Lời Giới Thiệu: Năm 2002 trong chuyến thăm Úc, có người trong ban biên tập TVTS đề nghị ký giả Nguyễn Tú viết hồi ký vì ông biết quá nhiều sự việc, có trí nhớ tuyệt vời và có khả năng cầm bút để hậu sinh được biết những gì đả xảy ra ngày ấy, nhưng ông nói đã gọi là hồi ký thì phải viết sự thật và con cháu những nhân vật được nhắc tới làm sao họ có thể ngẩng đầu một khi những sự thật không tốt đẹp về cha ông mình bị phơi bày, cho nên ông không biết vì ông nói làm như vậy là ác.
Không nói về người khác và cũng không nói về mình. Tưởng rằng chẳng bao giờ hậu thế biết được gì thêm về ông, nhất là thời trai trẻ. May thay, có một sử gia Mỹ đã kể lại chuyện của ông Nguyễn Tú, đó là ông George J Veith, người viết một số sách về Việt Nam trong đó có cuốn “Black April: The Fall of South Vietnam, 1973-1975”.
Nhưng trước khi đọc bài “Tôi muốn kể lại chuyện đời tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và cái giá của sự can đảm của ông Veith, mời quý vị xem bài phỏng vấn Weith do Phan Lê Dũng thực hiện.
Phan Lê Dũng, người ở gần ông Nguyễn Tú trong thời gian cuối đời của vị ký giả lão thành này, đã báo tin cho TVTS khi ông Nguyễn Tú qua đời. Bản dịch này được ông Phan Lê Dũng gởi cho TVTS sau cuộc phỏng vấn (bằng tiếng Anh) được thực hiện trên đài SBTN-DC vào ngày 24.11.2021.
* * *
Phan Lê Dũng (Dũng): Ra trường ở một đại học Mỹ, tốt nghiệp ở một trung học Mỹ, thường thì ai cũng nghĩ anh sẽ tìm đến những ký giả như Malcolm Browne, David Halberstam or Peter Arnett. Anh có thể dễ dàng tìm đến những ký giả này, những nguồn tin này lúc nào cũng sẵn. Tại sao anh lại tìm đến ký giả Nguyễn Tú
George J Veith (Veith): Đối với tôi, trong số người tôi được gặp, ông Tú lúc nào cũng là một trong những người ly kỳ nhất. Ông là người lặng lẽ, rất khiêm tốn, nhưng càng nói chuyện với ông tôi càng được nghe những chuyện vượt ngoài sự suy nghĩ và lại càng muốn được nghe thêm, học hỏi thêm và rồi tôi cảm thấy muốn hiểu về đời ông, về những việc ông đã làm và ghi lại những câu chuyện ông đã kể. Tôi may mắn đã được ông cho phép đặt rất nhiều câu hỏi và cho phép tôi quay lại nói chuyện nhiều lần với ông.
Dũng: Chuyện bắt đầu như thế nào?
Veith: Khi tôi đang viết quyển Black April, tôi muốn viết về cuộc triệt thoái cao nguyên và tôi được biết rằng ông là ký giả duy nhất trên đường triệt thoái, con lộ số 7, và tôi nhờ một người bạn người Việt là anh Nguyễn Kỳ Phong giới thiệu tôi với ông. Chúng tôi cùng đến căn apartment tí hon của ông. Chúng tôi cùng nói chuyện về cuộc triệt thoái cao nguyên và ông bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện vượt sự tưởng tượng về những chuyện ông đã mục kích, đã trải qua. Bởi thế, tôi muốn trở lại để nói chuyện thêm với ông. Càng nói chuyện ông càng kể về những câu chuyện của ông và rồi chuyện dẫn đến giây phút mà người Mỹ chúng tôi vẫn gọi là giây phút “bừng sáng”.
