Đừng nghe dễ làm giàu nhanh mà tưởng bở. Vài câu chuyện đầu tư địa ốc, rượu…

Thật vậy, Mít ta mê địa ốc lăm lắm nên Thụy Văn tôi cứ đùa dai rằng “Nếu không có trên hai căn nhà thì chưa phải là người Việt tị nạn”.

 

Kiện tụng về việc mua bán apartment

 

Một độc giả của TVTS vào ngày Thứ Bảy 30.4.05 đã phô tô bài báo trong ngày của nhật báo The Age ở trang 7  gởi cho chủ bút TVTS với lời nhắn “…Gởi ông bài hôm nay của The Age về tình trạng thực tế của apartment city đang xảy ra, chắc ông cũng đã biết. Vậy mà có vài tờ báo ở Melbourne vẫn cứ cố tình tảng lờ lúc nào cũng đưa những thông tin rất sai lạc như giá nhà sẽ tăng, lãi xuất cố  định. Hy vọng ông sẽ có bài viết về tình hình thực tế này vì vừa qua có quá nhiều người Việt mình đã trót dại đeo gông vào cổ qua những quảng cáo như vậy!”.

 

Không biết độc giả này có bị “trót dại” chưa nhưng thực tế là có nhiều người đã “bị đeo gông  vào cổ” vì mua apartments  như báo chí đã đăng trong một hai năm qua, kể từ cái ngày ông trùm “trẻ tuổi tài cao” Henry Kaye bị tố cáo đánh lừa hay hướng dẫn sai lạc người ta mua apartment bằng cách mở lớp dạy đầu tư rồi  bán địa ốc để làm giàu nhanh.  Bạn đọc còn nhớ cái nhà ông Kaye này quảng cáo trên báo rằng ông ta sẽ biểu diễn cho một số người trở thành triệu phú mà không bỏ một cắc vốn nào?

 

Trong bài báo có tựa Buyers sued over Docklands apartments (Các người mua bị kiện về các apartments trên Docklands)  nhà báo Aileen Keenan cho biết có 19 người mua đã bị kiện tại Tòa Thượng thẩm vì từ chối  thanh toán tiền mua apartment ở cao ốc Watergate trong khu Docklands và vụ này cũng như  nhiều vụ tương tự trước đây, đã đặt ra những câu hỏi đối với những bảo đảm mà các mại viên đưa ra cũng như  những kỹ thuật dùng để nhử người mua.

 

Theo ký giả Keenan, có hơn 30 nhà đầu tư Á Châu ở cao ốc Tower Five của Mirvac trong khu Yarra’s Edge cho rằng họ đã bị hướng dẫn sai lạc về màu sắc của cao ốc khi hoàn tất. Nhiều vụ khác trước tòa liên quan đến lợi nhuận tư bản (capital gain- lời trên vốn đầu tư) hay tiền cho thuê sẽ có mà các mại viên bảo đảm.

 

Khi số apartment của Watergate được bán năm 2001, thị trường địa ốc Melbourne đang bùng nổ tột đỉnh.  Việc thanh toán các apartment trong cao ốc đôi Watergate hoàn tất trong tháng Giêng. Trả lời đơn kiện của nhà thầu xây cất Pan Urban, các nhà đầu tư tại Watergate đổ thừa thái độ không đúng cách của các mại viên từ  Colliers International và Aldy,  được công ty Pan Urban chỉ định để bán 285 căn trong tổng số 349 cái apartment.

 

Họ cho rằng các đại diện bảo đảm các apartment sẽ tăng giá đến 20% trong một năm và các chủ nhân sẽ chẳng khó gì khi búng tay một cái là bán được trước cả ngày thanh toán chung cuộc. Vài người đặt vấn đề về giá trị pháp lý của các hợp đồng vì cho rằng không rõ ràng, tuy nhiên sự bào chữa của họ tập trung vào thái độ cẩu thả (unscrupulous conduct)  của các đại diện bán hàng.

 

Theo ký giả Keenan, Tổng Giám đốc Danny Ciarma của công ty Pan Urban đã bác bỏ việc công ty cho phép các đại lý hót, ca ngợi giá cả tương lai của các apartment. Công ty cũng cho rằng họ không thể chịu trách nhiệm về thái độ của các mại viên.  Đáp lại, Colliers International cho rằng tuy các đại diện được giới thiệu với Pan Urban bởi Colliers International, nhưng lại được Pan Urban mướn làm. Còn Aldy thì bác bỏ các cáo buộc của những người mua apartment.

 

Tuy nhiên, theo ký giả Keenan, một cựu nhân viên của Aldy là cô Marie Howard cho rằng các nhân viên bị gây áp lực trong việc mua apartment trong dự án. Trong bản biện hộ của mình, cô cho rằng giám đốc của Aldy là  Andy Nguyễn có nói rằng mua một căn apartment sẽ giúp các nhân viên thuyết phục được các người mua địa ốc trong tương lai rằng các apartment tại Watergate có giá trị đầu tư lớn.

