Trung Hoa vĩ đại: “Đứng trước kinh đô của đế quốc nhà Minh và nhà Thanh ngày xưa và thủ đô của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay, chúng tôi thấy người Trung Hoa thật vĩ đại: vua chúa và lãnh tụ cộng sản vĩ đại trong sự tàn bạo, xa hoa, còn dân chúng thì vĩ đại trong sự cần cù và chịu đựng”, Nguyễn Hồng Anh, 1995.
* * *
Trên đường đi Bắc Kinh, chúng tôi có dịp đọc bản thảo của thân hữu Khương Bửu với đề tài “Một người Việt Nam đã xây dựng kinh đô Bắc Kinh”. Thật ra trước đây vài năm, báo TVTS cũng đã có đăng một tài liệu nho nhỏ nói về Nguyễn An, người được xem là đã có công kiến thiết đế đô Bắc Kinh, nhưng phải đợi đến bài viết của bạn Khương Bửu chúng tôi mới thấy tác giả đã có công tra cứu sâu rộng hơn về đề tài này.
Chúng tôi rất lấy làm thích thú và đề nghị tòa soạn cho đăng trong số 484 (5.7.95), riêng chúng tôi đọc đi đọc lại vài lần, coi như là một tài liệu độc đáo bằng Việt ngữ để mình có dịp tham khảo đối chiếu khi chính mắt thấy công trình vĩ đại này do một người Việt lưu vong thực hiện cách đây gần 600 năm.
Chúng tôi đến Bắc Kinh vào khoảng hai giờ chiều. Từ phi trường đến khách sạn mất khoảng 20 phút lái xe hơi. Cất hành lý vào phòng, chúng tôi nhờ công ty dịch vụ du lịch ở đây bao một chiếc xe taxi chở chúng tôi đi xem Tử Cấm Thành và Quảng Trường Thiên An Môn ngay, vì cả hai danh thắng này đều nằm ở cùng một địa điểm. Sau đó yêu cầu họ chở về nhà tắm rửa rồi lại chở đi xem một đoàn xiệc nổi tiếng nhất ở Trung Quốc diễn trong tối đó. Người hướng dẫn phải ngồi đợi chúng tôi, do đó họ tính tiền chuyên chở và đợi chúng tôi trong khoảng 7 tiếng đồng hồ là 540 nhân dân tệ, khoảng $95 Úc kim (cho hai người).
Tuy có mắc hơn thuê taxi, nhưng được cái là nhân viên công ty dịch vụ du lịch nói được tiếng Anh thông thạo, lại cũng biết giới thiệu nên đi chỗ nào cho hợp ý bạn.
Cung cấm
Kiến trúc của Hoàng Thành (The Imperial Palace) gồm Nội Thành (Inner City hoặc Tartar City) và Tử Cấm Thành (còn gọi là Đại Nội) được xây theo trục thẳng, từ Nam lên Bắc.
Cổng Thiên An Môn thuộc khu vực nội thành ngày xưa, đi từ phía Nam. Băng qua quảng trường Đỏ ngày nay thì đến cửa Ngọ Môn. Từ cửa Ngọ Môn đi dọc lên hướng Bắc là khu vực Tử Cấm Thành, nơi xưa kia các hoàng đế nhà Minh và Thanh sống và làm việc.
Chúng tôi chọn đi xem cửa phía Bắc trước vì cái tên Tử Cấm Thành quá gợi sự tò mò của chúng tôi, qua phim ảnh và sách báo.
Nếu bạn đã từng coi cuốn phim đoạt một lúc 9 giải Oscar – The Last Emperor – Vị Hoàng Đế Cuối Cùng – do đạo diễn lừng danh của Ý Bertolucci thực hiện thì khi đến nơi để mục kích bạn sẽ không thấy Tử Cấm Thành xa lạ lắm đối với mình.
Cũng nên nói lại, từ khách sạn Landmark chúng tôi ngụ lên Thiên An Môn chỉ khoảng 8 cây số. Đi taxi mất 20 đến 30 phút, và nếu đi loại taxi màu vàng (ở Bắc Kinh có 3 loại taxi giá khác nhau, màu vàng là xe taxi giá trung bình) bạn chỉ trả khoảng $2.80 Úc kim.
Vào cổng Tử Cấm Thành bạn phải qua hàng dành riêng cho người ngoại quốc “và Hoa kiều yêu dấu ở hải ngoại”. Vé bao gồm cả cho thuê một cái máy cassette nhỏ giới thiệu cảnh vật, lịch sử của Tử Cấm Thành. Mỗi người là 85 nhân dân tệ (khoảng 15 Úc kim), phải đưa passport cho họ giữ. Đến gần cổng ra trên phía Bắc họ sẽ đưa Sổ Thông Hành lại cho bạn, khi bạn trả cassette.
Tuy bị “ép mua” với giá trên, nhưng khi hỏi lấy cassette ở đâu, mấy người gác cổng cứ chỉ lui chỉ tới, không nói tiếng Anh được mà chúng tôi thì quý thì giờ nên đành đi tay không, nhớ lại những gì mà mình đã đọc qua sách vở, phim ảnh khi ngắm cảnh vật.
Hoàng Thành được xây năm 1404 dưới thời vua Vĩnh Lạc nhà Minh và phải mất 17 năm mới hoàn tất. Tử Cấm Thành là khu vực nhà vua và hoàng gia ở và làm việc, trong một khu đất hình chữ nhật dài 960m và rộng 760m, được ngăn cách với bên ngoài bằng bức tường cao 10m. bên ngoài 4 bức tường là hào sâu (kênh đào), bọc quanh để bảo vệ Tử Cấm Thành.
Trong hơn một tiếng đồng hồ, chúng tôi chỉ đi một đường thẳng từ cổng Ngọ Môn (Wumen) ở phía Nam đến cổng cuối cùng là Thần Vũ Môn (Shenwumen) ở phía Bắc. Ngọ Môn ở Bắc Kinh có hình dáng từa tựa như Ngọ Môn của Đại Nội ở cố đô Huế, nhưng to lớn hơn, cao đến 38 mét. Ngọ Môn là nơi vua duyệt binh, công bố lịch năm mới hoặc trị tội phản thần v.v…
Trước hết chúng tôi đi qua cổng Thái Hòa (Taihemen), rồi qua một khoảng sân rộng lát đá có con lạch nhỏ Kim Thủy chảy qua và tới Điện Thái Hòa (Taihedian). Đây là nơi vua thiết triều, điều khiển mọi quốc sự. So với Điện Thái Hòa của nhà Nguyễn ở Huế thì Điện Thái Hòa của nhà Minh lớn và cao hơn nhiều. Điện này cao đến 35m cho nên, suốt dưới hai triều đại nhà Minh và nhà Thanh, Điện Thái Hòa là kiến trúc cao nhất của thành phố Bắc Kinh.
Lại qua một cái sân rộng khác thì đến Điện Trung Hòa (Zhonghedian), nơi vua chuẩn bị trước khi ra ngự ở điện chính là Điện Thái Hòa. Điện Trung Hòa nhỏ hơn điện Thái Hòa và Bảo Hòa.
Băng qua một cái sân rộng khác thì đến Điện Bảo Hòa (Baohedian), nơi triều đình tổ chức tiệc tùng và khảo thí. Ra khỏi Điện Bảo Hòa, bạn sẽ đi bộ trên những bậc đá cẩm thạch. Giữa là một bức hoa văn rồng múa khắc trên một tảng đá cẩm thạch nguyên miếng dài đến 16m và cao đến 3m. Không biết làm cách nào mà con người thời đó có thể khiêng nguyên một tảng đá to và nặng đến 250 tấn từ ở một nơi xa xôi về kinh đô để tạo nên bức tranh lót đường cho cung điện của vua!
Đến đây là bạn đã đi được một nửa đường của Tử Cấm Thành rồi đấy, nhưng bạn chưa đi vào phía tả và hữu để xem các cung điện, khác nơi làm việc của quan quân.
Người ta nói có trên 9,000 căn phòng ở trong khu vực Tử Cấm Thành này!
