Cái thú (và nghệ thuật) UỐNG RƯỢU: Nam vô tửu như kỳ vô phong? (4)

20 Tháng Mười Một, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

< ?xml:namespace prefix = o />

 

Rượu vang (rượu nho):

 

LNĐ được biết mùi rượu vang đầu tiên cách đây khoảng 35 năm, nhân dịp theo một tay bạn học về thăm nhà ở Đà Lạt. Trong bữa ăn tối, ông già hắn xách ra bình rượu chát Bồ Đào Nha (loại bình trong giỏ đan có quai xách, khá thịnh hành trong giới trung lưu thời bấy giờ). Thú thật, lúc đó LNĐ chỉ thấy nó vừa chua vừa chát chứ chẳng ngon lành một chút nào cả.

 

Sang Úc, vào đầu thập niên 80, bạn bè của LNĐ đa số còn nghèo, lại phải chắt chiu từng đồng gửi về cho bà xã và xấp nhỏ ở VN, nên chẳng mấy ai có khả năng tài chánh để uống bia hàng ngày. Vì thế một vài người chuyển sang uống rượu vang loại rẻ tiền nhất (bình 4 lít, lúc đó giá khoảng 4-5 đô-la), vừa tiết kiệm vừa ra vẻ… dân tây! Riêng LNĐ, vốn “con nhà lính, tính nhà quan”, không có tiền uống bia thì đành nhịn, chứ không thể enjoy được loại rượu vang này.

 

(Tới đây cũng cần mở một dấu ngoặc để độc giả nào đang uống rượu nho trong bình 4 lít khỏi buồn: rất nhiều người Úc, kể cả một số có đồng lương tương đối, thường ngày vẫn uống rượu nho trong bình 4 lít, chỉ có cuối tuần hay có khách, hoặc đi ăn nhà hàng mới uống rượu trong chai mà thôi. Họ coi loại rượu trong bình 4 lít như một thứ giải khát – refresh ment – có chất men vậy).

 

Về sau, LNĐ quen một bà bạn Úc thuộc giới trung lưu, lần nào tới thăm cũng “bị” bả mời rượu vang, kể cả ngoài bữa ăn. Cái khổ tâm chính của LNĐ không phải là không biết thưởng thức mà cứ bị mời, nhưng là không hiểu biết gì về rượu vang cả mà cứ bị hỏi “Du (you) thấy chai rượu này uống được không”? (Sau này mới biết thường thường, khi khui một chai rượu khá mắc tiền, người ta hay hỏi cảm tưởng của khách). Dĩ nhiên, bố bảo LNĐ cũng không dám cương ẩu, khen bậy, mà đành phải thú thật là mình “no idea” vì chỉ quen uống bia thôi!

 

Lần đầu tiên trong đời, LNĐ uống rượu vang thấy ngon là vào khoảng cuối thập niên 80,  khi đại diện TVTS tham dự buổi phát giải thưởng kinh doanh sắc tộc (dành cho cá nhân, hoặc công ty thành công nhất trong năm) do một ngân hàng nọ bảo trợ và hệ thống truyền thông SBS đứng ra tổ chức tại đại sảnh của khách sạn 5 sao Grand Hyatt ở đường Collins St, Melbourne – nơi mà trước kia chính phủ tiểu bang Victioria (thời John Cain) đã tổ chức quốc yến để chào mừng Thái Tử Charles và Công Chúa Diana khi hai vợ chồng sang thăm Miệt Dưới.

 

(LNĐ kể tên khách sạn này ra không phải để “khoe” mà chỉ để quý tửu sĩ độc giả thấy được rằng trong một buổi ăn tối trịnh trọng, người Tây phương chỉ uống rượu vang).

 

Tối hôm ấy, trong thời gian chờ đợi, chuyện trò ngoài tiền sảnh (foyer), mọi người được mời uống bia sâm hoặc sâm-banh.

 

Vào bên trong, LNĐ ngồi chung bàn với một người Việt và 6 người Tây phương. Thực đơn trước sau chỉ có 3 món ăn (tuyệt vời): 1 món ăn chơi (entrée) và 1 món ăn chính (main course), nhưng trước mặt mỗi người có đặt sẵn 4 cái ly – 1 ly lớn, 2 ly vừa vừa, 1 ly nhỏ và cao, cái lớn nhất, LNĐ đoán là để uống bia. Nào ngờ người ta chỉ cho mình uống rượu vang (sau này mới biết cái ly lớn nhất là để uống… nước lạnh, còn cái ly nhỏ và cao là để uống rượu ngọt sau bữa ăn).

