ngàn năm…”

 

Ở điệp khúc, NHA nói lên tinh thần của dân mình trải qua bao thăng trầm của lịch sử:

 

“Là Việt Nam,

Không biết hững hờ

Dù có bơ phờ,

Dù có tang thương

Dù có đế vương

Vẫn là người Việt Nam”.

 

Khi nghe phiên khúc cuối của bài hát này,  chắc hẳn sẽ có nhiều người tự đặt câu hỏi cho mình: Tại sao phải sống và chết như người Việt Nam?

 

Bởi vì người Việt vẫn còn phải đấu tranh để  đem lại tự do và hạnh phúc cho đồng bào. Đấu tranh thì phải hy sinh, có thể phải đối đầu với cái chết, với một niềm tin sắt son một ngày nào đó:

 

“Việt Nam qua cơn đau, tiếng thơm ngát địa cầu”

 

để được:

 

“sống là người Việt Nam, chết là người Việt Nam”.

 

Quả thật, dù hoàn cảnh của đất nước mà phải lưu lạc ở phương trời nào, giòng máu đang rực cháy trong người vẫn là giòng máu của người Việt Nam, giòng máu bất khuất của tổ tiên.

 

Bài hát tiếp theo trong CD này mà tôi muốn nhắc đến đó là bài Chuyện của tôi. Bài hát này đã được ca sĩ Thanh Thúy thâu băng từ rất lâu, nhưng nay đã được NHA cho hòa âm lại theo thể điệu rumba bolero, rất buồn và trầm lắng, được thể hiện bằng giọng hát của một nam ca sĩ có chất giọng rất mượt mà trầm ấm.

 

Chuyện của tôi nói về một câu chuyện của tầng lớp trí thức như tác giả đã phải giã từ bút nghiên tìm về những nơi hoang vắng để làm ruộng và cày cấy. Sau khi đất nước đổi chủ, cuộc sống của mọi người trở nên khó khăn, tầng lớp trí thức thời bấy giờ không có cơ hội để tiếp tục làm công việc chuyên môn của họ mà phải  dầm sương dãi nắng để nuôi sống gia đình và bản thân. Có kẻ bị đày đọa về vùng kinh tế mới, có kẻ tự lưu đày về ruộng rẫy như tác giả.

 

Ở nông thôn có những tiếng oán than vang lên khi đến mùa thu hoạch những người chân lấm tay bùn này lại không thể hưởng được những công lao mà họ bỏ ra mà phải ngậm đắng nuốt cay chứng kiến cảnh bóc lột:

 

“Lúa ngô khoai bao là trông đợi

Lúa ngô khoai cuối mùa trông đợi

Chỉ gặt chăng là nước mắt thôi,…

ruộng của tôi lúa ngô khoai của người”

 

Tại thành thị, ngay cả con đường thân quen hàng ngày của họ từng đi qua giờ đây cũng trở nên xa lạ vì nó không còn là của họ nữa:

 

“Phố năm xưa bây giờ không còn

Phố thân yêu nay là của người

Chạy ngược xuôi đời thế mà thôi”.

 

Sau sự mở đầu của những tình khúc buồn cho số phận thì NHA đã đan xen vào đó ca khúc Boat people dance (Điệu vũ thuyền nhân) được ông sáng tác bằng ngoại ngữ vào năm 1979. Bài hát này được thể hiện qua giai điệu cha cha cha  blues rock, một giai điệu tuy nhộn nhịp  nhưng để lại cho người nghe một cảm giác bồn chồn ray rứt. Với ca từ của ca khúc này, NHA đã diễn tả rất chân thật cảm nghiệm của những người tìm tự do bằng thuyền lênh đênh trên biển.

 

Nổi bật rất là những câu hát:

 

“Ôm nhau nhảy như điên,

Điệu luân vũ không tên,

Ôm nhau ói liên miên,

Nhảy đêm nhảy suốt ngày”.

 

Những ai đã từng trải qua giai đoạn đánh đổi mạng sống của mình trên biển cả mênh mông, hẳn sẽ cảm nhận được những ca từ trong bài hát này một cách rất sâu sắc.

 

Điều đáng nói trong ca khúc này đó là tác giả đã viết theo dạng song ngữ, vừa tiếng Anh vừa tiếng Việt, để khắc họa lại bức tranh một đoàn người lênh đênh trên biển trong một chiếc thuyền. Với cách sử dụng song ngữ, tâm sự của ông sẽ không chỉ dừng lại cho dân mình, mà nó còn đi rất sâu và xa cho những sắc dân khác cùng cảnh ngộ.

 

Nếu như trong CD-1 chính tác giả đã trình bày thành công ca khúc Chiều viễn xứ, chiều nhớ quê hương, thì cũng trong CD-2 của dòng nhạc thân phận ca, NHA sẽ đạt tới đích với ca khúc Bao giờ cho quên.