Dũng: Trong bài viết của anh, anh nói về sự ngần ngại của ký giả Nguyễn Tú khi phải nói về con người ông. Anh đã nhiều lần đề nghị, yêu cầu ông viết về chuyện đời ông, nhưng hình như ông vẫn có một sự ngần ngại nào đó. Tại sao lại có sự ngần ngại đó?
Veith: Anh nói đúng, ông Tú lúc nào cũng nói với tôi rằng: “Tôi biết nhiều quá, người ta kể với tôi quá nhiều câu chuyện. Chuyện lưỡng lự của ông có lẽ do sự tổng hợp của hai yếu tố: Thứ nhất sự ngần ngại của một con người phật giáo. Thứ hai sự ngần ngại không muốn nói xấu về người khác. Và tôi nghĩ cũng có một phần là cá tính ký giả trong con người ông, muốn bảo vệ những nguồn tin ông đã được nghe. Nhưng có lẽ vượt trên tất cả có lẽ là vì ông cảm thấy ông không phải là người nên kể lại lịch sử. Ông là một người quá khiêm tốn, quá lặng lẽ, không thể nghĩ đến chuyện tự viết về mình, lấy mình làm trung tâm điểm.
Dũng: Anh có nghĩ đó là yếu tố duy nhất không? Bởi vì là ký giả như ký giả Nguyễn Tú và mục kích những chuyện như ông đã mục kích, thường thì người ta có khuynh hướng muốn kể lại tất cả. Như anh biết, đối với người Mỹ, “cởi mở” là tất cả. Miễn là mình quả không có ý dèm pha, chụp mũ. Người ta phải có cách để trình bày vấn đề rạch ròi, minh bạch chứ?
Veith: Tôi đồng ý với anh 100%. Tôi đã nói với ông Tú rằng: “Ông phải viết hồi ký.” Ông trả lời tôi: “Không, Không.” Đối với một người Mỹ thì đây là chuyện vô cùng khó hiểu. Cũng như tôi đã viết trong bài viết. Sau mỗi lần chúng tôi nói chuyện, ông thường tiễn tôi ra cửa. Lần đó, khi bước qua thềm cửa, ông nắm tay tôi thế này. Ông ngừng lại, nhìn xuống đất, rồi ngước lên nhìn tôi nói: “Tôi muốn kể lại chuyện của tôi.” Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh đó rõ mồn một trong đầu vì lần đó là lần cuối tôi gặp ông. Tôi đã yêu cầu ông rất nhiều lần trước đó và rồi cuối cùng ông đã đồng ý. Tôi ra về, lòng hết sức vui mừng.
Dũng: (Anh đã phỏng vấn ông Tú) Bao nhiêu lần cả thảy?
Veith: 9 lần
Dũng: Anh phỏng vấn ông Tú cả thảy hay 9 lần hay 9 lần kể từ sau khi ông đồng ý kể lại chuyện đời ông?
Veith: Tôi phỏng vấn ông Tú tổng cộng 9 lần. Lần cuối là lần ông kể lại chuyện đời ông. Và đó cũng là lần cuối tôi gặp ông trước khi ông mất.
Dũng: Vậy ông Tú không nói gì về chuyện đời ông trong 8 lần phỏng vấn trước?
Veith: Có chứ. Chúng tôi nói chuyện với nhau về lịch sử, về những chuyện ông đã làm. Lúc nào tôi cũng nói: “Ông cần phải viết những điều này xuống.” Lúc nào ông cũng nói: “Không, không được. . . “ Cho đến lần cuối tôi gặp ông. Đó là lúc ông nói: “Tôi muốn kể lại chuyện đời tôi.”
Dũng: Khi nói chuyện với ông qua nhiều buổi phỏng vấn như vậy, anh có thấy có một sự thay đổi nào trong quá trình phỏng vấn hay không? Chẳng hạn như sau mỗi buổi phỏng vấn, ông cởi mở hơn, nói chuyện thoải mái hơn…? Anh cảm thấy cách nói chuyện của ông có thay đổi không?
