Kể chuyện đường xa: ăn uống và đi vệ sinh ở Hồng Kông (3)

03 Tháng Ba, 2022 | Du lịch,Hồng Kông
Vũ Hà ở cảng Hồng Kông 1995

Nguyễn Hồng Anh

(Tiếp theo và hết)

Có thể bị mắng

Một sáng nọ đúng 9 giờ, một cửa tiệm nhỏ (gọi là nhỏ nhưng vẫn nằm trong các building của các khu phố) bán quần áo trẻ con ở ngoài đường phố vừa mở, chúng tôi vào xem. Tất cả mặt hàng trong tiệm đều không đề giá.

Thấy bộ đồ thun gồm áo và quần coi cũng được mắt, chúng tôi hỏi giá. Cô bán hàng nói tiếng Anh rất ít: “HK$105” (khoảng $20 Úc kim). Nhà tôi hỏi: “Có bớt không?”. Cô bán hàng trả lời đốp chát không và còn ra vẻ bực mình vì khách trả giá. Cô nói: “Thôi bớt còn HK$100. Bán mở hàng cho người đầu tiên”.

Ờ một vài tiệm khác trên đường phố, thường là tầng trệt và mặt tiền, bạn có thể trả giá. Nhưng trả ra sao cho khỏi bị hớ và khỏi bị chủ tiệm mắng mỏ là do sự khéo léo và hiểu biết giá cả thị trường của mình.

Chúng tôi cũng nhận xét rằng, dân Hồng Kông ăn mặc thoải mái. Đa số họ mặc quần jean và đi giày vải, nam cũng như nữ. Phụ nữ ở đây mặc cũng đơn giản nhưng rất thời trang. Cái lối sắm sửa ào ào ở các cửa tiệm cho thấy họ có mức sống cao (lợi tức đầu người ở Hồng Kông cao hơn người ở Úc vài ngàn Mỹ kim).

Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn thấy có những người nghèo, ăn mặc rách rưới đi lượm rác ngoài đường phố, nhưng con số này rất ít. Có thể còn rất nhiều người nghèo sống lầm than ở trên các cao ốc cá hộp tối tăm, bẩn thỉu mà chúng tôi không thấy chăng? Nếu có cũng là chuyện bình thường trong bất cứ xã hội nào với hố chênh lệch giữa người nghèo và người giàu.

Một nhận xét khác là đàn bà con gái ở Hồng Kông trang điểm rất đơn giản, không phấn son nhiều.

Ngày cuối cùng trước khi về Melbourne chúng tôi đi mua cái Zoom Lens FD 80-210mm hiệu Canon mà  người bạn nhờ mua. Người bạn dặn nếu giá dưới $350 Úc kim là có thể mua giúp được. Tôi là một người không rành về máy ảnh nên cứ cầm tờ giấy người bạn ghi ra cho ăn chắc.

Nhìn vào giấy người bán hàng nói không có ống Zoom này, anh ta còn đem ra cả tờ giấy đánh máy cho thấy Zoom Lens của Canon chỉ có cỡ đến 80-200 mà thôi và đề nghị tôi mua một cái Zoom Lens mà anh ta đang cầm trong tay. Anh ta nói cái này tốt lắm, giá đặc biệt $300 Úc kim mà thôi. Tôi nói không đúng hiệu thì không mua nhưng anh ta cứ ép mua. Tôi chỉ cái máy Canon T70 hỏi giá và anh ta trả lời khoảng $245 Úc kim. Tôi nghĩ vậy thì ống kính cũng được rồi.

Tôi hỏi anh bán hàng tại sao không có Zoom Lens 80-210mm, anh ta nói người bạn tôi có thể ghi lầm đấy chứ sách vở ở đây chỉ ghi đến 80-200 mà thôi. Tôi chấp nhận mua và hỏi đồ này chắc là đồ mới, bảo đảm gắn vào máy Canon T70 được thì anh bán hàng xệ mặt nói: “bộ ông không tin tôi?”.

Tác giả dạo phố mua sắm và ăn uống ở Hồng Kông, thuộc địa Anh năm 1995.

Cuối cùng tôi chịu mua. Đem về Melbourne, người bạn nói giá $300 Úc kim là rẻ thật nhưng khi mở máy ra và xem chữ ở mép ống kính thì không phải hiệu Canon mà là hiệu Fujiyama. Còn trong hóa đơn thì họ viết “for Canon”, tức là không phải hiệu Canon và dĩ nhiên máy Canon dùng cũng được thôi. Anh bạn nói dẫu sao cũng rẻ vì ống kính này ở Melbourne có thể đắt hơn cả trăm đô.

