Nguyễn Hồng Anh, tác giả mục Kể Chuyện Đường Xa ở bến cảng Hồng Kông năm 1995
Một vài người bạn Việt cũng như Úc, khi nghe chúng tôi đi Hồng Kông về, ngoài hỏi đi Hồng Kông có vui không, còn hỏi thêm đồ bên Hồng Kông có rẻ không nữa.
Có lẽ vì vậy mà bài ký này chúng tôi viết hơi… dài dòng!
Trước ngày đi Hồng Kông, chúng tôi đã tìm hỏi một vài người từng có ghé Hồng Kông câu hỏi tương tự. Trước hết, họ nói mua đồ ở Hồng Kông phải coi chừng vì người ta nói giá trên trời. Cứ trả giá thật thấp. Thật sự tôi không mấy để ý vào lời người khác kể vì nghĩ có lẽ họ chưa có kinh nghiệm nhiều.
Một nhà báo Việt Nam (theo báo Lao Động số ngày 2.7.95) được cho đi Hồng Kông tham quan trong tháng qua, khi về viết một bài khá dài – “Hồng Kông mắt thấy tai nghe” – trong đó có đoạn mua sắm ăn uống như sau:
“Trừ các trung tâm thương mại lớn và những siêu thị bán thực phẩm, còn khi vào các cửa hàng tư nhân mua sắm thì vẫn phải trả giá, mặc dù giá có niêm yết hẳn hoi. Cô Nga mua một bộ quần áo nữ, giá niêm yết là 759 đô, trả giá 400 đô, bán ngay (đô la Hồng Kông). Còn hai chị em cô Khiết Bình, Khiết Trân vào một hiệu khác, cũng trả giá như thế, bị bà bán hàng mắng như tát nước, không kém gì ở chợ Bến Thành (hai cô vốn ở Chợ Lớn, nên nghe được tiếng Quảng Đông).
Còn tôi và anh Trí Dũng, hướng dẫn viên du lịch của Saigon Tourist, thì rơi vào một trường hợp gây cấn hơn. Tối hôm mới đến, hai anh em rủ nhau đi ăn hiệu. Vào một quán ăn có vẻ trung bình, trên tường treo các bảng tròn ghi giá 20 đô, 25 đô, 30 đô. Cô phục vụ (có vẻ là con của chủ hiệu) dẫn Trí Dũng đến bức tường có chụp ảnh các loại món ăn, bảo Trí Dũng chọn. Dũng chọn ba món. Cũng may mà thức ăn chưa kịp đem ra thì họ đã đưa trước cái hóa đơn. Nhìn vào tôi phát hoảng, vì 3 đĩa thức ăn cộng với hai lon bia mà tính giá tới gần 700 đô Hồng Kông (một USD ăn 7,5 đô Hồng Kông, như vậy tính ra tiền Việt Nam là một triệu đồng). Tôi đang lúng túng thì Dũng tỏ ra kiên quyết, hỏi tại sao giá lại cao thế, thì nhà hàng bảo là món ăn đặc biệt. Dũng không chịu và bảo là chỉ kêu những món ăn giá từ 20 đến 30 đô như đã dán trên tường. Nhà hàng phải chịu thua, nhưng trả đũa lại bằng cách bắt chúng tôi ngồi chờ rất lâu mới chịu dọn thức ăn ra”.
Đó là những gì người khác nói. Chúng tôi có những kinh nghiệm riêng của chúng tôi, những người chỉ ở Hồng Kông vỏn vẹn khoảng 3 ngày và dùng hầu hết thì giờ để đi xem hàng vì coi việc đi mua sắm là cái thú.
Thiên đàng mua sắm
Không phải ở Úc không có chỗ để mua sắm cho đã nhưng phải công nhận rằng phần lớn khổ quần áo ở Úc lớn hơn khổ người mình, khó tìm, chưa kể cái thị hiếu của họ cũng khác mình. Được dịp đi Hồng Kông, sao không đi sắm cho bằng thích?
Ngày đầu tiên, chúng tôi đi qua khu Central ở bên Hongkong Island, trung tâm của thuộc địa, để xem người, cảnh vật và luôn tiện xem hàng. Ai cũng biết là nên dạo một vòng xem nhiều nơi cho biết là cách hay nhất để mua sắm.
Central là một trong những khu vực sang nhất, đẹp nhất và có lẽ là trung tâm thật sự của Hồng Kông như cái tên của nó: Central.
Khác với khu Kowloon (Cửu Long) ồn ào, tạp nhạp như Chợ Lớn, khu Central là một khu phố mới và tương đối sạch sẽ. Tuy đất đai không còn mà người ta vẫn còn xây lên rất nhiều cao ốc và nhân công lao động mà chúng tôi thấy hàng ngày trên đường phố là người Phi Luật Tân. Cũng trong ngày đó, chúng tôi thấy một đoàn người Hồng Kông khoác áo trắng, đội mũ vàng xuống đường cầm biểu ngữ làm sạch thành phố. Họ vừa đi vừa lượm rác dọc lề đường. Các phóng viên báo chí đi theo chụp hình.
