PHƯƠNG THẢO – NGỌC LỄ: từ nhạc tình cảm đến nhạc gia đình

28 Tháng Mười Một, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Phương Thảo – Ngọc Lễ

 

Gia đình  cặp vợ chồng nghệ sĩ  Phương Thảo – Ngọc Lễ là một gia đình hạnh phúc với 2 đứa con gái kháu khỉnh là bé Na và bé Nấm. Điều này hầu như  rất nhiều người biết khi họ còn sống ở Việt Nam. Cũng chính vì niềm hạnh phúc trọn vẹn đó cùng với những thành công trong lãnh vực âm nhạc cùng một đời sống thoải mái mà họ chưa nghĩ đến việc ra hải ngoại sinh sống, dù có thể chính thức đi vào giữa thập niên 90 bằng sự bảo lãnh của ông bố người Mỹ của Phương Thảo. Ngay cả lúc đó họ chưa bận bịu với con cái.

 

Cuối cùng Phương Thảo-Ngọc Lễ đã quyết định ra đi cũng chỉ vì muốn duy trì niềm hạnh phúc gia đình  được trọn vẹn hơn khi nghĩ đến tương lai của 2 bé gái mà họ hết mực yêu thương.  Và tiểu gia đình gồm 4 người đó đã bắt đầu một cuộc sống mới kể từ ngày 8 tháng 9 năm 2005 trên đất Mỹ, với cảm tưởng sau chưa đầy 2 năm sống ở đây là “Có vui mà cũng có buồn với một cảm giác mới lạ”…

 

Nguyên nhân đưa đến khúc quanh quan trọng của Phương Thảo và Ngọc Lễ với cuộc sống hiện nay tại Mỹ bắt nguồn từ  cuộc tình giữa mẹ Phương Thảo và một trung sĩ Hoa Kỳ tên James Yoder trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam.  James Yoder  khi đó phục vụ ở Vùng 4 Chiến Thuật và có liên hệ tình cảm với một cô thư ký, quê ở Sa Đéc, tức mẹ của Phương Thảo.

 

Vào năm 1967, James được lệnh trở về Mỹ. Trước khi lên đường anh đã gặp người tình  lần cuối trước khi chia tay, theo lời Phương Thảo được mẹ kể lại “thì lúc đó em xuất hiện, ba đi nên sau đó không biết có con ở lại”.

 

Qua năm sau, Phương Thảo mở mắt chào đời tại Sa Đéc trong khi bố cô không hề biết đã để lại Việt Nam một giọt máu của mình.

 

Đến năm 69, James Yoder được quay trở lại Việt Nam phục vụ. Ông đi tìm lại người tình xưa nhưng hoàn toàn mất liên lạc vì cô thư ký ngày trước đã chuyển qua làm việc ở Long An…

 

25 năm sau khi Văn Thị Kim Lang tức Phương Thảo được mang tên họ của người dượng, chào đời, những diễn tiến xẩy ra đã không khác gì một chuyện thần tiên.  Đó là vào năm 1993 khi có một nhà báo người Mỹ tên Thomas Bass sang Sài Gòn với ý định viết một quyển sách về những ngưới con lai Mỹ còn ở lại Việt Nam, mà phải là những người nổi tiếng. Lúc đó Phương Thảo đã lên Sài Gòn theo nghề ca hát và đã có được đôi chút tiếng tăm nên được khá nhiều người biết tới.  Trong số đó có một người chạy xe ôm. Anh này đọc báo và biết được ý định của Thomas nên đã tìm cách báo cho ký giả này biết để tìm đến Phương Thảo để phỏng vấn.

 

Sau khi nhà báo Thomas Bass trở về Mỹ cùng một lúc quyển sách của ông được phát hành thì người trung sĩ tên James Yoder tìm ra được tông tích con gái của mình…

 

Và giây phút cảm động nhất trong đời Phương Thảo đã diễn ra vào một ngày trong năm 1996 tại phi trường Tân Sơn Nhất khi cô gặp lại người bố ruột…

 

Sau này kể lại cho con về lần gặp gỡ đầu tiên, James Yoder cho biết trong giây phút đó, ông cũng  rất cảm động, chỉ muốn ôm hôn cô,  nhưng còn ngại ngùng trước những giới hạn của phong tục tập quán Việt Nam…

 

Niềm mơ ước được mang tên họ của bố nơi Phương Thảo cũng đã được thành hình sau đó không lâu. Hai cha con tiến hành thủ tục để cuối cùng Phương Thảo được mang tên chính thức trên giấy tờ là Yoder Kim Lang.

 

Được biết sau khi  sang Việt Nam lần thứ nhì năm 1969 để tìm nhưng không gặp lại mẹ Phương Thảo, James trở về Mỹ một thời gian sau.  Hiện ông cùng người vợ  Mỹ cư ngụ tại tiểu bang Virginia.