 

Không thấy “người rót rượu” mang bia ra, LNĐ ngơ ngác như  “mán về thành”, bèn lén liếc sang vợ chồng nhà báo gốc Đức ngồi bên cạnh để quan sát. Thấy họ cầm cái ly vừa vừa lên thì mình cũng bắt chước, họ uống rượu đỏ thì mình cũng uống rượu đỏ, tới khi họ đổi ly để uống rượu trắng thì mình cũng làm y hệt, thậm chí thấy họ ăn thứ gì mình cũng ăn thứ đó, cho chắc ăn!

 

Lúc đầu còn thấy hơi ngượng ngập, nhưng sau hai, ba ly thì đã “thuộc bài” và trở thành “tự nhiên như người Hà Nội”.  Và quan trọng hơn cả là thấy ngon miệng!

 

Có thể nói chính nhờ bị uống rượu vang bất đắc dĩ trong buổi dạ tiệc đó mà LNĐ có cơ hội thưởng thức được (một phần nào) cái ngon của rượu đỏ, rượu trắng.

 

Từ đó, LNĐ mới bắt đầu quan tâm tìm hiểu về rượu vang (qua hỏi bạn Úc và qua sách vở, “phụ trương rượu vang” của các báo). Học phải đi đôi với hành, cho nên ngoài những lần uống “rượu chùa”, lâu lâu kẻ hèn này cũng phải móc bóp mua một chai về để vừa thưởng thức, vừa thu thập kinh nghiệm.

 

Sau một thời gian tập tành, LNĐ bắt đầu uống thường xuyên, nhất là trong bữa cơm tối (thường là uống chardonnay). Trước kia mỗi lần bà xã làm một món ăn đặc biệt, LNĐ mở tủ lạnh lấy lon bia ra là bị cự ngay: “Ông uống bia thì đầy bụng rồi, làm sao ăn còn thấy ngon nữa!”

 

Bà xã của LNĐ đã sai ở chỗ không biết rằng với một người thích uống rượu thì thức ăn càng ngon càng cần phải có chút bia, chút rượu đi kèm, bằng không thì thà đừng ăn còn hơn. Nhưng xét cho kỹ thì bả “cảnh cáo” như thế cũng đúng một phần. Bởi vì ăn càng ngon miệng thì càng uống nhiều, và chỉ cần hai lon là đã cứng bụng, không thể ăn thêm được nữa.

 

Vì thế, khi LNĐ chuyển sang uống rượu vang, cái lợi đầu tiên là có thể vừa ăn vừa uống cho tới cuối bữa mà vẫn không bị đầy bụng. Kế tiếp, uống rượu vang tiện lợi ở chỗ muốn uống ít hay nhiều cũng được, khác với bia, khui ra là phải uống hết chai, hết lon.

 

LNĐ là người uống ít nhưng lại hay uống. Khi nào điều kiện cho phép (ngày nghỉ, hoặc cuối tuần) thì kể cả bữa trưa, dù chỉ là cặp sandwich, cũng thích có chút men đi kèm. Khui chai bia thì uống không hết (vả lại giờ đó còn sớm quá, uống bia chưa ngon), nên không gì tiện bằng một ly vang trắng hay vang đỏ!

 

Tới đây, dù có bị “môn phái vi-bi” khai trừ, LNĐ cũng phải công nhận uống rượu vang là một cái thú mà mình nên tập tành. Đồng thời cũng là một nét văn minh mà một người sống trong xã hội Tây phương nên học hỏi để khi cần, chứng tỏ mình dù không thích, cũng biết.

 

Chạy xe Toyota hay Ford, Holden?

 

Trong loạt bài bàn về rượu vang, Thụy Văn có viết rằng một số người Úc đã gọi giới thượng lưu, trưởng giả là “người uống chardonnay (một loại rượu vang trắng)”, suy ra tầng lớp bình dân là “người uống vang đỏ”.  Thế nhưng, cũng theo quan niệm một số người Úc thì dù uống vang đỏ vẫn còn “sang” hơn là uống bia!