Chúng tôi không biết ống Zoom đó đề hiệu Fujiyama nhưng có phải làm ở Trung Cộng hay không. Anh bạn phải xài rồi mới biết.

Bạn đọc có thể hỏi Hồng Kông về đêm như thế nào. Chúng tôi xin thưa Hồng Kông ở khu Cửu Long về đêm giống hệt Chợ Lớn. Đến tối thì người ta kéo nhau ra đường mua bán, lấn chiếm cả một số lòng đường. Họ bày đủ thứ, từ quán ăn cóc, sạp bán kiểu chợ trời, sạp coi bói, cả luôn những thứ lọ bình cũ mà nhiều chỗ không có đèn đóm đủ, người mua phải lấy đèn pin hay hộp quẹt bật để xem! Vui mắt và có cảm tưởng như mình đang ở Sài Gòn Chợ Lớn ngày trước vậy.

Chúng tôi chỉ thấy người là người, chen chân đi cho lọt cũng mệt lắm. Đi qua một bưu điện, thấy một đoàn ca vũ nhạc cổ truyền Trung Hoa hát hò lộ thiên, tôi thích thú đưa máy ảnh lên chụp, hy vọng rằng sẽ có một đề tài ghi sinh hoạt tự phát, tự nhiên của dân Hồng Kông ở trên hè phố. Nhưng một bà trong đoàn hát chạy ra chận không cho chụp. Tôi hỏi: “Không được phép sao?”. Bà ta trả lời: “Được, nhưng phải trả 10 đô Hồng Kông”. Tôi cụt hứng và cất máy ảnh.

Ăn uống

Nhiều người bạn nói với tôi khi qua Hồng Kông phải tìm cho được tiệm thật ngon, nếu ăn đồ nướng thì tuyệt cú mèo. Nhưng rất tiếc khi qua Hồng Kông, chúng tôi dùng nhiều thì giờ mua sắm nên giờ để ăn chẳng còn bao nhiêu. Tuy nhiên cũng có thể ghi ra vài kinh nghiệm cho những người sắp đi Hồng Kông.

Người đến Hồng Kông lần đầu tiên mà không có người hướng dẫn, quả thật khá vất vả khi kiếm tiệm để ăn sáng. Như đã nói, các cửa tiệm mở rất trễ, sau 9 hay 10 giờ sáng, nên đi bộ một lát mà kiếm không ra tiệm ăn sáng thì nản lắm.

Chúng tôi có vào một tiệm ăn sáng tiêu biểu ở khu Jordan trong bán đảo Cửu Long. Những tiệm nhỏ không có thực đơn ghi bằng tiếng Anh. Họ cho mình ngay một ly nước trà. Gọi gì đây? Thôi thì gọi mì và thịt bò bằng tiếng Anh cho giản tiện. Họ đem một đĩa mì nước như ta ăn mì gói và nhiều miếng thịt bò, giá khoảng 2.5 Úc kim. Rẻ, nhưng không ngon chút nào.

Có buổi sáng, chúng tôi ăn sáng ở khách sạn Metropole. Khách sạn 3 sao này mỗi ngày ở phải trả khoảng 300 Úc kim nếu không được tính gọp trong vé máy bay. Ăn sáng ở đây phải trả mỗi người khoảng 23 Úc kim. Trên mười mấy món, ăn bao nhiêu cũng được. Ăn nhiều và nếu được gộp trong vé máy bay thì lợi hơn, rẻ hơn.

Về ăn trưa: chúng tôi thường mua đồ ăn liền của McDonald nhưng không ngon. Khoai tây nhạt nhẽo vô vị làm sao, không bằng McDonald ở Úc được. Giá cũng tương đương ở Úc.

Cũng có bữa trưa chúng tôi ăn ở những tiệm bình dân như các tiệm cơm Tàu ở Úc. Giá cả các đĩa cơm cũng như ở Úc, nếu có đắt thì cũng đắt hơn một đô la là cùng. Các tiệm bình dân này đều có máy lạnh.

Bữa ăn nhẫm xà ở khu Central tại nhà hàng Quangzhu Restaurant (Nhà hàng Quảng Châu) là tôi thích nhất. Đây là một nhà hàng thuộc loại sang, nằm sát bờ biển. Chúng tôi thấy có một vài phòng ăn treo bảng dành riêng cho Mr. Wu hay Mr. gì gì đó. Có thể là dành cho những đại xì thẩu gì đó đến ăn. Nhà hàng rất rộng, nhưng đầy người. Chúng tôi không đặt chỗ trước nhưng may mắn còn một bàn. Kêu các món nhẫm xà thoải mái và trả khoảng 70 Úc kim. Nhận xét là phẩm chất các món ăn ngang hoặc hơn các tiệm Tàu ở Úc một chút, có lẽ nhờ ít mỡ chăng?

