Nghĩ gì, làm gì với dịch bệnh cúm gà?

24 Tháng Tư, 2008 | Y học - Khoa học

 

Nước Mỹ, siêu cường đệ nhất của ông Bush, hai lần cuồng phong gây tổn thất nặng nề nay đã rút được bài học kinh nghiệm phải đề phòng, chuẩn bị để không luống cuống khi sự việc xảy ra.

 

Những quốc gia tiên tiến, giàu có phải biết chia sẻ kiến thức, khả năng và phương tiện, ngay cả ngân khoản với các nước đang mở mang, để thi hành việc phòng chống kịp thời, chặn đứng sự lan tràn của dịch bệnh.

 

Đối với những nước đang mở mang phải ý thức được tầm quan trọng mà thành thực khai báo, không che dấu, khỏa lấp những trường hợp bệnh dịch xảy ra dầu có phải chịu nhiều tổn thất thiệt hại lớn về kinh tế, hầu có biện pháp ngăn chặn sự lây lan.

 

Cuối cùng, phải thường xuyên tổ chức Hội nghị quốc tế để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ phương tiện và kiến thức cùng ra tay tranh đấu với dịch bệnh.

 

* * *

Cụm từ “dịch bệnh cúm gà” đã thành phổ thông nên chúng ta quen miệng sử dụng, thực ra,  nếu điều chỉnh cho đúng là “Cúm của loài chim”, nghĩa là động vật có cánh để bay.

 

Bệnh cúm gà bắt đầu từ Á Châu, ở trạng thái dịch bệnh địa phương (endemic) tại nhiều nơi như Nam Dương, Việt Nam, Căm Bốt, Trung Quốc, Thái Lan và có thể cả Lào.

 

Theo thống kê có 117 người mắc bệnh do siêu vi cúm gà H5N1 gây ra và có 67 tử vong. Bệnh nhân phần nhiều là công nhân làm việc trong các trại nuôi gà vịt, hay gia đình hoặc những người thường tiếp xúc với các loài chim hoang dã, tại các nước kể trên.

 

Sự trầm trọng của vấn đề là với tình trạng dịch bệnh ở một số nuớc Á Châu, ta có thể đoán siêu vi H5N1 gây ra cúm ở loài chim nay biến thái (hay biến hoán) để trở thành siêu vi gây bệnh cho người và có thể lây lan sang người khác. Loại siêu vi biến hoán này có thể gây bệnh cho động vật có vú khác,  kể cả những chủng loại trước đây đề kháng được với cúm loài chim.

 

Có điều siêu vi đã biến đổi mạnh mẽ gây lây lan nhanh chóng ở người hay chăng, trên một tầm mức rộng lớn để trở thành dịch bệnh lớn (Epidemic) hay siêu dịch bệnh (Pandemic) thì còn phải xét lại. Không có cách gì để dự đoán hiểm họa xảy ra có trầm trọng quá hay chăng. Kinh nghiệm cho thấy qua lịch sử là siêu dịch bệnh có thể xảy ra 1 hay 2 lần trong 1 thế kỷ.

 

Nếu bệnh cúm do siêu vi gây ra chỉ là cảm cúm nhẹ, như bệnh cúm năm 1957 thì trên thế giới cũng đã có 2 đến 7.4 triệu tử vong. Những bằng chứng được tìm thấy hồi gần đây cho biết một siêu dịch bệnh cúm ít trầm trọng như trong phần 2 của thế kỷ trước (1957-1958) cũng do siêu vi cúm của loài chim biến hoán gây bệnh cho người. Quan trọng nhất là năm 1918 gây thiệt hại 40-50 triệu tử vong.

 

Do đó các nhà khoa học có uy tín trên thế giới mới lên tiếng cảnh cáo một siêu dịch bệnh cúm có thể xảy ra. Nếu như siêu dịch bệnh xảy ra trong năm nay thì khả năng phòng chống của thế giới bị hạn chế rất nhiều, dù đã có sự chuẩn bị. Một khi dịch bệnh đã lây lan có tầm mức quốc tế thì sự chận đứng sẽ không còn hữu hiệu vì bệnh lan truyền nhanh chóng từ những cơn ho, sổ mũi, hắt hơi, tiếp xúc bằng tay, hôn hít.

 

Rửa tay nhiều lần và tránh bắt tay, mang khẩu trang cũng là phương thức phòng ngừa hữu hiệu, nhưng khốn thay người bệnh làm lan truyền siêu vi cho mọi người, ngay trước khi triệu chứng cúm xảy ra. Trong những siêu dịch bệnh trước đây trong lịch sử thì không nơi nào an toàn có thể trốn tránh bệnh dịch được.