Veith: Đây là một câu hỏi thú vị. Lúc nào ông cũng hết sức cởi mở với tôi. Theo tôi nhớ thì chưa bao giờ có vấn đề gì khiến ông phải nói “Xin lỗi, tôi không thể nói về vấn đề đó.” Nếu tôi hỏi ông, ông trả lời ngay.
Dũng: Hầu hết, ông thận trọng, dè dặt không những chỉ đối với những ký giả Việt, mà còn đối với những ký giả Mỹ, hoặc Pháp nữa. Ông có phát biểu gì những ký giả Mỹ như Neil Sheehan, Stanley Karnow. Ông Tú có bao giờ nói chuyện với anh về những ký giả Mỹ không?
Veith: Có. Có lần ông nói về Neil Sheehan. Ông nói rằng ông không kính trọng Sheehan lắm. Ông nói rằng Sheehan suy diễn quá mức về nhiều thứ. Ông không nói gì về Karnow, hoặc những ký giả khác. Nhưng tôi nhớ lời bình luận của ông về Sheehan. Chúng tôi cũng nói chuyện rất nhiều về ký giả Phạm Xuân Ẩn. Ông nói, ông không hề biết Phạm Xuân Ẩn là cộng sản. Vì Ẩn lúc nào cũng đối xử với ông như một người đàn anh lớn tuổi, nhưng ông không bao giờ nghi ngờ gì Ẩn cho đến sau khi cuộc chiến chấm dứt.
Dũng: Và ông Tú cảm thấy thế nào sau khi biết chuyện Phạm Xuân Ẩn là ở phe kia?
Veith: Tôi nghĩ là ông ngạc nhiên, nhưng tôi nghĩ là ông không cảm thấy giận, không hiểu tôi nói thế có rõ không. Ông luôn cho rằng người ta ai cũng có sự chọn lựa. Ông chọn con đường này, những người khác chọn những hướng khác. Ông là người chống cộng dữ dội, nhưng ông không ghét họ. Ông nói với tôi như vậy. Ông là người không thích cộng sản, không thích chủ nghĩa, triết lý cộng sản, không muốn chính phủ của đất nước là một chính phủ cộng sản.
Dũng: Ông Tú có nói gì thêm về Phạm Xuân Ẩn không? Đã hẳn, ông Ẩn là một đề tài gây tranh luận. Ông Tú có nói chi tiết thêm về Phạm Xuân Ẩn không? Vì hình như ông Tú có một sự liên hệ gần gũi với Phạm Xuân Ẩn.
Veith: Vâng, đúng ông Tú có một sự liên hệ với ông Ẩn. Ông nói với tôi rằng khi ông được tha và đang đi ở Sài Gòn thì gặp Phạm Xuân Ẩn. Ẩn đã mời ông đến nhà và ông đến đó không đúng ngày. Khi ông đến, nhà ông Ẩn đang có nhân vật cao cấp của nhà nước ở đó, nên ông phải quay trở ra. Ông không chê bai gì ông Ẩn, nhưng ông cũng chưa bao giờ khen ngợi ông Ẩn. Việc chỉ như ông Ẩn là người ông biết. Thế thôi.
Dũng: Như thế, (khoảng cách đó phải chăng chỉ ) trên mặt lý tưởng hoặc có vấn đề cá nhân giữa hai người không? Bởi vì khi anh nói ông Tú không ngợi khen ông Ẩn, nhưng việc có thể khác, vì như anh biết, Người ta vẫn có thể khen ngợi kẻ thù của mình. Chuyện khen ngợi này có áp dụng vào trường hợp ông Ẩn không?
Veith: Tôi nghĩ không. Tôi nghĩ ông Tú là một ký giả chiến trường. Ông là một ký giả xông pha ngoài trận địa, trong khi Phạm Xuân Ẩn là người ở Sài Gòn, ngồi ở quán cà phê nghe chuyện. Bởi vậy, tôi nghĩ rằng ông Tú chưa bao giờ cho rằng Phạm Xuân Ẩn là một “ký giả”, mà chỉ là một người làm việc trong làng báo.
