Tế bào mỡ gây lo ngại cho chúng ta

24 Tháng Ba, 2008 | Y học - Khoa học

***

Trong thập niên 90, Đại học Rockefeller (Mỹ) nghiên cứu trên những con chuột sau khi được biến hoán di thể có thể cho ra những con chuột có hình thù to gấp ba lần chuột bình thường.

 

Lý do sự khác biệt này là do chuột bình thường không có kích thích tố tên “Leptin”, Do đó khi chích Leptin cho chuột, chúng sẽ thay đổi cách ăn uống và trở nên mập phì. Thế nhưng đối với con người thì tác dụng này hầu như vô hiệu, hoặc giả chỉ hữu hiệu với một số nhỏ, khi những người này không có di thể để sản xuất Leptin.

 

Hiển nhiên là các nhà nghiên cứu đã thất bại trong vài thập niên qua khi chữa trị cho bệnh nhân mập phì. Lý do là kiến thức của các nhà khoa học chưa đạt được sự hiểu biết cần thiết. Nay thì họ đều công nhận rằng mô mỡ là một bộ phận (hay cơ quan) có tác dụng tích cực đến phần còn lại của cơ thể.

 

Tế bào mỡ có thể sản sinh ra kích thích tố cùng những hóa chất khi được đổ vào hệ tuần hoàn gây ảnh hưởng trên toàn cơ thể. Bs Michael Schwartz thuộc đại học Washington phát biểu rằng: “Ăn uống là hành động theo ý thích. Thế nhưng số lượng thức ăn được kiểm soát một phần bởi thành phần mỡ mà bạn có.”

 

Do đó, cách chữa trị mập phì đơn giản và hữu hiệu nhất là “nhịn đói”. Trước đây bác sĩ thường khuyên người mập phì là “hãy ăn ít đi và hoạt động nhiều hơn (tập thể dục)”.

 

Ban đầu các nhà khoa học khi nghiên cứu tế bào mỡ thì cho rằng, những tế bào mỡ li ti với số lượng hàng tỉ chỉ là kho năng lượng “cứu nguy cho sự sống còn” (life saver). Nay thì chúng ta có thể biết thêm rằng tế bào mỡ còn có thể hấp thụ hay sản xuất ra những chất cần thiết cho năng lượng của cơ thể để tạo quân bình cho sức khỏe hoặc gây ra các bệnh mãn tính.

 

Tế bào mỡ không những có nhiệm vụ dự trữ năng lượng mà còn có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt của não bộ, dạ dày, gan, tụy tạng và tuyến giáp trạng cũng như hệ thống tim mạch.

 

Bruce Spiegelman thuộc Đại học Y khoa Harvard cho hay, con người thường dễ lên cân (mập phì) hơn là sụt cân. Một khi số năng lượng nhập vào cơ thể nhiều hơn mức tiêu thụ, thì tế bào mỡ trương phồng lên có khi gia tăng gấp 6 lần kích thước bình thường. Đồng thời tế bào mỡ sinh sản nhiều hơn, từ số lượng 40 tỉ ở người lớn, lên 100 tỉ ở người đẫy đà. Nếu những người mập có sự sụt cân thái quá cũng sẽ làm sự biến dưỡng tích cực (metabolically active) bị giảm thiểu, đấy là điều không tốt.

Mô mỡ đòi hỏi một sự cung cấp đầy đủ năng lượng từ các mao quản, ngang với sự  cung cấp năng lượng cho cơ bắp từ các động mạch lớn.

 

Mập phì tạo sự chịu đựng thái quá cho các khớp xương do đó dẫn đến thấp khớp. Sự tích tụ mỡ chung quanh khí quản sẽ gây ảnh hưởng khó thở khi các bắp thịt co giãn lúc ngủ. Mập phì cũng thường gây cảm giác ngại ngùng khi phải tập thể dục.

 

Sự phát hiện ra Leptin giúp các nhà nghiên cứu tin tưởng rằng mỡ là yếu tố chủ chốt gây ra những bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư.

 

Ngoài Leptin, tế bào mỡ còn sản sinh ra nửa tá hóa chất gây đông máu (thrombotic pro-clotting agents), co mạch (vasoconstrictors) làm tăng huyết áp những hóa chất gây viêm nhiễm và chống viêm.