 

Nói có sách mách có chứng. Trên “phụ trương xe hơi” của nhật báo Herald Sun, số ra ngày 20/8/99 mới đây, ký giả Paul Gover – Trưởng ban biên tập về xe hơi toàn quốc – có bài giới thiệu kiểu xe Centaur của hãng Toyota (Úc), dự trù tung ra thị trường vào giữa năm 2000. Đây là một kiểu xe mà người Úc gọi là “large family car”, tức là cỡ xe Commodore của hãng Holden hoặc Falcon của hãng Ford.

 

Cũng cần nói thêm là trong mấy chục năm qua ở Úc, trong tất cả các kiểu “large family car” chỉ có Commodore và Falcon là sống thọ – và thay phiên nhau đoạt danh hiệu “best selling car” ở Úc.  Còn những kiểu khác, dù chế tại Úc như Valiant, Leyland P76, Magna (Vereda) hoặc nhập cảng như  Cressida của Nhật, Taurus của Mỹ, dù có tối tân hơn, nhiều tiện nghi hơn, “đáng đồng tiền bát gạo” (value for money) hơn, cũng không có sức thuyết phục dân Úc mua nhiều.

 

Kết quả, Valiant và Leyland chết yểu, Magna nghe nói sắp bị khai tử (hãng Misubishi ở Úc có thể sẽ đóng cửa), Cressida tuyệt tích giang hồ, Taurus chìm vào quên lãng.

 

Nay, trước những lời trù ẻo, tiên đoán rồi đây Centaur sẽ cùng chung số phận với những kiểu xe nói trên, me-xừ John Conomos, giám đốc hãng Toyota Úc, đã khẳng định Centaur sẽ thành công rực rỡ, bởi vì nó “thu hút khách hàng ở những gì khác biệt với Commodore và Falcon”. Ông dự trù ngay trong năm đầu tiên sẽ bán được 25,000 chiếc (Commodore hiện bán khoảng 90,000) cho những người Úc không có đầu óc “Úc khăng khăng” (tạm dịch từ “true blue”, vốn chỉ biết nhắm mắt trung thành với Commodore và Falcon.

 

Rồi ông phán một câu rất dễ mất lòng, đại khái như sau:

 

Centaur sẽ nhắm vào khách hàng thuộc giới uống rượu vang hơn là giới uống bia. Họ là những người đòi hỏi khả năng về mọi mặt (của xe)  chứ không chỉ thích “dọt” mà thôi, bên cạnh đó họ cũng cho rằng điều đáng quan tâm là việc khôn ngoan tận dụng khoảng trống (space), cách sắp xếp trong ca-bin xe, chứ không chỉ là cái bề ngoài to xác!

 

Khi nói như thế, rõ ràng là me-xừ Conomos đã lấy điểm dân uống rượu vang và làm mất lòng người uống bia; vì theo ông ta, người uống rượu vang hiểu biết (có chiều sâu) hơn, trầm tính hơn dân uống bia!

 

LNĐ là khách trung thành của Holden từ ngày tới Úc (chạy từ Kingswood tới Commodore), thoạt nghe sơ qua cũng thấy hơi tự ái, nhưng xét kỹ thì thấy lối so sánh của ông John Conomos cũng có lý chứ chẳng phải không.

 

Nhưng dù cho không có câu nói ấy của me-xừ John Conomos, LNĐ cũng khuyên dân Mít nhà mình ai chưa làm quen với rượu vang, nên uống thử cho biết và bỏ chút công sức tìm hiểu. Người mình xưa nay vốn có tiếng là “biết chơi” (và thường chơi bảnh, chơi tới nơi tới chốn). Chẳng hạn ngày xưa ở VN mà đã biết uống rượu cỏ-nhắc, chơi loa AR, máy chụp hình Nikon…, thì nay sang Úc dù lúc đầu chưa thưởng thức được cái ngon của rượu vang, cũng nên có một số vốn liếng kiến thức căn bản về loại rượu này để cho dân tây họ nể.