Dũng: Nhưng người ta cũng có thể nhìn khác vì Phạm Xuân Ẩn cũng đang ở giữa chốn (chiến trường) làm việc cho phía bên kia. Ông là một gián điệp, và không phải chỉ ngồi đó thưởng thức cà phê. Bởi thế, tôi không biết nhận định đó có thực sự đúng không? Một điều lạ về ông Tú là ông ít khi có ý kiến cả quyết, trọn vẹn về một người nào đó.
Veith: Vâng. Như tôi đã nói, ông không chê ông Ẩn rõ rệt hoặc khen ông Ẩn rõ rệt. Ông chỉ nói, tôi biết Ẩn, Ẩn xem tôi như một người đàn anh lớn tuổi và tôi không biết Ẩn là cộng sản. Đôi khi, có ý kiến cả quyết là một việc khó đối với ông. Tôi nghĩ ông Tú là một người khiêm tốn.
Dũng: Hoặc ngần ngại. Có thể là một cái gì đó khác ngoài vấn đề khiêm tốn. Tôi biết ông Tú là một người khiêm tốn, nhưng khiêm tốn không phải là yếu tố duy nhất trong việc này.
Veith: Có lẽ anh nói đúng. Tôi nghĩ anh nói đúng.
Dũng: Và ý kiến của ông Tú về người Mỹ. Anh có viết về một việc khi ông Tú cùng đi với một đơn vị Mỹ để phục kích, và rồi vào giữa đêm, một anh lính Mỹ đã bật khóc vì nhớ Mẹ. Tiếng kêu khóc của anh đã phá hỏng cuộc phục kích. Và ông Tú kết luận: Lính Mỹ tác chiến giỏi, có kỷ luật, nhưng không hiểu cuộc chiến. Đúng không?
Veith: Ông Tú lúc nào cũng cho rằng chúng ta không nên đưa lính Mỹ vào Việt Nam. Ông cho rằng người Mỹ chỉ nên huấn luyện, cố vấn, viện trợ quân cụ, tài chánh, nhưng không nên đưa lính Mỹ vào Việt Nam. Người Việt phải là những người chiến đấu, và tôi nghĩ rằng trên nhiều phương diện, ông đúng. Vì một thanh niên Mỹ 18 tuổi ở Kansas đến Việt Nam, không hiểu tiếng Việt, không hiểu văn hóa Việt, không thể hoạt động hữu hiệu trong một khung cảnh khác biệt. Tôi biết ông đánh giá cao người Mỹ, nhưng ông cho rằng không nên đưa lính Mỹ vào chiến đấu ở Việt Nam.
Dũng: Anh có nghĩ điều đó đúng không, theo quan niệm của một người Mỹ, như anh nhìn lúc này?
Veith: Nhìn trên một số phương diện, đưa quá nhiều lính Mỹ vào Việt Nam có thể là một lỗi lầm. Vì với số lượng lính Mỹ đưa vào Việt Nam, Bắc Việt sẽ có phản ứng. Như vậy phải xét lại điểm dừng. Phải ngừng lại ở điểm nào. Chỉ cần quân cụ và viện trợ hay phải cần cả lính Mỹ.
Dũng: Nhưng có phải là điều thực tiễn không? Vì để đầu tư tiền của vào Việt Nam một cách hữu hiệu, họ phải có một guồng máy kiểm soát nào đó. Bạn bỏ tiền ra, bạn muốn thấy phải có sự tiến triển. Bạn làm cách nào để kiểm soát việc đó mà không cần có người trông coi?
Veith: Đó là một câu hỏi khó bởi vì khi đưa tiền vào một nơi nào đó, đặc biệt là đối với chính phủ Mỹ, bạn phải trình báo rõ ràng về số tiền đó. Bạn phải trả lời: Tiền đã được dùng vào việc gì? Và ta đã có được những tiến triển nào? Bởi thế đây là việc vô cùng khó khăn đối với chính quyền Mỹ làm sao để tránh can thiệp và đồng thời phải can thiệp.
