Kể chuyện đường xa: Penang Hill ở TP George Town

30 Tháng Sáu, 2019 | Mã Lai
Ðường rầy dây cáp chạy từ đồi cao 833 mét ở Penang Hill nhìn xuống thành phố George Town, và xe dây cáp ngày nay chạy lên đồi chỉ mất 5 phút. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Qua ngày thứ hai, chúng tôi lên đường lúc 9 giờ sáng sau khi đã thức dậy tắm hồ bơi ở một nơi không cần phải dùng heater để làm cho nước ấm như ở Melbourne.

Gia đình người bạn và tài xế cùng cô hướng dẫn viên du lịch đã có mặt dưới cửa vào khách sạn. Chúng tôi trực chỉ Penang Hill cách thành phố George Town chừng sáu cây số. Phía bắc và giữa đảo Penang là vùng núi, bao quanh bởi đất bằng và bãi biển.

Penang Hill thiên nhiên vùng nhiệt đới

Ðồi Penang nằm độ cao 833 mét, được người Anh khám phá vào thế kỷ 18, là vùng rừng nhiệt đới có 130 triệu năm tuổi với rừng cây còn nguyên thủy, có Ðường mòn Thiên nhiên dài 1.6 cây số cho người đi bộ, quán cà phê The Habitat, quán bán đồ lưu niệm, Vòng Ði bộ cao quá ngọn cây Curtis Crest Tree Top Walk và cầu treo Langur Way Canopy Walk.

Trên đỉnh đồi là The Habitat khu sinh sống dành cho động vật và thực vật nhiệt đới. Ngày trước, muốn lên đỉnh đồi phải đi bằng lừa hay ngồi ghế được gánh bằng cây tre.

Ðầu thế kỷ 20, phương tiện di chuyển là đường rầy dây cáp kéo các toa xe (funicular railway) trên con đường dài 2,007 mét, dốc dựng ngược. Vì kém hữu hiệu nên đường rầy dây cáp đã được thay đổi ba lần và lần gần chót là vào  năm 1977, nhưng mất khoảng nửa tiếng xe mới lên tới đỉnh.

Xe dây cáp ngày trước chạy mất 30 phút, trưng bày cho công chúng xem. Hình: TVTS

Năm 2011, đường rầy và xe toa hiện nay do Thụy Sĩ thiết kế, dài 1,996 mét chạy chỉ mất 5 phút tới đỉnh, là loại xe dây cáp có tốc lực nhanh nhất trong khu vực.

Có hai chuyến chạy lên và xuống mỗi 30  phút trên một đường rầy và tránh nhau ở chặng giữa đường bằng cách mỗi chiếc tách qua đường rầy bên trái.

Xe chạy từ 6.30am đến 11.00pm. Nếu đi xe ngừng trạm giữa đường thì mất 15 phút.

Muốn đi lên Penang Hill, mua vé ở trạm dưới đất. Khứ hồi đi fast lane cho cư dân có thẻ ID là RM40 (khoảng $15 Úc kim); cao niên RM50; người khác (standard, có thể là ngoại quốc) RM80. Ðó là những gì tôi thấy trên bảng, vì chúng tôi không trả tiền thăm thú ăn uống nên không nắm rõ mọi chi tiết.

Lên đỉnh núi cao 833 mét rồi, bạn muốn đi thăm khu vực The Habitat dành cho động vật và thực vật, bạn cũng phải mua vé. Xe jeep sẽ chở bạn tới cổng The Habitat. Vào đây bạn có thể đi bộ ngắm cây cối và loại thú đặc thù của khu vực này. Bạn có thể may mắn gặp vài động vật có tên ghi trên bảng dọc đường nếu chúng mò ra. Chúng tôi chỉ gặp vài con sóc mà thôi. Nhưng về thực vật thì  đã có dịp thấy nhiều loại cây lạ như Monkey Cup, Lipstick Ginger, Slipper Orchid v.v…

