Triển lãm tranh sơn dầu ở Melbourne: Họa sĩ Lê Văn Trác ra đi mang theo cả quê hương

Họa sĩ Lê Văn Trác (trái) và chủ bút TVTS Nguyễn Hồng-Anh trước những bức tranh trường làng Vạn Xuân và bến đò nơi ngày xưa vua Hàm Nghi cập bến lúc chạy trốn quân Pháp. Hình: TVTS

(TiVi Tuần-san) – Có thể một số độc giả ở Úc không biết Lê Văn Trác là ai. Nhưng trong khoảng một hai thập niên vừa qua, một số độc giả đã có thể nghe tên họa sĩ Lê Văn Trác qua báo chí hay đã từng đi xem một hai lần những cuộc triển lãm tranh của ông, riêng hay chung với điêu khắc gia kiêm họa sĩ Lê Phú.

Hôm Thứ Bảy 1/7 và Chủ Nhật 2/7/2023 vừa qua, họa sĩ Lê Văn Trác đã có một cuộc triển lãm tranh sơn dầu ấn tượng cùng với tranh và điêu khắc của Lê Phú tại phòng tranh Gallery 314, số 314 Church Street, Richmond như đã đăng thông báo trên báo điện tử (etvts) và báo mạng (tvtsonline) của TiVi Tuần-san.

Cuộc triển lãm chính là tranh của họa sĩ Lê Văn Trác, phần nhiều  là những bức lớn, có bức chiếm rộng chiếm một khoảng một nửa bề ngang gian phòng triển lãm. Nhiều bức tranh không có chỗ treo phải để dưới sàn nhà. Tranh của họa sĩ Lê Phú chỉ là những bức nhỏ, nhưng cũng chiếm một hai mét vuông khiến Lê Phú cũng tỏ  ra ái ngại.

Lê Phú nói với TVTS anh đã từng đề nghị với Ban Chấp Hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do Tiểu bang Victoria trong Dự án 50 năm Người Việt Tị Nạn Định Cư Tại Úc là hãy tổ chức sớm một buổi triển lãm tranh để vinh danh họa sĩ Lê Văn Trác, vì năm nay ông đã 90 tuổi rồi, nhưng được trả lời hãy đợi đến năm 2025. Đó cũng là một ý kiến, đề nghị đối với dự án đánh dấu nửa thế kỷ người Việt tị nạn cộng sản có mặt tại Úc.

Hy vọng 50 bức tranh sơn dầu ấn tượng của họa sĩ Lê Văn Trác sẽ góp mặt trong dịp đánh dấu 50 năm người Việt đi tị nạn cộng sản trong đó những cức tranh của họa sĩ không những là câu chuyện thương tâm, bi hùng của cá nhân họa sĩ mà còn là kinh nghiệm của hàng trăm ngàn người vượt biên đến bến bờ tự do và hàng trăm ngàn người chết trên biển cả. Là một cáo trạng tội ác của cộng sản Việt Nam!

Hy vọng một bảo tàng thuyền nhân Việt Nam trong tương lai sẽ có được vài bức tranh của họa sĩ Lê Văn Trác?

Luật sư Nguyễn Tân Hải tác giả bài sưu khảo Đình Làng Việt Nam thuở xưa và hiện nay trước bức tranh Ngôi Đình Làng của họa sĩ Lê Văn Trác (trái). Hình: TVTS

 

Hình ảnh tuổi thơ

Người họa sĩ 90 tuổi có vẻ ngần ngại khi TVTS tỏ ý muốn “phỏng vấn” ông. Nhưng qua một vòng đi xem 50 bức tranh của ông treo kín các bức tường phòng triển lãm, TVTS gợi ý và được biết đôi chút về thân thế của ông.

Cũng như họa sĩ Lê Phú là người gốc Huế, ông Lê Văn Trác cho biết sinh ra ở làng Vạn Xuân. Hỏi Vạn Xuân ở đâu, ông cho biết gần Chùa Thiên Mụ.  Hỏi có phải gần làng Kim Long không, ông đáp, đúng “Vạn Xuân sát Kim Long, là quê của vợ tôi”.