 

Trong vụ siêu dịch bệnh năm 1918, do số bệnh nhân quá đông cần được chăm sóc, điều trị mà cơ sở y tế thì tràn ngập người bệnh, thuốc men vào thời ấy lại kém hữu hiệu, nhân viên y tế thiếu hụt, do đó nhiều bệnh nhân phải ở nhà trông nom những người trong gia đình như cha mẹ già, con dại, họ không có phương tiện tiếp xúc với các cơ quan như cảnh sát, vận chuyển công cộng, truyền thông, vì thế sự giúp đỡ của quốc tế đã bị hạn chế.

 

Tình trạng dịch bệnh hiện nay trên thế giới  như sau:

 

Tại Nam Dương, tử vong thứ tư được báo cáo. Tại Việt Nam, vùng Đồng Tháp Mười có 600 con vịt bị bệnh chết, tìm ra nguyên nhân, đây là phát hiện mới nhất.

 

Tại thành phố Anhui ở Trung Quốc, 2,100 con ngỗng và gà đã bị lây nhiễm chết bởi siêu vi H5N1. Ở thành phố Liangying ngày 20 tháng 10 có 550 con chim chết vì siêu vi, đồng thời 44,736 gà và chim chết trên toàn lãnh thổ Trung Quốc.

 

Chuyên viên y tế LHQ, ông Georg Petersen cho biết siêu vi H5N1 đã hiện diện ở loài chim tại Nam Dương, bởi vì có 4 người tử vong nên có thể chủng  loại H5N1 đã biến hoán với 1 di thể “cúm người” để trở thành chủng loại mới gây lây lan giữa người bệnh và người khác.

 

Các tổng trưởng y tế của 30 quốc gia phải đến Ottawa dự một hội nghị quốc tế, phối hợp hoạt động phòng chống dịch bệnh cúm gà.

 

Sự phòng ngừa hữu hiệu nhất là sản xuất và sử dụng thuốc chủng ngừa, trên một bình diện rộng lớn một khi dịch bệnh có mòi xảy ra. Tiếc thay điều này chưa thể thực hiện đựơc. Nếu như dịch bệnh xảy ra ngày hôm nay thì cũng phải mất 4-6 tháng mới sản xuất tạm đủ thuốc chủng.

 

Mặc dầu vậy thuốc chủng cũng chỉ đủ dùng cho những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, phụ nữ mang thai, bệnh nhân hô hấp, người già yếu. Ngay cả những nước tiên tiến giàu có họa may mới có tạm đủ cho người dân.

 

Một phương thức phòng ngừa khác là sử dụng thuốc chống siêu vi khi dịch bệnh vừa chớm. Thuốc có thể dùng liên tục để ngừa hoặc để điều trị khi dịch bệnh đã xảy ra.

 

Những dược phẩm chống siêu vi có tên Tamiflu (Osel Tamivir) và Relenza (Zanamivir) có tác dụng làm giảm thời gian mắc bệnh nếu thuốc được dùng 48 giờ sau khi triệu chứng bệnh xảy ra. Tamiflu là thuốc viên độc nhất hiện có, trong khi Relenza là thuốc bột dùng để hít vào phổi (và phải hít đúng cách).

 

Có nhiều loại thuốc khác chống siêu vi trên thị trường như Amantadine hay Rimantadine, nhưng siêu vi đã quen với thuốc nên có thể đề kháng.

 

Để chuẩn bị chống lại siêu dịch bệnh có thể xảy ra, nhiều nước đã cho tích trữ thuốc Tamiflu, thuốc khá đắt tiền nên phải bỏ ra một ngân khoản lớn, nhưng bao nhiêu là đủ?

 

Bộ y tế Do Thái cho biết đã tích tụ Tamiflu đủ cho quân nhân, công nhân mà còn đủ cho tất cả mọi bệnh nhân. Cũng nên biết an ninh của Do Thái dựa trên sức khỏe của quân nhân phòng vệ. Chúng ta thử tưởng tượng một quân lực gồm 300,000 quân bị tê liệt vì bệnh cúm, chuyện gì sẽ xảy ra khi Do Thái bị bỏ ngõcho phe Ả Rập Hồi giáo tấn công?

