Các nước lớn tẩy chay hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của LHQ

22 Tháng Chín, 2017 | Tin thế giới
Phiên họp của LHQ hôm 21.9.2017. Photo Courtesy: Reuters

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc bị nhiều nước lớn tẩy chay vì cho rằng nó khó có thể phát huy hiệu quả.

50 nước ngày 21.9 chính thức lần lượt đặt bút ký một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân bên lề cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiệp ước này bị các cường quốc hạt nhân phản đối, song những người ủng hộ nó lại ca ngợi đây là một thỏa thuận mang tính lịch sử, theo AP.

Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân kể trên được 122 quốc gia tại Liên Hợp Quốc thông qua hồi tháng 7 sau hàng loạt phiên đàm phán do Áo, Brazil, Mexico, Nam Phi và Tân Tây Lan chủ trì.

Tuy nhiên, không quốc gia nào trong 9 nước sở hữu vũ khí hạt nhân, gồm Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel, đồng ý tham gia.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lên án hiệp ước vì cho rằng nó thực tế có thể gây thêm trở ngại vì tạo ra sự chia rẽ.

NATO cho biết: “Trong lúc thế giới cần chung tay đối mặt với những mối đe dọa, đặc biệt là từ Bình Nhưỡng, hiệp ước này đã không suy tính tới các thách thức an ninh mới”.

Tổ chức với 29 thành viên cho biết Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân không có sự tham gia của các nước sở hữu loại vũ khí này sẽ không đem lại tác dụng đối với an ninh quốc tế.

NATO phản đối hiệp ước về vũ khí hạt nhân của Liên Hợp Quốc chỉ một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên phát biểu tại tổ chức quốc tế này. Ông đe dọa sẽ hủy diệt Triều Tiên và gọi nhà lãnh đạo Kim Jong Un là “gã tên lửa”.

Trước đó, Hiệp ước toàn cầu về cấm vũ khí hạt nhân đã được thông qua tại Liên Hợp Quốc ngày 7.7 dù vấp phải sự phản đối từ các cường quốc hạt nhân.

Trong khi đó, Mỹ, Anh và Pháp khẳng định hiệp ước sẽ không hiệu quả và cuối cùng, nó chỉ khiến họ mất đi khả năng hạt nhân nhưng vẫn thúc đẩy “những nhân tố xấu”, như lời Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley nói.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian gọi hiệp ước là “hão huyền” và “gần như vô trách nhiệm”. Đại diện các nước Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Mỹ đều vắng mặt tại buổi lễ ký hiệp ước.

Ngay cả Nhật Bản, quốc gia từng hứng chịu hai vụ ném bom nguyên tử thời kỳ Thế chiến II, cũng không ủng hộ hiệp ước với lý do nó “khác biệt” so với cách tiếp cận của họ.

Tuy nhiên, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lại miêu tả hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân là thỏa thuận đầu tiên mang tính lịch sử về giải trừ quân bị đa phương trong vòng hơn hai thập kỷ qua.

Tổng hợp