Kim Long một địa danh nổi tiếng ở Huế vì nằm ở thượng nguồn sông Hương nơi có cảnh đẹp, có những dòng tu của Công giáo như tiểu chủng viện Phú Xuân và sau đó là đại chủng viện Xuân Bích nơi đào tạo các linh mục triều, dòng nữ tu Phú Xuân (tức Dòng con Đức Mẹ Vô Nhiễm Phú Xuân), Dòng Kín Cát Minh Huế (nữ tu Carmel, đã tản cư vào Nam sau 1975).

Với những người thích trái cây, Kim Long nổi tiếng với nhãn lồng. Với các chàng trai trẻ, gái Kim Long có tiếng đẹp, là nơi một lần thấy là một lần nhớ nhớ thương thương. Chuyện dân gian Kim Long kể rằng, vua Thành Thái một lần giả làm người thường xuất hành thăm dân cho biết, trở về cung, hỏi o (cô) lái đò có ưng (muốn) làm vợ vua không, tưởng anh chàng này hỏi đùa cho vui, o đáp ưng, nên khi đò cập bến, vua rước vào cung làm thiếp luôn. Không biết chuyện tình chàng Trác và cô gái Kim Long, hiện đang ngồi một mình, yên lặng nhìn chồng và khách thưởng lãm tranh,  đã quen nhau như thế nào?

Họa sĩ Lê Văn Trác (phải) trước bức tranh ghép 3 tấm  “Sài Gòn trong cơn hấp hối” và sau lưng là những bức tranh chiến đấu của Quân Lực VNCH). Hình: TVTS

Họa sĩ Trác chỉ cho TVTS xem những bức tranh làng xóm ở Vạn Xuân nơi có hai căn lớp học của trường học từ lớp một đến lớp ba, thời đó dạy bằng tiếng Pháp, đến cours elementaire (lớp ba) là thi yếu lược.  Một căn nhà nhỏ của ông hồi tuổi trẻ được vẽ lại bằng ký ức. Một bức tranh khác của làng Vạn Xuân là cái chợ và bến đò, nơi ngày xưa vua Hàm Nghi khi kinh đô thất thủ, chạy qua nơi đây rồi mới lên Tân Sở, ra Quảng Trị kháng chiến chống Pháp.

Quân đội VNCH và những ngày Sài gòn thất thủ

Một trong những bức tranh đập vào mắt người xem  nhắm vào chủ đề chiến tranh Việt Nam. Cảnh những phi vụ trực thăng hay chiến đấu cơ của Không quân VNCH dội bom Việt Cộng, lính Úc cùng chiến đấu với lính VNCH nói lên sự chiến đấu anh dũng và lòng biết ơn của người dân đối với sự hy sinh của họ mà nghĩa trang là biểu hiệu sự hy sinh cao cả và cuối cùng của người chiến binh.

Nhưng bức tranh gây sự chú ý nhất có lẽ là bức “Sài Gòn trong cơn hấp hối”  (tiếng Anh, Saigon in Agony) rất lớn được ghép lại bởi ba tấm. Họa sĩ Trác cho TVTS biết ban đầu ông chỉ vẽ hai tấm ghép với nhau, nhưng năm ngoái, ông vẽ thêm một tấm thứ ba ghép vào bên trái, tạo ra một không gian lớn hơn của thủ đô Sài Gòn những ngày Sài Gòn sắp rơi vào tay cộng sản nhìn từ trên không với những chiếc máy trực thăng và chong chóng rời Sài Gòn và tàu đầy người di tản đậu dưới sông Bạch Đằng. Những tòa nhà lớn của thủ đô được họa sĩ ghi lại trên bức tranh toàn cảnh của thủ đô Miền Nam thân yêu.

