SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (bài 7) Sài Gòn cà phê, cà pháo… (tt)

26 Tháng Ba, 2008 | Ăn uống

 

Niết Bàn hạ giới tọa lạc tại góc đường Nguyễn Đình Chiểu và Phùng Khắc Khoan. Chỉ nguyên cái mầu nâu của cửa ra vào, của hàng rào cùng bàn ghế cho đến những vật trang trí, thực đơn cũng đủ khiến bạn có cảm tưởng đang gần gũi với không khí nhà Phật. Bạn sẽ cảm thấy thư giãn, thư thái và thư thả hơn khi ngồi vào một bàn với giàn hoa giấy phía sau và trước mặt là những cây chuối xanh tươi. Ở giữa Sài Gòn nắng bụi và ồn ào triền miên, ngồi giữa một khung cảnh như  vậy thật là lý tưởng.

 

Sau khi thưởng thức một ly cà phê sữa đá hoặc một ly trà Lipton (thứ trà phổ thông nhất hiện nay tại các quán cà phê), ngồi lim dim, suy nghĩ vẩn vơ cho đến giờ Ngọ  khi “bừng con mắt dậy thấy mình… bụng không”, bạn có thể ngồi nán lại để dùng bữa cơm trưa thuộc loại “cơm trưa văn phòng” ở đây.

 

Tuy là Niết Bàn nhưng không có cơm chay, chỉ toàn món mặn làm chính, phụ diễn đại khái với canh rau, cà pháo. Một phần cơm trưa tại Niết Bàn giá cả rất thanh cảnh và mềm mại đối với tôi và bạn. Chẳng hạn như một “set” gồm: Tôm rim thịt, bắp cải xào, canh mùng tơi và rau dền với cà pháo. Hoặc một “set” khác với những món chính như cá bạc má chiên, cá ngừ kho thơm hay thị nạc dăm ram. Còn canh hay rau xào, cà pháo giống hệt như những “set khác”. Có lý quá phải không bạn? Chỉ với giá tương đương  một “đô”, ta có thể ăn no căng rốn ngay tại Niết Bàn.

 

Nếu bạn không muốn thoát tục trong cái không khí đượm vẻ thanh tịnh, với cái tên phảng phất mầu sắc tôn giáo vì còn cảm thấy còn trần tục, tham sân si tùm lum thì sẽ còn không thiếu gì nơi khác để bạn dừng bước giang hồ. Ta lấy quán cà phê Bến Xuân Xanh trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1 làm điển hình.

 

Quán này do một ngài luật sư có máu văn nghệ làm chủ. Chẳng thế mà ông ấy đặt cho món  uống những cái tên hay ho ra phết.  Nào là kem Lãng Du hay kem Ngõ Hoa hoặc trà Bến Xuân Xanh.  Nhờ cách đặt tên văn vẻ với lối pha chế… tự biên nên Bến Xuân Xanh được các cô cậu trong tuổi xuân xanh lui tới đều đều. Ngồi giữa một không gian xinh xắn và yên tịnh, thưởng thức một ly cà phê đen quánh nghe những nhạc phẩm hoà tấu nhẹ nhàng nơi Bến Xuân Xanh không thú sao được.

 

Trên đường Trương Định, quán Cà Phê Ân Nam cũng là nơi thu hút đông đảo khách khứa.  Thoạt đầu quán có tên An Nam (không có dấu mũ).  Nhưng nghe nói cơ quan có thẩm quyền quận Ba đã không cho phép lấy tên này vì có vẻ man ri, mọi rợ, không phù hợp với tên gọi người Việt cao quý, nay đang ở trong thời buổi tân tiến văn minh của nền kinh tế thị trường. Do đó người An Nam được… chụp mũ để trở thành Ân Nam!

 

Diện tích của Ân Nam rất rộng lớn, với sân trước, sân sau thoáng mát do những cây cối xum xuê, những giỏ hoa lan cùng những tiếng nước chảy róc rách từ hai hòn non bộ cao lớn.  Dưới chân là một cây cầu nhỏ bắc ngang dẫn vào phiá sau. Hữu tình biết bao. Nếu vẫn cảm thấy nóng, sẽ có liền một phòng lạnh khá rộng, bài trí tân thời phiá bên tay trái để bạn ngồi phịch xuống chiếc ghế nệm thấp một cách thoải mái cho sướng tấm thân. Dưới tầng hầm xinh xắn của Ân Nam vẫn có trình diễn nhạc sống mỗi đêm, với Lan Ngọc là nữ ca sĩ nồng cốt.

 

Cà phê Thanh Niên, đối diện cửa sau của Diamond Plaza cũng thuộc dạng cà phê sân vườn.  Nó không nổi tiếng về cách bài trí hoặc o bế cỏ cây hoa lá cành mà trái lại, những vấn đề này không được quan tâm cho lắm.  Nên một cách tổng quát, Thanh Niên chỉ ở mức thường thường bậc trung. Tuy nhiên với một đội ngũ đông đảo nhân viên phục vụ nhanh nhẹn và thân mật nên khách khứa lấy làm hài lòng.

 

Điểm đặc biệt của Cà Phê Thanh Niên là đã tạo cho mình thành một địa điểm lý tưởng cho những cuộc gặp gỡ, hẹn hò, đặc biệt là của khách Việt Kiều tứ xứ. Nên ai cũng khoái Thanh Niên hết ráo. Từ ông lão, bà lão đến các vị nam nữ sồn sồn, xuống tới nam thanh, nữ tú; người nào cũng có thể đến với Thanh Niên.

 

Có bạn bè ở hải ngoại về chơi, cứ réo để hẹn ra Thanh Niên là ăn chắc.  Hoặc không, nếu ngồi xớ rớ ở ngoài sân hay trong hai căn phòng ăn, chắc chắn bạn sẽ gặp vài ông bà bạn nào đó, từ Tây từ Mẽo trở về với những “bonjour”, “Hi” hay “Hello”, “Take care” vung vít.  Mà cũng rất có thể biết đâu bạn sẽ có cơ hội gặp lại cố nhân, nay đã tay bồng, tay mang, từ một nơi nào xa lắc xa lơ trở về. Thôi, âu cũng là dịp nhớ về chuyện thuộc loại… 30 năm tình cũ, dù sắc đẹp và thân hình của nàng đã có nhiều… biến tấu với thời gian. 

 

Vào buổi tối, Thanh Niên cũng có chương trình ca nhạc với một ban nhạc gồm toàn những nhạc sĩ kỳ cựu, từng cộng tác với các vũ trường tại Sài Gòn trước năm 75, trong số có Jacques và Quốc. Nhạc sĩ sau là người chồng đầu tiên của nữ ca sĩ Hoạ Mi. Anh bị mù cả hai mắt, từng được Hoạ Mi bảo lãnh sang Pháp một thời gian, nhưng sau đó quyết định quay lại Việt Nam. Người nữ ca sĩ cộng tác với Thanh Niên từ ngày mới thành lập mười mấy năm nay không ai khác hơn là “nữ hoàng nhạc Jazz” Tuyết Loan, cùng với một số nam nữ nghệ sĩ khác.

 

Nếu bạn có tinh thần văn nghệ, khoái thả hồn theo tiếng đàn, giọng hát thì cũng có rất nhiều tiệm cà phê thuộc loại hình này. Như tên gọi của nó là “Yesterday”, cách trang trí của tiệm cà phê nằm trên đường Nguyễn Đình Chiểu này sẽ khiến bạn đắm chìm trong những kỷ niệm của những ngày xưa, thuộc thập niên 50, 60.  Những chiếc máy đánh chữ cổ lỗ sĩ hay máy nghe nhạc loại Juke Box, hoặc những chiếc máy hình cũ mèm vào thời “ông bô, bà via” chúng ta được qui tụ nơi cái viện bảo tàng mini này.

 

Những bức hình vẽ hay chụp treo trên tường của “Yesterday” sẽ khiến niềm hoài cổ nơi khách hàng quen thuộc của tiệm này có dịp được trỗi dậy đùng đùng. Bạn cũng sẽ được chủ quán thân tặng một bộ “post cards” thật đẹp, chụp nhiều góc cạnh của quán để làm kỷ niệm. Thú vị hơn nữa khi bạn tới đây vào sáng thứ Bẩy với chương trình nhạc sống, thường là nhạc Flamenco hay nhạc trong thời kỳ những năm 60, 70 được trình bày trên một sân khấu nhỏ đối diện với quầy nước.

 

Không khí của “Yesterday” sẽ khiến bạn nhớ lại không khí của Hầm Gió ngày nào. Hầm Gió trên đường Võ Tánh (nay là Nguyễn Trãi) giờ đây đã chẳng còn để lại một dấu tích gì.

 

Một bầu không khí nhẹ nhàng và du dương hơn, thích hợp với những ai khoái thưởng thức nhạc thính phòng được tìm thấy ở tiệm cà phê Thiên Hà vào mỗi buổi tối. Khi chương trình nhạc bắt đầu diễn ra trên bục gỗ nhỏ ở tầng dưới, đèn đóm được hạ xuống mức thấp nhất. Chỉ còn lại ánh nến lung linh trên mỗi bàn, bước len lỏi vào chỗ ngồi không khéo sẽ khó tránh khỏi loạng choạng trong cái cảnh tranh tối tranh sáng, mờ mờ ảo ảo.

 

Khách đến với Thiên Hà lànhững người đến để thưởng thức nhạc bên ly cà phê thơm phức nên cảnh trò chuyện ồn ào không hề xẩy ra. Chỉ có những tiếng thầm thì nho nhỏ, tránh sự khó chịu cho khách ngồi những bàn chung quanh đang mơ màng thưởng thức những nhạc phẩm tình cảm nổi tiếng trước 75, đại đa số chưa được phép phổ biến chính thức.

 

Nhưng anh chị em ca nhạc sĩ cứ thế mà trình diễn liên tục một cách vô tư trong một khung cảnh thân mật như ở gia đình. Ca sĩ mỏi chân, cứ tự nhiên kéo chiếc ghế cao ngồi lên thoải mái, chẳng cần làm bộ làm tịch như khi trình diễn trên sân khấu lớn với đèn đóm sáng trưng.

 

Tiệm Cà Phê mang tên Serenata nằm tận cùng trong một ngõ hẻm trên đường Ngô Thời Nhiệm cũng đang là một nơi được nhiều người lui tới, do không khí thoáng mát vào buổi sáng khi ngồi tại những bàn kê ngoài vườn, hay ấm cúng vào ban đêm với chương trình nhạc sống.

 

Chủ nhân của Serenata tên Hải cho biết đây cũng là nơi gặp gỡ của nhiều nhà văn, nhà báo. Đây có thể coi như một nơi chỉ chuyên trị về cà phê, mặc dù trong thực đơn ghi chi chít và chằng chịt đủ mọi thứ. Có lần người bạn gọi bất cứ nước sinh tố nào cũng đều được trả lời là đã hết, mặc dù mới có 8 giờ sáng! 

 

Những món ăn sáng đọc tên nghe rất hấp dẫn, nhưng thật hỡi ôi khi phải va chạm với thực tế phũ phàng.  Nhưng bù lại vào ban đêm, Serenata đã tạo được một bầu khí (nói theo kiểu trong nước) rất thân mật và gần gũi giữa nghệ sĩ và người nghe trong cả hai căn phòng có sức chứa tổng cộng khoảng 5,6  chục người.

 

Nếu trong người có vẻ… sôi nổi, không cảm thấy thích hợp với sự trầm lặng, nhẹ nhàng và du dương, thánh thót. Mời bạn đến với những Bars có nhạc sống. Dĩ nhiên vào những nơi này chả lẽ ta lại ngồi trầm ngâm bên tách cà phê, mặc dù bạn có quyền “order”, nhưng sẽ bị các cô phục vụ nhìn với cặp mắt lạ kỳ, coi bạn như một kẻ đi lạc vào cái thế giới của rượu, của bia.

 

Nhìn đầy rẫy phái nữ chung quanh với những Chivas Regal, Remy Martin hay những loại Cocktail, bạn sao đành gọi một ly cà phê, kỳ thấy bà! Làm đỡ vài cái Tiger, Heineken hay vài “consommations” Remy đi, hầu có khí thế, để hoà mình vào với âm thanh và ánh sáng xanh xanh đỏ đỏ cho vui. Bạn muốn giữ đúng nguyên tắc, đã rủ nhau đi uống cà phê, thì phải uống cà phê, cũng xin tùy ý.

