Phản bác về bài viết “Lại Chuyện Anh Hai” của Tú Gàn và trả lời của tác giả

 

 

 Thưa Bác Lữ Giang,

 

Cháu vẫn biết “kính lão đắc thọ”.  Và cháu kính bác như bậc cha chú vì tuổi bác đã cao.  Tuy nhiên, vì bài viết của Bác chứa đựng những phán đoán không công bình đối với  cộng đồng người Việt chống cộng ở hải ngoại, cháu xin có đôi lời “thanh nghị” (xin mượn chữ của Nguyễn Công Trứ) cùng Bác.

 

Bài viết của Bác thiếu tính cách thuyết phục, và không công bình với người Việt chống cộng, yêu tự do. Những nhận xét của Bác về VNCH và người Việt chống cộng hải ngoại có tính cách võ đoán và kém sâu sắc. Chẳng hạn Bác viết:

 

“Người Việt chống cộng thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính: cái gì mình thích đều được coi là đúng và là chân lý, mặc dầu thực tế là sai; còn cái gì mình không thích luôn bị coi là sai hay “không có lợi cho việc chống cộng”, mặc dầu đó là sự thật 100%. Vì có lối suy nghĩ nông nổi như thế nên thường quyết định sai và hành động sai .”

 

Ai là ngườI Việt chống cộng có “suy nghĩ và hành động theo cảm tính” ? Ai? Và có bao nhiêu người như thế? Bằng chứng? Theo Bác, cái gì là đúng và cái gì là sai? Cái gì có thật 100% (tuyệt đối!)?

 

Những lời của Bác là những võ đoán không hơn không kém!  Thật ra, người đọc cảm thấy Bác viết theo “cảm tính”  vì không có một chứng minh cụ thể nào cả.

 

Ngoài ra, những kết luận của Bác về chiến thuật của Hoa Kỳ đối với VN dựa trên những lời tuyên bố của các nhà ngoại giao thật là qúa đơn giản. Nếu lời tuyên bố hoặc bình luận  ngoại giao là “chân lý” thì mọi người đều biết chắc tương lai thế giới sẽ về đâu!  Nhưng ai biết được tương lai hoặc ngày mai sẽ ra sao, đừng nói chi đến 15 hoặc 20 năm nữa?  Có ai ngờ đảng cs và nhà nước Nga Sô và Đông Âu đã bị giải thể một cách đột ngột như thế không?

 

Mỹ vẫn biết “biết người biết ta trăm trận trăm thắng”, do đó họ không dể gì tiết lộ chiến thuật và chiến lược của mình qua lời nói ngoại giao đâu Bác!

 

Về hiện trạng kinh tế VN, Bác viết (theo Reuters):

“Kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng bình quân gần 8% trong suốt thập niên qua, một trong những tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Các số liệu do chính phủ Việt Nam phổ biến ngày 25.12.2007 cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,4% trong năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà nước này đạt được so trong vòng 10 năm qua. Doanh thu từ xuất cảng trong năm 2007 đạt khoảng 48 tỉ 300 triệu Mỹ kim. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2008 đã được nhà cầm quyền nước này đặt ra là 9% .”

 

Bác trích dẫn tin tức báo chí (tin từ Reuters) để chứng minh quan điểm của Bác. Bác nên cẫn thận trong việc này vì báo chí là cơ quan truyền thông đại chúng, thường đăng tải những tin tức cấp thời, thiếu kiểm chứng, không chuyên môn, hoặc thiếu  khách quan… Mặt khác, Bác chỉ trích dẫn những  tin tức lạc quan  mà không đề cập đến những gì tiêu cực của nền kinh tế VN (như lợi tức trung bình theo đầu người – per capita income- của VN đứng vào hàng thấp nhất trên thế giới) .  Sự trích dẫn phiến diện nầy các kinh tế gia thường gọi là “thiên lệch do lựa chọn” (selection bias).

 

Con số không nói dối, nhưng người ta có thể dùng nó để lường gạt!!!

 Chẳng hạn như con số sau đây:

 “Kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng bình quân gần 8% trong suốt thập niên qua, một trong những tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới” .

 

Đây là một con số mù mờ và hầu như vô nghĩa. Nghi vấn đầu tiên của độc giả: Thế nào  là “mức tăng trưởng bình quân gần 8%?” Có phải Bác dịch từ Anh ngữ: “an average annual growth rate of  almost 8%” (mức phát triển trung bình hằng năm gần 8%)?