Cầu băng hai nhịp Langur Way Canopy Walk  dùng đi bộ mới xây, dài 230m cao 30m trên mặt đồi. Hình: TVTS

Các bạn cũng có thể đi bộ trên cây cầu mới xây có tên Langur Way Canopy Walk cao trên mặt đất đồi 30 mét gần hoặc ngang ngọn cây. Cầu căng này (stressed ribbon) mới xây, dài 230 mét có 2 nhịp, cao 700 mét so với mặt nước biển, là loại cao nhất thế giới, nặng 1,300 tấn có khả năng chứa một lúc 900 người. Cây cầu xây có mục đích để du khách thưởng ngoạn cây cảnh thiên nhiên trong rừng.

Và cuối cùng, nếu bạn muốn lên chỗ cao nhất của Penang Hill để ngắm cảnh, bạn có thể mua vé lên Curtis Crest. Ðây là tháp vọng cảnh hình vòng tròn cao tận ngọn cây để du khách có thể đi một vòng hay đứng tại chỗ xem thắng cảnh 360 độ. Nơi đây bạn có thể thấy tàu hàng chạy ngoài eo biển Malaca Strait, chiếc cầu dài nối Ðảo Penang với đất liền Mã Lai, những tòa nhà cổ thời thuộc địa Anh như nhà nghỉ dưỡng Convalescent Bungalow…

Cuộc ngắm cảnh và đi trên đường mòn Thiên nhiên dài 1.6 cây số của chúng tôi kéo dài khoảng ba tiếng đồng hồ dưới bầu trời phủ đầy cây cối xanh tươi và nhiệt độ trung bình khoảng 26, 27 độ C nên cũng dễ chịu.

Khi trở ra cổng thì trời bắt  đầu có vài giọt mưa. Ðến bến xe dây cáp trời mưa như thác đổ. Thật là may mắn, chứ chậm một chút sẽ ướt mèm.

Chúng tôi dùng trái cây vùng nhiệt đới của địa phương chờ xe xuống núi dưới cơn mưa bây giờ đã nhẹ. Trong chuyến đi lên đồi, tôi hơi ngộp do không quen với độ cao. Nhưng đi xuống thì thấy dễ chịu hơn, nhưng lúc này trời mưa, nhìn cảnh thành phố George Town không rõ như khi xe chạy lên đồi.

Monkey cup (hình nhỏ) thuộc loại ăn thịt (carnivore) sâu bọ và được cho rằng khỉ sẽ uống nước trong “ly” này, một loại cây có quả nổi tiếng của Penang Hill thu hút du khách chụp hình kỷ niệm. TVTS

Do lên xe sớm và chọn chỗ ngồi sau mũi xe (khi đi lên) và trước mũi xe (đi xuống) nên  tôi vừa ngắm cảnh vừa quay được những khúc phim dài năm phút đẹp mắt trên đoạn đường rầy này. Quả là một chuyến đi du ngoạn thú vị.

Bảo tàng của đại gia Peranakan một thời

Tài xế đón chúng tôi dưới chân đồi. Bà bạn đề nghị cô hướng dẫn viên giới thiệu một chỗ ăn trưa trong thành phố. Chúng tôi đến một tiệm Ấn Ðộ chính hiệu nai vàng, nơi đa số thực khách ăn bằng mấy ngón tay. Cô hướng dẫn người Mã gốc Tàu ăn kiểu Ấn trong khi chúng tôi ăn bằng đũa. Bà bạn hỏi nhận xét thế nào, tôi nói ăn cũng được vì không quen thức ăn của Ấn, và dĩ nhiên không ngon bằng cơm tối hôm qua của người Nyonya.

Sau cơm trưa, chúng tôi được đưa đến bảo tàng viện có tên Pinang Peranakan Mansion. Tôi có thấy hình ảnh của tòa nhà cổ này trên mạng nên cũng muốn đến xem cho biết.

Peranakan có nghĩa là những người Mã gốc Tàu, đến lập nghiệp ở Penang từ các tỉnh miền nam Trung Hoa như  Phúc Kiến và Quảng Ðông. Hậu duệ của họ được nói chung là Peranakan, Straits Chinese; con trai gọi là Baba, con gái gọi Nyonya.