 

Bạn còn đưa ra lý do vì tiệm này, tiệm nọ có để bảng “Cafe Bar” hay “Cafe  Resto” đàng hoàng. Thế thì gọi cà phê, cà pháo đâu có chết ai. Như trong khách sạn Sheraton có tiệm ăn khá lớn và lịch sự nhưng lại mang tên Café Saigon. Vào đây chỉ uống trần xì một ly cà phê thì bảo đảm bạn sẽ được gọi là… Ông Cả Đẫn (không bà con, họ hàng gì với Bà Cả Đọi hết cả!) là cái chắc.

 

Cà Phê bây giờ có nghĩa chung chung là nơi ăn, chốn uống, chẳng còn mang nghĩa là nơi bán cà phê thuần túy hoặc là món uống chính với sự phụ họa của trà hay nước ngọt như xưa mà bạn với tôi thường hiểu. Nó còn có nghĩa rộng hơn khi bạn lái xe lạng quạng bị mấy ngài cảnh sát giao thông thổi tu huýt. Bạn có quyền xùy ra vài chục ngàn thân tặng mấy vị đó để “uống cà phê” là chẳng còn sợ lôi thôi.  Thiếu gì các ngài Hải Quan cũng vì nhận tiền “uống cà phê” cà pháo một cách công khai đã bị cho về nhà ngồi chơi xơi nước hoặc đi gỡ lịch dài dài.  Mấy vị trên có “uống cà phê” hay không thì cũng mặc xác.

 

Bây giờ mời bạn cùng tôi bước lên Bar Mê Linh ở số 2 Ngô Đức Kế, gần công trường Mê Linh ở bến Bạch Đằng cho biết sự tình. Mới mở cửa vào đã nghe thấy tiếng nhạc xập xình của một ban nhạc gồm 5 mạng đang trình bày những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành.

 

Nếu chưa về nước từ sau năm 75, bạn không khỏi ngạc nhiên khi thấy nền ăn chơi của Sài Gon bây giờ văn minh tiến bộ hết sức.  Những Bars kiểu này không thua gì những Bars ở hải ngoại bạn với tôi từng đặt chân đến, khác xa với những “Sờ-Nách-Ba” phục vụ cho các quân nhân Mẽo trên đường Nguyễn Văn Thoại trước kia.

 

Ơ kìa, sao nhiều khuôn mặt Việt Kiều quen thuộc thế kia đang ngồi ở những ghế salon chuyện trò ỏm tỏi.  Tại mấy bàn cao phiá trên cũng chật cứng những người là người, được cho biết là những dân chơi thời thượng, khác với dân chơi thời thượng… cổ như bạn và tôi. Muốn nói chuyện cứ phải gân cổ lên mà hét. 

 

Vòng qua đường Hàm Nghi không xa đó là bao, mời bạn vào một Bar khác có tên là Polo, thuộc khách sạn Quê Hương. Đây không phải là một địa điểm bia ôm, nhưng nhan nhản những cô phục vụ viên đào tơ mơn mởn.  Polo tuy không lớn với một sân khấu nhạc sống rất “mini”, nhưng là nơi rất được các Việt Kiều từ Cali trở về thường xuyên lui tới.

 

Quản Lý tên Hiển của Polo cũng là một Việt Kiều từ Orange County về Sài Gòn làm ăn từ lâu, trước đó từng khai thác một Bar trên đường Trần Hưng Đạo.  Khách da trắng cũng có mặt đông đảo tại Polo, thường ngồi ở Bar đú đởn với những cô pha rượu tươi như hoa, xổ tiếng Mẽo lia chia. Hình như một số viên chức thuộc loại vai to, vế lớn cũng là những khách hàng của Polo. Vừa giơ máy hình định làm một màn toàn cảnh, bèn bị chận lại ngay, cũng do vấn đề tế nhị vì được biết đêm hôm đó có ông này, ông kia đến đây đi thực tế.

 

Bạn còn nhớ ban nhạc trẻ nổi tiếng một thời The Peanuts Company (sau năm 75 đổi tên thành Sao Sáng)? Vào Bar mang tên Metallic trên đường Bà Huyện Thanh Quan sẽ gặp ngay 4 anh em ruột, tuy là dân Mít chính cống nhưng lại mang tên Tây 100%: Bernard, Francois, Michel, trừ cậu em út tên Chí Trung.