 

 Các nhà nghiên cứu kinh tế không ai hấp tấp tin vào con số đó đâu Bác!

 (1)  Con số đó được tính dựa trên những con số nào? Từ con số thống kê của nhà nước CSVN ?

(2)  Thí dụ: Cho dù con số đó (8%) lấy từ những con số thống kê chính xác đi nữa, người viết nên cho độc giả biết 8% nầy được tính như thế nào??? Lấy con số nào chia cho con số nào để được 8%?  Mức tăng trưởng của cái gì ???

(3) Hơn nữa, cho dù  “mức tăng trưởng” được định nghĩa rõ ràng đi nữa, nó có nói lên được cái “siêu việt” của sự phát triển kinh tế VN hay không???  Lấy một thí dụ cụ thể  về mức “tăng trưởng” của lương công nhật của người lao  động.

 

Thí dụ:  Năm 2007 người lao động VN  lãnh được 2 dollars một ngày, sang năm 2008 lương của họ được tăng lên 4 dollars một ngày. Như thế mức tăng trưởng của lương lao động VN lên đến 100% ((4-2)/2)*100 =100%).

 

Trong khi đó, thí dụ: Lương lao động tối thiểu cuả Mỹ trong năm 2007 là 8.50 dollars/giờ, mức lương nầy vẫn giữ nguyên trong 2008 . Theo con số nầy, mức “tăng trưởng” của lương lao động của Mỹ là 0% (8.50-8.50/8. 50)*100 = 0%).

 

Dựa trên thí dụ trên, người ta có thể kết luận rằng nền kinh tế VN phát triển một cách “siêu việt” hơn nền kinh tế Hoa kỳ đuợc chăng?

 Do đó,  dù con số không biết nói láo, nhưng người ta có thể lạm dụng nó để lường gạt dư luận quốc tế hay tuyên truyền cổ võ cho một nhà nước naò đó!

 

Thí dụ trên đây nhắc nhở các người cầm bút nên cẩn thận trong những khẳng định hoặc kết luận của mình. Nếu không, thay vì xây dựng, vô tình (hoặc cố ý)  bài viết của họ có tác dụng phá hoại khó tha thứ.

 

Sau cùng, xin Bác cho biết mục đích của bài viết này là gì? Và có lợi cho ai ? Hay chỉ đơn thuần là một phô trương kiến thức phổ thông lệch lạc, bừa bãi và kém sâu sắc ?

Kính

Hương SàiGòn

 

PS: Cháu nhận thấy Bác  năng viết lách và có nhiều thì giờ.  Xin Bác dùng ngòi bút của mình  tranh đấu cho chính nghĩa và đồng bào trong nước đang lầm than dưới ách thống trị của độc đảng tham tàn. “Mong lắm thay!”

 

* * *

 

Kính gởi hai bạn Hương Sài Gòn và Lao Bưu,

 

Tôi xin giải thích hai thắc mắc của bạn đã nêu ra liên quan đến bài “Lại chuyện Anh Hai”.

 

I.- VẤN ĐẾ SUY NGHĨ VÀ HÀNH ĐỘNG THEO CẢM TÍNH

Tôi có quá nhiều bằng chứng để chứng minh các tổ chức trong cộng đồng của chúng ta thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính đưa đến những sai lầm. Tôi xin đưa hai thí dụ cụ thể và quan trọng nhất:

 

A) VẤN ĐỀ ẢI NAM QUAN:

(1) Trong lịch sử ghi ải Nam Quan của Tàu và do Tàu xây; (2) trên bản đồ đính theo Hiệp Ước Thiên Tân, ải Nam Quan được vẻ nằm xa ranh giới Việt – Trung 100 thước về phía Việt Nam, và (3) trên bản đồ quân sự của Pháp và Mỹ đều ghi ải Nam Quan bằng tiếng Pháp là “Porte de Chine” (Cửa của Tàu)…, thế nhưng cộng đồng ta cứ nhất quyết “Nam Quan của ta”, khóc than đòi lại ải này cả năm trời, cuối cùng đầu voi đuôi chuột!

 

B)- VẤN ĐỀ HOÀNG SA VÀ TRƯỜNG SA:

Cộng Đồng chúng ta cứ căn cứ vào Công hàm ngày 14.9.1958 của Phạm Văn Đồng, tố cáo Việt Cộng đã bán hay dâng đất dâng biển cho Trung Cộng. Về phương diện tuyên truyền, nói như vậy có vẻ hay, nhưng về phương diện pháp lý, nói như vậy là sai lầm rất nghiêm trọng: Công nhận ta đã mất Hoàng Sa và Trường Sa!