 

Bài hát này tôi đã may mắn được nghe khi ông đang thu âm tại phòng thu. Khi nghe ông hát bài này tôi rất thích và tôi thấy chạnh lòng vì cảm giác xót xa cho thân phận một người con gái.

 

Tuy ông từng nói rằng mình “không còn hơi nữa” để hát hò, nhưng dường không đúng lắm vì ông đã thể hiện bài Bao giờ cho quên  đầy cảm xúc và tha thiết. Cách ông thể hiện bài hát đã để lại cho người nghe một tâm trạng sâu lắng, một sự cảm thông cho kiếp người mang nhiều đắng cay, cũng vì vận nước mình. Điển hình đó là cô gái, một nạn nhân đáng thương, đang trên đường tìm đường tự do.

 

Cô gái này đã không may khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để tìm đến chân trời tự do, có ai ngờ đâu trên đường bôn ba vượt biển cô đã gặp phải những tên cướp biển, để rồi đời hoa của cô đã bị dẵm nát. Cuộc đời của cô chỉ còn lại một nỗi đau chất chứa không thể nào nguôi. Nỗi căm hờn và đau thương này có nguôi chăng chỉ là khi con người nằm xuống, nhắm mắt xuôi tay bỏ lại trên trần gian những đau thương và tủi nhục.

 

Khi đã qua đi nỗi tủi nhục của cô gái, NHA lại làm cho người nghe tự đặt ra nhiều câu hỏi cho bản thân qua bài hát: Tôi hỏi tôi.

 

Tôi hỏi tôi là một trong những bài hát làm tôi “mê” nhất. Tôi nhớ lần đầu tiên khi tôi được nghe bài hát này là lúc buổi trưa tôi đang làm việc khi bài hát vừa được hòa âm xong. Vào tối hôm đó, tôi đã nghe đi nghe lại bài hát này. Tôi không thể nhớ bao nhiêu lần tôi đã nghe nó, nhưng tôi chỉ nhớ một điều là tôi đã để chế độ “lập lại” (repeat) trong máy vi tính và nghe nó suốt đêm.

 

Tôi cũng không thể lý giải tại sao tôi lại quá thích bài hát này, nhưng khi tôi nghe nó tâm hồn tôi rất xao xuyến, buồn vui lẫn lộn. Những ca từ trong bài hát luôn đọng lại trong tâm trí tôi và nó khiến tôi cũng cảm thấy bùi ngùi.

 

Tôi thuộc thế hệ sinh ra sau chiến tranh, và tôi tự đặt ra câu hỏi cho mình: nếu tôi sống vào thời loạn ly đau thương của đất nước mình thời đó, liệu tôi sẽ làm gì và tôi sẽ sinh tồn được không? Cũng có thể tôi bị ảnh hưởng của cách hòa âm của bản nhạc khi tác giả chọn điệu nhạc slow, một điệu nhạc da diết và sâu lắng. Chính vì sự da diết này nên đã chuyên chở thành công bài hát Tôi hỏi tôi của NHA.

 

Kết thúc CD-2 của NHA là một bản hợp ca với tựa đề Lời nguyện cho quê hương. Bài hát này cũng là một trong những bài hát nằm trong “danh sách yêu thích” của tôi đối với những nhạc phẩm của NHA.

 

Bài hát được hòa âm theo giai điệu marche. Đây có thể coi là một bản hùng ca rất hay của NHA với nhiều ca từ rất ý nghĩa như:

 

“Trong bao năm đấu tranh gian khổ nhọc nhằn

Người vì dân người vì nước hiến thân

Từ nơi đầm nước mặn

Và tới rừng núi xa xăm…

Ngước trông quê nhà

Ta quyết chung một lời nguyện

Lời nguyện thiết tha

Nguyện Ơn Trên ban bình yên cho đất nước

Để Trung Nam Bắc

Giang sơn bền vững muôn đời”

 

Quả thực đã biết bao nhiêu thế hệ phải hy sinh để cho đất nước được tự do, độc lập, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đe dọa lãnh thổ và xâm chiếm biển đảo của Việt Nam.

 

Lời nguyện cho quê hương là một ca khúc được viết với tầm nhìn xa vượt lên khỏi mọi ý thức hệ. Bài này đã được ban hợp ca hát rất thành công, nhưng như nhận xét  của một nhạc sĩ hòa âm, giá mà Lời nguyện cho quê hương được một dàn giao hưởng trình bày  thì ca khúc này có thể sẽ để lại một dấu ấn trong lãnh vực sáng tác của NHA. Biết đâu?

 

HNL, Giáng sinh 2013

 

(Trích báo in TVTS số 1447 phát hành ngày 18.12.2013)