Tại sao báo chí ở VN phải gỡ xuống bài này? Tướng công an, quân đội tranh luận việc chủ trì an ninh ở cửa khẩu biên giới

12 Tháng Tám, 2020 | Tin Việt Nam
Trung tướng Hoàng Xuân Chiến và Thượng Tướng Bùi Văn Nam.

Lời giới thiệu của mạng Dân Làm Báo: Báo Thanh NiênVietnamnet đã gỡ bài viết “Tướng công an, quân đội tranh luận việc chủ trì an ninh ở cửa khẩu biên giới”. Việc này đã xảy ra 1 tiếng sau khi Dân Làm Báo đăng bài nhận định “Bộ Công an giành quyền kiểm soát biên giới với Bộ Quốc phòng“.
Sau đây là nguyên văn bài viết đã bị cho bốc hơi:

 

Tướng công an, quân đội tranh luận việc chủ trì an ninh ở cửa khẩu biên giới

Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị giao Bộ Công an chủ trì công tác an ninh trật tự khu vực biên giới vì nhiều lý do. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng không đồng tình.

Quản lý nhà nước về an ninh trật tự ở Việt Nam “không giống ai”

 

Cho ý kiến về dự thảo luật Biên phòng tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 10.8, thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, đề nghị làm rõ cơ quan chủ trì bảo đảm an ninh trật tự xã hội khu vực biên giới, thay vì giao cho bộ đội biên phòng như dự thảo.

Thứ trưởng Bộ Công an đề xuất, dự thảo luật quy định theo hướng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bộ đội Biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương, trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới.

Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an, phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh Gia Hân)

Ông Nam cho rằng, theo quy định tại Hiến pháp và các quy định của Đảng, việc bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm phải do Bộ Công an chủ trì.

Bên cạnh đó, theo ông Nam, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới không chỉ quản lý đường biên giới, cột mốc, mà cái chính là bảo vệ nội bộ, bảo vệ an ninh văn hoá, tư tưởng, an ninh thông tin, đấu tranh chống gián điệp, phản động, quản lý xuất nhập cảnh, phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm kinh tế, ma tuý, môi trường, tội phạm xuyên biên giới quốc gia…

“Các nhiệm vụ này được quy định rõ trong hệ thống pháp luật về an ninh trật tự hiện hành, trong đó quy định rõ, Bộ Công an có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất quản lý trên các lĩnh vực này”, ông Nam nêu quan điểm.

Ông Nam cho rằng, quản lý nhà nước trong vấn đề an ninh trật tự “cũng không giống ai” khi cả cơ quan công an và quân đội cùng quản lý, nên nhiều việc về an ninh quốc gia có sự chia cắt, dẫn đến khó xử lý trong những vụ việc cụ thể.

Dẫn ví dụ về quản lý xuất nhập cảnh vừa qua có chuyện quản lý người nước ngoài liên quan tới dịch Covid-19, ông Nam cho rằng, hiện nay, bộ đội biên phòng quản lý xuất nhập cảnh biên giới và trên biển, còn công an quản lý 5 cửa khẩu hàng không.

“Hai hệ thống quản lý mặc dù có liên kết nhưng không tránh khỏi những cái sơ hở”, ông Nam nêu, và cho rằng, nếu “không khắc phục được chồng chéo hiện nay thì việc bảo đảm an ninh khu vực biên giới sẽ còn sơ hở”.

Từ đó, ông Nam đề nghị cần hết sức cân nhắc để vẫn bảo đảm nhiệm vụ biên phòng, nhưng “cái chính là chúng ta bảo đảm được sự thống nhất quản lý an ninh trật tự toàn bộ hệ thống đất nước”.

“Về trách nhiệm các đồng chí quyết định là biên phòng chủ trì hay bên công an chủ trì cũng được nhưng tôi e rằng, nếu chúng ta quyết định chưa đủ cơ sở thuyết phục thì sau này thành luật cứng rồi thì khó lắm”, ông Nam nói, và đề nghị nếu không giao cho công an chủ trì thì có thể để tạm như hiện nay rồi căn cứ thực tiễn để quy định cho phù hợp.

“Trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công an”

Giải trình tại phiên họp, trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho rằng các luật hiện hành như luật Biên giới quốc gia 2003, luật An ninh quốc gia 2004 và luật Quốc phòng 2018 đều giao Bộ Quốc phòng chủ trì đảm bảo an ninh trật tự ở vùng biên giới, cửa khẩu.