Còn ăn tối, hai đêm chúng tôi đều ăn ở một tiệm ăn trên đường Waterloo Rd, cách khách sạn Metropole chừng vài chục mét. Tiệm ăn này có đề tiếng Anh ở ngoài “Seafood Restaurant”  và nằm ở trên lầu. Thực khách rất đông. Tôi thấy người Hồng Kông kéo nhau ăn từng bàn lớn, rất thoải mái. Hình như chỉ có một anh bồi bàn duy nhất nói được tiếng Anh chút chút. Xin một thực đơn bằng tiếng Anh, chúng tôi chỉ vào các món ăn hỏi giá. Kêu một đĩa tôm hùm chiên, một đĩa cua xào, một đĩa thịt gà, hai chén cơm, hai lon bia. Ăn xong họ tính cho chúng tôi tiền khoảng 70 Úc kim. Chúng tôi thấy vậy là phải chăng.

Đêm sau, trước khi về Úc, chúng tôi mời một người bạn ngoại quốc mới quen vào tiệm này ăn, vì thấy gần chỗ ở, tiện lợi, giá phải chăng. Vả lại chẳng biết vào các nhà hàng khác thì sao, có người nói tiếng Anh không?

Lên máy bay dưới trời mưa ở sân bay Hồng Kông để đi Bắc Kinh (Hình năm 1995)

Lần này thì anh chạy bàn nói tiếng Anh đâu không thấy. Chúng tôi chỉ vào thực đơn  tiếng Anh, không hỏi giá nữa vì yên chí tiệm này đã ăn qua. Lại cũng kêu một đĩa (một con) tôm hùm, một đĩa cua, nhưng thay món khác, kêu thêm một đĩa cá (một con), một đĩa rau xào, một đĩa đồ ăn chay cho người bạn ngoại quốc, ba chén cơm, ba lon bia.

Ấy thế khi ăn xong, kêu tính tiền, họ đưa cho một cái hóa đơn ghi bằng tiếng Tàu với con số $980. Tôi thấy kỳ quá, sao có thể đắt đến vậy. So với hôm qua chỉ hơn con cá (cá nhỏ thôi) mà sao có thể đắt đến hơn một trăm đô Úc. Anh bạn ngoại quốc tỏ ý muốn hùn trả bữa ăn. Tôi nói để tôi trả vì tôi mời anh ấy. Thấy cô bồi bàn kêu lon bia bằng tiếng Anh mà còn không hiểu nếu hỏi và cãi nhau với họ thì chả đi tới đâu, nhất là mình mời khách mà để khách phải bối rối vì chuyện tiền ăn nên tôi đành im lặng đưa 2 tờ bạc $500 cho cô gái và đứng lên ra về. Tôi không nói chuyện này với người khách ngoại quốc cũng như với nhà tôi. Chỉ sau này mới kể lại với nhà tôi. Âu cũng là một kinh nghiệm về cái lối chém chặt của một số người Hồng Kông đối với khách ngoại quốc.

Chúng tôi có gặp một số người Việt ở Melbourne trong thời gian ngụ ở khách sạn Metropole và nghĩ rằng nếu ai đi vé máy bay của hãng Cathay Pacific của Hồng Kông đều rất có cơ hội ở khách sạn này. Vậy khi ghé đến ăn tiệm SeafoodRestaurant ở trên lầu cạnh khách sạn này thì nên cẩn thận. Chắc ăn là phải hỏi họ giá bao nhiêu cho món ăn đó trước. Và nếu cần thì cũng nên cự với họ như mấy ông nhà báo Việt Nam nói ở đầu bài.

Cái cầu tiêu

Mấy ngày ở Hồng Kông là những ngày thích thú của chúng tôi. Được tận mắt thấy một trong những con rồng của Á Châu để so sánh với đất nước con rắn của mình dưới chế độ cộng sản. Bao giờ rắn cộng sản sẽ trở thành rồng tư bản?

Chúng tôi không biết về mặt an sinh xã hội thì sao chứ về mặt vệ sinh thiệt là bết bát, dù đất nước này rất giàu.

Trong mấy ngày ở Hồng Kông, chuyện tìm một cái cầu tiêu công cộng để tiểu tiện thật là chuyện rất khổ tâm. Có những lúc khát nước cũng không dám uống vì sợ bí đường.