Biệt thự Peranakan nguyên là chỗ ở và văn phòng của đại gia (tycoon) Chung Keng Quee gốc Phúc Kiến xây cất từ thế kỷ thứ 19, nằm trên đường Church Street của thành phố George Town.

Biệt thư Pinang Peranakan Mansion của đại gia Chung Keng Quee trở thành bảo tàng viện lưu giữ những kỷ vật của một dòng họ lớn gốc Phúc Kiến. Hình: TVTS

Ðại gia Chung Keng Quee (Kwee) là một trong những người giàu có và quyền lực nhất Penang thời đó. Ông còn được biết với tên “Kapitan China of Perak. Biệt thự này cũng là nơi hội họp của hội kín Ghee Hin một hội đối chọi với hội kín của ông là Hai San. Sự xung đột của hai hội kín này vào thời đó đã gây nên cuộc nổi loạn gọi là Penang Riots vào năm 1867 với kết quả hội kín Ghee Hin sau này bị mất ảnh hưởng.

Biệt thự xây cất rất công phu theo kiểu Trung Hoa với nhiều vật liệu xây cất nhập cảng từ Âu Châu, và quan trọng nhất là hợp với phong thủy.

Như cô hướng dẫn du lịch giải thích thì biệt thự bằng gỗ hai tầng có một khoảng trống ở giữa (như cái sân giữa nhà) vừa lấy ánh sáng tự nhiên cho mọi căn phòng chung quanh, vừa hứng lộc (nước mưa). Cửa chính vào tòa nhà có một cái đà cao chừng 20cm để giữ hai cánh cửa hoặc mưa tạt vào. Ðây là nơi trẻ con trong nhà hay ngồi chơi trước cửa nhà nhưng quan trọng hơn, bắt buộc khách đi vào phải nhìn xuống để bước qua và cũng buộc họ phải… cúi đầu để khỏi vấp, là cách tỏ sự kính trọng đối với chủ nhà.

Trong biệt thự  này trưng bày rất nhiều kỷ vật của chủ nhà bao gồm đồ trang sức, y phục, nữ trang, bàn ghế, bát chén. Có thể nói đó là một viện bảo tàng nho nhỏ nói về văn hóa của người Trung Hoa và của người Peranakan Mã Lai gốc Tàu, kể cả những bàn và dọc tẩu để hút thuốc phiện cho chủ nhà và khách, vì thời đó hút thuốc phiện không phải bất hợp pháp.

Kissing chair (ghế hôn nhau) ở trong biệt thự của Chung Keng Quee. Hình: TVTS

Các đại gia Tàu ngoài buôn bán, nhập cảng còn buôn thuốc phiện và tổ chức mại dâm, nên họ rất giàu có.

Ngày nay ở Penang, phần lớn những người Peranakan là những người có lợi tức và đời sống cao hơn địa phương. Họ chiếm giữ hai phần ba nền kinh tế địa phương (như người Tàu Chợ Lớn thời VNCH).

Khi ông Chung Keng Quee qua đời, ngôi biệt thự truyền lại cho con cháu nhưng thế hệ sau phần lớn sống ở những quốc gia tây phương, phần không quan tâm bảo trì nên biệt thự xuống cấp.

Một thương gia giàu có địa phương gốc Tàu là  (Baba) Peter Soon đã mua lại và bảo trì để làm nơi do du khách đến thăm viếng (dĩ nhiên mua vé vào cửa). Vợ chồng Thái Tử Charles của Anh và Công chúa Thái Lan Maha Chakri Sirindhorn gần đây cũng có đến thăm biệt thự  Peranakan và để lại những lưu niệm.

Tranh tường nổi tiếng nhất ở thành phố George Town. Hình: TVTS

Ông chủ mới Peter Soon cũng có mặt khi chúng tôi đến thăm viếng. Ông làm chủ toàn bộ biêt thự, ngoại trừ khu từ đường ở phía sau, nơi dựng các tượng, hình ảnh và bài vị của dòng họ Chung, để con cháu người sáng lập đến viếng.

