Du học sinh Việt tại Úc, bạn không cô đơn

27 Tháng Ba, 2019 | Cộng đồng Việt Nam
Hơn 23 nghìn sinh viên VN đăng ký học tại các trường của Úc năm 2018. Hình: TVTS

Học kỳ chính thức đầu tiên của năm 2019 tại nhiều trường đại học trên khắp nước Úc vừa bắt đầu những tuần học đầu tiên. Theo số liệu thống kê năm 2018, các trường đại học đón chào hơn nửa triệu học sinh đến từ khắp các châu lục, trong đó số lượng du học sinh Việt Nam đứng thứ 5 với khoảng hơn 23 nghìn học sinh, sinh viên tham gia các khóa học.

Chẳng thế mà, ấn tượng ban đầu đối với nhiều bạn khi vừa mới đến Úc đó là “Đi đâu cũng gặp sinh viên Việt Nam”. Có người vui, vì không lo ‘lạc loài’ trong một môi trường lạ lẫm. Có người ngờ ngợ, vì “cảm giác như vẫn đang ở Việt Nam vậy”. Dù vui hay buồn, các bạn ạ, xin chúc mừng các bạn đã đủ can đảm, bản lĩnh, và … đủ tiền để bắt đầu một hành trình đầy thử thách tại xứ sở ‘đáng sống’ nhưng cũng ‘cực kỳ khắc nghiệt’ này.

Cho dù là bắt đầu cuộc sống mới trên cùng một mảnh đất, mỗi người đều sẽ có những hành trình khác nhau, và sẽ học những điều khác nhau, tùy thuộc vào tính cách của bạn. Vì vậy, chẳng có một khuôn mẫu chỉ dẫn nào cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, sẽ có những khó khăn chung mà có thể nhiều người đều gặp phải, bài viết hy vọng có thể giúp ai đó đang băn khoăn về những vấn đề này.

Tiệc BBQ chào đón du học sinh VN mới đến Melbourne. Hình: TVTS

Tiếng Anh chưa đủ tốt nên ngại giao tiếp

Tôi chắc chắn rằng, một trong những lý do khiến bạn quyết định ‘khăn gói quả mướp’ sang xứ sở Kangaroo này để học đó là để nâng cao khả năng tiếng Anh. Mục tiêu này hoàn toàn đúng đắn, bởi sống trong môi trường bản ngữ là một trong những cách hữu hiệu nhất để luyện ngôn ngữ đó. Vậy thì còn gì phải ngại, bạn sang đây để học cơ mà! Và tin tôi đi, người ta sẽ không cười bạn vì nói tiếng Anh không được lưu loát lúc mới đầu đâu. Cái gì mà chẳng cần luyện tập nhiều mới có thành quả.

Yếu tố quan trọng là cởi mở và tự tin. Ví dụ như trong khi đang đi trên các phương tiện giao thông công cộng, nếu bạn gặp khó khăn không biết dừng ở đâu, đi chuyến nào, bạn chắc chắn sẽ được giải thích tận tình nếu không ngại hỏi han. Không những giúp bạn đỡ lạc đường, đó còn là một cơ hội để bạn trò chuyện vui vẻ và hiểu thêm một chút nào đó văn hóa nơi này. Đừng quên mỉm cười và nói lời cám ơn nhé.

Giao lưu với các bạn người Úc, các bạn học sinh quốc tế đến từ các nước khác nhau cũng sẽ giúp các bạn dần trau dồi khả năng ngôn ngữ và sự tự tin khi giao tiếp bằng tiếng Anh. Đừng bỏ lỡ những sự kiện, hoạt động miễn phí mà các trường đại học tổ chức cho sinh viên nước ngoài. Trên website của các trường thường có mục chuyên về các hoạt động cho sinh viên, các cơ hội tham gia công việc tình nguyện, các chương trình giúp đỡ lẫn nhau như “mentorship program”, v.v… Cũng đừng ngại làm quen với các bạn nước khác trong lớp hoặc tham gia làm việc nhóm cùng các bạn học sinh quốc tế, để hòa nhập vào một môi trường đa dạng văn hóa. Nhiều khi bạn sẽ rất ngạc nhiên với những cách tiếp cận và suy nghĩ của các bạn đến từ nền văn hóa khác trên cùng một vấn đề.