Nhiều phòng ốc vẫn đóng kín cửa không cho khách vào. Một số rất nhiều phòng ốc khác đang được tu bổ, tái tạo. Chúng tôi thấy người ta đang dùng những thứ ngói hoàng lưu ly (ngói ống màu vàng) và thanh lưu ly (ngói ống màu xanh) để lợp lại những mái nào đã bị hư hỏng vì thời gian (ở Huế, một số mái ngói trong cung điện hay ở Ngọ Môn bị hư hại vì chiến tranh, nhà nước CHXHCNVN đã vận dụng óc sáng tạo của “chủ nghĩa Mác-lê và tư tưởng Hồ Chí Minh” một cách tài tình – khó khăn nào cũng vượt qua – bằng cách lợp hoặc vá mái bằng tôn. Thế cũng là bảo trì di tích lịch sử vậy!).
Từ đây bạn băng qua sân lát đá để tới Càn Thanh Môn (Quianqingmen), rồi Cung Càn Thanh (Quianqinggong) nơi các vua Minh và Thanh sống và làm việc. Tiếp đến là Cung Khôn Ninh (Kunninggong) nơi các vua nhà Thanh hành lễ với những nghi thức Mãn Châu của họ.
Tới đây chúng tôi nghe mấy du khách nói với nhau bằng tiếng Tàu mà chúng tôi nghe âm phát mang máng là “tam cung lục viện”. Té ra chúng tôi đã tới nơi mà ngày xưa chỉ có các ông Thái Giám được bén mảng mà thôi. Bên phải là sáu cung điện gọi Đông Cung, bên trái là sáu cung điện khác có tên gọi là Tây Cung. Cho đến đầu năm 1900, khi Tây Thái Hậu còn trị vì Trung Hoa, có khoảng 10,000 người sống ở trong Nội Cung – một nửa phía sau (Bắc) của Tử Cấm Thành. Sau Cung Khôn Ninh là vườn Thượng Uyển với cây cối rợp bóng, núi giả (hòn non bộ), lầu lục giác để vua và hoàng hậu, quý phi ra hóng mát. Trên phía Đông Bắc gần cổng đi ra bạn sẽ gặp một cái giếng nhỏ (Well of Concubine Zhen – Zhenfeijing), gọi là Giếng Chân Phi. Chân Phi là một quý phi rất được vua Quang Tự yêu mến. Nàng thông minh và ủng hộ vua Quang Tự canh tân đất nước. Chính vì vậy mà Từ Hi Thái Hậu ghét cho nên – theo phim và sách sử – khi Từ Hi phải bỏ Bắc Kinh chạy trốn cuộc tấn công của Bát Quốc Liên Minh, bà đã ra lệnh cho các thái giám giết Chân Phi bằng cách xô nàng xuống giếng này.
Chúng tôi ra khỏi Tử Cấm Thành bằng Thần Vũ Môn, một cái cổng to cũng hơn một nửa cổng Ngọ Môn. Trước Thần Vũ Môn là bãi đậu xe.
Và đằng xa là đỉnh Mai Sơn. Chúng tôi đã không lên Mai Sơn ngắm cảnh mà đi ngược về phía trước, tức là phía Nam để tham quan Quảng Trường Thiên An Môn.
Công Trường Đỏ
Ngày xưa, trước Tử Cấm Thành là một khu vực có tên Nội Thành (Tartar City) được ngăn bởi một lớp thành để phân biệt Nội Thành với Ngoại Thành (Chinese City) – khu vực thường dân ở. Từ hướng Nam đi bộ tới Ngọ Môn của Tử Cấm thành, có các cổng Tiền Môn, Đại Thanh Môn và Thiên An Môn. Khu vực này cũng vuông vức và diện tích rộng gần bằng Tử Cấm Thành.
Sau khi cộng sản chiếm Hoa Lục vào năm 1949, Mao Trạch Đông đã cho san bằng khu Nội Thành này, chỉ giữ lại cổng Tiền Môn và cổng Thiên An Môn (Tiananmen Gate).
Khu vực từ cổng Thiên An Môn đến Ngọ Môn bị đập phá để xây nên Quảng Trường Thiên An Môn ngày nay (Tiananmen Square), còn được gọi là Công Trường Đỏ (Red Square). Nói cho dễ nhớ, Quảng Trường Thiên An Môn nằm ngay trước mặt Tử Cấm Thành.