Dũng: Khi hợp tác với một người nào đó, bạn cần phải biết tiến triển, nhưng không biết phải dừng lại ở đâu. Và anh cảm thấy đó là vấn đề, nhưng anh có thể nói rõ hơn về cảm tưởng của anh không? Vì tôi không phải là người Mỹ nên tôi không thể hiểu người Mỹ cảm thấy thế nào. Cảm tưởng của anh?
Veith: Tôi không ở trong cuộc chiến, và vì thế phát biểu cảm tưởng là một việc khó. Nếu tôi hiểu đúng câu hỏi của anh, tôi nghĩ là chúng tôi đang cố giúp đỡ Miền Nam Việt Nam tự vệ, và chúng tôi đang cố xây dựng một quốc gia đang tự vệ, và một khi đã vào cuộc, thì khó rút ra lắm. Khi đã vào thì phải mang thêm vào nhiều, nhiều, và nhiều hơn nữa, vì quân Bắc Việt cứ ào ạt đến, và cứ thế sau một thời gian vấn đề cứ càng ngày càng lớn.
Dũng: Tôi nghĩ ông Tú bất đồng ý kiến không những chỉ với người Mỹ mà còn với đa số bạn ông. Điều này có thể thấy vào thời gian ông còn ở Hà Nội, nói chuyện với bạn ông và ông nói: “Khi đánh, ta phải chọn kẻ thù, ta phải đánh Cộng Sản trước rồi mới đánh Pháp sau. Anh cảm thấy sự chọn lựa của ông Tú có đúng không?
Veith: Tôi thấy đó là sự chọn lựa của rất nhiều người Quốc Gia. Ông cho rằng Pháp sẽ chẳng bao giờ thắng, sẽ đến lúc Pháp phải thua và rút lui và ông cho rằng Pháp là một thế lực đang xuống, trong khi đó Cộng Sản là một thế lực đang lên, như thế không phải là ông chọn theo Pháp mà là chọn theo phe những người không cộng sản mà Pháp ủng hộ. Và ông hy vọng rằng dần dần những người không cộng sản sẽ đủ mạnh để đánh bại cộng sản khi Pháp rút. Đó là cách ông nhìn sự việc.
Dũng: Vâng, và như anh viết, ông đã bị các bạn xem là phản bội.
Veith: Vâng, một số bạn ông đi theo cộng sản chỉ nhìn thấy một hình ảnh duy nhất là cần phải đá Pháp ra khỏi Việt Nam, bởi thế họ chọn cộng sản như một cách hữu hiệu nhất để đá Pháp ra khỏi Việt Nam, mà không hiểu rằng cộng sản còn là một tai họa lớn hơn.
Dũng: Bây giờ mình nhìn lại quan điểm thứ hai của ông Tú, khi nhìn vào quân đội Miền Nam. Cái nhìn của ông cũng rất khác với các ký giả khác. Không những chỉ khác về mặt chính trị mà còn về mặt quân sự nữa. Ông nhìn vào những người lính Việt Nam như những người lính chưa đủ kinh nghiệm, nhưng là những người lính khác với cái nhìn của những ký giả khác. Đa số những ký giả khác thường cho rằng lính Việt Nam là những người lính không muốn đánh trận, những người lính chỉ biết thủ lợi. Họ là một loại lính đánh thuê. Họ đánh chỉ vì người Mỹ đang trả tiền. Và khi Mỹ không chi trả nữa, như năm 1975 thì: “Thế là xong.” Nhưng ông Tú lại có cái nhìn gần như hoàn toàn trái ngược. Ông có nói về một bài báo Newsweek trong đó viết rằng “những lính Miền Nam thỏ đế” đang đối đầu với “những lính Sư Tử của Bắc Việt.”