 

Hành động theo cảm tính như thế là thất sách. Chúng ta phải phản bác công hàm của Phạm Văn Đồng trước dư luận quốc tế vì các lý do sau đây:

 

(1) Theo Hiệp Định Genève, Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Miền Nam, nên Bắc Việt không có thẩm quyền gì trên phần lãnh thổ đó. Nếu Phạm Văn Đồng mà bán được đất của Miền Nam, bạn cũng có thể bán Toà Bạch Ốc cho Trung Quốc kiếm vài trăm triệu xài chơi!

 

(2) Theo Hiến Pháp 1956 của Hà Nội, các hiệp ước liên hệ đến lãnh thổ đều phải được Quốc Hội phê chuẩn. Công Hàm của Phạm Văn Đồng không hội đủ điều kiện này.

 

(3) Theo Công Ước về luật biển, các văn kiện liên hệ đến lãnh hải đều phải đăng ký tại Văn Phòng Tổng Thư Ký LHQ mới có thể đối kháng với các quốc gia đệ tam. Công hàm của Phạm Văn Đồng cũng không hội đủ điều kiện đó.

 

Vậy phải kết luận: Công Hàm ngày 14.9.1958 của Phạm Văn Đồng không có giá trị gì và Hoàng Sa và Trường Sa vẫn là của Việt Nam!

 

Các bạn thấy suy nghĩ và hành động theo cảm tính nguy hại như thế nào chưa?

 

II.- VẤN ĐỀ NHỮNG DỮ KIỆN VÀ SỐ LIỆU:

Tôi đã nói, đừng tranh luận về những dữ kiện và số liệu do các viên chức Bộ Ngoại Giao và các cơ quan hoạt động dưới sự chi phối của Mỹ đưa ra, vì đó là những dữ kiện và con số được dùng để tuyên truyền hay làm áp lực, có thể đúng và cũng có thể sai.

 

Khi ép Việt Cộng chấp nhận những điều kiện có lợi cho Mỹ trong hiệp ước WTO, Mỹ tố Việt Cộng vi phạm nhân quyền rất nặng và dọa đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Nay Việt Cộng đã thỏa mãn đòi hỏi của Mỹ, Mỹ đổi giọng. Ngày nào Việt Cộng trở chứng, Mỹ sẽ tố lại! Do đó, mình không thể căn cứ vào các dữ kiện và các con số họ đưa ra, thường chỉ một chiều, để nhận định chính xác tình hình Việt Nam. Mình chỉ nhìn nó để đoán biết chính sách của Mỹ đối với Hà Nội qua từng giai đoạn mà thôi.

 

Kính chào bạn,

Tú Gàn

 

* * *

 

Kính Bác Lữ Giang,

 

Trước hết cháu xin Bác đừng gọi cháu là bạn vì Bác đáng  bậc cha chú của cháu. Bác gọi thế thì rất tội cho cháu lắm thay!

 

1.

Cháu thường nghe nói “Nước ta trải dài từ Ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”. Và nếu cháu Không lầm thì sách Địa Lý của ta cũng ghi như vậy. Cò Bản Giốc thì sao hở Bác? Và những khoảng không phận và hải phận của VN bị mất thì sao?

 

Ai Nam Quan từ cửa sau nhà mái tròn (Hình của Trần Gia Phụng)

Dù sao đi nữa, đây là vấn dề tranh chấp và dĩ nhiên là người Việt yêu nước lúc nào cũng quyết tâm bảo vệ ngọn rau tất đất của cha ông để lại. Những điểm lịch sử bác đề cập không hẳn là chính xác và duy nhất. Cháu tin rằng có những bộ sử khác không ghi chép những gì Bác trích dẫn.

 

Còn Trường Sa và Hoàng Sa. Tên ngụy quyền cs Phạm văn Đồng thật sự đã ký công hàm sang nhượng cho tàu. Lên án Phạm Văn Đồng không có nghĩa là công nhận chủ quyền của quân tàu trên Trường Sa và Hoàng Sa, bởi cái công hàm nầy không có hiệu lực vì Phạm Văn Đồng không có tư cách đại diện cho toàn dân Việt Nam! Do đó lên án ngụy quyền cs không đồng nghĩa với sự chấp nhận chủ quyền của tàu cộng!