“Cũng xin nói thêm là nếu đúng ra, tất cả các nghị quyết theo quy định của Đảng, từ Nghị quyết 11, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, 5 cửa khẩu hàng không cũng thuộc bộ đội biên phòng, chứ không phải của công an”, ông Chiến nhấn mạnh.

Theo ông Chiến, vấn đề giao bộ đội biên phòng hay công an chủ trì đã được xin ý kiến các thành viên Chính phủ, kết quả là 22/26 thành viên Chính phủ đồng ý bộ đội biên phòng chủ trì, 2 thành viên Chính phủ không gửi ý kiến, 2 thành viên không đồng ý, trong đó có Bộ Công an.

Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (Ảnh Gia Hân)

“Như vậy là Chính phủ thống nhất rất cao chứ không phải là tự ban soạn thảo, Ủy ban Quốc phòng An ninh hay tự Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghĩ ra”, ông Chiến nói.

Ông Chiến cũng cho rằng, nhiều ví dụ mà ông Nam dẫn ra thì trách nhiệm trước hết thuộc về Bộ Công an và của hệ thống chính trị từ khâu cấp giấy tờ, chứ kiểm soát ở cửa khẩu thì không sơ hở gì. Bên cạnh đó, theo ông Chiến, hiện nay, sự phối hợp giữa bộ đội biên phòng và công an vẫn rất hiệu quả. Do đó, nhà nước nên tiếp tục cơ chế phối hợp này.

“Phải ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp”

Cho ý kiến sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cũng cho rằng, cứ mỗi lần làm luật liên quan tới biên phòng và công an là có ý kiến qua lại nhau.

“Lần này, cơ quan soạn thảo trình cái này rất thận trọng, Chính phủ rất thận trọng và bên này chúng tôi nghe ngóng rất thận trọng”, ông Việt nói, và cho biết lần này bàn tính câu từ rất chặt chẽ “để được cả biên phòng và công an”.

Theo ông Việt, luật lần này cũng xử lý theo cơ chế: lực lượng nào phát hiện trước thì lực lượng ấy xử lý theo quy định của pháp luật. “Ví dụ, xử lý vụ án tổng thể thì phải là Bộ Công an, còn điều tra ban đầu thì Cảnh sát biển, Biên phòng, Hải quan và một số lực lượng khác. Thẩm quyền xử lý ban đầu xong rồi phải chuyển cơ quan điều tra, xử lý”, ông Việt dẫn chứng.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu quan điểm: “Về nguyên tắc, ở khu vực cửa khẩu, biên giới, bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đi vào từng nhiệm vụ cụ thể thì lực lượng nào chủ trì thì đề nghị các anh phải ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp”.

“Ví dụ, phòng chống dịch xảy ra ở khu vực biên giới, cửa khẩu thì Bộ Y tế chủ trì chính, còn các lực lượng khác phối hợp không? Chỗ này phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quản lý nhà nước của từng bộ, ngành để phân định cho hợp lý hơn”, ông Lưu nêu quan điểm.

Dự thảo luật Biên phòng Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 10 tới đây.

 

Nguồn (đã bị xoá):

– https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/quoc-hoi/tuong-quan-doi-va-cong-an-tranh-luan-tham-quyen-quan-ly-an-ninh-bien-gioi-665297.html

– https://thanhnien.vn/thoi-su/tuong-cong-an-quan-doi-tranh-luan-viec-chu-tri-an-ninh-o-cua-khau-bien-gioi-1263705.html

 

CÁNH CÒ – Đừng mượn cớ chia rẽ mối quan hệ giữa Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng

Hải Anh

 

Đến hẹn lại lên, cứ gần đến ngày truyến thống lực lượng công an nhân dân các đối tượng, tổ chức phản động lại ra sức tìm mọi cách để chống phá, làm xấu hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Bên cạnh việc bôi nhọ hình ảnh gần đây chúng luôn tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại tình cảm, mối quan hệ khăng khít đó.

Cụ thể, mới đây trên trang Facebook Việt Tân tiếp tục đăng tải bài viết có tiêu đề: BỘ CÔNG AN GIÀNH QUYỀN KIỂM SOÁT BIÊN GIỚI VỚI BỘ QUỐC PHÒNG với nội dung xuyên tạc rằng Bộ Công an vừa đối đầu với Bộ Quốc phòng để giành quyền kiểm soát biên giới đồng thời chúng còn bịa đặt rằng Bộ Công An đổ lỗi cho quân đội về việc không quản lý được tình trạng nhập cảnh trái phép của người Trung Quốc trong thời gian vừa qua, phe nhóm bên trong Bộ Công an và Bộ Quốc phòng đang bận đánh nhau giành quyền lực.