 

Phương Thảo và 2 con gái nhỏ đón bố và người vợ hiện nay trong một lần ông về thăm con và 2 cháu tại Sài Gòn

 

Trở lại với Phương Thảo, cô cho biết từ nhỏ cô đã yêu thích ca nhạc, lúc nào cũng ôm khư khư một cái radio bên người.  Cô nghe đủ mọi loại nhạc. Từ nhạc cải ương đến nhạc hoà tấu. Từ nhạc trẻ đến nhạc thính phòng. Lớn hơn một chút, cô gia nhập đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể để hát và sinh hoạt trong ca đoàn. Sau đó một thời gian, Phương Thảo bắt đầu đi hát trong những tiệc cưới hoặc ngay cả trong những đám giỗ ở dưới quê để giúp vào nguồn thu nhập của gia đình, lúc đó đang ở trong tình trạng rất khó khăn.

 

Đến năm 1987, Phương Thảo quyết định lên Sài Gòn sau khi tham gia cuộc thi  Những Giọng Hát Hay Đồng Bằng Sông Cửu Long  và đoạt được giải cao. Cô nhận ra một điều là nếu muốn đi theo con đường ca hát một cách chuyên nghiệp thì nên đi Sài Gòn là nơi có nhiều cơ hội tốt. Cô được một người trong ban giám khảo là Mỹ An, giảng viên âm nhạc của Nhạc Viện, giới thiệu với đoàn ca múa Bông Sen ở Sài Gòn sau khi cô quyết định từ giã Sa Đéc là nơi cô từng tham gia vào một đoàn ca múa nhạc của tỉnh này một thời gian. 

 

Thế là Phương Thảo chia tay mẹ để lên Sài Gòn, trong đầu nuôi một ý chí quyết trở thành một giọng ca chuyên nghiệp. Với những nhạc phẩm Pop của Mỹ và Việt Nam, giọng hát của Phương Thảo và gương mặt lai Mỹ của cô dần dần được biết tới trong thời gian gần một năm cộng tác với đoàn Bông Sen.

 

Năm 89, cô sang hát cho đoàn Ca Nhạc Nhẹ Sài Gòn. Nhưng phải đợi đến năm 1990 khi cô vào hát với ban nhạc Hy Vọng để trình diễn ở khách sạn Cửu Long (tức Majestic bây giờ) thì bắt đầu tạo được khá nhiều chú ý để được mời đi trình diễn ở nhiều nơi.  Qua năm 93 khi cô chính thức gia nhập ban nhạc Đen Trắng và nghiêng hẳn phần trình bầy về những sáng tác của một nhạc sĩ trong ban là Ngọc Lễ thì trở thành một trong những giọng ca nổi bật vào thời đó với các nhạc phẩm Cà Phê Một Mình, Xe Đạp Ơi, Con Gái, Xa Rời Tuổi Thơ, vv…

 

Trong thời gian hát với ban nhạc Đen Trắng, Ngọc Lễ là người chỉ dẫn cho cô về Anh Văn, trước đó cô mới chỉ bập bẹ được đôi chút. Từ sự gần gũi đó, hai tâm hồn nghệ sĩ càng ngày càng thấy hợp để quyết định cùng nhau chung sống cũng trong năm 1993.

 

Về phần Ngọc Lễ, sự tiếp xúc với âm nhạc của anh cũng đến từ một trường hợp lý thú. Người nhạc sĩ là con út trong một gia đình có 10 người con với bố mẹ người gốc Bắc và mở mắt chào đời tại Hội An này đã tỏ ra mê mệt khi nhìn thấy một cây đàn guitar từ khi mới được 7, 8 tuổi. 

 

Cậu bé Ngô Ngọc Lễ không ngờ mình lại có cơ hội làm sở hữu chủ một cây đàn như vậy, sau một lần đi đòi nợ cho mẹ cậu. Bố mẹ anh có người thiếu nợ, nhưng sau nhiều lần đòi, người này vẫn không chịu trả.  Trong một lần vui miệng bố mẹ anh có nói là nếu anh đòi được nợ sẽ có ngay một cây đàn guitar.  Thế là cậu bé hí hửng sang ngay nhà người thiếu nợ để đòi. Và trước sự khẩn khoản của Ngọc Lễ muốn đòi nợ để có được một cây guitar, nên người thiếu nợ đã làm theo yêu cầu của anh.  Sau đó, bố mẹ anh đã phải giữ lời hứa dể Ngọc Lễ có được cây guitar đầu tiên trong đời.

 

Lớn lên thêm vài tuổi, Ngọc Lễ theo học nhạc tại chủng viện Gioan ở Đà Nẵng, do đó đã có được một căn bản nhạc lý khá vũng vàng.  Sau biến cố tháng 4 năm 75, anh theo gia đình vào sống ở tỉnh Đồng Nai.  Và đó cũng là nơi Ngọc Lễ bắt đầu phát triển  khả năng âm nhạc của mình bằng cách nghe băng đĩa, trau dồi thêm về nhạc cũng như cộng tác với một số ban nhạc ở tỉnh song song với việc học văn hóa ở trường cấp 3 Tân Phú. Trước đó, khi còn học lớp 6, lớp 7 Ngọc Lễ đã bắt đầu tập sáng tác. Khi lên tới lớp 10 anh đã viết nhạc cho cả lớp hát.