 

Một bar khác tên Corner thuộc Saigon Tourist, nằm trên lầu góc Lê Thánh Tôn và Đồng Khởi cũng là một nơi rất quen thuộc với khách hàng Việt Kiều, cũng như Chu Bar gần đó, cũng vơi chương trình nhạc sống hàng đêm thuộc loại “sixties”. Ban nhạc sống ở Polo do Đắc Lân (thân phụ của nữ ca sĩ trẻ Vân Quỳnh, mới xuất hiện trên video Paris By Night gần đây) kết hợp để chơi hàng đêm.

 

Có vẻ đã ngộp thở vì khói thuốc, lơ mơ vì men bia rượu nên cần một nơi thoáng ngay giữa trung tâm Sài Gòn? Cà phê Highland hay Cafe Central (thường được gọi là Sunwha, theo tên gọi của toà nhà cao tầng này) đang chờ đón bạn.  Highland nằm ngay phiá trước nhà thờ Đức Bà, góc Đồng Khởi và Nguyễn Du. Còn Cafe  Central nằm trên đường Nguyễn Huệ, tại địa điểm trước kia là Toà Hòa Giải.  Đây là 2 nơi thoáng mát với “terrace” phiá trước, nay trở thành 2 địa điểm rất lý tưởng của của những ai khoái nhìn ông đi qua, nhìn bà đi lại hoặc muốn chứng tỏ mình là người thanh lịch.

 

Đã chán uống cà phê ở phiá dưới? Để thay đổi không khí, mời bạn đến với những tiệm cà phê trên sân thượng của các khách sạn hay các toà nhà cao tầng ở Sài Gòn. Trên đó tha hồ cho bạn ngắm toàn cảnh thành phố có cái bề ngoài sống động này, nhất là về mặt ăn chơi, ăn uống, ăn nhậu và ăn… tiền. 

 

Cao nhất phải nói đến là tiệm cà phê nằm trên tầng 33 của toà nhà cao tầng trên đường Tôn Đức Thắng. Càng cao bao nhiêu, giá cả cũng leo thang cao bấy nhiêu. Nơi đây, trung bình bạn sẽ phải chi ra khoảng 7,8  chục ngàn một ly nước uống, tùy loại.  Cái giá mà không một anh phó thường dân không biết mánh mung nào ở Sài Gòn nghĩ đến một ngày nào đó có thể mò tuốt luốt lên tầng thứ 33 để “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Với số tiền đó dùng vào việc xơi cả chục tô phở bình dân để có sức lao động cho chắc ăn hơn! 

 

Thấp hơn, về giá cả cũng như  chiều cao, là tiệm cà phê trên sân thượng của Diamond Plaza, phiá sau nhà thờ Đức Bà. Muốn ngắm cảnh trời mây sông nước, hãy leo lên một tiệm trong khách sạn Majestic để tha hồ thả tầm nhìn của mình đi xa. Nhưng muốn thấy cảnh tấp nập của Sài Gòn từ sáng đến đêm, không đâu bằng sân thượng Rex.

 

Thấp hơn nữa là những tiệm cà phê có sân thượng quanh khu vực hồ Con Rùa với giá cả mềm mại hơn, chỉ khoảng 1 “đô”. Trên đường Nguyễn Văn Trỗi cũng có không ít tiệm cà phê được gọi là có “không gian sân thượng”, như Chợt Nhớ, hay Window (cùng tên với một tiệm cà phê nhạc khác ở khu hồ Con Rùa).  Hệ thống cà phê Trung Nguyên cũng khai thác một số cà phê sân thượng trên đường Pasteur và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Công Lý cũ).

 

Cà phê Samba ở khu Tân Định cũng chẳng chịu kém với một sân thượng khá rộng.  Không những chỉ Sài Gòn hay Tân Định mà bất cứ vùng nào ở chung quanh cũng có sự hiện diện của những tiệm cà phê sân thượng. Thiết tưởng làm một vòng cà phê như vậy có thể gọi là tạm đủ, mặc dù bạn và tôi đã đặt chân đến hàng chục tiệm cà phê lành mạnh đủ mọi loại hình, nhưng vẫn chả thấm tháp gì với số lượng hàng quán cà phê đủ mọi đẳng cấp đua nhau mọc lên như nấm.  Đó là chưa kể những tiệm cà phê thuộc nhiều loại hình… cà chớn khác, phải hẹn bạn vào một dịp nào thuận tiện hơn…

 

Đón đọc kỳ tới: Sài Gòn ăn trưa