Bạn cứ tưởng tượng ở Hồng Kông và đặc biệt ở khu Central có vô số các cao ốc như Myer và Daimaru nối liền với nhau bằng những cầu thang nổi. Đi mệt nghỉ. Du khách lạ nước lạ nôi như chúng tôi cứ thế mà đi, nhắm chỗ nào có thấy đông người vô ra thì nghĩ đó là khu mua bán, cứ vào mà xem.
Chúng tôi vào trung tâm mua bán thuộc khu Princess Building. Khu này có lối kiến trúc cổ điển như Myer ở Melbourne nhưng lớn hơn và mới hơn. Vào bên trong thì phải công nhận đẹp hơn. Khu mua bán không có rộng mênh mông bát ngát như ở Myer và Daimaru. Ngược lại, các tầng lầu mua bán được chia thành từng tiệm (ngăn) nhỏ, trông rất thẩm mỹ và ấm cúng.
Đi khá nhiều vòng trong khu thương mại princess, chúng tôi nhận thấy mặt hàng rất nhiều, khá đẹp, rất hợp với thân hình người Á Châu nhưng giá cả chẳng lấy gì làm rẻ. Vì các mặt hàng đầu ghi giá tiền Hồng Kông, chúng tôi cứ phải tính nhẩm để chia ra hối suất 5.00 hay 5.10 để biết giá tiền Úc ma so sánh nên cũng hơi rắc rối. (Một kinh nghiệm xin mách với bạn đọc nào thích mua sắm: hãy mua cái máy tính nhỏ chừng mười mấy đô bỏ trong túi để tính cho nhanh và chính xác).
Mặc cả
Đi ngang một tiệm may đồ vét, chúng tôi vào xem. Chúng tôi cũng biết rằng đây là một loại tiệm thuộc hạng sang. Họ hỏi tôi muốn may áo loại nào. Tôi bảo chỉ xem mà thôi. Nhưng người bán hàng xách ra một mớ vải thật đẹp mà tôi ít khi thấy ở những tiệm nhỏ bên Úc. Thấy hàng quá nhiều cũng không khỏi làm cho mình đâm ra thích mua đồ, tôi hỏi giá một bộ 3 miếng với mặt hàng Anh Quốc mà tôi chỉ. Thứ vải này tôi thích vì len ít nhưng lại dày. Người bán hàng lấy máy tính bấm qua bấm lại mấy cái và chỉ cho tôi con số HK$6,000. Tôi tính nhẩm và chặc lưỡi nói với nhà tôi: “Quá đắt, hơn ngàn Úc kim”.
Tôi nói với người bán hàng “Đắt quá. Không may đâu”. Anh ta hỏi lại: “Nhưng ông muốn trả bao nhiêu?”. Tôi trả lời: “Tôi không trả giá. Ông cứ cho một cái giá mà tôi cảm thấy có thể may được”. Anh ta cho vài cái giá bằng tiền Hồng Kông. Tôi nói với anh ta hãy cho giá bằng tiền Úc đi vì tiền Hồng Kông tính ra tiền Úc mất công lắm. Anh ta cho giá 1,000 Úc kim. Tôi nghe người ta nói qua Hồng Kông trả nửa giá nhưng tôi không dám, ngại bị chửi làm buổi đi mua sắm mất hứng. Tôi bảo anh ta hạ giá nữa. Anh nói tiếng Anh rất thông: “Vậy là đã rẻ lắm”. Tôi nói ”Tôi chỉ trả một tiếng thôi nhé, vì tôi không có ý định may áo vét đâu. Nếu có may thì chỉ cũng là để kỷ niệm một chuyến đi mà thôi: 800 Úc kim đấy”.
Không ngờ anh ta đồng ý ngay. Tôi nói với anh ta: “Hồng Kông quá đắt đỏ. Bộ vét như thế này ở Thái Lan e chỉ bốn, năm trăm Úc kim mà thôi”. Anh ta đáp lại: “Nhưng ông phải biết ở Thái Lan nhân công rẻ mạt. Ở Hồng Kông này tiền công rất cao”. Về điểm này tôi đồng ý với anh chủ tiệm may (theo chỗ tôi biết, ở Úc một bộ vét xoàng cũng bốn năm trăm Úc kim, bộ trung bình phải bảy tám trăm và bộ xịn đương nhiên trên một ngàn).