 

Rồi cũng đến lúc Ngọc Lễ rời tỉnh Đồng Nai để lên Sài Gòn theo học Đại Học và sau đó ghi tên học tại nhạc viện Sài Gòn. Nhưng anh chỉ theo học ở đây khoảng 2 năm để rồi với căn bản sẵn có, đã tự tìm tòi để học hỏi lấy.

 

Đến năm 1990, Ngọc Lễ chính thức cho ra đời nhạc phẩm đầu tay của anh là “Ai Cho Em Tình Yêu” trong thời kỳ mới quen biết với Phương Thảo.  Và đó cũng là nhạc phẩm do Phương Thảo trình bày trong cuộc thi Tiếng Hát Hay với kết quả là cô chiếm được hạng 3.  Một thời gian ngắn sau anh lại tung ra sáng tác kế tiếp của mình là Xe Đạp Ơi, từng được coi như một Hit ở trong nước.

 

Một nhạc phẩm nổi tiếng khác của Ngọc Lễ được phổ biến rất mạnh sau đó mang tựa đề Cà Phê Một Mình.

 

Dòng nhạc của Ngọc Lễ có thể chia ra thành 2 giai đoạn rõ ràng.  Giai đoạn thứ nhất được coi là dòng nhạc Tình Yêu, được đánh dấu bằng sáng tác đầu tiên cho đến trước khi vợ chồng anh có được đứa con đầu tiên là lúc anh chuyển hướng hẳn sang dòng nhạc Gia Đình.  Giai đoạn thứ nhì với dòng nhạc Gia Đình này được ghi nhận từ một kỷ niệm khó quên trong đời sống vợ chồng của Phương Thảo và Ngọc Lễ, xẩy ra vào đêm giao thừa năm 1996. 

 

Tối hôm đó họ ở nhà một mình.  Trong những giây phút giao hòa giữa đất trời đó, họ ước ao có với nhau một đứa con gái. Thảo thắp lên 3 ngọn nến  và nói hy vọng năm nay gia đình họ sẽ có thêm một đứa con gái  để kết hợp thành một tiểu gia đình gồm 3 người như 3 ngọn nến lung linh kia. Và niềm mơ ước của Phương Thảo và Ngọc Lễ đã thật sự thành hình sau đó với sự ra đời của bé Na.  Cũng ngay sau đêm giao thừa năm 1996 đó, nhạc phẩm đầu tiên trong dòng nhạc gia đình của Ngọc Lễ được gủi đến người nghe mang tựa đề Ba Ngọn Nến Lung Linh…

 

Nhạc phẩm này đã được nhiều gia đình yêu thích và tạo cho Ngọc Lễ niềm phấn khởi to lớn đề dấn bước thêm vào những sáng tác liên quan đến gia đình, mặc dù anh biết trên thực tế loại nhạc này trên phương diện thương mại không thể so sánh được với những nhạc phẩm mang chủ đề Tình Yêu. Nhưng anh “cảm thấy tâm đắc lắm tại vì  mình đã ghi lại tất cả những kỷ niệm, những tình cảm của mình đối với con mình trong một album nên rất tốt cho con mình sau này… Hy vọng khi những nhạc phẩm liên quan đến gia đình như vậy khi đến với những gia đình khác sẽ làm cho cuộc sống của họ ấm áp hơn. Và cha mẹ con cái  chăm sóc nhau tốt hơn, như là một đóng góp cho cuộc sống”

 

Cả hai vợ chồng Phương Thảo và Ngọc Lễ  không mong gì hơn là được cùng nhau gần gũi với con cái hơn trong tình cảm gia đình ấm áp để cùng gia nhập vào môi trường mới một cách dễ dàng hơn…

 

Về phần Ngọc Lễ, anh thật sự yêu thích cuộc sống ở Hoa Kỳ mà anh đưa ra nhận xét là đã làm cho cuộc sống gia đình gắn bó hơn nhiều, ít ra như trong trường hợp gia đình của anh khi so sánh với cuộc sống bên Việt Nam cách đây không lâu…

 

Hiện tiểu gia đình Phương Thảo – Ngọc Lễ cùng hai con gái nhỏ đang sống trọn vẹn trong niềm hạnh phúc gia đình ở thành phố Anaheim, nam California.  Trong khi về mặt âm nhạc, họ đang sửa soạn hoàn tất album đầu tiên tại hải ngoại.  Và đó cũng là một niềm hạnh phúc lớn lao của cặp vợ chồng nghệ sĩ này…

 

Trường Kỳ

 

TiVi Tuần-san  – 1102