Tú Gàn với bài “Lại Chuyện Anh Hai”

Lại chuyện Anh Hai!

 

Hôm 12.2.2008 vừa qua, ông Jon Aloisi, Phó Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, đã điều trần trước Tiểu Ban Nhân Quyền của Quốc Hội Hoa Kỳ (Congressional Human Rights Caucus) về tình hình Việt Nam. Ông Beth Hearn có viết một bài tường thuật tóm lược về cuộc điều trần này và đã được Hội Đồng Lãnh Đạo về Nhân Quyền (Leadership Council For Human Rights) cho phổ biến. Trong bài điều trần đó có nhiều đoạn người Việt chống cộng không thích nghe, nhưng nó lại giúp cho chúng ta thấy rõ hơn chính sách Anh Hai đối với Việt Nam.

 

Nhìn chung, trong thời gian qua, các viên chức cao cấp thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thường biện hộ hay làm giảm nhẹ vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và ca tụng những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được. Vậy Anh Hai đang muón gì? Trước khi trả lời câu hỏi đó, chúng ta nên nhìn lại mình một chút.

 

PHÓ THÁC CHO ANH HAI!

 

Tử 1954 đến nay, người Việt chống cộng làm cái gì cũng phải nhờ đến Anh Hai Chống Cộng – còn được gọi là Anh Hai Nhân Quyền – và nhiều khi gần như giao khoán tất cả cho Anh Hai.

 

Các tài liệu đã được giải mã gần đây cho thấy dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, chính Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã khuyến cáo và hướng dẫn chính phủ Ngô Đình Diệm truất phế Bảo Đại “một cách hợp pháp” và thành lập một chế độc đảng như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch ở Đài Loan để chống Cộng hữu hiệu.

 

Ông Ngô Đình Nhu đã cho lâp một đảng tương tự như thế và lấy tên là Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng. Bản dự thảo Điều Lệ của đảng này đã được dịch ra tiếng Anh và gởi cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xem trước khi đưa ra áp dụng. Nhưng vì hoàn cảnh của Việt Nam lúc đó đang ở trong cái thế “trên đe dưới búa” và “năm cha bảy mệ”, nên ông Nhu không thể tổ chức một đảng mạnh như Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch, thành ra đầu voi đuôi chuột!

 

Tuy nhiên, sau khi Hà Nội chính thức cho quân xâm nhập vào miền Nam, ngày 9.5.1960, Phó Tổng Thống Johnson đã cầm đầu một phái đoàn đến miền Nam Việt Nam trong 4 ngày để quan sát tình hình tại chỗ và trong cuộc hội đàm ngày 12.5.1960, Phó Tổng Thống Johnson có đề nghị Tổng Thống Diệm để quân đội Hoa Kỳ đến bảo vệ miền Nam Việt Nam, nhưng Tổng Thống Diệm tỏ ra do dự.

 

Ngày 13.5.1960, Tổng Thống Diệm đã gởi cho Tổng Thống Kennedy một văn thư nói rất khéo: “Chúng tôi sẵn sàng hy sinh xương máu và nhân lực để cứu vãn xứ sở chúng tôi, và tôi biết rằng chúng tôi có thể trông cậy vào sự yểm trợ vật chất của quý đại quốc, một sự yểm trợ vô cùng thiết yếu để đạt được thắng lợi cuối cùng.”

 

Hoa Kỳ đã không hài lòng về sự từ chối này, nên khi vụ Phật Giáo xẩy ra, Hoa Kỳ đã cho thổi phồng lên rối lấy cớ đó lật đổ và giết Tổng Thống Ngô Đình Nhiệm. Ít lâu sau, Hoa Kỳ đã đổ quân vào miền Nam.