 

Nếu bác từng là một thẩm phán, chắc Bác thấy rõ diều nầy. Một thí dụ đơn giản về luật pháp: Hai vợ chồng có hợp đồng làm chủ một căn nhà (joint tenants). Chẳng may cơm không lành, canh không ngọt. Thừa lúc vợ vắng nhà ông chồng  ký giao kèo bán nhà không có chữ  ký của bà vợ. Trong trường hợp nầy ra toà, ông thẩm phán nghĩ gì?

 

Một ông thẩm phán công minh và am tường luật pháp bắt buộc phải tuyên bố  cái giao kèo vô hiệu vì thiếu sự ưng thuận và chữ ký của nười phối ngẫu (vợ). Rõ ràng là nếu bà vợ có lên án ông chồng bán nhà phi pháp, thì sự lên án nầy không có nghĩa là bà vợ công nhận quyền sở hữu của căn nhà thuộc về người mua. Cháu hy vọng Bác đồng ý về cái tương tự của việc bán nhà nầy với chuyện bán công thổ của Phạm Văn Đồng.

 

Thí dụ trên đây cho thấy rằng kết luận của Bác về “suy nghĩ và hành động” của người chống cộng là vô căn cứ, sai lệch và “theo cảm tính” (không có thiện cảm với người chống cộng!).

 

2.

Bác viết:

 

“Tôi đã nói, đừng tranh luận về những dữ kiện và số liệu do các viên chức Bộ Ngoại Giao và các cơ quan hoạt động dưới sự chi phối của Mỹ đưa ra, vì đó là những dữ kiện và con số được dùng để tuyên truyền hay làm áp lực, có thể đúng và cũng có thể sai”. (Lu Giang).

 

Như thế là bác đã tự mâu thuẩn với Bác rồi! Và đây là điểm mà cháu đã nói trong lá thư trước. Thật vậy trong bài “Lại Chuyện Anh Hai” Bác viết:

 

“Đặc Sứ Hanford xác nhận một số nhà lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn còn bị hạn chế, vì chính phủ Việt Nam xem các vị này là những người hoạt động chính trị, trong khi các Phật tử của giáo hội này vẫn hành đạo một cách bình thường. Về trường hợp đạo tạo các tu sĩ Công Giáo, Đặc Sứ Hanford cho biết trong những năm gần đây, tình hình đã khá hơn.”

 

“Ngày 12.12.2007, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ca ngợi Việt Nam trong việc thực thi các cam kết về nhân quyền. Ông John Hendra, điều hợp viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nói rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn về kinh tế – xã hội, và đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo qua việc phê chuẩn một số các hiệp ước quốc tế then chốt về nhân quyền.”

 

Và…

“Trong bản lượng định viễn tượng kinh tế được đưa ra hàng năm về Việt Nam, IMF dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ở tỉ lệ từ 8% tới 8,25% trong năm 2007-2008 nhờ nhu cầu gia tăng đồng thời với khối lượng đầu tư và mức tiêu thụ của tư nhân.”

 

Đặc sứ Hanford là nhà ngoại giao. Cả hai UNDF và IMF đều  chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của Hoa kỳ! Thế mà bác trích dẫn các “số liệu” và dữ kiện của họ để làm hậu thuẫn cho những khẳng định thiên lệch và kết luận sai lầm của Bác! Rõ ràng là Bác đã mâu thuẫn với chính mình.

 

Hy vọng bác cẩn thận về sau. Mong bác đem tài năng và kinh nghiệm phục vụ tổ quốc và đồng bào thân yêu đầy thống khổ của chúng ta ở quê nhà.

 

Chúc bác luôn an khang

Kính

Huong Saigon

 

* * *

Anh Huong SaiGon,

 

Tôi thấy anh đúng là mẫu người suy nghĩ và viết theo CẢM TÍNH, không cần biết lịch sử, không cần biết pháp lý, không cần biết sự thật, không phân biệt được giữa tài liệu tuyên truyền và những gì đã thật sự xảy ra… Cái gì anh thích đều được coi là đúng, là chân lý, mặc dầu thật sự là sai lầm. Cai gì anh không thích đều bị coi là sai, mặc dầu đúng 100% (như Ải Nam Quan chẳng hạn), nên việc thảo luận sẽ không đem lại lợi ích gì.

Kính chào anh,

Tú Gàn