Veith: Vâng, có. Có một bài báo trên tờ Newsweek vào cuối năm 1967 với cái tựa: Những con Sư Tử của họ và Những con Thỏ Đế của chúng ta. Tôi đã viết trong sách tôi rằng tôi phỏng vấn những sĩ quan sau 40 năm, họ vẫn còn nhớ sự sỉ nhục đó. Đó là một sự sỉ nhục và một sự sỉ nhục hoàn toàn sai. Vì thế khi ông Tú nhìn người lính như những người đang tận lực chiến đấu để bảo vệ đất nước thường là với sự lãnh đạo kém cỏi, và ký giả Mỹ, không biết tiếng Việt, không hiểu rất nhiều điều, chỉ nhìn vấn đề qua lăng kính văn hóa người Mỹ và chỉ nhìn thấy những hình ảnh xấu. Và mình cũng phải thông cảm, tự đặt mình vào phương vị của họ. Những con người của thập niên 60, không phải là những con người hiểu biết nhiều như những người của thế kỷ ngày nay.
Dũng: Như thế quả là một sự rủi ro khi lúc nào họ cũng có cái nhìn khác nhau, giữa những ký giả với nhau, giữa những người lính với nhau. Hình như người Mỹ và người Việt luôn luôn không cùng nhìn về một hướng và sự khác biệt đó chưa bao giờ được dung hòa?
Veith: Những chủ thuyết quân sự của Mỹ dạy rằng người lính phải xông xáo, phải ra ngoài đi tuần thường xuyên, đi tìm kẻ địch. Trong khi đó phía Việt Nam cho rằng tự đưa mình vào rừng rậm, chạy quanh chỗ này, chỗ kia là ngu đần, tự đưa mình vào chỗ chết vì bẫy mìn, bắn tỉa, và tự biến mình thành mục tiêu của địch, tự làm thương tổn mình chẳng để làm gì cả. Và như thế là có rất nhiều vấn đề. Chủ thuyết quân sự của Mỹ là đi lùng kẻ thù để diệt, có nghĩa là phải xông xáo, phải đi tuần trong rừng rậm, nhưng phía Việt Nam lại cho rằng đó là chuyện ngu đần. Tại sao không đợi địch đến rồi sẽ ra tay. Như thế việc đó tạo ra những cách suy nghĩ khác nhau và gây mâu thuẫn.
Dũng: Bây giờ mình nhìn về một khía cạnh khác. Tại sao anh lại viết về ông Tú khi ông đã chết 10 năm rồi?
Veith: Lúc nào tôi cũng muốn viết câu chuyện của ông. Tôi đã có nhiều ghi chú, nhưng tôi đang chú tâm vào quyển Black April và rồi lại chú tâm vào quyển Drawn Swords in a Distant Land. Tôi phải làm cho xong hai quyển sách đó. Khi hai quyển sách đó đã xong, tôi trở lại với ý muốn ban đầu. Tôi muốn trở lại với ông bạn già của tôi, và tôi lại giở lại tất cả những giấy tờ ghi chú. Tôi đã muốn làm chuyện này trong suốt 10 năm và cuối cùng, tôi đã tìm được đủ thời giờ để làm như tôi đã từng mong mỏi.
Dũng: Anh đã viết 4 quyển sách về Việt Nam, và có thể tổng hợp những sự kiện về cuộc đời của ông Tú vào những quyển sách đó. Tại sao anh lại cảm thấy cần viết về ông Tú trong một bài viết hoàn toàn riêng như thế?
Veith: Vì như tôi đã nói, ông đã mục kích và tham gia vào quá nhiều biến cố. Ông là một nhân chứng của lịch sử Việt Nam hiện đại. Ông sinh ra ở Miền Bắc, ông gia nhập Đại Việt, ông đánh nhau với cộng sản từ năm 1945-46. Ông đã vào Nam, ông đã biết rất nhiều nhân viên cao cấp Miền Nam. Ông đã đi khắp Miền Nam. Ông đã làm việc với tờ báo lớn ở Sài Gòn như làm việc ở Chính Luận với ông Đặng Văn Sung, quen biết Tổng Thống Thiệu. Và rồi ông bị thương ở mắt. Ông đã làm tất cả những việc này và chứng kiến những việc này. Cuộc đời của ông là . . .