 

Dưới thời Đệ Nhị Cộng Hòa, theo báo cáo của Mỹ, những người đã được ông Ngô Đình Nhu gọi là “Bọn cóc nhái của CIA và USIS” (Ces grenouillards de CIA et USIS), còn Tổng Thống Johson gọi là “một bọn ác ôn côn đồ” (a goddam bunch of thugs), gần như đã trao khoán miền Nam cho Mỹ về cả quân sự lẫn chính trị. Vì thế, khi Anh Hai thay đổi chính sách, Henry Kissinger đã qua Bắc Kinh bán miền Nam cho Trung Quốc mà nhóm này chẳng biết gì, cứ nhất quyết ôm chặt BỐN KHÔNG, nên miền Nam đã mất!

 

Ra hải ngoại, người Việt hội nhập vào xã hội Mỹ với khoảng 0,34% dân số Mỹ, nhưng lúc nào cũng muốn lãnh đạo đường lối chống cộng của Anh Hai và một số thường cảnh cáo các viên chức Mỹ “coi chừng bị Cộng Sản lừa”!

 

Ở những nơi có đông người Việt như ở Orange County chẳng hạn, một thời đã có người chủ trương thành lập một nước Việt Nam Cộng Hòa tự trị thành phố Westminster, do Tổng Thống Bolsa cai trị với luật pháp và công an nhân dân riêng để đợi ngày được Mỹ đưa về lãnh đạo đất nước… Người Việt cũng đã phát động nhiều chiến dịch quang phục quê hương, nhưng tất cả đã thất bại. Tại sao?

 

Câu trả lời gần như ai cũng biết: Trước hết, đa số người Việt chống cộng không chịu tuân lời dạy của thánh nhân: “Tri bỉ tri kỷ, bách chiến bách thắng.” Họ không biết Anh Hai và địch đang làm gì, cứ vung kiếm như hiệp sĩ mù, nên chẳng trúng vào đâu cả. Lý do thứ hai là đa số vẫn tin tưởng Anh Hai là người bảo vệ dân chủ, nhân quyền trên thế giới và chống cộng. Anh Hai sẽ giúp người Việt quốc gia lật đổ chế độ cộng sản và thành lập một chế độ dân chủ tự do ở Việt Nam. Nhưng sự thật lại không đúng như vậy.

 

Lý do thứ ba là không hình thành được một tổ chức lãnh đạo đấu tranh thống nhất, mạnh ai nấy làm và ai cũng là lãnh tụ! Lý do thứ tư phổ biến nhất: Người Việt chống cộng thường suy nghĩ và hành động theo cảm tính: cái gì mình thích đều được coi là đúng và là chân lý, mặc dầu thực tế là sai; còn cái gì mình không thích luôn bị coi là sai hay “không có lợi cho việc chống cộng”, mặc dầu đó là sự thật 100%. Vì có lối suy nghĩ nông nổi như thế nên thường quyết định sai và hành động sai.

 

Vượt qua được bốn cái khuyết điểm trầm trọng đó để tiến lên là chuyện thiên nan vạn nan. Tuy nhiên, nhân bài thuyết trình của ông Phó Đại Sứ Aloisi, chúng ta nên tìm hiểu chính sách của Anh Hai đối với vấn đề Việt Nam hiện nay để đoán biết vận nước đang đi về đâu.

 

THEO CÔNG THỨC CHUNG

 

Theo ông Beth Hearn, ông Jon Aloisi nhìn nhận những vấn đề nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam, nhưng nhấn mạnh về tốc độ và triển vọng thay đổi bên trong ở Việt Nam.

 

Nói rõ hơn, bài điều trần của ông Aloisi cũng đã đi theo công thức chung của các viên chức thuộc Bộ Ngoại Giao khi để cập đến vấn đề Việt Nam. Trước hết, ông Aloisi nhìn nhận có những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền tại Việt Nam, nhưng nói đang có những sự tiến bộ. Sau đó, ông đề cao sự phát triển nhanh về kinh tế của Việt Nam với sự tin tưởng nó đang làm thay đổi quốc gia này.

 

Ông Aloisi trong một buổi hội thảo về hệ thống pháp lý của Việt Nam do Hà Nội  tổ chức

Về nhân quyền, ông lặp lại những điều mà ai cũng biết: Nhiều nhân vật bất đồng chính kiến vẫn tiếp tục bị bắt vì lý do chính trị. Khi một tù chính trị được phóng thích đôi khi do áp lực quốc tế, họ còn phải đối phó với sự hạn chế về di chuyển và hoạt động (bị quản chế).

