Tu viện Bát Nhã: vì đâu nên nỗi này? Sự việc đã đến đâu?

 

Các tu sinh: “chúng con muốn tu thôi mà”. Ảnh CaliToday News

 

Trong nửa tháng qua, việc khoảng 400 tu sinh bị đuổi ra khỏi tu viện Bát Nhã ở Lâm Đồng đã tạo nên những tin tức và dư luận từ trong đến ngoài nước. Có tin sẽ có những tăng ni tự thiêu để đánh thức lương tâm của nhân loại. Và tình hình bắt đầu chuyển biến, nhưng chưa biết đi… hướng nào?

 

Thiền sư Nhất Hạnh lâu nay im lặng trước việc tăng ni Làng Mai bị đuổi ra khỏi chùa Bát Nhã, đã viết thư cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết.

 

Tại Hoa Kỳ đã có những vận động với Thượng nghị sĩ Jim Webb để ông can thiệp với chủ tịch nước.

 

Và trong nước, lần đầu tiên báo chí đăng tin về vụ này và cho rằng không có chuyện đàn áp ở Lâm Đồng.

 

TVTS cho đăng 3 bản tin của Dân Trí , Việt Báo và đài VOA để rộng đường dư luận.

 

Các giáo thọ và tăng sinh tìm đường ra khỏi chùa Bát Nhã vào ngày 27.9.09. Ảnh CaliToday News

Không có chuyện đàn áp tu sinh ở Lâm Đồng

Ngày 6/10, ông Võ Ngọc Hiệp, người phát ngôn của UBND tỉnh Lâm Đồng khẳng định hoàn toàn không có chuyện gây rối, đe dọa những người tu theo pháp môn Làng Mai tại tu viện Bát Nhã (Lâm Đồng) như một số tin đồn.

 

Ông Hiệp cho biết, kể từ tháng 5/2008 đến nay, tại tu viện Bát Nhã (thị xã Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) có khá đông người tập tu theo pháp môn Làng Mai. Số người này được Thượng tọa Thích Đức Nghi – Viện chủ tu viện Bát Nhã bảo lãnh đến tập tu tại tu viện Bát Nhã.

Tuy nhiên, việc tổ chức khóa tu không xin phép Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, số người tới tu cũng không đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật gây mất an ninh trật tự tại địa phương nên sau đó, Thượng tọa Thích Đức Nghi không bảo lãnh nữa và yêu cầu họ ra khỏi tu viện Bát Nhã trả lại cơ sở thờ tự cho Thượng tọa Thích Đức Nghi.

Nhiều lần thượng tọa Thích Đức Nghi yêu cầu số người tu theo pháp môn Làng Mai rời khỏi Bát Nhã, nhưng họ vẫn tiếp tục ở lại, từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa phật tử Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai tại đây.

Do bức xúc về việc những người tu theo pháp môn Làng Mai không chịu rời khỏi Bát Nhã, vào ngày 27/9/2009 một số phật tử thuộc tu viện Bát Nhã đã tập trung tại tu viện để gây áp lực buộc những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.

Đến sáng 28/9/2009, toàn bộ số người tu theo pháp môn Làng Mai đã rời khỏi tu viện Bát Nhã đến ở tạm tại chùa Phước Huệ (thị xã Bảo Lộc). Đã có một số người trở về địa phương nơi cư trú hoặc về lại nơi tu hành trước đây.

Chính quyền địa phương khẳng định đây là việc tranh chấp nội bộ giữa phật tử tu viện Bát Nhã do Thượng tọa Thích Đức Nghi làm viện chủ và số người tu theo pháp môn Làng Mai. Chính quyền địa phương không can thiệp vào.

Với trách nhiệm của mình, chính quyền địa phương đã giữ an ninh không để xảy ra xô xát, gây mất trật tự ở địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng, tài sản của công dân.