Dũng: Lịch sử Việt Nam?
Veith: Đúng vậy. Đúng vậy. Cám ơn anh.
Dũng: Khi anh nói vậy, anh cũng thấy những quá trình phát triển chính trị từ những thập niên 30, 40, 50, 60, 70 và có thể là ngay bây giờ nữa. Triết lý của Đại Việt, rất nhiều bạn của ông Tú là đảng viên Đại Việt, Đặng Văn Sung là người của Đại Việt, chính ông Tú cũng là đảng viên Đại Việt. Đa số những người tôi biết, cũng là đảng viên Đại Việt. Như thế, đảng Đại Việt có vẻ như là có một viễn kiến chính trị để đối đầu với chủ nghĩa cộng sản. Không phải như người Mỹ nói chúng tôi không có gì cả. Rõ ràng như thế tại sao họ không thấy? Họ làm việc quá gần gũi với nhau và những chuyện này gần như quá hiển nhiên. Hình như không có quyển sách nào viết về chuyện này?
Veith: Để trả lời câu hỏi của anh, theo như tôi hiểu, vì cộng sản đã giết quá nhiều người của Đại Việt, đảng Đại Việt đã trở thành bí mật, rất bí mật và họ không có khả năng, trong một xã hội cởi mở, đứng ra như một chính khách để tuyên bố rõ ràng: Đây là những điều chúng tôi muốn làm, đây là chính sách của chúng tôi, đây là chính phủ của chúng tôi. Họ chẳng thể làm điều đó vì Pháp sẽ bắt họ, Cộng Sản sẽ giết họ và rồi ngay trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ông Diệm cũng không chấp nhận họ. Ông xem họ là thành phần đối lập tranh quyền với ông. Ông loại trừ Đại Việt ra khỏi chính trường và vì thế Đại Việt chưa bao giờ có dịp trình bày về triết lý của họ.
Dũng: Nhưng cuối cùng chính tổng thống Thiệu cũng là người của Đại Việt. Anh có viết là Nguyễn Văn Kiểu, anh ông Thiệu là một đảng viên Đại Việt. Và như thế phải chăng cuối cùng Đại Việt đã có chỗ đứng rồi?
Veith: Tổng thống Thiệu là đảng viên Đại Việt, nhưng chỉ tham gia trong một thời gian ngắn, và ông không phải là người thấm nhuần triết lý của Đại Việt. Ông chỉ là một quân nhân cao cấp trở thành tổng thống. Ông quả có là đảng viên Đại Việt. Anh ông quả có là đảng viên Đại Việt, nhưng sự tham gia của ông chưa bao giờ đủ sâu và ông chưa bao giờ là một thành viên chính trị cốt lõi của Đại Việt.
Dũng: Như thế họ có vẻ đã có, nhưng thực sự chưa bao giờ chính thức cầm trong tay quyền lực?
Veith: Có lẽ lúc gần như có thực quyền nhất là lúc Nguyễn Khánh cầm quyền, vì nhiều thành viên của Nội Các là người của Đại Việt, và thực ra Nội Các đó đã được gọi là Nội Các Đại Việt, nhưng Tướng Khánh đã nhanh chóng thấy rằng họ đang âm mưu lật đổ ông và ông đã tìm cách để trừ khử họ. Vào cuối năm 1964, ông đã trừ khử hết các nhân vật Đại Việt trong Bộ Nội Các.
Dũng: Hình như ông Tú vẫn là đảng viên Đại Việt cho đến phút chót? Ông chưa bao giờ nói tôi không còn là đảng viên Đại Việt?
