Corovavirus: cái nhìn của nhà cầm quyền Trung Cộng và Úc

04 Tháng Ba, 2020 | Bình Luận
Nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ đang chăm sóc bệnh nhân trong khu chăm sóc đặc biệt ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Photo courtesy: Reuters

Dịch cúm đường hô hấp phát xuất từ Thành phố Vũ Hán tỉnh Hồ Bắc đã được gọi bằng nhiều tên khác nhau như dịch cúm Vũ Hán, dịch cúm corona virus mới, hay 2019-nCoV. Tuần qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO- World Heath Organisation) đã chọn cái tên Covid-19 (corona virus desease 2019) để đặt tên chính thức cho con siêu vi mới có hình vương miện nhằm tránh gây sỉ nhục (stigma) cho người dân Vũ Hán.

Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở Vũ Hán từ đầu tháng 12 năm 2019 không những chỉ ở cái chợ động vật hoang dã như nhà chức trách Trung Cộng nói mà có những trường hợp bị nhiễm Covid-19 ở những nơi xa chợ vài chục cây số. Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) đã đưa lên mạng WeChat chia sẻ thông tin về trường hợp những bệnh nhân ở một chợ tại Vũ Hán bị nhiễm siêu vi giống như SARS vào năm 2002, thì chỉ vài ngày sau, ông bác sĩ bị bắt lên đồn công an ký giấy thừa nhận đã vi phạm luật pháp bằng cách đưa thông tin sai lạc gây hoang mang dư luận.

Đây là trò bịt miệng quen thuộc của nhà cầm quyền Trung Cộng. Chỉ đến khi vị bác sĩ trẻ tuổi này qua đời vào ngày 7.2.2020 vì nhiễm siêu vi Covid-19 được hàng triệu người lên mạng tỏ thương tiếc, thì nhà cầm quyền mới thay đổi thái độ, vinh danh ông. Tập Cận Bình đã cách chức bí thư thành ủy Vũ Hán của ông Mã Quốc Cường (Ma Guoqiang) và tỉnh ủy Hồ Bắc của ông Tưởng Siêu Lương (Jiang Chaoliang). Đây là lần đầu tiên trong tám năm cầm quyền Tập Cận Bình thanh trừng cấp lãnh đạo cao cấp không phải do tham nhũng.

Nhưng liệu  việc sa thải hai cán bộ đứng đầu tỉnh và thành phố có tạo niềm tin cho dân chúng Trung Cộng nói riêng và thế giới nói chung bởi tập quán và chính sách che đậy, giấu giếm, coi những chuyện làm mất uy tín đảng là bí mật quốc gia?

Tại sao số người bị nhiễm và chết tại Vũ Hán và Trung Cộng mỗi ngày một tăng và tăng nhanh đến mức đáng lo sợ. Có phải vì Trung Cộng đã buộc phải cho các chuyên viên y tế của cơ quan WHO và các nước tân tiến vào trợ giúp nên không còn có khả năng bưng bít như những ngày đầu? Cho nên, không lấy gì làm lạ Hoa Kỳ là nước đầu tiên cấm không chon người có quốc tịch Trung Cộng hay những người không phải công dân Mỹ từ Vũ Hán đến Hoa Kỳ.

Úc cũng vậy, từ ngày 1.2 đã áp dụng biện pháp chỉ cho những người có quốc tịch Úc và thường trú nhân từ Trung Cộng được trở lại Úc nhưng phải chịu sự cách ly 14 ngày. Thủ tướng Scott Morrison còn áp dụng biện pháp mạnh mẽ và cứng rắn hơn là không cho khoảng 100,000 du học sinh Trung Quốc đang nghỉ hè và ăn tết ở quê nhà được trở lại Úc trong vòng 14 ngày. Vào hôm Thứ Sáu tuần qua, Thủ tướng Morrison gia hạn thêm 7 ngày nữa, đồng thời cũng báo trước là sau đó có thể gia hạn cấm thêm nhiều ngày nữa. Quyết định này đã khiến tòa đại sứ Trung Cộng ở Canberra cho rằng là quá đáng, không như các nước Canada và Anh vẫn cho du học sinh nghỉ hè trở lại học với điều kiện tự cách ly.

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Úc cho rằng sau thiệt hại do hỏa hoạn, ngành du lịch Úc, đặc biệt là những vùng nông thôn sẽ mất lợi tức vì việc ngăn cấm khách du lịch từ Trung Cộng. Việc ngăn sông cấm chợ kiểu này, từ Úc cũng như Trung Cộng sẽ ảnh hưởng nặng nề lên ngành chăn nuôi, trồng trọt, khoáng sản khi Trung Cộng nhập cảng một phần ba mặt hàng Trung Quốc. Giới chức 8 đại học lớn của Úc nói các sinh viên Trung Cộng không dự học kỳ đầu sẽ làm họ thất thu 2 tỉ Úc kim. Đó là chưa kể trong số 15,000 sinh viên Trung Cộng được phỏng vấn, có đến 30% nói họ có thể chọn theo học các nước khác thay vì Úc.

Không phải Thủ tướng Morrison không biết những thiệt hại rất lớn về kinh tế và ngoại giao khi cấm du học sinh Trung Quốc trở lại Úc, bởi vì ông cho rằng ông quyết định căn cứ vào sự cố vấn của người đứng đầu ngành ý tế Úc. Quyết định của Thủ tướng Morrison cho thấy chính phủ quý mạng sống người dân hơn lợi nhuận. Tiền bạc có thể làm ra nhưng chết là hết. Mạng sống, dù chỉ của một người, cũng rất quý. Đó là sự hành xử khác biệt giữa chính phủ Úc và Trung Cộng trước hiểm họa Covid-19.

(Trích từ báo in TVTS số 1769 phát hành ngày 19.2.2020)