Cô hướng dẫn chỉ vào một trong những bức hình ở từ đường, nói rằng người đó là cháu của ông  Chung Keng Quee, là người cận vệ lâu năm của vị thủ tướng đầu tiên của Mã Lai.

Chúng tôi được đưa đi xem khu cầu tàu (jetty) của người gốc Trung Hoa. Ở đây có rất nhiều cầu tàu của nhiều dòng họ thuộc nhiều thế hệ di dân từ Hoa lục sang mấy trăm năm về trước. Mỗi khu cầu tàu thuộc về một dòng họ. Ngoài làm nghề chài, chuyên chở họ còn có khu buôn bán y phục và đồ dùng như mọi nơi khác.  Chúng tôi đi xem khu cầu tàu lớn nhất thuộc dòng họ Chew,  thấy bảng ghi: Welcome to Chew Jetty, UNESCO world Heritage Site. Như vậy đây là một trong những địa điểm được cơ quan văn hóa của Liên hiệp quốc liệt vào hàng bảo tồn di sản văn hóa.

Bà bạn nói tôi hãy mua ít y phục trong khu cầu tàu này về làm kỷ niệm nhưng áo quần màu mè giữa trời nóng và nắng chang chang, mồ hôi nhễ nhại chẳng làm chúng tôi hứng thú  để xem. Chúng tôi ra đứng ở cầu tàu hóng gió, nhìn chiếc cầu dài bậc nhất Ðông Nam Á chạy từ đảo qua đất liền ở xa xa rồi đề nghị đưa chúng tôi đi xem thắng cảnh cuối cùng trong ngày là tranh vẽ trên tường (mural), một nghệ thuật khá nổi tiếng của hòn đảo này: Penang Street Art mà tôi có xem trên mạng và bây giờ muốn tận mắt xem.

Cầu tàu của dòng họ Chew, lớn nhất ở George Town. Hình: TVTS

Vào năm 2012, hội đồng thành phố đã thuê một họa sĩ người Lithuania được huấn luyện tại Anh đến đảo này để thực hiện nghệ thuật tranh tường. Họa sĩ Ernest Zacharevic đã chọn một số khu phố và thực hiện những bức tranh trên tường trong đó bức tranh chiếc xe đạp nổi tiếng nhất và được nhiều du khách đến chụp (trong đó có chúng tôi). Sau này người địa phương tiếp nối chương trình vẽ tranh tường của họa sĩ người Lithuania (nước xưa kia thuộc Liên Xô) đến từ vùng Baltic.

Ngoài mấy nơi đến thăm viếng chính thức, chúng tôi có đi qua vài biệt thự nổi tiếng của Cheah, một trong năm dòng họ giàu có lâu đời nhất như dòng họ Seh, Tek, Tong và Kongsi ở Penang (muốn vào xem phải mua vé). Chúng tôi cũng đi ngang qua Chùa Keklosi, ngôi chùa Phật gáo được cho là lớn nhất Ðông Nam Á.

Chúng tôi dự trù chuyến du lịch Thái và Mã chỉ nghỉ ngơi và mua sắm mà thôi, nhưng bà bạn Mã gốc Tàu đã dẫn chúng tôi đi thăm thắng cảnh suốt hai ngày. Quả là mệt dưới trời nắng, nhưng cũng mang lại cho tôi nhiều kiến thức, nhất là về người Hoa ở Mã Lai, để có một bài viết khá dài về Penang Island và thành phố George Town.

Bà bạn hỏi còn muốn đi nữa không, tôi lắc đầu, nói quá đủ rồi, xin cám ơn.

Và chúng tôi được mời ăn cơm tối đồ biển tại một nhà hàng ở sát biển.

Kỳ tới: Kuala Lumpur.

(Trích từ báo in TVTS số 1734 phát hành ngày 19.6.2019)