 

Cô Howard cũng nói là khi cô mua căn apartment tại Watergate vào tháng 12 năm 2001 với giá $515,000  ông Nguyễn nói Aldy sẽ mua lại apartment nếu cô không muốn thanh toán chung cuộc.  Cô nói Aldy nói với cô trước đó rằng apartment đó thấp 15% so với giá thị trường và rằng nó sẽ tăng giá 10% mỗi năm trong vòng ba năm sau khi hợp đồng mua bán được ký.

 

Cũng theo ký giả báo The Age, ông Ciarma của Pan Urban cho rằng những “người mua cứng đầu” đã đua nhau nhảy ra khỏi các hợp đồng off-the-plan của họ sau khi có sự chuyển hướng trong thị trường cao ốc apartment. Ông ta nói nếu giá apartment tăng thì họ đã không tìm cách nhảy ra đâu.

 

Trong khi đợi  quan tòa phân xử, ông Ciarma cho biết giá của một vài apartment trong khoảng giá $600,000 đến $700,000 lúc này thấp khoảng 10% đến 15% so với giá khi mới mua lúc đầu, nhưng Pan Urban đã cố gắng để giúp các khách hàng bằng cách hoãn lại việc thanh toán chung kết mà không phải trả thêm chi phí cũng như giúp các người đầu tư vay tiền trong trường hợp gặp khó khăn khi mượn tiền ở các ngân hàng.

 

Nghe đoạn cuối bài tường trình của nhà báo Aileen Keenan, thấy kết cục có vẻ “có hậu”. Nhưng một khi người mua cảm thấy mình bị đánh lạc hướng hay thậm tệ hơn, nếu nghĩ mình bị nhử hay bị lừa, thì chắc gì họ đã sẵn sàng chấp nhận các đề nghị của các nhà thầu?

 

Trong hai năm qua, Thụy Văn tôi đã cảnh giác những người mua về nạn lạm phát apartment ở Melbourne nói chung và ở trên phố nói riêng.  Cứ nhìn hết cao ốc này mọc đến cao ốc khác trồi lên (cung vượt cầu), rồi cảnh thiên hạ đua nhau đi nghe và đi mua apartment để mong làm giàu nhanh qua những câu quảng cáo đại loại như   “chỉ đặt cọc $2000 mua apartment, sẽ lời vài chục ngàn trong vài năm” hoặc bảo đảm tương lai bằng cách đầu tư vào apartment để “mỗi sáng Thứ  Hai thức dậy không phải lo nghĩ đến chuyện đi làm” như từng nghe trên đài phát thanh nọ trước đây, Thụy Văn tôi đã phải có lần viết huỵch toẹt rằng “chỉ có những người bán nhà, bán apartment hàng loạt mới có thể giàu chóng, chứ đi mua một hai cái apartment để đầu tư thì phải coi chừng”.

 

Dĩ nhiên mua bán là quyền, là sự lựa chọn theo ý thích của mỗi cá nhân, chẳng cần ai dạy khôn cho ai.  Có ăn có chịu, có gan làm giàu, nhưng nếu ai đó cảm thấy mình bị hướng dẫn sai lạc hay bị lừa thì cũng tức chứ? 

 

Chưa uống mà đã đỏ mặt vì … đầu tư rượu

 

Tuần qua, cứ đầu tháng 5  thì nhà làm rượu Penfolds ở Nam Úc cho trình làng chai rượu Grange mới. Grange năm 2000 vừa đem bán nghe nói chưa phải thuộc mùa nho số dzách như các năm trước, tuy nhiên, cũng như thường lệ, cũng phải quen biết mới có thể mua được loại rượu nho hiếm quý nhất nước Úc và nổi tiếng khắp thế giới. Tại Adelaide, một bà làm nghề uốn tóc một lúc mua đến $14,000 rượu Grange năm 2000. Báo chí hỏi có phải để uống không, bà ta nói để đầu tư chứ đâu dám chơi sang dzậy.

 

Đầu tư  rượu là cái mốt.  Bạn đã nghe Thụy Văn tôi nói nhiều năm trước đây rồi chứ? Nhưng sự đời là phải luôn luôn coi chừng.

 

Cũng hôm 30.4.05 vừa qua, báo The Australian chạy hai bài viết ở trang nhất và trong đặc trang Thương Mại Cuối Tuần việc công ty Heritage Fine Wines sập tiệm khiến 3,600 nhà đầu tư rượu không biết đâu mà mò.  Có cả 919,000 chai rượu nằm ngổn ngang trong  5 kho chứa rượu ở Sydney và Melbourne.  Trong vô số két rượu có số cũng như không đánh dấu, không phân loại nằm trong kho Miller Self  Storage ở khu Alexandria tại Syndey,  có ba chai rượu Grange đời 1961,  1962, 1963 trị giá vài trăm đô một chai,  nằm chênh vênh cô đơn bên cạnh những chai Hill Of Grace của nhà làm rượu Henschke, loại rượu chiến hàng số hai của Úc sau Grange.