Một mặt tích cực giao lưu với các bạn bè nước ngoài để giúp bạn thêm tự tin và hòa nhập, mặt khác đừng quên những người bạn đồng hương đáng mến xung quanh mình. Với số lượng sinh viên Việt Nam đáng kể tại các trường cao đẳng, đại học, không khó để tìm hội sinh viên Việt Nam tại nơi bạn đang theo học, để gặp gỡ nhau, chia sẻ cùng nhau những khó khăn trong việc học tập cũng như cuộc sống.

Hoạt động ngoại khóa tại trường Swinburne có đồ ăn và nước ngọt miễn phí. Hình: TVTS

Tìm việc làm thêm

Nếu du học tự túc hoàn toàn, mức học phí cho học sinh nước ngoài tại các trường đại học của Úc dao động từ khoảng 20,000 đến 40,000 đô Úc cho một năm học. Chưa kể các chi phí ăn ở, đi lại, mua sắm cá nhân. Làm thêm không chỉ giúp bạn có thêm thu nhập hỗ trợ cuộc sống, nó còn giúp bạn xây dựng nhiều kỹ năng cần thiết trong công việc và cuộc sống, đặc biệt sẽ mở ra vô vàn những trải nghiệm quý giá cho bạn.

Thời gian du học thực sự đáng giá ở chỗ bạn có thể làm những công việc mà tưởng như bạn chẳng bao giờ đụng tới. Chạy bàn, rửa bát, dọn nhà, … đừng ngại thử sức với các công việc khác nhau, miễn là công việc hợp pháp và hợp với nguyên tắc đạo đức của bạn. Lưu ý là, nên chọn những nơi có môi trường làm việc tốt và nơi bạn có thể học hỏi thêm được các kỹ năng. Và tất nhiên, một khi đã làm việc gì, điều quan trọng đó là thái độ nghiêm túc, làm việc một cách nhiệt tình, không ngại học hỏi và chịu khó quan    sát  để  tiến  bộ  nhanh trong công việc.

Các trang web tìm việc phổ biến như Seek.com.au, Indeed.com.au có đăng tải rất nhiều công việc ở các lĩnh vực khác nhau, nơi bạn có thể tự tìm việc ở những lĩnh vực mà bạn mong muốn. Chuẩn bị CV trình bày rành mạch rõ ràng và Cover letter súc tích là bước quan trọng trong quá trình xin việc của bạn. Ngoài ra, xây dựng một hồ sơ cá nhân chuyên nghiệp trên mạng xã hội LinkedIn và kết nối với những người cùng lĩnh vực cũng sẽ giúp tăng khả năng tìm được cơ hội công việc phù hợp với ngành bạn yêu thích.

Một sự kiện giao lưu của hội sinh viên VN tại trường Deakin. Hình: TVTS

Làm sao để thuê nhà rẻ nhưng không quá đông người

Với những bạn mới sang học, chưa có cơ hội làm quen với việc chọn, thuê nhà ở, thường thì sẽ nhờ bạn bè, người thân tìm giúp trước đó. Các trang facebook cũng là nơi mà nhiều người tham gia và đăng thông tin cho thuê phòng/nhà ở nếu như các bạn muốn tìm một cách nhanh chóng. Hoặc trên các số báo của TiVi Tuần-san cũng có các quảng cáo đăng cho thuê phòng mà các bạn có thể tham khảo.

Tuy nhiên lưu ý là trước khi quyết định đặt cọc thuê nhà thì bạn nên tận mắt tới kiểm tra nhà, để đánh giá tình trạng nhà ở, vị trí có thuận lợi đi lại bằng phương tiện công cộng hay không, và khu vực dân cư có đảm bảo an ninh hay không. Cũng nên tìm hiểu nếu chuyển vào nhà đó thì bạn sẽ ở cùng bao nhiêu người, liệu với quy mô của căn hộ/căn nhà đấy có đủ cho việc sinh hoạt một cách thoải mái và tiện lợi không.

Sau vài tháng làm quen với cuộc sống trong môi trường sinh hoạt mới, bạn có thể tự độc lập tìm nơi ở mà mình ưng ý, với giá có thể rẻ hơn, trên các website nhà đất như realestate.com.au hay domain.com.au. Tại sao rẻ hơn? Bởi vì bạn sẽ trả phí thuê trực tiếp cho công ty nhà đất chứ không phải thông qua người cho thuê trung gian.