 

Dĩ nhiên, một người bình thường thì không thể bỏ công tìm hiểu cặn kẽ, nghiên cứu tường tận như Thụy Văn, mà chỉ cần biết những loại rượu căn bản; và muốn biết hiện nay đang có những loại rượu nào ngon thì chỉ cần đọc trang giới thiệu rượu vang, trong “phụ trương ăn uống” của các nhật báo (chẳng hạn phụ trương Epiture của The Age, ngày thứ Ba).

 

Vấn đề thứ hai được đặt ra là uống rượu cỡ bao nhiêu tiền một chai thì mới được coi là… dân chơi. Xin thưa ngay: không cần phải chơi những chai Grange giá trên dưới 300 đô-la, mà chỉ cần mua những chai 10 tiền.

 

Lại nói có sách mách có chứng: trong trang rượu vang của The Age, khi liệt kê các chai rượu ngon, đáng đồng tiền bát gạo nhất trong tuần, người ta luôn luôn phân ra nhiều cỡ giá tiền khác nhau, mà rẻ nhất là 8-10 đô-la. Và việc những chai rượu “nhà nghèo” này chẳng những không bị “kỳ thị” mà còn có khi được chấm “đáng đồng tiền bát gạo” (value for money) đã cho thấy chỉ cần uống rượu vang giá từ $8-10 trở lên là không sợ bị Úc họ cười.

 

Nhưng bị cười hay không là một chuyện, còn có cảm thấy ngon hay không lại là một chuyện khác. Theo cá nhân LNĐ – một người không dễ tính mà cũng chẳng khó tính – rượu giá $12 trở xuống là “tạm được”, $12 trở lên là “khá ngon”, trên dưới $20 là “rất ngon”, và từ $35 trở lên là “ngon tuyệt”.

 

(LNĐ có một ông bạn già, trước kia làm chủ nhà hàng bên Pháp – tức là rành sáu câu về ruợu – nay sang Úc định cư, cho biết theo ông thì rượu vang đỏ ở Úc giá $12-15 là ngon lắm rồi, dân nhà giàu bên Tây đi ăn nhà hàng thường cũng chỉ chơi tới cỡ đó mà thôi!)

 

Từ tiêu chuẩn đó, cộng với khả năng tài chánh không lấy gì làm dồi dào của mình, LNĐ thường nhật chỉ uống rượu trong bình giấy 2 lít (giá trên dưới $12 một bình, nếu vô chai giá khoảng $6-7 một chai), của các hãng như De Bortoli, Yalumba, Bankrock, Station, Remano…

 

Cuối tuần, hoặc có bạn hiền tới chơi thì uống rượu $12 trở lên. Chỉ trong những dịp đặc biệt như sinh nhật “vợ hiền”, Father’s day, hoặc “trúng mánh” thì mới dám chơi rượu 20 đô… Tính trung bình, mỗi tuần tốn khoảng $20-25 cả rượu lẫn bia (dĩ nhiên, khi có party, bà xã phải chi thêm).

 

Cuối cùng, vì tuần trước đã viết về cái bất tiện của bia (xả xú-bắp), tuần này cũng phải nêu ra một trở ngại của rượu đỏ rượu trắng. Đó là vì không có chất “ga” nên rượu vang thấm vào máu tương đối chậm, tới khi biết mình say thì đã “too late”.

 

Cho nên khi phải lái xe, đi đâu được mời uống rượu vang thì phải tự lượng sức mình. Bên cạnh đó, uống rượu vang nhiều rất dễ buồn ngủ. Trong bữa ăn tối, ngon miệng quá trớn làm tới  3,4 ly thì sau đó khoảng nửa tiếng mắt cứ híp lại. Thành thử những người cần thức khuya để làm việc (như nhà báo, người may tại gia…) mỗi bữa không nên uống quá hai ly. Riêng với những đấng làm chồng (có vợ còn trẻ hoặc đang độ hồi xuân) mà ăn tối xong, xem tivi, đọc báo một lát là lăn đùng ra ngủ thì quả là một tội nặng.

 

Vẫn biết “Ăn được ngủ được là tiên” nhưng nếu tiên chỉ biết “ăn” và “ngủ” thì có lẽ trong chúng ta, trừ các vị chân tu ra, chẳng ai muốn làm tiên cả!  (Còn tiếp)

 

(TVTS   701 –  1.9.1999)