Các bức tranh Tuyệt Vọng (trên) và  Yên Nghỉ dưới lòng đại dương (là nơi yên nghỉ hai người con của họa sĩ đã không may mắn trên hành trình vượt biển). Hình: TVTS

Tị nạn

Ra đi mang theo cả quê hương, họa sĩ mang theo những nỗi buồn của người tị nạn cộng sản. Cảnh người vượt biên bằng đường bộ sang biên giới Cam Bốt hay thuyền nhân lênh đênh trên biển cả sóng gió bão bùng hay chìm dưới đáy biển. TVTS được họa sĩ cho biết ông là một thuyền nhân, định cư ở Úc năm 1990. Họa sĩ Lê Phú còn cho biết thên, ông Trác có 7 người con nhưng hai người đã mất trên đường vượt biển. Lê Phú nói bức tranh năm con ngựa và hai con đi sau chạy trong rừng ngụ ý là gia đình 5 người con và hai vợ chồng.  Phần lớn, mỗi thuyền nhân đều trải qua một ác mộng trên đường tìm tự do bởi vì theo Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc, có gần nửa triệu người Việt Nam chết trên biển sau ngày 30.4.1975.

Trên quê hương mới

Hết bỉ cực tới hồi thái lai. Một số bức tranh khác nói về cuộc sống của người tị nạn và cá nhân ông ở  Úc với những bức tranh có chủ đề “đời sống mới nơi xứ người” nói về việc đi làm farm, học hành thành đạt hay những chuyến du ngoạn ở rừng núi, sông biển, thưởng ngoạn cảnh mùa thu nổi tiếng ở Blight v.v…

Họa sĩ cũng tỏ ra ưng ý khi giới thiệu bức tranh kể lại một chuyến đi chơi trong rừng, dừng xe, thấy một con đường nhỏ không có vết bánh xe, nhưng có số nhà, con kangaroo chạy ngang qua là do ông thêm vào. Bức tranh này ông sử dụng dao vẽ đặt tên là “Hiu quạnh”.

Họa sĩ Trác  chỉ cho TVTS xem tên của tác phẩm khỏa thân và phía cuối là các tranh chân dung của cựu Thủ tướng Malcol Fraser và hình hai vợ chồng họa sĩ chụp với ông Fraser trong cuộc triển lãm tranh năm 2006. Hình: TVTS

Trong phần này, ông giới thiệu bức tranh vẽ chân dung cựu Thủ tướng Malcolm Fraser, ân nhân của người tị nạn Việt Nam mà ông đã tặng cho vị thủ tướng này khi ông Fraser đến xem phòng triển lãm tranh của họa sĩ năm 2006. Bức tranh đang triển lãm trên tường chỉ là bức chụp lại, và bên cạnh đó có một bức tranh toàn thân ông Fraser mà họa sĩ mới vẽ sau này.

Khi TVTS hỏi ông tên hai bức tranh khỏa thân, thì một bạn đồng hương Huế của họa sĩ vừa đến phòng triển lãm cười đùa nói đã 90 tuổi mà “còn  hoạt động dễ sợ, còn ngầu”. Một bức có tên “Mộng gối chăn” và một bức “Mộng dưới hoa” được vẽ vào năm 2011. TVTS góp vui “họa sĩ thì không có tuổi tác”.

Thấy họa sĩ khỏe mạnh, vẽ bức tranh ông đang đánh quần vợt, hỏi thì ông cho biết hiện vẫn còn chơi khi nào thấy khỏe, và vẫn còn vẽ khi có thì giờ rảnh bởi hiện tại ông dành rất nhiều thì giờ để lo cho người vợ bị bệnh mất trí nhớ (Bà có đến chào TVTS khi chồng giới thiệu).

Bìa sách các tranh sơn dầu với tranh người vượt biên bằng đường bộ “Vượt núi rừng tìm tự do” của họa sĩ Lê Văn Trác, khổ A4, dày 240 trang,  phát hành năm 2023. Hình: Lê Phú cung cấp

Họa sĩ cho biết hồi còn trẻ ông không vẽ, chỉ có ghi danh học một số giờ tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế về anatomy (phân tích) để có một số ý niệm về hội họa mà thôi. Qua Úc đi xem tranh, nghiên cứu và học hỏi thêm để vẽ trong hơn 30 năm qua.