Vì vậy bác sĩ Hotamisligil thuộc trường y tế công cộng Harvard đã phát biểu rằng: “Cơ thể con người, giống như tình hình thế giới, nếu bạn kiểm soát được nguồn năng lượng thì bạn có thể gây ảnh hưởng trên nhiều phạm vi khác.”

 

Khi cơ thể có dư thừa mỡ thì cơ thể có một phản ứng miễn dịch, coi như mỡ là một yếu tố xâm lăng. Tế bào của hệ thống miễn nhiễm được gọi là macrophages xâm nhập tế bào mỡ để biến mô mỡ thành viêm nhiễm. Các khoa học gia tìm thấy 40% của tế bào mỡ là do macrophages xâm nhập.

 

Viêm nhiễm (inflammation) hiện nay được xem là yếu tố quan trọng của các bệnh tim, còn quan trọng hơn việc làm hẹp tiết diện của động mạch vành do cholesterol tích tụ. Từ đó việc chữa trị các bệnh tim được chú trọng nhiều hơn vào viêm nhiễm của các động mạch tim, bởi vì yếu tố này gây vỡ thành động mạch và cục máu đông.

 

Qua tác dụng sinh hóa do hóa chất tiết ra từ tế bào mỡ, ngoài viêm nhiễm còn có 2 yếu tố khác. Thứ nhất, plasminogen activator inhibitor-1 có tác dụng chống lại các cục máu đông có hại cho cơ thể vì gây chứng đột quị. Thứ hai, angio-tensinogen gây cao huyết áp.  Nên biết thêm, nếu acit béo tăng cao trong máu (ở người mập phì) thì đấy là lý do làm trung hòa tác dụng của Nitric oxide, một chất làm giãn mạch và có tác dụng giảm huyết áp. Tế bào mỡ còn sản xuất estrogen có liên hệ đến một vài loại ung thư (đặc biệt là ung thư vú).

 

Mập phì còn liên hệ đến tiểu đường loại 2, gây ra các bệnh tim mạch, mù mắt.

Tế bào mỡ còn tiết ra Resistin và Adiponectin. Resistin giúp biến đổi acit béo thành glucose trong gan, một cách giúp cho cơ thể sống sót khi con người bị thiếu thức ăn.

 

Tác dụng của Resistin còn bị đề kháng bởi Adiponectin. Adiponectin làm giảm thiểu viêm nhiễm, làm gia tăng cảm ứng của cơ thể đối với Insulin (hạ đường huyết) đồng thời cải thiện sự thăng bằng giữa HDL (tốt) chống lại LDL (xấu) của cholesterol.

 

Nhưng khốn thay, bạn càng mập thì sự sản xuất Resistin càng nhiều và Adiponectin càng ít đi.

 

Đối với người mập thì hình dáng cơ thể sẽ thuộc vào một trong hai loại sau:

 

– Hình quả táo: Nghĩa là phần bụng và ngực to ra, ngũ tạng đầy mỡ, do đó sản xuất ra những hóa chất gây viêm nhiễm.

 

– Hình quả lê: Nghĩa là từ phần lưng trở xuống (mông, đùi, bụng dưới nhiều mỡ) to ra. Ở người sản phụ, sự tích tụ mỡ nơi đùi và mông sẽ giúp sự sản xuất ra sữa cho con bú.

 

Nói tóm lại, những yếu tố gây bệnh, gây mập, ốm,  bệnh mãn tính hết sức phức tạp và đa dạng và có liên hệ mật thiết với nhau.

 

Chúng ta đã nghe đến khẩu phần Atkins dùng cho những người có thân hình đẫy đà có thể giảm cân. Bác sĩ Atkins khuyên nên giảm tối đa mọi loại Glucit (carbohýtrát), chủ yếu là gạo, bột và đường. Trong khi cho phép ăn mỡ và protide để bù trừ, chống lại cơn đói.

 

Nay những phát hiện về mỡ cho thấy, mô mỡ là một thành phần tích cực dễ sinh sản thêm và gia tăng thể tích của tế bào là nguyên nhân của nhiều căn bệnh mãn tính. Do đó cũng chớ nên ăn mỡ nhiều.

 

Người Á đông chúng ta thường áp dụng một cách Trung Dung, không có gì thái quá cũng chẳng bất cập. Trong vấn đề dinh dưỡng chính sách Trung Dung cũng không kém phần hữu hiệu.