 

Sau đó, ông đưa ra một số bằng chứng cho thấy có sự thay đổi về chính trị tại Việt Nam. Trước hết, ông nói về các cuộc biểu tình đòi lại đất của giáo hội Công Giáo đã bị nhà cầm quyền sai áp vài thập niên trước đây. Ông nhấn mạnh: “Tôi lấy làm thích thú khi người Công Giáo cảm thấy họ có thể tổ chức phản đối để đòi lại đất của họ. Đây là một dấu hiệu tích cực về sự tiến triển về sự lãnh đạo mà chỉ có thể xẩy ra do chủ nghĩa tích cực.”

 

Điều làm ông phấn khởi thứ hai là vai trò Internet trong việc làm thay đổi những suy nghĩ của quần chúng. Ông cho biết, đã có những âm mưu kiểm soát và lèo lái những phát biểu trên diễn đàn này, kể cả việc đòi hỏi phải đăng ký vào việc xử dụng Café Internet, nhưng sự giới hạn này đã bị tràn ngập bởi các cơn sóng thần tin tức thổi vào đất nước trẻ trung và có văn hóa này.

 

Cuối cùng, ông nói: “Việt Nam có thể ở trong lộ trình của chế độ dân chủ đa đảng trong 15 hay 20 năm tới”!

 

Về vấn đề tham nhũng, ông nhìn nhận đây là một vấn đề hết thuốc chửa. Ông cho rằng tham nhũng đang lan tràn khắp trong chính phủ. Toàn bộ cấp lãnh đạo đã dính líu đến sự tham nhũng có hệ thống này. Nhiều người muốn đối phó với tình trạng này, nhưng họ không biết làm thế nào bởi vì quá phức tạp.

 

 

Về kinh tế, ông nhấn mạnh rằng có một ước muốn mạnh mẽ về sự phát triển kinh tế và một hình ảnh tích cực về cả phương diện quốc nội lẫn quốc tế là đang có sự thúc đẩy về một vài sự phát triển. Theo ông, Việt Nam còn có một khoảng cách đáng kề trên đường đi đến cải cách, nhưng ông tỏ ra lạc quan về tiềm năng của sự tiến bộ.

 

Để thúc đẩy Việt Nam cải cách về cả phương diện nhân quyền lẫn kinh tế, ông nhấn mạnh đến áp lực quốc tế. Ông nói: “Thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là một bước lớn. Chúng ta có thể dùng (vai trò) thành viên của họ để giáo dục và thúc đẩy thay đổi.” (We can use their membership to educate and push for change).

 

CÙNG MỘT BÀI CA

 

Chúng ta thường chỉ thích đọc và phổ biến các lời tố cáo CSVN vi phạm nhân quyền của các chính khách hay tỏ chức nhân quyền quốc tế, nhưng đó chỉ là những áp lực chứ không phải là chính sách. Muốn biết rõ chính sách của Anh Hai, chúng ta phải nghiên cứu những lời phát biểu của các viên chức cao cấp của Bộ Ngoại Giao Hoa và các tổ chức tài trợ quốc tế được Hoa Kỳ yểm trợ hay lèo lái, mặc dầu những lời đó có khi nghe rất chói tai.

 

1.- Về mặt nhân quyền

Trong một buổi tường trình vào sáng 6.12.2007 tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ, ông John Hanford, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền về Tự Do Tôn Giáo của Bộ Ngoại Giao, cho biết nếu xét về mặt nhân quyền một cách tổng quát thì Việt Nam vẫn còn một số vấn đề, nhưng nếu chỉ xét riêng về mặt tự do tôn giáo, phía chính phủ Hoa Kỳ tin rằng Việt Nam không rơi vào những tiêu chuẩn mà Bộ Luật về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế của Hoa Kỳ đã qui định để có thể tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách CPC. Vì lý do đó, Bộ Ngoại Giao mới đề nghị rút tên Việt Nam khỏi danh sách CPC.