 

Bác sĩ Balicer viết trong tập san Y học dưới nhan đề Emerging Infutious Diseases cho biết, tổn phí để tích trữ thuốc Tamiflu xứng đáng để xài, dầu siêu dịch bệnh chỉ xảy ra 80 năm một lần.

 

Hãng dược phẩm Roche của Thụy Sĩ độc quyền sản xuất Tamiflu, phải mất 1 thập niên mới đủ thuốc cung ứng thuốc cho 20% dân số thế giới. Nay dưới áp lực của thế giới Roche đành phải nhượng quyền sản xuất cho những công ty khác.

 

Những nhà sưu tầm nghiên cứu dược phẩm của Đài Loan cho hay họ đã thử sản xuất loại thuốc tương tự trong vài tháng qua.

 

Hãng Cipla của Ấn Độ cho hay có thể sản xuất thuốc với giá rẻ trong năm tới.

Thái Lan và Á Căn Đình cũng muốn qua mặt Roche để tung ra thị trường sản phẩm tương tự.

 

Riêng đối với Mỹ quốc, thì sự thiếu hụt Tamiflu rất trầm trọng, thuốc chỉ đủ dùng cho 1% dân số Mỹ, trong khi ở Pháp là 24%. Từ đầu năm nay, Tổ chức Infutious  Diseases Society of America cho biết việc tích lũy thuốc chống siêu vi là “hoàn toàn không thích hợp và không đưa đến một lợi ích có ý nghĩa nào”.

 

Nước Mỹ của ông Bush, sau vụ xì căng đan Katrina cũng đã biết chuẩn bị phòng xa những tai biến, nhưng khốn thay lại chưa tìm được thuốc chủng ngừa mà cũng không sản xuất được Tamiflu hay thuốc tương tự.

 

Các quốc gia đặt mua Tamiflu gồm có Anh, Tiệp, Hồng Kông, Tân Gia Ba, Nam Hàn, Thái Lan.

 

Tổ chức y tế thế giới (WHO), trong hai năm qua đã cố gắng kêu gọi sự chú ý về hiểm họa siêu dịch bệnh, đề nghị với mọi chính phủ nên cập nhật hóa kế hoạch hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu hậu quả tai hại cho sức khỏe. Thế nhưng chỉ có một nhóm rất ít quốc gia nghe theo thi hành.

 

Gia Nã Đại và Úc Đại Lợi đựơc xem là quốc gia hàng đầu có những hành động nhằm ngăn chặn sự lan truyền “Hội chứng hô hấp siêu cấp” (SARS) trong năm 2003 đã gây bệnh cho 8,000 người và tỉ lệ tử vong là 1/10, gây thiệt hại khoảng 60 tỉ Mỹ kim cho Nam Á và Đông Nam Á do ngành du lịch, mua bán, tiêu thụ bị giảm thiểu.

 

Nước Mỹ cũng dự tính nếu siêu dịch bệnh cúm xảy ra, có thể gây tử vong cho khoảng 200,000 người Mỹ, một dự đoán khác thì cho rằng con số sẽ là 2 triệu. Lý do chính là tại Mỹ hệ thống y tế công cộng thiếu sự phối hợp, có 40 triệu dân Mỹ không có bảo hiểm sức khỏe. Sự liên hệ giữa các chính phủ liên bang, tiểu bang và địa phương hết sức yếu kém.

 

Mỹ hiện có khoảng 250 triệu dân, nếu siêu dịch bệnh xảy ra thì 15% dân số sẽ mắc bệnh, tổn phí kinh tế sẽ thiệt hại 93 tỉ Mỹ kim. Nếu là 35% dân số bị bệnh thì tổn phí sẽ tăng đến 217 tỉ Mỹ kim qua việc săn sóc sức khoẻ, mất những ngày công, giảm năng lực lao động và tử vong.

 

Liên Âu vừa ra lệnh cấm nhập cảng mọi loại chim từ nước ngoài, nhất là xứ nhiệt đới. Ngân hàng thế giới và Liên Âu đã xuất ra 30 triệu Mỹ kim vào đầu tư sản xuất thuốc chủng.

 

Những công ty bào chế Âu Mỹ chú trọng việc nghiên cứu và sản xuất thuốc chống siêu vi rẻ tiền, ít bị phản ứng phụ, như loại thuốc Statins để tung ra thị trường.

 

Cuối cùng, chính nhờ có hiểm họa siêu dịch bệnh mà sự nghiên cứu và sản xuất thuốc chủng, thuốc chống siêu vi mới được đẩy mạnh. Và trong tương lai bệnh cúm có thể không còn là cơn ác mộng.