Tôi tưởng vậy là xong. Anh ta lại mang xuống một mớ vải giới thiệu, hỏi tại sao không may luôn thể. Nhà tôi nói vào là đã gặp dịp may luôn chứ về Melbourne đôi khi không có thì giờ đi may. Tôi chỉ vào một thứ vải xem cũng tương đối và hỏi. “Tôi chỉ may một cái áo, áo jacket thôi. Giá bao nhiêu?”. Anh ta trả lời: “Giá tiền Úc và trả tiền mặt đấy nhé: 600”. Tôi trả gọn một tiếng: “$450 thôi. Nếu được thì may”. Anh ta nói: “Úi chà, sao ông trả kỳ vậy. Bộ áo kia $800 mà nay cái áo ông chỉ trả $450 thì thật là phi lý. Xin ông lên giá cho với”. Tôi thật tình không muốn may và nghĩ có thể mình vẫn còn trả hớ bộ trước nên từ chối. Cuối cùng anh ta lắc đầu nói: “Tôi thua ông. Thôi thì may vậy”. Rồi anh ta lại đem cà vạt ra gạ nữa. Thấy đẹp tôi cũng mua luôn. Anh ta cho giá đặt biệt là $70, tôi nói ở Úc cái cà vạt này cũng chỉ tới giá đó là cùng, gặp lúc đại hạ giá thì còn rẻ hơn nữa. Tôi trả một tiếng $50 anh ta bán luôn nhưng miệng cứ lải nhải rằng tôi là người mặc cả dữ quá.
Ngày đầu tiên ở Hồng Kông, tôi lại là người mua sắm trước cả nhà tôi. Tôi thấy có hứng thú mua sắm vì nghĩ mình cũng biết trả giá như ai. Nhất là tôi rất hài lòng khi thử áo vì họ may rất đẹp. Hễ mặc vào mà mình thấy vừa vặn, thích thì giá tiền không còn là vấn đề nữa.
Tôi rủ nhà tôi đi vòng nhiều nơi trong khu Central cho đến lúc mỏi chân mới ra xe điện ngầm về khách sạn Metropole. Một điều tôi ghi nhận là hầu hết ở các tiệm trong các khu vực vừa xem đều có treo bảng giá. Một số mặt hàng có treo thêm chữ SALE bao nhiêu phần trăm nữa.
Không trả giá
Ngày thứ hai, chúng tôi lại rủ nhau đi mua sắm. Cũng nên nói ở đây là người ở Hồng Kông làm việc khá trễ. Ở Úc, tôi thường có thói quen dậy trễ hơn cả con cái, có lúc 8 giờ sáng mới thức giấc nhưng không hiểu sao mỗi lần đi ngoại quốc đều thức giấc khoảng 6 giờ sáng và sau đó không thể nào ngủ lại được.
Từ khách sạn nhìn xuống đường thấy lưa thưa vài người qua lại hoặc một vài người đang khuân vác đồ đạc. Chúng tôi xuống đường đi một vòng để xem sinh hoạt của dân bản xứ. Tất cả đều im lìm. Phố xá vắng tanh, các cửa tiệm vẫn còn đóng mặc dầu đã tám giờ sáng. Chúng tôi đã được biết trên sách hướng dẫn là các tiệm buôn ở Cửu Long (Kowloon) mở cửa từ 9am đến 7pm và ở đảo Hồng Kông (Hongkong Island) thì trễ hơn, từ 10am – 6pm, tuy nhiên vẫn quyết định đi ra phố sớm, để quan sát trước khi mua sắm vì thời giờ ở Hồng Kông cũng chỉ rất có hạn.
Cũng như ngày hôm qua, lần này chúng tôi lại qua bên đảo Hồng Kông để mua sắm trước, sau đó mới tính về Cửu Long mua, gần nhà đỡ vất vả xách đồ.
Lần này chúng tôi ngừng ở khu Admiralty, trạm đầu tiên xe điện ngầm ngừng khi qua đảo Hồng Kông (trước khu Central một trạm).
Chúng tôi đi bộ khá nhiều, xem không biết bao nhiêu gian hàng ở ngoài mặt đường như ta đi bộ xem các cửa hàng trên đường Elizabeth, Lonsdale, Collins .v.v… Sau cùng chúng tôi tìm đến một trung tâm thương mại có tên là Pacific Place. Chúng tôi không biết đây có phải là một thương xá lớn nhất của Hồng Kông vì chưa có đủ thời gian để vòng vòng một thành phố đầy ắp các cao ốc mọc san sát, nhưng cũng gọi là ngộp mắt khi bước vào đây. Tuy mỗi kiến trúc thường có khác nhau, nhưng nhìn đèn đóm và màu sắc thì cứ tạm gọi như là một Daimaru ở Melbourne (nhưng không có cái tháp cũ ở giữa và cái đồng hồ vĩ đại).