 

Ông nói một số tu sĩ tại Việt Nam đã bị cầm tù vì những hoạt động có liên quan đến chính trị. Họ bị giam giữ bất công và nhân quyền của họ bị vi phạm, và phía chúng tôi vẫn tiếp tục bênh vực cho họ ở cấp bực cao nhất. Nhưng các trường hợp này được coi là tù chính trị thay vì là trường hợp bị bách hại vì tôn giáo…

 

Ông nói thêm: Từ năm 2005 đến nay, đã có 17 tổ chức tôn giáo thuộc nhiều phái đã được chính phủ Việt Nam công nhận. Vấn đề đăng ký của các tổ chức tôn giáo cũng được nới lỏng, ví dụ chính quyền không còn buộc phải nộp danh sách tín đồ. Ông cho biết, trong chuyến đi Việt Nam năm 2002, ông có đưa ra danh sách 45 người bị giam cầm vì lý do tôn giáo, sau đó có một số người đã được giảm án tù, trong đó có Linh mục Nguyễn Văn Lý; và cho đến tháng 9/2006 thì danh sách đó đã được trả tự do coi như toàn bộ.

 

 Ông Hanford xác nhận chính phủ Mỹ cũng nêu vấn đề một số quan chức địa phương đã đánh đập các tín đồ tôn giáo hoặc buộc các tín đồ này phải bỏ đạo; và phía chính phủ Việt Nam cũng có hứa sẽ có biện pháp với các quan chức địa phương đó.

 

Nhân dịp này, bà Dân Biểu Loretta Sanchez đã đặt vấn đề là tại sao Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn chưa được công nhận và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam vẫn còn bị hạn chế trong việc đào tạo các tu sĩ…

 

Đặc Sứ Hanford xác nhận một số nhà lãnh đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn còn bị hạn chế, vì chính phủ Việt Nam xem các vị này là những người hoạt động chính trị, trong khi các Phật tử của giáo hội này vẫn hành đạo một cách bình thường. Về trường hợp đạo tạo các tu sĩ Công Giáo, Đặc Sứ Hanford cho biết trong những năm gần đây, tình hình đã khá hơn.

 

Ngày 12.12.2007, Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã ca ngợi Việt Nam trong việc thực thi các cam kết về nhân quyền. Ông John Hendra, điều hợp viên thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nói rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ to lớn về kinh tế – xã hội, và đã chứng tỏ khả năng lãnh đạo qua việc phê chuẩn một số các hiệp ước quốc tế then chốt về nhân quyền.

 

Theo ông, Việt Nam là một trong những nước đầu tiên phê chuẩn Công Ứớc về việc Loại Bỏ Mọi Hình Thức Kỳ Thị Phụ Nữ và Công Ước về Quyền Trẻ Em, và vừa phê chuẩn những hiệp định quan trọng khác về nhân quyền.

 

Ông cho biết thêm: Tháng 10 vừa qua, Việt Nam cũng đã ký kết Công Ước Liên Hiệp Quốc về Quyền Của Người Khuyết Tật. Việc thực thi Công Ứớc này sẽ giúp hơn 5 triệu người khuyết tật ở Việt Nam tham gia đầy đủ hơn nữa vào các sinh hoạt xã hội nhờ vào những chính sách thỏa đáng hơn, có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm công ăn việc làm và được bảo vệ khỏi bị kỳ thị.

 

Thông cáo của UNDP còn cho biết: Hệ thống Liên Hiệp Quốc sẵn sàng trợ giúp Việt Nam trong việc thực thi các cam kết quốc tế và trong việc thực hiện những nỗ lực để làm cho mọi người Việt Nam được hưởng những quyền hạn đã được ghi rõ trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền Quốc tế công bố cách nay gần 60 năm.