Đồng thời, chính quyền địa phương đã vận động, thuyết phục các phật tử thuộc Tu viện Bát Nhã không được manh động, không được xúc phạm làm ảnh hưởng đến nhân phẩm và thân thể của các vị tu theo pháp môn Làng Mai, yêu cầu các vị tu theo pháp môn Làng Mai phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, hoạt động đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Chính quyền yêu cầu họ trở về địa phương hoặc chùa cũ để tiếp tục tu học, khi tới cơ sở mới phải thực hiện đúng quy định của Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đảm bảo các thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Cũng trong ngày 6/10, Thượng tọa Thích Thái Thuận, trụ trì chùa Phước Huệ, nơi hiện có 194 người tu theo pháp môn Làng Mai chuyển từ tu viện Bát Nhã đến ở, cho biết hoàn toàn không có chuyện gây rối, đe dọa những người tu theo pháp môn Làng Mai đang ở tại chùa này như một số tin đồn.

 

Theo TTXVN/Vietnam

 

Nguyễn Minh Triết đón thiền sư Nhất Hạnh tháng 5. 2007. Ảnh BBC

Sư Nhất Hạnh gửi thư cho Nguyễn Minh Triết xin cứu 400 tăng ni bị đàn áp

QUẬN CAM (Việt Báo) — Lần đầu tiên, Thiền Sư  Nhất Hạnh gửi thư cho cán bộ cao cấp nhất trong chính phủ Hà Nội để yêu cầu ngăn chận hành vi đàn áp chư tăng ni Bát Nhã hiện đã chạy về tạm cư ở Chùa Phước Huệ, Bảo Lộc.

Thiền Sư Nhất Hạnh sử dụng bút danh là Giáo Sư Nguyễn Lang để gửi thư ngỏ qua mạng toàn cầu Phusa.info gửi tới Chủ Tịch CSVN Nguyễn Minh Triết, người được biết là một Phật Tử thuần thành và nguyên là Việt Cộng nằm vùng thời trứơc 1975 khi còn học ở Đaị Học Khoa Học Sài Gòn.

Người ta không rõ ông Triết đã có lời hứa cụ thể nào với Thiền Sư Nhất Hạnh hay không, nhưng hình ảnh Thiền Sư và ông Nguyễn Minh Triết chụp bên nhau trong một số buổi gặp nhau qua nhiều năm — từ năm 2005, lần đầu Thiền Sư về VN — đã từng được báo chí trong và ngoaì nước đăng tải nhiều lần.

Thiền Sư Nhất Hạnh viết thư như sau, toàn văn:

“LUÂN THƯỜNG ĐẠO LÝ

 Thư của giáo sư Nguyễn Lang gửi Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết

New York ngày 30 tháng 9, 2009

Kính thưa Chủ Tịch,

Tôi không biết hiện giờ Chủ Tịch đang ở đâu, nên nhờ mạng Phù Sa gửi một bản thư này đến Chủ Tịch. Đây là một tiếng chuông chánh niệm. Cửa Phật là cửa rộng, những lúc hiểm nguy ai cũng có quyền tới nương nhờ.

 

Ngày xưa trong Cách Mạng chống Pháp, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng đã từng tới ẫn náu tại chùa và các thầy các sư cô luôn luôn tìm mọi cách để đùm bọc và che chở. Bây giờ đây cảnh sát và công an của Chủ Tịch đã đánh bật 400 thầy và sư cô ra khỏi chùa (Tu Viện Bát Nhã ở Bảo Lộc) và các vị ấy đã tìm tới tỵ nạn nơi một chùa khác (chùa Phước Huệ ở Bảo Lộc).

 

Hiện thời cảnh sát và công an của Chủ Tịch lại đang vây quanh chùa Phước Huệ buộc các vị xuất gia ấy phải ra khỏi chùa trong đêm nay. Các vị cảnh sát và công an này chắc hẳn không phải là con cháu của Cách Mạng. Tôi xin Chủ Tịch kịp thời ngăn chận hành động trái chống luân thường đạo lý này.

Trân trọng cảm ơn Chủ Tịch.

Nguyễn Lang

Tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận.”