Trên thực tế, không có nhiều du học sinh tự thuê nhà bằng cách này. Bởi thường thì để đăng ký thuê một đơn vị nhà ở qua đại lý nhà đất, bạn sẽ phải chứng minh được rằng mình có đủ khả năng trả tiền thuê nhà đầy đủ (thông qua thu nhập từ công việc làm thêm, tài khoản ngân hàng, hỗ trợ của gia đình,…). Bạn cũng có thể sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về lý lịch thuê nhà trước đó của bạn, thư giới thiệu từ những người chủ nhà mà bạn đã từng thuê về việc bạn có phải là một người thuê nhà tốt không, mức tiền thuê nhà là bao nhiêu và bạn có trả tiền thuê nhà đúng hạn không. Thường thì đối với những căn hộ có hai phòng trở lên, và mức thu nhập của bạn không quá cao, để hồ sơ có sức nặng bạn nên có ít nhất một người khác cùng đứng tên để thuê nhà với bạn.

Không có gia đình, bạn bè bên cạnh, ôi tôi cô đơn quá!

Ngày ngày đi học, sau giờ học lại đi làm, ở một mình nên chẳng buồn nấu cơm, có lẽ không phải chỉ riêng mình bạn trải qua. Ở Úc một thời gian, bạn sẽ thấy nhớ cái cảm giác cộng đồng thân thiết ở Việt Nam, nhớ những hẹn hò rủ nhau ăn vặt đường phố với bạn bè, nhớ mâm cơm với nhiều món khác nhau, và sẽ có những lúc bạn cảm thấy trống vắng đến tủi hờn, đến rơi nước mắt.

Lời khuyên là, đừng né tránh sự cô đơn, mà hãy đối mặt. Một khi bạn đã thấm thía nỗi cô đơn, đã vượt qua được nó, đó là bạn đã đi thêm một nấc thang đến sự trưởng thành. Những thời điểm một mình là những lúc bạn có thể nhìn lại bản thân, chặng đường mình đã đi qua, những điều mình đã làm được và học được. Đó là một khúc lắng lại trong bản nhạc cuộc đời, để bạn tiếp tục những nốt cao khỏe khoắn trong cung đường tiếp theo.

Vùi những tâm tư, nỗi niềm vào video games triền miên, hay những cuộc vui thâu đêm ở quán bar, night club sẽ không khiến những cảm xúc ấy mất đi mà chỉ ẩn nấp đâu đó rồi đến một lúc ào ạt trỗi dậy một cách khó kiểm soát. Tất nhiên, hãy làm những gì bạn thích và những gì khiến bạn vui, nhưng đừng dùng nó như là một phương tiện để lẩn tránh việc đối mặt với cảm xúc của bạn.

Tiết chế thời gian đi làm nếu như cảm thấy quá sức, giành thêm thời gian chăm sóc bản thân, tự nấu nướng những món mình thích, giành thời gian trò chuyện với bạn bè, người thân, đó là những việc đơn giản nhưng chắc chắn sẽ phần nào giúp bạn vượt qua những khó khăn khi ở một mình nơi xứ lạ. Đôi khi, chúng ta giành nhiều thời gian cho mạng xã hội, chúng ta nhấn like, comment, chúng ta tưởng như được kết nối nhưng lại rời rạc đến vô cùng. Nhấc điện thoại lên và gửi dòng tin nhắn cho ông bà, bố mẹ, cho bạn thân của bạn ở nơi xa, đừng ngại hỏi han họ, tâm sự với họ, và bạn sẽ thấy mình được yêu thương đến nhường nào.

Còn ở đây, nếu bạn chưa tìm được những người bạn thân, chưa tìm được những tâm hồn đồng điệu, thì cũng chớ vội vàng thất vọng. Tình bạn, hay bất cứ tình cảm gì cũng cần có thời gian và không gian để bồi đắp. Chỉ cần bạn là chính mình, không ngại mở lòng, và có thái độ sống tích cực, những điều tốt đẹp sẽ không ở đâu xa.

Linh Đan
Melbourne 17.3.2019

(Trích từ báo in TVTS số 1721 phát hành ngày 20.3.2019)

Độc giả có những lời nhắn hay chia sẻ, xin đừng ngại gửi email đến hộp thư của TiVi Tuần-san ở địa chỉ [email protected], chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp thư của bạn.