 

2.- Về phát triển kinh tế

Bản tin của hãng thông tấn Reuters ngày 22.11.2007 cho biết Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) loan báo rằng cận ảnh kinh tế của Việt Nam xét ra rất tốt, và đã lên tiếng hoan nghênh những cố gắng của nhà cầm quyền Hà Nội nhằm ứng phó với nạn lạm phát bằng các biện pháp kìm hãm tiền tệ.

 

Trong bản lượng định viễn tượng kinh tế được đưa ra hàng năm về Việt Nam, IMF dự kiến nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ở tỉ lệ từ 8% tới 8,25% trong năm 2007-2008 nhờ nhu cầu gia tăng đồng thời với khối lượng đầu tư và mức tiêu thụ của tư nhân.

 

Kinh tế Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng bình quân gần 8% trong suốt thập niên qua, một trong những tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới. Các số liệu do chính phủ Việt Nam phổ biến ngày 25.12.2007 cho thấy tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 8,4% trong năm 2007. Đây là mức tăng trưởng cao nhất mà nước này đạt được so trong vòng 10 năm qua. Doanh thu từ xuất cảng trong năm 2007 đạt khoảng 48 tỉ 300 triệu Mỹ kim. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế cho năm 2008 đã được nhà cầm quyền nước này đặt ra là 9%.

 

Phúc trình của IMF ghi nhậm cận ảnh kinh tế Việt Nam vẫn rất tốt; đà phát triển kinh tế vẫn tiếp tục được duy trì, mức độ nghèo đói vẫn giảm trong trung hạn với điều kiện chính phủ phải kịp thời áp dụng các biện pháp đối phó với áp lực do nhu cầu tạo ra.

Theo bản tường thuật ngày 10.12.2007 của hãng thông tấn AFP, ông Ajay Chhibber, Giám Đốc Ngân Hàng Thế Giới (WB) tại Việt Nam, đã nói: Năm 2007 là một năm mà Việt Nam đạt được nhiều thành quả ngoạn mục, với số đầu tư trực tiếp ngoại quốc lên tới mức cao kỷ lục là 16 tỉ Mỹ kim.

 

Ông cho biết một cuộc thăm dò mới đây của Liên Hiệp Quốc cho thấy rằng các công ty đa quốc xem Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn vào hàng thứ 6 trên thế giới, và các công ty Nhật Bản xem Việt Nam là nơi đầu tư lý tưởng hàng thứ ba xét theo trung hạn.

Tuy nhiên, ông Chhiber cũng cảnh báo rằng giờ đây Việt Nam cần phải duy trì đà tiến này, bằng cách thực thi mọi cam kết đã đưa ra khi xin gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới…

 

Tin của đài Á Châu Tự Do cho biết Hội Nghị Nhóm Tư Vấn các Nhà Tài Trợ cho Việt Nam đã bế mạc tại Hà Nội ngày 7.12.2007, với lời hứa sẽ tài trợ trên 5,4 tỷ Mỹ kim cho Việt Nam trong năm 2008.

 

Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) tiếp tục cam kết Viện Trợ Phát Triển Chính Thức (Official Development Assistance, viết tắt là ODA) cho Việt Nam nhiều nhất, trên 1,3 tỷ Mỹ kim; kế đến là Ngân Hàng Thế Giới (WB), trên 1.1 tỷ Mỹ kim.

Về các nước cấp viện song phương, Nhật Bản tiếp tục dẫn đầu với mức cam kết ODA cũng trên 1,1 tỷ Mỹ kim, trong khi Liên Hiệp Âu Châu (EU) hứa tổng cộng gần 1 tỷ đô. Nếu so với năm 2006, thì mức cam kết của những nhà tài trợ lần này nhiều hơn khoảng 1 tỷ Mỹ kim.

 

CON ĐƯỜNG CỦA ANH HAI

 

Chúng ta không tranh luận về các dữ kiện, số liệu và triển vọng mà Hoa Kỳ và các tổ chức quốc đã đưa ra, chúng ta chỉ muốn biết qua những lời tuyên bố nói trên, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đang mưu tính gì ở Việt Nam.

