Trung Quốc dọa đáp trả nếu Trump leo thang căng thẳng thương mại

12 Tháng Sáu, 2019 | Tin thế giới
Hình minh họa. Photo courtesy: Reuters

Bắc Kinh phản ứng quyết liệt sau khi Trump đe dọa sẽ áp thêm thuế nếu hai bên không đạt được thỏa thuận tại hội nghị G20.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 11.6 không xác nhận Chủ tịch Tập Cận Bình có gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 6 hay không, bất chấp việc ông Trump hôm qua đe dọa sẽ áp thêm thuế ngay lập tức với hàng Trung Quốc nếu ông Tập không dự hội nghị.

Ông Cảnh cho biết sẽ công bố thông tin về cuộc gặp khi sẵn sàng. “Trung Quốc không muốn chiến tranh thương mại, nhưng chúng tôi không ngại thương chiến”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói, đề cập đến lời đe dọa áp thêm thuế của Trump.

Ông nói thêm rằng Trung Quốc luôn mở rộng cửa đàm phán dựa trên nguyên tắc bình đẳng nhưng “nếu Mỹ chỉ muốn leo thang căng thẳng thương mại, chúng tôi sẽ kiên quyết đáp trả và chiến đấu đến cùng”.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc phải thay đổi hàng loạt các vấn đề mà Washington quan ngại như hoạt động cưỡng ép chuyển giao công nghệ, chiếm đoạt bí mật thương mại của công ty Mỹ, từ bỏ hoạt động tài trợ cho doanh nghiệp quốc doanh và mở cửa thị trường cho doanh nghiệp Mỹ.

Ngoài việc áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc hôm 10/5, Mỹ còn tiếp tục “chọc giận” Bắc Kinh khi đặt hãng viễn thông lớn nhất đất nước tỷ dân Huawei vào danh sách đen.

Ngày 11/6, ông Shi Yinhong, cố vấn hội đồng quốc gia Trung Quốc, cho rằng khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc trong đàm phán là quá lớn khi Washington yêu cầu sự thay đổi quyết liệt trong khi Bắc Kinh muốn có nhiều thời gian hơn.

Ông Shi nói rằng Mỹ đã đòi hỏi “hàng trăm sự thay đổi” trong luật pháp Trung Quốc về quyền sở hữu trí tuệ và điều này đã khiến đàm phán giữa 2 bên đổ vỡ.

Cố vấn này nói rằng từ đầu tháng 5, Trung Quốc bắt đầu cho rằng thà không có thỏa thuận nào được đưa ra còn hơn là một thỏa thuận tệ. Hiện thời, Mỹ và Trung Quốc đang có định nghĩa trái ngược nhau về cái gọi là “thỏa thuận tốt”.

Tổng hợp