Trump có cấm người Hồi giáo vào Mỹ không?

11 Tháng Hai, 2017 | Bình Luận
Tổng thống Trump trong phòng bầu dục cùng với cấp dưới của mình. Photo Courtesy: Reuters

Chỉ một tuần sau khi ngồi vào Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump đã làm cả thế giới hồi hộp theo dõi những việc làm của ông qua việc ký những sắc lệnh hành chánh đối với những gì ông đã chủ trương trong lúc tranh cử: xây bức tường giữa biên giới Mỹ-Mễ, không trợ cấp cho việc phá thai và cấm không cho người Hồi giáo vào Mỹ.

Chủ trương cấm không cho người Hồi giáo vào Mỹ khi đang tranh cử đã gây nên sự chỉ trích mạnh mẽ từ mọi phía, kể cả những chính trị  gia Cộng hòa. Cũng vì vậy mà ông Trump đã thường xuyên thay đổi chi tiết cấm nhập cảnh đối với nhóm người này bằng những danh xưng khác nhau, chẳng hạn người từ Trung Đông, từ những quốc gia Hồi giáo nằm trong danh sách nguy hiểm đối với an ninh của Hoa Kỳ.

Về những chính sách vừa nói, dù rất dễ gây tranh luận, phản đối, nhưng Trump nói và Trump làm, chứ không là cái kèn (trump), cái loa, chỉ nói suông. Nhưng sắc lệnh cấm nhập cảnh gây phản đối ồn ào và biểu tình dữ dội nhất, với hàng trăm ngàn người xuống đường, gọi Trump là tay kỳ thị, là một Hitler.

Ông Trump đã hót trên twitter hay tuyên bố trong vài cuộc phỏng vấn rằng sắc lệnh của ông không kỳ thị người Hồi giáo mà chỉ để bảo vệ an ninh của người Mỹ. Bảo vệ bằng cách đình chỉ nhận người tị nạn Syria vô thời hạn; tạm ngưng chương trình nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 120 ngày, và hoãn trong 90 ngày chiếu khán  nhập cảnh của các công dân các nước Iran, Sudan, Iraq, Lybia, Syria, Somalia và Yemen, được xem là những nước cần quan tâm.

Của đáng tội vì vạ miệng do những lần tuyên bố về Hồi giáo khi đang tranh cử, chứ trong sắc lệnh ngưng visa nhập cảnh Mỹ chỉ cấm những người có quốc tịch từ một số nước Trung Đông và Bắc Phi. Quốc gia có đông tín đồ Hồi giáo nhất là   Nam Dương đã không nằm trong danh sách này. Công dân Ai Cập ở Bắc Phi và Trung Đông không bị cấm. Công dân những nước ở Trung Á như Pakistan, Bangladesh cũng  không nằm trong “bảng phong thần” của Tổng thống “kỳ thị” Trump. Nhưng tại sao lại tạm ngưng nhận người tị nạn từ khắp nơi và cấm công dân của 7 quốc gia kia?

Hồi giữa năm ngoái, Giám đốc CIA John Brennan đã nói với một ủy ban quốc hội trong một cuộc điều trần rằng làn sóng người tị nạn là con đường để bọn khủng bố thâm nhập. Và danh sách 7 quốc gia có  công dân bị cấm chính là danh sách chính quyền Tổng thống Barack Obama soạn ra với mục đích bảo đảm an toàn cho nước Mỹ. Ông Obama cũng đã từng ngưng nhận người tị nan Iraq trong 6 tháng để điều tra sau khi FBI cho biết đã có hàng tá tên khủng bố Iraq trà trộn trong số những người đi tị nạn. Nhưng hồi đó, chẳng ai nói ông Obama là người kỳ thị.

Chưa hết, các tổng thống Cộng hòa và Dân chủ sau Đệ I Thế chiến đã từng cấm người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi Nga và Ba Lan hay chạy trốn Đức Quốc Xã vào nước Mỹ, không phải vì họ là  nguy cơ khủng bố hay mất an ninh mà chỉ vì họ là người Do Thái. Tổng thống Jimmy Carter cũng không cho người Iran vào Mỹ trừ trường hợp rất đặc biệt sau vụ tòa đại sứ Mỹ bị chiếm và bắt con tin.

Những vụ cấm người tị nạn và di dân đã từng xảy ra dưới thời các tổng thống Mỹ thuộc hai đảng vì lý do thành kiến chủng tộc cũng có, hay vì vấn đề an ninh cũng có như trường hợp Tổng thống Trump. Nhưng tại sao ông Trump làm thì thiên hạ kêu la, chỉ trích? Có phải vì họ tìm cách để làm giảm uy tín của ông, để chứng tỏ ông là người không được quần chúng ủng hộ và vì vậy ông không có đủ tư cách làm tổng thống, hay việc thắng cử của ông không hợp pháp?

Nhiều nhà lãnh đạo Âu Châu lên tiếng chỉ trích sắc lệnh về di trú của ông Trump. Nhưng có một người vì không lên tiếng chỉ trích mà bị phê bình, đó là Thủ tướng Malcolm Turnbull. Thủ tướng Úc nói chủ trương của ông là “không bàn luận chuyện nội bộ của nước khác”. Nói cho lịch sự thôi, chứ ông đồng tình với chính sách của ông Trump. Để  hy vọng Trump sẽ thi hành cam kết của Obama nhận người tị nạn Úc giam giữ ở Nauru và Manu. Vì đó không phải là kỳ thị mà vì an ninh.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1611 phát hành ngày 08.02.2017)