 

Anh Hai quan tâm nhiều đến Việt Nam về cả kinh tế lẫn an ninh.

 

1.- Về kinh tế

Như chúng ta đã biết, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương luôn đặt quyền lợi kinh tế lên trên nhân quyền và tự do dân chủ. Vì thế, Hoa Kỳ đã đầu tư vào Trung Quốc trên 150 tỷ Mỹ kim, mặc dầu sự vi phạm nhân quyền và tự do dân chủ tại Trung Quốc vẫn còn rất nghiêm trọng.

 

Nhiều người tin rằng sở dĩ Hoa Kỳ đã đầu tư lớn vào Trung Quốc vì tại đây có nhân công rẽ và tay nghề cao, có thể sản xuất nhiều loại hàng hóa với giá rẻ rồi bán ngược về Hoa Kỳ và các nước trên thế giới dưới nhãn hiện “Made in China”. Vụ đồ chơi Trung Quốc bị tố nhiểm độc hay không an toàn trong những tháng gần đây đã cho chúng ta thấy các đồ chơi đó đã được làm theo mẫu mã của các hảng ở Mỹ, hay nói rõ hơn, làm theo đơn đặt hàng của Mỹ, nhưng vì có một vài sơ sót về kỷ thuật nên đã gây ra rắc rối.

 

Tại nhiều nước khác cũng có nhân công rẽ như Thái Lan, Phi Luật Tân, Bangladesk, Đông Timor, các nước Nam Mỹ, các nước Phi Châu, v.v., tại sao Anh Hai không đầu tư vào những nước đó mà lại đầu tư vào Trung Quốc?

 

Câu trả lời có lẽ cũng rất đơn giản: Tại tình hình ở Trung Quốc ổn định hơn! Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định có nên đầu tư tại một quốc gia hay không là tại đó có sự ổn định về chính trị hay không. Đầu tư vào một quốc gia mà thường xẩy ra các diễn biến bất ổn như đình công, biểu tình, bạo động, đảo chánh… thì, nói theo các nhà kinh tế, không khác gì “chùm hai chân nhảy vào bóng tối!” Đầu tư vào tình trạng như thế, mất sạch vốn là chuyện khó tránh khỏi.

 

Sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển tin tưởng Việt Nam là nước thứ hai có nhân công rẽ và tình hình ổn định, có thể đầu tư được. Tuy nhiên, từ trước đến nay Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam nhiều, vì hai lý do chính:

 

(1) Việt Nam có hệ thống hạ tầng cơ sở như bến tàu, sân bay, giao thông, điện lực, giáo dục… quá nhỏ bé hay thấp kém, không thể đáp ứng nhu cầu về đầu tư lớn được. Hiện nay, các quốc gia phát triển đang giúp Việt Nam canh tân và xây dựng các hệ thống hạ tầng cơ sở mới. Công việc này sẽ kéo dài trong nhiều năm.

 

(2) Chưa tạo được “một khoảng cách vừa phải” (decent distance) giữa độc tài và dân chủ để có thể hướng Việt Nam đi theo con đường mà các quốc gia phát triển mong muốn.

 

Các nhà phân tich tin rằng trong một “chế độ xám xập”, ở đó tồn tại 30% dân chủ và 70% độc tài, chế độ đó có thể tồn tại lâu dài được. Trái lại, trong một “chế độ ứng xập”, trơng đó có khoảng 50% độc tài và 50% dân chủ, những bất ồn rất dễ xẩy ra do bất đồng và phản đối liên tục chính sách và biện pháp mà nhà cầm quyền đưa ra, chế độ đó sớm muộn gì rồi cũng sụp đổ.

 

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ và các quốc gia Tây phương đang cố gắng tạo “một khoảng cách vửa phải” giữa dân chủ và độc tài tại Việt Nam, và hình như nay khoảng cách đó đã đạt được. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi nghe bà Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Condoleeza Rice kêu gọi cả Miền Điện lẫn Bắc Hàn noi gương Việt Nam.

