Cộng sản kêu gọi tôn giáo đồng hành với chính phủ

Đồng hành thắm thiết, “tốt đời đẹp đạo”: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các chức sắc tôn giáo Việt Nam tại Đà Nẵng 9/8/2019. Photo: Trường Trung/ Tuổi Trẻ

Hết kêu gọi đồng bào cùng “đồng cam cộng khổ” để trả nợ công, đến hô hào các tôn giáo  cùng “đồng hành” với chính phủ.

Báo Tuổi Trẻ  ngày 9.8.2019 đưa tin: “Ở Việt Nam chúng ta có 43 tổ chức tôn giáo được pháp luật công nhận nhưng bàn thờ Tổ quốc chỉ có một. Chúng ta quyết đoàn kết để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc”- đó là gửi gắm của Thủ tướng đến các chức sắc, chức việc sáng 9-8.

Buổi gặp mặt, biểu dương chức sắc, chức việc tôn giáo có đóng góp tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc diễn ra tại Đà Nẵng sáng 9-8.

Dù diễn ra trong không khí trang trọng nhưng buổi gặp mặt đã trở nên thân mật hơn khi Thủ tướng đã đến từng bàn để gặp gỡ các đại biểu tham dự.

Sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các phó thủ tướng Chính phủ, đại diện các bộ, ban, ngành và 126 đại biểu chức sắc, chức việc chính là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với chính sách tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đã lắng nghe những chia sẻ của các chức sắc, chức việc tôn giáo với một tinh thần chung khẳng định tinh thần dân tộc, hành đạo gắn bó với dân tộc, xây dựng cuộc sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đặc biệt là những kết quả trong lĩnh vực y tế và giáo dục mà các tổ chức tôn giáo đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề cập đến những thực tiễn chứng minh sự tương đồng giữa tôn giáo với xã hội, giữa giáo lý với quy định pháp luật.

Thủ tướng cũng nhắc lại câu nói của Bác Hồ: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái, Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi, Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”.

Đồng thời khẳng định những giá trị văn hóa tốt đẹp, tiến bộ của tôn giáo đã góp phần tạo nên sự phong phú, đặc sắc của nền văn hóa dân tộc Việt Nam chúng ta.

“Ở nước ta, tôn giáo không chỉ là một thành tố của văn hóa mà còn thực sự là một nguồn lực quan trọng, góp phần phát triển đất nước” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

“Có thể nói không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam chúng ta. Một đất nước không có xung đột sắc tộc, xung đột tôn giáo”- Thủ tướng nói.

Với phương châm xây dụng Chính phủ liêm chính, kiến tạo hành động để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, Thủ tướng nêu ra hai mong mỏi gởi đến các tổ chức tôn giáo là: các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ thực hiện đúng phương châm, đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc.

 

Đồng hành với dân tộc? Lời nói không đi đôi với việc làm

Trong khi đó, mạng lưới đài VOA tiếng Việt đưa tin: Hôm 9/8, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng kêu gọi tự do tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh báo các thế lực chớ lợi dụng chính sách của nhà nước để chống phá.

Cổng thông tin Chính phủ trích lời ông Phúc phát biểu tại một hội nghị tôn giáo ở Đà Nẵng hôm 9/8, nói: “Các chức sắc, chức việc không được để xảy ra các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị đoan, trục lợi, gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ nhân dân, phá hoại khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo.”

Người đứng đầu chính phủ Việt Nam còn kêu gọi các chức sắc tôn giáo trong nước hãy “nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các thế lực lợi dụng chống phá chính sách “dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo,” cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.”

Ông Phúc khuyên các chức sắc tôn giáo “cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp bảo đảm hoạt động tôn giáo theo đúng tôn chỉ, đường hướng, hiến chương, đúng pháp luật.”

Trao đổi với VOA, Mục sư Dương Kim Khải thuộc Hội Thánh Chuồng bò Memnonite ở Thành phố Hồ Chí Minh, một hội thánh Tin lành không được nhà nước công nhận, chia sẻ nhận định của ông về lời kêu gọi của Thủ tướng Phúc.

“Lời phát biểu của ông Phúc thì tôi không tin được. Ông Phúc kêu gọi như vậy cho biết rằng nhà cầm quyền đang đi đến chỗ như thế nào rồi. Họ làm những chuyện tai ác, bất công thì làm sao mà chúng tôi kết hợp được.

“Những người mà đáp lại lời kêu gọi của ông là vì họ cần một quyền lợi nào đó.”

Mục sư Dương Kim Khải, người từng thụ án 5 năm tù và 5 năm quản chế về tội danh bị cáo buộc là ‘lật đổ chính quyền,’ nói hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa thật sự có tự do tôn giáo, và những lời kêu gọi của chính quyền chỉ mang tính tuyên truyền.

Ông nói thêm.

“Tình hình xã hội hiện nay ở Việt Nam hiện đang rất bác nháo về mặt tôn giáo, tôn giáo bị lợi dụng, giữa các tôn giáo với nhau thì mất đoàn kết. Ngay cả nhà nước, người dân, và các tổ chức cũng lợi dụng chuyện đó, và không có sự hiểu biết chuẩn mực về tôn giáo.” Hôm 17/7 tại thủ đô Washington, hai nạn nhân bị đàn áp tôn giáo ở Việt Nam là ông Aga, mục sư Tin lành và ông Dương Xuân Lương, một đại diện của Cao Đài Chơn Truyền miền Tây Nam Bộ, đã gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị Thăng tiến Tự do Tôn giáo Toàn cầu.

Trong dịp này ông Dương Xuân Lương đã đề nghị nhà lãnh đạo Hoa Kỳ hãy có biện pháp cứng rắn với tình hình vi phạm tự do tôn giáo Việt Nam bằng cách đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức là danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay nói rằng nhà nước luôn bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo đều bình đẳng với nhau, và lợi ích của từng tôn giáo gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc.