Cha San: một đời vì tha nhân, tổ quốc và giáo hội

25 Tháng Mười, 2019 | Người Việt đó đây
Cha San (góc phải) trong tiệc cưới của vợ chồng Nguyễn Hồng-Anh năm 1983 tại nhà hàng Lê Lai trên đường Victoria St, Richmond.

Nguyễn Hồng-Anh

***

Cách đây gần một tháng, trong một buổi barbecue ăn mừng tân gia và làm phép nhà của một gia đình giáo dân trong giáo xứ Thánh Giuse (St Joseph) ở vùng Collingwood, tôi hỏi anh cựu Chủ tịch Cộng đoàn Công giáo Tổng Giáo phận Melbourne Nguyễn Ngọc Trúc về tình hình sức khỏe của cha San như thế nào thì được anh cho biết sức khỏe của cha càng ngày càng yếu và có thể ra đi bất cứ lúc nào. Lại thêm một lần nữa, vợ chồng chúng tôi nhớ đến Cha San và nhắc lại dịp gặp cha lần chót vào năm 2012 khi dự tang lễ của Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng.

Và hôm 10.10.2019, trong lúc vợ chồng chúng tôi đang du lịch ở Thổ Nhĩ Kỳ thì nhận email thông báo từ Hội Thụ Nhân Đà Lạt TB Victoria cho biết Linh mục Bart Huỳnh San đã qua đời, hưởng thọ 71 tuổi.  Chúng tôi không bị bất ngờ nhưng thương tiếc và chỉ nhớ tới cha trong lời cầu nguyện bởi chúng tôi không thể dự tang lễ của cha vào ngày Thứ Sáu 18.10.2019.

Trở về Melbourne vào cuối tuần qua, tôi nghĩ đến việc viết một bài để tưởng nhớ đến một con người có sự gắn bó với cộng đồng tị nạn người Việt nói chung và cộng đoàn Công giáo Việt Nam nói riêng.

Tôi biết Cha San vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1981 sau khi từ Adelaide dời đến thành phố Melbourne để kiếm việc làm và sống gần những người đã từng quen biết nhau trong trại tị nạn Galang như anh bạn Nguyễn Tân Hải (sau này là luật sư).

Buổi lễ Giáng sinh đầu tiên ở nhà thờ Thánh Giuse ở Collingwood đã làm tôi ấm lòng, không cảm thấy cô đơn vì được quen biết thêm nhiều người bạn mới như anh Bùi Quốc Sủng (cựu đại úy) và những người bạn khác trong phong trào kháng chiến của Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh, những tổ chức chính trị mới và những người tranh đấu vì tự do cho đất nước Việt Nam.

Và cũng là lần đầu tiên trên đất khách quê người nay là xứ tạm dung (ý nghĩ của tôi và nhiều người lúc đó) được nghe những bản thánh ca của ca đoàn Cung Chiều do chị Lê Kim Thư (nay là bác sĩ) làm ca trưởng trình bày. Khó có thể quên những buổi lễ Giáng sinh và những bữa ăn tối sau thánh lễ do ca đoàn và những thành viên của giáo xứ thết đãi giáo dân và những người không phải Công giáo đến dự trong những buổi lễ như vậy tại giáo xứ của Cha San, lúc đó là cha phó giáo xứ và sau này là tuyên úy của cộng đoàn Công giáo Việt Nam.

Sân nhà thờ dưới bóng dừa và hội trường của giáo xứ trở thành nơi tụ họp của những người Việt tị nạn mới đến, chân ướt chân ráo còn bỡ ngỡ ở một xứ mà đa số người tị nạn còn bập bẹ hay không nói được tiếng Anh.

Cha San (góc trái) cấp giấy chứng nhận hôn nhân cho vợ chồng Nguyễn Hồng-Anh sau thánh lễ hôn phối tại nhà thờ Thánh Giuse, Collingwood năm 1983.

Hình ảnh của một vị linh mục trẻ, đẹp trai, năng động, thân thiện luôn có nụ cười tươi và thoải mái lại du học ở Úc nhiều năm trước càng làm cho những người tị nạn cảm thấy an lòng, là chỗ dựa cho họ khi gặp sự khó khăn.

Thật vậy, Cha San đã giúp đỡ rất nhiều người tị nạn không phân biệt lương giáo. Trong vai trò là Chủ tịch Hội Ái hữu Việt kiều (tiền thân của Cộng đồng Người Việt Tự do), cha rất tích cực bênh vực người tị nạn. Tôi còn nhớ những lần báo chí Úc chỉ trích hay đăng những tin có tính cách tiêu cực đối với cộng đồng VN, Cha San thường là phát ngôn viên của cộng đồng để bênh vực cộng đồng và phản bác những chỉ trích của họ. Tôi còn nhớ có lần Cha San đã ví von với báo chí Úc rằng người Việt Nam có ăn thịt chó thì cũng giống như người Úc (và tây phương) ăn thịt ngựa là con vật quý của họ.