 

Mới đây, trong cuộc viếng thăm Hà Nội ngày 3.3.2008, Trợ Tý Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Christopher Hill lại tuyên bố Bắc Hàn và nhiều nước khác có thể học nhiều bài học quý giá từ Việt Nam. Ông nói: “Tôi không rõ Bắc Triều Tiên có hỏi kinh nghiệm của Việt Nam hay không, nhất là kinh nghiệm phát triển kinh tế. Thế nhưng tôi rất mong họ hỏi câu hỏi đó vì trong 5 năm gần đây Việt Nam đã có những tiến triển thần kỳ.”

 

Chúng ta nhớ lại, hôm 27.11.2007, ông Ibrahim Gambari, Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền của Liên Hiệp Quốc đã thúc giục Việt Nam tiếp tay trong các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị tại Miến Điện!

 

Phải chăng “mô thức xám xập” (30% dân chủ và 70% độc tài) ở Việt Nam đã được coi là mô thức có thể bảo đảm sự ổn định và chấp nhận được?

 

2.- Về an ninh trong vùng

Ngoài mục tiêu kinh tế, Hoa Kỳ còn muốn dùng Việt Nam như một ranh giới ngăn chận Trung Cộng tràn xuống Đông Nam Á. Hôm 13.12.2007, Đô đốc Timothy Keating, Tư Lệnh Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Ông Robert Lucius, đại diện hải quân và thủy quân lục chiến của Hoa Kỳ ở Hà Nội đã nói: ”Đây là chuyến viếng thăm nhằm khẳng định mối quan hệ đang phát triển và mong muốn tiếp tục xây dựng quan hệ này trong những năm tới đây.”

 

Ông Lucius cũng nói Hoa Kỳ mong muốn Việt Nam sớm có vai trò lớn hơn trong hợp tác an ninh trong vùng. Theo ông, chúng ta đang ở thế kỷ 21 và giải quyết mọi việc một cách hòa bình. Xung đột sẽ chỉ làm phức tạp những lợi ích kinh tế mà tất cả các bên đều cùng có thể hưởng từ Biển Đông. Ông tin rằng Việt Nam có đủ khả năng để đảm đương các công việc như tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình hoặc cứu hộ, cứu nạn. Ông nói:

 

”Chúng tôi rất mong muốn hợp tác cùng Việt Nam để tăng khả năng của họ trong những lĩnh vực này, có thể bước đầu là ở mức khu vực nhưng sau đó có thể ở tầm toàn cầu qua việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc hoặc các đóng góp có ý nghĩa khác.”

 

TÍNH CHUYỆN ĐƯỜNG DÀI

 

Mặc dầu đưa ra những triển vọng như đã nói trên, nhưng Anh Hai thấy rõ con đường biến đổi Việt Nam khá lâu dài, vì có quá nhiều khó khăn. Phó Đại Sứ Aloisi nói rằng “Việt Nam có thể ở trong lộ trình của chế độ dân chủ đa đảng trong 15 hay 20 năm tới”!, Cựu Đại Sứ Marine cho biết Bộ Giáo Dục và Đào Tạo VN đặt mục tiêu huấn luyện 20.000 tiến sĩ mới từ nay đến năm 2020.

 

Lý tưởng là 10.000 trong số đó sẽ nhận lãnh văn bằng tiến sĩ tại ngoại quốc, ít nhất 2.500 sẽ được huấn luyện tại Hoa Kỳ.

 

Còn ông Tân Đại Sứ Michael Michalak nói: “Hai mươi năm sau, chúng ta sẽ không nói Mỹ đã vào Việt Nam để kiếm tiền, mà chúng ta sẽ nói rằng hơn 75% thành phần Nội Các Việt Nam là những người đã du học Mỹ.”

 

Thành ra khi Hoa Kỳ đi tới được mục tiêu ở Việt Nam, thế hệ của chiến tranh Việt Nam, tức thế hệ của người Việt quốc gia chống cộng, sẽ không còn nữa! Hoa Kỳ sẽ xây dựng một thế hệ hoàn toàn mới.

 

Tú Gàn

7.3.08