Giám đốc CDC Hà Nội bác bỏ việc ăn phần trăm giá mua máy xét nghiệm

16 Tháng Chín, 2020 | Tin Việt Nam
Ông Nguyễn Nhật Cảm nguyên giám đốc CDC Hà Nội. Photo courtesy: RFA

Ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội phủ nhận lời khai được đối tác chia 15% giá trị tiền mua máy xét nghiệm COVID 19.

Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong quá trình điều tra vụ ‘thổi’ giá máy xét nghiệm, các bị can khai có chung chi cho ông Nguyễn Nhật Cảm, nguyên giám đốc CDC Hà Nội 15% để trúng thầu cung cấp hệ thống Realtime PCR dùng để xét nghiệm COVID 19.

Ngày 12 tháng 9, ông Cảm và 9 đồng phạm bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công đề nghị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, theo khoản 3 điều 222 Bộ luật Hình sự 2015; khung hình phạt 10-20 năm tù. Lời khai về việc ăn chia hoa hồng của bị cáo khác với ông Cảm được xác định không có căn cứ do ông không thừa nhận.

Theo kết luận điều tra được báo chí nhà nước đăng tải, ngày 6 tháng 2 năm 2020, ông Cảm đồng ý mua hệ thống Realtime PCR từ công ty Phương Đông với giá 7 tỷ đồng, thời hạn bảo hành 3 năm.

Sau đó, các bị can đã mua bán lòng vòng máy Realtime PCR từ Cty Phương Đông qua một số công ty khác, đến CDC Hà Nội giá máy đã được đẩy từ 2,3 tỷ đồng (giá Cty Phương Đông nhập về Việt Nam) thành 7 tỷ đồng.

Kết luận điều tra cho thấy ông Nguyễn Nhật Cảm thừa nhận quá trình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm đã không tuân thủ quy định của Luật Đấu thầu và Luật kế toán, gây thiệt hại tài sản của nhà nước.

Ngoài CDC Hà Nội, Cơ quan cảnh sát điều tra Hà Tĩnh vừa cho biết, cơ quan này đang điều ra vụ nhà thầu nâng khống gói trang thiết bị y tế gồm bộ máy giặt, máy sấy trị giá hơn 2 tỷ, nhưng được bán cho 4 bệnh viện với giá 12 tỷ đồng.

Cũng tin liên quan vật tư y tế, sáng 15 tháng 9, Thường vụ Quốc hội Việt Nam thông qua dự thảo nghị quyết bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào danh mục hàng dự trữ quốc gia. Chính phủ Hà Nội được giao quy định chi tiết các mặt hàng thuộc nhóm vật tư, thiết bị y tế và phân công bộ, ngành quản lý.

VN Express dẫn phát biểu của Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng rằng, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn vật tư, thiết bị y tế dự trữ thường xuyên tại các cơ sở y tế không đủ đáp ứng. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cũng như đáp ứng yêu cầu khẩn cấp về y tế trong các tình huống đột xuất do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn và các tình huống quốc phòng, an ninh xảy ra trong tương lai, việc bổ sung thêm nhóm hàng này vào danh mục hàng dự trữ quốc gia là rất cần thiết.