 

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh ‘viết thư ngỏ’ cho Chủ tịch VN 
 

VOA – Thưa quý vị, thời gian qua xuất hiện hai bức thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Lang gửi cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết cũng như các trí thức, nhân sĩ trong và ngoài nước để kêu gọi ‘che chở và bảo vệ’ cho hàng trăm tăng ni theo pháp môn làng Mai bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã.

Trong cuộc phỏng vấn với Nguyễn Trung của VOA Việt Ngữ, sư cô Chân Không, một trong những người sáng lập Làng Mai ở Pháp, khẳng định rằng Nguyễn Lang chính là bút hiệu của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, và rằng trong lần lên tiếng đầu tiên này, Thiền sư ‘muốn xem phản ứng của Chủ tịch Việt Nam ra sao, rồi sẽ có các bước đi tiếp theo’.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết thư ngỏ cho Chủ tịch Nguyễn Minh Triết để xem ‘Chủ tịch nước đối xử ra sao’.

VOA: Trong khi các tăng ni theo pháp môn làng Mai trải qua những khó khăn trong một thời gian dài ở Tu viện Bát Nhã, Thiền sư Thích Nhất Hạnh có chia sẻ với những người thân cận như Sư cô một điều gì đó không?

Sư cô Chân Không: Thầy Nhất Hạnh có niềm tin rất lớn. Thầy nói rằng người nào cũng có tính Phật. Vì thế nên thầy tưới tẩm những tính tốt của mọi người. Và ngay với thầy Đức Nghi (người trụ trì tu viện Bát Nhã), người ký tên với công an, nói rằng đuổi 379 anh chị em (các tu sinh) ra khỏi tu viện, nhưng mà thầy Nhất Hạnh vẫn viết thư cho thầy Đức Nghi, nói rằng ‘tuy là đệ tử của tôi, nhưng do thầy cạo đầu, thầy là sư phụ của các em, thì xin thầy trở về với các em’.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh luôn nhìn về các khía cạnh tốt, và giải quyết mọi chuyện một cách ôn hòa. Cái chuyện đuổi hơn 379 người mà có giấy của công an như vậy đó, gặp mấy đoàn thể khác là người ta đăng báo, người ta chửi rủa, mà thầy nói không phải như vậy, và có điều gì đó hiểu lầm. Người ta thấy bên này, bên kia chưa có rõ thì mình phải giải thích.

VOA: Mới đây có hai bức thư ngỏ của Giáo sư Nguyễn Lang, một bức gửi cho Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Minh Triết và một gửi cho các vị trí thức và nhân sĩ trong và ngoài nước kêu gọi che chở và bảo vệ cho hàng trăm tăng ni theo pháp môn làng Mai từng bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã. Phía làng Mai có suy nghĩ gì về sự xuất hiện của các lá thư này?

Sư cô Chân Không: Sư ông Làng Mai, tức là Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nói rằng phải đi từng bước. Ở trong nước giải quyết trước, giống như truyền thống ở Việt Nam, ở trong nhà bố mẹ không giải quyết được, thì nhờ cô dì. Cô dì lại không giải quyết được, thì nhờ tới hàng xóm, rồi mới nhờ tới người ngoài tức là chính quyền. Chính quyền không được thì mới tới nước ngoài. Thành ra, bây giờ gửi tới cụ Nguyễn Minh Triết xem cụ giải quyết thế nào.

VOA: Giáo sư Nguyễn Lang là Thiền Sư Thích Nhất Hạnh như trên mạng Internet có suy đoán. Vậy có đúng không, thưa cô?

Sư cô Chân Không: Dạ đúng.

VOA: Thưa cô, lý do vì sao thiền sư Thích Nhất Hạnh không lên tiếng trực tiếp và sử dụng ảnh hưởng của một thiền sư có nhiều môn sinh trên thế giới để phát đi thông điệp?