Veith: Ông đã làm việc ở Bộ Thanh Niên, dưới quyền ông Kiểu, nhưng chúng tôi chưa hề nói chuyện với nhau về đoạn đời đó của ông nên tôi không được biết nhiều. Có thể anh còn biết nhiều hơn tôi. Ông nói với tôi ông vào Bộ Thanh Niên là vì ông muốn thuyết phục những người trẻ rằng chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa lầm lạc và khuyên họ nên đi về một hướng khác.
Dũng: Chỉ có vậy thôi sao?
Veith: Đó là điều duy nhất tôi biết.
Dũng: Ông Tú ít nói chuyện về Đại Việt nên tôi muốn hỏi xem anh có biết gì thêm sau lần phỏng vấn thứ 8 không? Nói chuyện về ông Tú là một chuyện có thể kéo dài không bao giờ dứt. Chúng ta có thể ngồi nói chuyện hết giờ này sang giờ khác. Anh đã phỏng vấn ông Tú 8 lần và ông đã kể về đời ông trong lần phỏng vấn cuối. Anh đã viết đại cương đầy đủ, nhưng vẫn là một bài viết ngắn. Nếu ông còn sống ngày nay thì anh sẽ hỏi ông điều gì?
Veith: Trời ơi! Khó quá! Tôi nghĩ là tôi sẽ hỏi ông nhìn lại đời ông và đánh giá việc quan trọng nhất ông đã làm trong đời là gì? Không phải chỉ cho riêng ông mà là cho mọi người vì ông không phải là người lấy mình làm trung tâm điểm. Câu hỏi của ông lúc nào cũng là làm sao để giúp đồng bào? Và vì vậy tôi sẽ hỏi ông việc quan trọng nhất ông đã làm, theo ông, là việc gì? Và tôi hy vọng rằng bài viết của tôi sẽ làm con người ông sống lại, nói chuyện đời ông với người Việt Nam.
Dũng: Vâng. Và sự mong mỏi của anh? Anh muốn người Việt và người Mỹ phản ứng thế nào sau khi họ đọc bài của anh? Và cuối cùng anh đã thay đổi ra sao sau khi biết câu chuyện của Nguyễn Tú. Tôi hứa, đây là câu hỏi chót.
Veith: Tôi hy vọng rằng sau khi đọc bài viết của tôi, như anh đã dịch ra tiếng Việt, bài viết đó sẽ khích lệ những người Việt khác viết về chuyện của họ, vì tôi đã nói điều này trong suốt 15 năm. Tôi đã nói chuyện trước đám đông và tôi vẫn nói y như vậy. Tôi nói rằng cộng sản đã viết nhiều, rất nhiều những chuyện của họ, và những sử gia của Mỹ đang sử dụng những tài liệu đó để nói về cuộc chiến, bởi thế, nếu chúng ta không muốn mất Việt Nam Cộng Hòa, thì chúng ta phải kể lại những câu chuyện của mình. Dù bạn chỉ là một hạ sĩ trong bộ chuyển vận, bạn vẫn nên viết lại câu chuyện của mình bởi vì nếu bạn chết mà không kể lại câu chuyện của mình thì đó là điều cộng sản thực sự muốn. Viết và trình bày lại những câu chuyện lịch sử là một việc quan trọng. Đó là điều tôi hy vọng người Việt sẽ làm. Tôi hy vọng họ sẽ viết những câu chuyện của họ, kể lại cho con cháu họ, kể lại với những người như anh, và đó là khi Việt Nam Cộng Hòa sống mãi.
Dũng: Cám ơn anh. Cám ơn anh rất nhiều. Hy vọng được gặp anh lần tới.
* * *
Tuần tới: Mời quý độc giả theo dõi bài “Tôi muốn kể lại chuyện đời tôi”: Ký giả Nguyễn Tú và cái giá của sự can đảm của tác giả George J. Veith, bản dịch của Phan Lê Dũng.
Trích TVTS số 1863 phát hành ngày 8.12.2021