Bên cạnh việc bôi nhọ hình ảnh những người chiến sĩ công an nhân dân gần đây chúng luôn tìm mọi cách chia rẽ, phá hoại tình cảm, mối quan hệ khăng khít đó.

Nhưng thực tế, không có chuyện đối đầu tranh giành gì ở đây cả cũng không có chuyện đổ lỗi cho Bộ Quốc Phòng không quản lý được tình trạng nhập cảnh trái phép của người Trung Quốc mà đây chỉ là dự thảo sửa đổi dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Trong đó Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng quy định “Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, trong đó có bội đội Biên phòng, các cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội khu vực biên giới”

Thực tế, bộ đội biên phòng từ trước đến nay đã phối hợp rất tốt với lực lượng công an và lực lượng khác giữ gìn an ninh biên giới, nên quy định như dự thảo luật không có gì vướng mắc. Dù cho ai chủ trì thì lực lượng Công an hay quân đội đều có trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, khi phát hiện sai phạm hai lực lượng đều có trách nhiệm phối hợp với nhau bắt giữ. Mỗi cơ quan có một đặc thù công việc chuyên môn riêng, trách nhiệm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội là của chung. Ở khu vực biên giới cửa khẩu khu vực biên giới thì là bộ đội biên phòng chịu trách nhiệm chính. Tuy nhiên, đi vào từng nhiệm vụ cụ thể thì lực lượng nào chủ trì thì các cơ quan chức năng cần ngồi lại với nhau để chỉnh lý cho phù hợp hơn. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp 10 tới đây.

Do đó, chúng ta càng thấy rõ âm mưu xảo quyệt muốn chia rẽ mối quan hệ giữa Bộ Công An và Bộ Quốc Phòng. Mỗi ý kiến mà các bộ nêu ra đều có chung mục đích mong muốn làm sao để có thể bảo vệ Tổ quốc một cách hiệu quả nhất, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình để phát triển kinh tế-xã hội chứ không hề có ý định tranh giành quyền lực như lời Việt Tân rêu rao.

Không gì có thể chia rẽ quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa quân đội và công an

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, suốt 75 năm qua, 2 lực lượng công an và quân đội luôn kề vai sát cánh, đoàn kết gắn bó vì nhiệm vụ chung, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Lực lượng công an, quân sự, biên phòng đã phối hợp chặt chẽ hơn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy chế biên giới, hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, xâm phạm an ninh quốc gia và hoạt động của các loại tội phạm ở khu vực biên giới, nhất là tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, vận chuyển, buôn bán ma tuý, buôn lậu, gian lận thương mại…Đây là mối quan hệ mang đậm bản chất cách mạng, thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, hiệp đồng chặt chẽ cũng như tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của hai lực lượng

Quân đội và công an đều là công cụ bạo lực, là lực lượng chính trị tin cậy, trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và nhân dân, tuy nhiệm vụ cụ thể có đặc trưng khác nhau nhưng đều chung mục tiêu, lý tưởng; không thể có chuyện “lấn sân” nhau trong thực hiện nhiệm vụ mà chỉ có chia sẻ, phối hợp, cùng nhau hoàn thiện nhiệm vụ tốt nhất.

Hai lực lượng sẽ kề vai, chung sức bảo vệ vững chắc ‘bờ cõi’ thiêng liêng của Tổ quốc. Các thủ đoạn lợi dụng những vấn đề dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, tạo ra những “điểm nóng” kinh tế-xã hội để biến thành những sự kiện chính trị nhạy cảm… càng đòi hỏi QĐND và CAND phải kề vai sát cánh hơn nữa.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cũng đã khẳng định, thời gian tới, hai lực lượng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ, nâng cao chất lượng trao đổi thông tin, làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; kịp thời tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là bảo vệ an toàn, thành công đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Có thể nói, sự đoàn kết, phối hợp giữa Công an nhân dân và Quân đội nhân dân đã trở thành truyền thống, là yêu cầu khách quan, cội nguồn sức mạnh bảo vệ Tổ quốc và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Hải Anh

* Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm riêng của tác giả