Sư cô Chân Không: Không phải thầy muốn giấu tên. Sở dĩ Thầy ký tên là Nguyễn Lang chứ không phải Thích Nhất Hạnh là vì tên Nguyễn Lang đã được các học giả trong nước từ thời chính phủ Việt Nam Cộng hòa cho tới chính phủ Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đều rất quý vì cuốn ‘Việt Nam phật giáo sử luận’ (do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh biên soạn) đã giải thích rất thâm sâu những bài dạy của các thiền sư trong 20 thế kỷ qua.

Hàng trăm tăng ni theo pháp môn Làng Mai đã ‘bị buộc phải rời khỏi tu viện Bát Nhã’.

Việc ký tên với tư cách sử gia, và học giả để muốn nhắc Chủ tịch nước nhớ rằng nước Việt Nam ở giai đoạn này đang nằm trên mốc của lịch sử. Mình có hai nghìn năm trước rất rõ chi tiết. Và thế hệ về sau sẽ noi gương và ghi dấu chính phủ ông Nguyễn Minh Triết đã đối xử với nhà chùa như thế nào.

Như tôi đã nói với anh, thầy nói rằng theo truyền thống Việt Nam là chuyện trong nhà giải quyết với nhau trước. Chúng tôi đã giải quyết với thầy Đức Nghi, rồi sau đó là Ủy ban Trị sự Phật giáo Lâm Đồng rồi tới Ủy ban trị sự Trung Ương văn phòng hai và văn phòng một, rồi tới Ủy ban tôn giáo nhà nước. Chúng tôi đã đi từng lớp từng lớp, khi không được thì lần đầu tiên thầy lên tiếng để xem ông Chủ tịch nước đối xử làm sao, nếu ông Chủ tịch nước không thể làm gì được, thì thầy chúng tôi sẽ có bước kế tiếp.

Thầy nói phải có bước thứ tự từ dưới lên trên chứ không phải chưa giải quyết chuyện gì trong nhà mà đã chạy ra kêu hàng xóm, kêu công an tới đánh giặc với nhau thì nó không đẹp.

VOA:Thưa cô, sau khi các bức thư được lưu truyền, đã nhận được phản ứng gì từ phía chính quyền Việt Nam cũng như các trí thức và nhân sĩ chưa?

Sư cô Chân Không: Sau khi lá thư của Nguyễn Lang đăng trên trang mạng Phù Sa và Làng Mai, thì một ngày sau là có kết quả liền vì chúng có nghe thấy một thông tin (không phải trực tiếp) từ ông Bùi Hữu Dược, tức Vụ trưởng Vụ Phật giáo trong Ủy ban Tôn giáo chính phủ, nói chuyện với Hòa Thượng Toàn Đức là người đại diện của ban trị sự phật giáo tỉnh Lâm Đồng đi ra Hà Nội, và hình như cũng điện thoại cho thầy Thái Thuận là người Chủ trì chùa Phước Huệ mà 400 tu sinh đang nương náu ở đó, và nói rằng ông Dược sẽ bay vào đó ngày 12/10 để thu xếp.


Chúng tôi không nghe trực tiếp từ miệng ông Bùi Hữu Dược, và chúng tôi không nghe trực tiếp từ Hòa Thượng Thái Thuận, nhưng mà chúng tôi biết có điều gì đó. Thế nên, thay vì Hòa Thượng Thái Thuận vào khóc mỗi đêm ba bố lần với mấy thầy, mấy sư cô, rồi khi Hòa thượng nói các con ngồi thiền cho tốt và không còn đuổi nữa thì chúng tôi biết có kết quả.

VOA: Hiện tình trạng của các môn sinh từng ở tu viện Bát Nhã và hiện trú tại chùa Phước Huệ ra sao rồi, thưa cô?

Sư cô Chân Không: Một ngày họ ngồi thiền, tụng kinh bốn lần và tu học giống như ở Bát Nhã và chỉ có điều là ở Bát Nhã thì có không gian hơn để đi thiền hành còn ở đây không đi thiền hành được còn ở bên ngoài công an bao kín mít không đi được. Thành ra ở rất là chật chội và tù túng.

(Nguyễn Trung, VOA)