Những ga xe điện ngầm ở dưới lòng đất to lớn vĩ đại như thế mà chẳng thấy có một cái cầu tiêu nào cho hàng ngàn con người lên xuống xe điện ngầm. Nếu có thì cũng là của riêng, người sử dụng phải có chìa khóa.

Trong một binh đinh mua sắm nọ ở khu sang trọng Central, tôi đi tìm cầu tiêu không được, chạy đến hỏi mấy ông an ninh gác cửa. Họ nói ở đây chỉ có cầu tiêu riêng, cầu tiêu công cộng đi qua bên các khu kia. Qua các khu kia cũng kiếm không ra.Thế là chỉ còn cách lội đến các trung tâm thương mại lớn. Một số trung tâm thương mại lớn ở Hồng Kông có những bản đồ chỉ dẫn như Daimaru ở Melbourne. Thế là thoát nợ.

Đi dạo phố như phố Cảng Thơm mà cứ phải lo không biết cái chỗ tiểu tiện nằm ở nơi mô thì quả thật là giảm vui.

Ngay cả trong những trung tâm thương mại sang trọng, chúng tôi hiếm khi thấy được một cuộn giấy vệ sinh. Chúng tôi tự hỏi nếu khách muốn đại tiện thì làm sao đây? Chúng tôi chỉ gặp trung tâm thương mại sang trọng Pacific Place là nơi duy nhất có giấy vệ sinh cho khách dùng. Ở đây cũng có người chùi dọn như Daimaru nên khá sạch sẽ.

Kinh nghiệm của chúng tôi là khi ở Hồng Kông, bạn nên mang theo giấy vệ sinh trong người. Kể với người bạn Úc thì họ cười, nhưng cho đó là một kinh nghiệm rất thực tế.

Tại công viên sát cầu tàu ở khu Central bên đảo Hồng Kông – mới lác đác có vài bóng cây, vòi nước cảnh, với một khu đất rộng cỡ sân của một chung cư ở Melbourne – chúng tôi thấy có cầu tiêu công cộng. Dĩ nhiên là không có giấy rồi, nhưng mùi hôi nồng nặc thì không chịu nổi mặc dầu có phu quét dọn.

Cũng trong thời gian ở Hồng Kông, chúng tôi đọc nhật báo Anh ngữ South China Morning Post và thấy giới chức chính quyền than phiền về sự không biết sử dụng các phương tiện vệ sinh công cộng của dân địa phương. Một quan chức nói rằng khó mà tập cho dân Hồng Kông làm quen với các phương tiện vệ sinh của Tây phương. Ông ta nói người Hồng Kông không chịu bỏ thói quen cũ, và cũng chẳng quan tâm đến kẻ khác.

Viên chức này nói rằng các cuộc nghiêm cứu cho thấy dân Hồng Kông vẫn còn ngồi hổm bỏ hai chân trên cầu tiêu thay vì ngồi bằng mông khi hưởng cái khoái thứ tư của tứ khoái, có lẽ họ sợ ngồi thì dơ mông mất vệ sinh. Ông cũng cho biết một nghiên cứu cho thấy khoảng 60% dân nghèo Hồng Kông đi cầu tiêu xong không chịu bấm nước dội cầu và rửa tay. Đối với dân trung lưu trở lên thì con số này vẫn chẳng ít, đến 50% lận.

Ở Úc cũng có nhiều cầu tiêu công cộng không được người dân sử dụng cho đàng hoàng bởi vì tính ích kỷ, chỉ biết sạch cho mình. Tuy nhiên, chính quyền và các cơ quan lại rất chu đáo về vấn đề vệ sinh. Đi đâu cũng có thấy cái cầu tiêu trước. Ngay cả vào rừng sâu ít người mà cầu tiêu cũng dư dả giấy vệ sinh công chúng dùng.

Chúng tôi còn nhớ một câu mà một ông thầy người Pháp nói khi còn mài đũng quần ở ghế trung học: “Vào nhà ai, trước hết hãy xem cái cầu tiêu của họ. Cứ nhìn vào cầu tiêu của nhà đó mà đánh giá họ”.

Chí lí thay!

Một chuyến đi Hồng Kông cũng đem lại cho chúng tôi vài sự hiểu biết về người khác, dù có thể rất là chủ quan hoặc hạn hẹp vì thời gian quan sát quá ít. Tuy nhiên, hy vọng mua vui được mươi phút cho bạn đọc hoặc giả cũng đem lại chút kinh nghiệm cho những bạn đọc sắp đi Hồng Kông trong nay mai.

Kỳ tới: Những ngày ở Bắc Kinh, một Trung Cộng của 27 năm trước