 

Những người đầu tư tới đòi lấy rượu đầu tư của mình về đã bị nhân viên an ninh cản, bảo đợi phán quyết của tòa án trong tuần sau vì đã có lệnh phong tỏa rồi.  Đó là nhờ thỏa thuận  vào phút chót giữa thanh lý viên Peter Ngan và chủ kho Millers Self Storage mà khoảng 1 triệu chai rượu của các nhà đầu tư được tiếp tục nằm trong kho có máy điều hòa.

 

Bạn còn nhớ Thuỵ Văn tôi viết về rượu khoảng năm 2000, là thời kỳ tên tuổi rượu Úc lên hương trong khi  thị trường chứng khoán bắt đầu sụp (do cổ phần kỹ thuật cao và điện toán mất giá).

 

Khi đó, một anh chàng người Anh 43 tuổi tên là Simon Farid trông lực lưỡng và năng nổ lập ra công ty đầu tư rượu có tên là Heritage Fine Wines, chuyên cất trữ rượu xịn và có tiếng của Úc để mai mốt bán lại cho thị trường Mỹ đang quá thèm rượu ngon và rẻ của Úc. Lại cũng nhờ ông vua điểm rượu nổi tiếng Mỹ Robert Parker Jr qua Úc làm một vòng thăm các vườn nho và nhà làm rượu Úc, cho điểm khá nhiều chai rượu Úc tới  100 điểm trong bậc thang đánh giá rượu của ông mà thiên hạ đua nhau mua rượu, hoặc để cất vài chai uống, hoặc để đầu tư.

 

Trong một tập quảng cáo giới thiệu có tên là “The Grapes of Wealth”,  Heritage Fine Wines đã trích dẫn  sự đánh giá của cơ quan Access Economics sau khi làm cuộc nghiên cứu đã cho rằng rượu là một loại đầu tư  về lâu dài còn mang nhiều lợi nhuận hơn cả đầu tư vào cổ phiếu Úc và quốc tế cũng như  công khố phiếu Úc;  và rượu bỏ xa các loại đầu tư  như tranh và vàng. Nói như thế cũng đúng phần nào nếu chỉ đem ra một trường hợp cá biệt như rượu Penfold’s Grange 1971 mang lại lợi nhuận đến 320% trong vòng 10 năm.

 

Cái khéo léo của Farid là làm sao để những giới có máu mặt ở Sydney từ các quan tòa, luật sư, bác sĩ, các nhà chính trị, các nhà thầu xây cất, các tay buôn bán chứng khoán cho đến các phó thường dân chịu bỏ ra mỗi người từ $5,000  đến $2 triệu đô la  để đầu tư vào các loại rượu chiến của Úc. Như báo The Australian nói thì trong giới bỏ tiền đầu tư  rượu tại Heritage Fine Wines có cựu Thủ hiến NSW Nick Greiner, cựu chủ tịch công ty viễn thông One.Tel Brad Keeling, các xếp trong công ty Clayton Utz, các tổng giám đốc của Citigroup, UBS, Macquarie Bank, Freehills, Pricewaterhouse Coopers, là những tên tuổi điển hình trong số 3,600 người đầu tư.

 

Khi mua phần đầu tư trong  Heritage Fine Wines, người đầu tư được  cấp cho một biên nhận. Nhưng cũng có nhiều người gởi rượu trong kho như là một hình thức thuê kho vì nhà họ không có hầm cất trữ rượu  đúng tiêu chuẩn (giữ nhiệt độ đều đặn ở khoảng 12%-16%).  Kho cất rượu Millers Seft Storage là do Heritage Fine Wines thuê mướn.  Trong sổsách, số rượu còn lại 919,000 chai nhưng biên nhận của những người đầu tư hoặc nhờ cất dùm, tổng số  lên tới 2.04 triệu chai. 

 

Thanh lý viên Peter Ngan nghi rằng sở dĩ có sự cách biệt đó là sổ sách giữ không đúng, như một số bị mất cắp, bị bể, một số được bán trước khi rượu vào chai và còn đang nằm ở nhà làm rượu, và một số đã bán và cấp biên lai cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư chưa thanh toán tiền cho Heritage Fine Wines. Cả một sự hỗn độn khi chuyện làm ăn thất bại.

 

Người ta phỏng đoán vụ công ty đầu tư rượu Heritage Fine Wines sụp đổ sẽ làm các nhà đầu tư mất khoảng $60 triệu đô la. Hiện còn lại khoảng 1 triệu chai rượu đang chờ quyết định của tòa án và chẳng biết những người đầu tư sẽ có kiếm được chai nào để uống cho đỡ tức không.  Nhưng rõ là vụ sập tiệm của công ty sưu  tập rượu lớn nhất Úc đang làm cho nhiều người đỏ mặt vì tức giận, vì mắc cỡ do trao tiền lầm chỗ.  Lấy lại được chai Grange hay chai Hill of Grace uống, chắc vẫn còn tức?

 

Đầu tư là rứa đó… người ơi!