Trung Tâm Pacific Plaza thật lớn, thật đẹp. Ở đây có đủ thứ để phục vụ khách hàng, từ nhà hàng, nhà băng, tiệm thực phẩm, tiệm quần áo v.v… đến khách sạn và cả phòng trưng bày bán xe hơi ở trên lầu cao.
Chúng tôi thấy giày dép ở đây chẳng có rẻ. Với những loại giày nhập cảng (bên Âu Châu) thì cũng ngang ngửa với Melbourne. Riêng áo quần phụ nữ thì quả thật có rất nhiều thứ để chọn.
Đi một vòng ngắm thì thế nào cũng thích thôi. Tôi cứ xúi nhà tôi sắm vì mấy khi được đi Hồng Kông mà sắm. Nhờ thế mà cũng có đôi chút kinh nghiệm, dẫu rằng chưa hẳn đã đúng vì con người Hồng Kông cũng còn chào thua lối mua bán ở đây.
Đại khái thì đồ phụ nữ – dress – ở đây trung bình là HK$600 đến HK$670 (tức khoảng $117 đến $150 Úc kim). Dĩ nhiên những thứ này là hàng làm tại Hồng Kông. Nhà tôi mua được ít đồ ở khu Admiralty sang trọng này. Chẳng biết có rẻ không nhưng thích thì cứ mua. Trong mấy ngày ở Hồng Kông, rất nhiều lần sử dụng nhà cầu, chỉ một nơi duy nhất mà chúng tôi thấy có giấy vệ sinh trong cầu tiêu là ở trung tâm Pacific Place (sẽ nói sau về chuyện này).
Chúng tôi đi về khu Tsim Sha Sui, ngay ở mũi bên kia bán đảo Cửu Long để sắm sửa nơi có con đường nổi tiếng là Nathan Road. Đây là con đường lớn và dài, chạy từ đầu bán đảo Cửu Long qua các khu Jordan, Yau MaTei, Mong Kok đến Tân Giới (New Territories).
Chúng tôi đã nghe danh khu này – dĩ nhiên tiếng xấu – nhưng vẫn cứ đi vòng vòng xem. Ngoài những tiệm ở ngay mặt đường thì không kể, chúng tôi vào trung tâm mua bán ở sát bến phà có tên, nếu nhớ không lầm, là Ocean Centre. Vào đây cũng mua được một số dress dành cho phụ nữ, cũng giá trung bình từ HK$280 đến $700 (khoảng $55 đến $137 Úc kim). Có thứ đẹp, có thứ cũng thường như các tiệm bán áo quần Hồng Kông ở Richmond vậy. Nhưng có điều khác đây là những thứ áo quần mà ở Úc chưa nhập cảng vào. Trung tâm mua bán này cũng rất to lớn và đẹp, nhưng nói về sự sang trọng thì không bằng ở đảo Hồng Kông.
Sau đó chúng tôi đi xe điện ngầm lên khu Yau MaTei. Nơi đây chúng tôi mua được một mớ quần áo thời trang mà nhà tôi thích. Một số tiệm sạch sẽ với những cô bán hàng trẻ trung lanh lợi chỉ bán những thứ áo quần thời trang trong đó chẳng có thứ nào dưới $150 Úc kim cả. Có những thứ hàng của Pháp giá đến $270 thậm chí trên cả $300 Úc kim. Chỉ vải soie đơn giản thôi nhưng rất thời trang.
Trong khi nhà tôi đi xem hàng, thử áo, tôi ngồi quan sát dân Hồng Kông mua sắm. Dĩ nhiên họ nói tiếng Tàu làm sao tôi hiểu được nhưng tôi nhận xét không thấy có người nào trả giá. Vẻ mặt và cái lối nói mặc cả thì ai cũng có thể nhận xét và hiểu được. Ở một vài nơi chúng tôi có hỏi giá nhưng họ nói không bớt vì hàng mới về. Họ chỉ một số mặt hàng có treo giá hạ (Sale) vài chục phần trăm nhưng dĩ nhiên chúng tôi không thích.
Trong những cửa hàng như thế này, các cô bán hàng đa số đều nói được tiếng Anh. Nhận xét của chúng tôi là những loại cửa hàng như vậy có thể dành cho giới trung lưu trở lên, giới có tiền có bạc mua sắm nên không thấy người ta trả giá? Mặc đẹp, thích thì trả giá làm gì như ở Myer hay Daimaru?
Có hôm chúng tôi ghé vào tiệm mua dày bố (bata) để có thể đi bộ cho thoải mái. Họ đề giá khoảng $50 Úc kim. Khi chúng tôi trả tiền, cô bán hàng chỉ trong hóa đơn cho biết cô đã bớt vài đô. Đó là họ tự làm chứ không thấy treo bảng hay do mình kỳ kèo.
Còn một kỳ
Nguyễn Hồng Anh. Kể chuyện đường xa TVTS số 487