Quảng Trường Thiên An Môn được bao bọc bởi những con đường lớn, xung quanh có hàng rào bằng chân sắt có thể di chuyển được. Muốn vào, bạn đậu xe ở bên hông, xong xuống đường hầm (rộng lớn) ở dưới đất để tới quảng trường.
Người ta nói quảng trường này là một trong những quảng trường lớn nhất thế giới, rộng đến 50 hếc-ta. Chúng tôi đến đây vào khoảng 5 giờ rưỡi chiều. Vì mùa hè nên mặt trời gay gắt và dưới cái nóng 30 độ, chúng tôi vừa đi vừa cầm bình nước uống, nhưng cũng chỉ đi một hai vòng trước cổng Thiên An Môn mà thôi.
Đứng trên quảng trường này, chúng tôi nhớ lại những ngày đầu tháng 6 năm 1989 lúc mà phong trào thanh niên sinh viên tranh đấu đòi dân chủ lên đến cực điểm. Và rồi vào sẩm tối ngày 4 tháng 6 khi màn đêm vừa buông xuống trên quảng trường, xe tăng của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân đã cán lên các hàng rào vào càn quét người biểu tình, giết chết hàng ngàn người, làm bị thương hàng chục ngàn người. Ngày nay, nói đến Quảng Trường Thiên An Môn người ta nhớ đến cuộc đàn áp đẫm máu hoặc người ta nghĩ đến một địa điểm tốt nhất nước Trung Hoa để biểu tình!
Bên trái (phía tây) của quảng trường là Đại Sảnh Nhân Dân có sức chứa cả 10,000 người. Bên phải là Bảo Tàng Viện Lịch Sử Trung Hoa. Ở giữa Quảng Trường là Đài Anh Hùng Tử Sĩ Nhân Dân, xây xong năm 1958 để ghi công những người cộng sản chết trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Đài này cao 37m, tức cao hơn cổng Thiên An Môn đến một mét.
Cổng Thiên An Môn ngày nay là khán đài mà các nhà lãnh đạo cộng sản đứng xem duyệt binh trước Đại Lộ Trường An (Chang’an Boulevard), một con đường rất lớn và dài đến 38 cây số. Chỉ trước cổng Thiên An Môn là nơi duy nhất ở Bắc Kinh còn treo hình Mao Trạch Đông ở chốn công cộng.
Đi dọc Đại Lộ Trường An về hướng Tây người ta sẽ gặp một công thự lớn bọc kín bởi những bức tường màu đỏ. Đó chính là Trung Nam Hải (Zhongnanhai), nơi Mao Trạch Đông sống và cũng là nơi các lãnh tụ đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay ngụ và làm việc.
Phía sau cổng Thiên An Môn là cổng Tiền Môn. Chính trước cổng Tiền Môn, nơi phân chia ranh giới giữa Nội Thành và Ngoại Thành ngày xưa là Lăng của vua đỏ Mao Trạch Đông.
Chúng tôi chỉ đi lui tới trên quảng trường trước mặt cổng Thiên An Môn, hồi tưởng lại những biến cố trong lịch sử Trung Hoa từ ngày cộng sản chiếm chính quyền. Một phần vì trời nóng, mệt, phần khác do không thích nên chúng tôi đã chẳng buồn đi xem các “di tích lịch sử” quanh quảng trường như Đài Tử Sĩ, Đại Sảnh Nhân Dân, Lăng Mao…
Đứng trước kinh đô của đế quốc nhà Minh và nhà Thanh ngày xưa và thủ đô của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa ngày nay, chúng tôi thấy người Trung Hoa thật vĩ đại: vua chúa và lãnh tụ cộng sản thì vĩ đại trong sự tàn bạo, xa hoa, còn dân chúng thì vĩ đại trong sự cần cù và chịu đựng.
Tử Cấm Thành dĩ nhiên là di tích của thời đại phong kiến. Nhưng toàn bộ công trình xung quanh Thiên An Môn, kể cả Lăng Mao Trạch Đông, lại là chứng tích của phong kiến… đỏ.
Sau Hoàng Thành thì có “Hồng Trường”. Thành ra, ở bất cứ thời đại nào, người dân đen Trung Hoa vẫn là kẻ chịu thiệt thòi nhất.
Nguyễn Hồng Anh, trích báo giấy TVTS số 492 phát hành 30.8.1995