Kỳ tích của các bác sĩ Úc: hai bé gái song sinh dính đầu đã được tách ra, một bé đã tỉnh

17 Tháng Mười Một, 2009 | Y học - Khoa học

 

Trishna (trái) và Krishna dính nhau bằng cái đầu, chụp vào tháng 8 năm 2009. Photo courtesy AFP

 

Sau 32 tiếng đồng hồ làm việc không ngừng nghỉ, đội ngũ 16 chuyên gia phẫu thuật của bệnh viện Melbourne Royal Hospital đến chiều Thứ Ba đã tách rời hai bé song sinh Trishna và Krishna dính đầu nhau. Bác sĩ trưởng toán Leo Doman ngay sau đó nói phải còn đợi một thời gian nữa vì vậy “nay chưa phải là lúc để ăn mừng”.

 

Nhưng sáng Thứ Năm tuần này, bé Trishna đã thức dậy. Bác sĩ nói tình trạng của em khả quan và em nói chuyện với người giám hộ. Hy vọng bé Krishna sẽ tỉnh lại trong buổi chiều hay tối. Thế là lần đầu tiên hai chị em song sinh sẽ thấy mặt nhau mà không cần phải nhìn vào gương.

 

Hôm nay, toán giải phẫu của Bệnh viện Nhi đồng đã tỏ lộ sự vui mừng và lạc quan của họ.

 

> Bấm vào đây để xem video

 

Cuộc giải phẫu tách rời hai bé gái song sinh 3 tuổi người Bangladesh đã làm cả thế giới theo dõi. Đây có thể là một kỳ tích ngoạn mục nhất kể từ khi có cuộc giải phẫu đầu tiên để thay thế tim vào thập niên 1960.

 

Hai bé gái Trishna và Krishna bị người mẹ đem cho cô nhi viện do các nữ tu Công giáo ở nước Bangladesh điều hành, vì bà mẹ không đủ sức nuôi dưỡng.

 

Bà Moira Kelly thuộc tổ chức Children First đã xin đem về Úc và nhận làm con nuôi. Trong 2 năm và 2 tháng vừa qua, nhiều nỗ lực, chăm sóc và giải phẫu đã được thực hiện để hy vọng một ngày nào đó có thể làm một cuộc giải phẫu tách rời hai bé gái này.

 

Điều quan trọng nhất là chờ đến khi nào các mạch máu trên đầu quanh não bộ của hai bé hoạt động độc lập, cấy tạo da và thịt để khi giải phẫu thì não và sọ của các em có cái nắp để đậy lại. Thật là một việc làm vô cùng khó khăn.

 

Lý do giải phẫu: nếu để hai bé gái có đầu dính nhau như vậy thì các em cũng khó mà sống sót được. Quyết định này vừa có tính cách y học, đạo đức học. Cho hai em có cuộc sống độc lập như một người bình thường nhưng  có rủi ro làm một trong hai em hoặc cả hai chết cũng rất cao.

 

Bà mẹ nuôi Kelly đã gạt nước mắt khi rời hai con trước giờ giải phẫu vào sángThứ Hai đầu tuần này.

 

Tin tức cho hay, cặp sinh đôi này chỉ có 25% cơ hội vượt qua cuộc giải phẫu mà không bị nguy hiểm, vô hại. Các em có đến 50% nguy cơ bị hư não bộ. Và có đến 25% một trong hai em sẽ chết sau cuộc giải phẫu.

 

Toán chuyên gia đã làm việc liên tục 31 tiếng rưỡi đồng hồ. Một vài người được phép chợp mắt một lúc nhưng có vài bác sĩ đã thức trong suốt thời gian này để theo dõi các diễn biến.

 

Đến 4 giờ chiều ngày Thứ Ba hôm qua, Bác sĩ Donnan bước ra khỏi phòng phẫu thuật báo tin công tác tách rời hai em đã xong nhưng ông cũng cho biết còn phải đợi “một thời gian dài” để xem hai em có bị hư não không.

 

Hiện giờ hai em đang còn trong trạng thái hôn mê. Hai giường của hai em được đặt sát nhau, vì sợ rằng khi tỉnh thức các em sẽ bị sốc vì không thấy dính vào nhau như trước.

 

Các bác sĩ cho rằng họ sẽ theo dõi tình trạng của hai em và sẽ quyết định khi nào sẽ cho các em được từ từ tỉnh lại. Ngoài các bác sĩ phẫu thuật, còn có sự hợp tác của các bác sĩ gây mê và bác sĩ thần kinh hàng đầu của Bệnh viện Nhi đồng Hoàng gia Melbourne.

 

Cuộc giải phẫu rất phức tạp vì đầu hai em dính vào nhau mà trong cơ thể con người, bộ não là nơi tinh tế và nhạy cảm nhất.

 

Các bác sĩ nói rằng 48 tiếng đồng hồ sau cuộc giải phẫu tách rời rất quan trọng. Hiện các em đang ổn định, nhưng chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra về sau.

 

Bà mẹ nuôi Kelly được đến thăm hai con  sau cuộc giải phẫu. Bà xin mọi người hãy cầu nguyện cho “hai đứa con tuyệt vời” của bà.