Hỏi và giải đáp 310: ‘Hoa ‘vô chủ’ nhưng ‘vô hại’!

16 Tháng Mười Một, 2017 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

Sau khi đăng bài viết của của bà Y trên Hỏi và giải đáp 308 với tựa ‘Hoa vô chủ’, TL nhận được thư của ông X, người tự nhận mình là ‘bạn tốt’ của một số bông hoa ‘vô chủ’, viết để phản bác ý kiến trong bài viết của bà Y.

Như đã cẩn thận rào trong số báo nói trên, TL đăng thư của bà Y trong tinh thần ‘tôn trọng ý kiến độc giả’, thì tuần này cũng thế thôi. Nghĩa là TL xin đứng giữa trong cuộc tranh luận này – một cuộc tranh luận ra vẻ gay gắt nhưng không phải là không có tác dụng chấn chỉnh, xây dựng, và rất có thể sẽ khiến các bên thông cảm với nhau hơn.

* * *

Cô Thanh Lan thân mến,

Thú thật với Cô, được bà xã đưa tờ TVTS cho đọc xong lá thư ‘sắc như dao cạo’ của bà Y, tôi nhận thấy có nhiều điều không ổn. Và tôi tin rằng chắc chắn phải có những bông hoa vô chủ buồn bực. Bực là vì những nhận xét ‘vơ đũa cả nắm’ và lên án gay gắt của bà Y; còn buồn là vì cô TL đã không có một hàng nào để sửa sai hay làm giảm bớt tính cách cực đoan trong lá thư của bà Y.

Vì thế, chẳng đạng đừng, tôi đành cầm bút lên – với tư cách là một người chồng trung thành nhưng vẫn có quan hệ bạn bè (trong sạch) với một số bông hoa vô chủ đáng mến, và ‘vô hại’.

Tôi chẳng biết mình có thuyết phục được các bà vợ ‘hoạn thư’ hay không, nhưng vẫn cứ viết.

* * *

Trước hết, ngay ở đoạn mở đầu, khi ‘từ sự cảm phục dành cho cô B’ (từ chối tình câm của một nam đồng nghiệp đã có gia đình), bà Y bỗng liên tưởng tới những người mà bà không cảm phục, đó là ‘những bông hoa vô chủ chỉ thích lẳng lơ quyến rũ những người đàn ông đã có chủ’, thì vô tình hay cố ý, bà cho rằng đã là hoa ‘vô chủ’ thì một là đáng cảm phục, hai là đáng khinh ghét, không có thành phần đứng giữa!

Nếu cô TL và quý độc giả (có đầu óc khách quan) chưa đồng ý với nhận xét của tôi, thì xin quý vị đọc lại đoạn tiếp theo trong thư bà Y:

‘Đây là một tệ nạn tình cảm khá phổ biến trong cộng đồng chúng ta nhưng từ trước tới nay hình như chưa có ai dám đề cập tới…’

Hai chữ ‘tệ nạn’ sử dụng trong trường hợp này hơi nặng nề – nếu không muốn nói là quá nặng nề!

Thông thường, cái gì tai hại, xấu xa lắm người ta mới gọi là ‘tệ nạn’, như cờ bạc, đĩ điếm, xì-ke, say sưa, bạo hành trong gia đình  tới mức độ không còn kiểm soát được, không thể chấp nhận được.

Còn lại những ‘vấn đề’ khác, người ta gọi là ‘vấn nạn’.

Nhưng kể cả hai chữ ‘vấn nạn’ cũng không nên sử dụng khi viết về các bông hoa ‘vô chủ’.

Là một người chồng tuy không gương mẫu nhưng biết giới hạn của mình, và nhất là có được một người vợ biết thông cảm (ghen hợp lý và ghen trong khuôn khổ!), tôi hoàn toàn đồng ý với bà Y về nguyên nhân đã khiến đàn ông chúng tôi ‘sáng mắt lên’ trước một số bông hoa vô chủ. Bà viết:

(1) Những bông hoa vô chủ ấy không phải đầu tắt mặt tối như các bà nội trợ cho nên lúc nào cũng ‘láng’, cũng thơm tho, sexy hấp dẫn.

(2) Bụt nhà không thiêng. Đàn ông ai cũng thích ‘của lạ’, nhiều khi chỉ dòm ngó, mơ tưởng chứ chẳng hy vọng chấm mút gì mà cũng cứ vẫn xun xoe, o bế, thậm chí tốn tiền tốn bạc để chiêu đãi!

Đọc qua, gạt bỏ tính cách phũ phàng, gay gắt của lời văn, chúng tôi không chối cãi thực tế ấy. Nhưng thử hỏi, tại sao gia đình tôi không ‘thường bị xào xáo một cách hết sức vô lý vì những bông hoa vô chủ ấy’ như gia đình bà?!

Ớt nào là ớt chẳng cay…, nhưng mỗi loại ớt nó có một cách cay khác nhau, cay thơm, cay nồng, cay cháy lưỡi, cay vừa phải…, và tệ hại nhất là ‘cay hỗn’, nghĩa là thay vì gia tăng lại làm giảm đi  sự ngon miệng.

Bà biết chắc chắn ông chồng yêu quý của bà có nhiều cơ hội cặp kè nhưng đã không hề phản bội vợ con, nay lại già rồi, thì mỗi lần đi đâu, ổng có ‘sáng mắt lên’ trước các bông hoa vô chủ, bà cũng nên thông cảm chứ đừng ghen tức cho khổ tâm, giảm thọ!

Theo nhận xét của tôi, những gì mà gọi là ‘xun xoe’ của các ông đã có vợ đối với những bông hoa vô chủ, phần nhiều đều chỉ là thái độ ‘ga-lăng’ – và sẽ được các bà vợ diễn dịch khác nhau, tùy theo trình độ nhận thức và tỷ lệ máu hoạn thư trong người.

Thứ đến, nói về câu hỏi bà đặt ra: tại sao những bông hoa vô chủ ấy, khi có điều kiện thuận lợi lại không chịu yên phận với một người nào đó trong số đàn ông đang theo đuổi mình?

Khi tự tìm ra câu trả lời: bởi vì đối với những bông hoa ấy, cuộc sống ‘yên phận’ có thể ‘tốt’ nhưng không ‘vui’, bà đã cho thấy mình là một người có thành kiến nặng nề, và thiếu cơ sở đối với những bông hoa vô chủ!

Trong số những cô gái giang hồ còn có người ao ước cơ hội hoàn lương, thì tại sao lại nói rằng những bông hoa vô chủ chỉ muốn ‘vô chủ’ suốt đời?!

Tôi biết rõ cuộc sống tình cảm của một số bông hoa vô chủ mà cả hai vợ chồng tôi đều thương mến: họ cố gắng lắm đấy chứ, nhưng vào thời buổi này, khi mà gái trẻ ở Việt Nam rẻ như bèo, single-girl ‘chịu chơi’ ở Úc nhan nhản, thì với tuổi đời ấy, kiếm được một người đàn ông thương yêu mình thật tình, không phải là dễ,  hoặc nếu may mắn vớ được anh chàng nào thì cũng thường là đám đào mỏ, hoặc tìm chỗ hưởng thụ ‘sex chùa’.

Kết luận, tôi cũng viết y như bà đã viết: mong rằng ý kiến của tôi, dù cay đắng phũ phàng thể nào, cũng được bà Y và quý phu nhân có máu hoạn thư xem là ý kiến xây dựng.

 

Trân trọng,
X.