Ông đã vẽ khoảng bảy tám chục bức tranh, nhưng một số đã cho bạn bè ở ngoại quốc và hôm nay chỉ triển lãm 50 bức. Nhưng với con số đó, xét về lượng là một con số đáng ghi nhận của một họa sĩ chỉ bắt đầu nghề hay thú tiêu khiển khi đã sống hơn nửa đời người. Quả là một sự nghiệp đáng trân trọng về  nghệ thuật lẫn ý nghĩa cuộc sống.

TVTS đã chúc mừng họa sĩ Lê Văn Trác khi ông cho biết ngày mai (2/7) là ngày sinh nhật 90 tuổi của ông. Mong ông vẫn khỏe mạnh để có thể đóng góp phần nào vào Dự án 50 năm định cư của người Việt tại Úc vào năm 2025.

Khách xem tranh trong ngày khai mạc triển lãm tranh sơn dầu của họa sĩ Lê Văn Trác. Hình: TVTS

Tranh Lê Phú

Tuy chiếm một chỗ giới hạn trong phòng triển lãm, những bức tranh sơn dầu của Lê Phú cũng lôi cuốn người đến nghe anh giải thích, bởi nhìn thoáng qua những bức tranh ấn tượng và trừu tượng này, nhiều người không hiểu tranh muốn nói gì.

Bức tranh mới nhất mà Lê Phú vừa hoàn tất là “Virus Covid-19”. Trong bức tranh có phần tượng trưng cho Zing và Zang. Phần trắng (mông) là âm. Lê Phú giải thích cái mông người đàn bà là biểu tượng cho sự sinh sản, luôn luôn sinh sản. Trong trường hợp này con virus Covid được cho là phát xuất từ một phòng thí nghiệm dơi (và rắn trong bức tranh)  ở Vũ Hán và từ đó nó sinh sản ra, gây chết chóc cho cả 5 triệu người trên thế giới.

Họa sĩ Lê Phú (thứ hai từ trái) và họa sĩ Lê Văn Trác (thứ tư), chụp hình lưu niệm với những người gốc Huế (Bà Yến Bùi O.A.M, Nguyễn Hồng Anh và bà Hương). Hình: TVTS

Một bức tranh khác là “Bốn mùa” với hình người đàn bà mà nổi bật là cái mông (ngọn núi xanh). Theo Lê Phú, cơ thể của họ có bốn mùa: Một cặp tình nhân đi trong rừng cây khô (mùa đông), và đây là mùa xuân với hoa nở (trên ngọn núi); và cái mông nói lên sự hấp dẫn và cũng là một mùa hè nóng bỏng; và đây là nước sông lạch, cây cối là mùa thu.

Bức tranh “My way”, cuộc đời của chúng ta (những người tị nạn) với bản đồ chia làm hai, và đây là Úc “tôi vượt biên bằng thuyền qua Úc xin tị nạn, được ăn học, đi khắp nơi trên thế giới để làm việc”.

Lê Phú giải thích cho một nữ khán giả xem tranh. Tôi là ai (bìa trái), Bốn mùa (trên), Virus Covid-19 (dưới), My way (bên phải Virus Covid). Hình: TVTS

Hầu hết các bức tranh của Lê Phú luôn có hình dáng cái mông phụ nữ, “vũ trụ quan của tác giả”? Cái mông bao bọc bản đồ thế giới và hình con chim bồ câu bay, dù đi khắp nơi trên thế giới bao giờ cũng mang tâm hồn Việt Nam, đó là “My way” (con đường, lối đi của tôi) như Lê Phú nói với TVTS hôm Thứ Bảy 1/7 hay như trong bức điêu khắc (triển lãm tuần trước đó) và bức tranh cùng một chủ đề (Who am I?) mà Lê Phú triển lãm chung với họa sĩ Lê Văn Trác.

(Trích báo điện tử  etvts.com.au  số 1940  phát hành 5/7/2023. Lưu ý: Muốn xem báo điện tử etvts.com.au, phải xem ngay trong tuần đó, bởi 7 ngày sau sẽ được gỡ xuống để đưa tuần báo điện tử mới lên. Phần lớn tin tức bài vở của etvts.com.au sẽ không được đăng lại trên mạng tvtsonline.com.au này)