Và một trong những hoạt động xã hội đáng kể của Cha San là tổ chức và mở Hội quán Vào Đời trên đường Victoria Street, Richmond  để làm công việc mục vụ, là nơi tụ họp của người tị nạn trong những ngày tết cổ truyền và sau này còn thêm công việc cố vấn miễn phí về pháp luật cho những người tị nạn gặp khó khăn về nhiều mặt trước khi hội quán này trở thành Nhà hàng Vào Đời.

Cha San cũng rất được giới trẻ, giới xồn xồn thích vì cha cũng sẵn sàng chén anh chén tôi trong dịp họ tụ họp ăn uống vào những ngày cuối tuần.  Khi có dịp ăn uống, một số người bạn của chúng tôi đều gọi điện thoại mời Cha San cùng tới nhậu. Cha San có tửu lượng rất đáng nể vì vậy được những người như chúng tôi thích.

Với tôi, ngoài là một con chiên thường phải đi lễ trong ngày Chủ Nhật như luật buộc của giáo hội, tôi tìm thấy nơi Cha San có điểm tương đồng là tinh thần đấu tranh cho tự do. Khó có thể thấy một vị linh mục thứ hai ở tiểu bang Victoria (và có thể ở Úc) trong những ngày Chủ Nhật thời đầu thập niên 1980 cử hành thánh lễ và mặc áo lễ có hình lá cờ Việt Nam chạy dài trước ngực. Tôi không biết Đức Tổng Giám mục Sir Frank Little hồi đó có đồng ý về việc này không (vì mang biểu tượng chính trị vào nhà thờ) nhưng mọi người tị nạn chúng tôi rất ái mộ và khâm phục việc làm đó của Cha San.

Nhưng không phải vì chỉ lo cho người khác (tha nhân), đấu tranh cho dân chủ (tổ quốc Việt Nam) mà Cha San lơ là chuyện đạo. Cha là người đã muốn làm sao cho người Việt có một trung tâm riêng để hành đạo và sinh hoạt cho nên cha đã mua một miếng đất thật lơn ở vùng Keysborough để thành lập trung tâm Hoan Thiện (tên của hai vị thánh tử đạo Việt Nam).

Cũng đã 30 năm rồi, ngày nay người Công giáo Việt Nam mới thấy cái nhìn xa của một vị mục tử. Tiếc rằng ngày khánh thành Trung Tâm La Vang sắp tới mà Cha San đã ra đi sớm để không có dịp nhìn thành quả mà cha đã đặt nền móng.

Di ảnh Linh mục Huỳnh San 1948-2019. Hình: Nguyễn Hữu Thiện/ VietCatholic

Riêng cá nhân tôi có vài kỷ niệm đáng nhớ với Cha San. Cha đã cho vợ chồng chúng tôi được “đặc cách” học khóa giáo lý hôn nhân trong một buổi tối mà thôi (nhờ vậy tôi có nhiều thì giờ hát hò, nhậu nhẹt sau năm ngày làm việc ở hãng xưởng).

Cha làm lễ cưới cho chúng tôi tại nhà thờ Thánh Giuse (nhà nhờ cũ trước khi bị cháy) và cũng chính ở nhà thờ này, cha đã làm phép thánh tẩy (rửa tội) cho hai đứa con đầu của chúng tôi.

Nhưng đáng nhớ nhất là Cha San đã đến dự tiệc cưới của chúng tôi tại nhà hàng Lê Lai (nay là Thy Thy nằm ở lầu một trên đường Victoria Street Richmond) vào một ngày đầu của mùa xuân thời tiết còn rất lạnh. Đám cưới của chúng tôi có lẽ là đám cưới giản dị nhất (và không giống ai), không ngồi bàn mà ăn đứng (buffet). Nhà hàng nhỏ nhưng lại chứa khoảng 150 khách, đứng vai kề vai, muốn lấy thức ăn cũng khó (hoặc không còn nhưng bia thì vô số kể, khiến vài người gục tại chỗ).

Đám cưới của chúng tôi có nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong cộng đồng thời đó đến dự. Vì cũng là những đám cưới đầu tiên của người  tị nạn nên thời đó hễ có đám cưới là có dịp đồng hương đồng cảnh ngộ gặp nhau.

Cha San đã ra về nhưng không hiểu sao, sau khi chỉ còn lại khoảng một hai chục khách, toàn là dân nhậu và độc thân tại chỗ, cha trở lại, uống tiếp với chúng tôi. Vui không thể tả! Không còn là “người tị nạn buồn”.

Nhưng hôm nay khi viết bài này, tôi thấy buồn vì cộng đồng mình mất đi một người đã đóng góp nhiều cho cộng đồng trong đó có vài công viec Cha San làm mà tôi vừa kể.

Xin Thiên Chúa đón nhận cha vào Nước Trời.  Requiescat In Pace, Cha San.

Nguyễn Hồng-Anh,

Melbourne 21.10.2019