Trung Quốc tuyên bố không “chiếm” bãi cạn Scarborough, khuyên Mỹ không nên can thiệp

23 Tháng Năm, 2016 | Tin thế giới

 

Tàu đánh cá trên bãi cạn Scarborough, nơi đang tranh chấp
giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân. Photo Courtesy: Reuters

 

Trong chiến dịch tuyên truyền cho lập trường của mình về Biển Đông, đặc biệt là tại Mỹ, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington vừa lên tiếng “khuyên” Mỹ chớ nên can thiệp vào tranh chấp Biển Đông. Bắc Kinh đồng thời khẳng định là bãi cạn Scaborough trên Biển Đông, mà Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham, không phải là của Phi Luật Tân.

Trong bản tin ngày 17.5, Tân Hoa xã phổ biến lá thư của Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington với nhan đề “Khiêu khích tại biển Hoa Nam”.

Trong bức thư trên, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc Châu Hải Toàn đã phản bác bài xã luận “Dangerous rocks in the South China Sea” (tạm dịch: Những hòn đá nguy hiểm ở biển Nam Trung Hoa (tên quốc tế gọi Biển Đông) trên nhật báo Mỹ Washington Post ngày 9.5 đã nêu bật sự kiện Trung Quốc đánh chiếm bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân cách nay 4 năm.

Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc cho là “đảo Hoàng Nham” nằm ngoài giới hạn lãnh thổ của Phi Luật Tân là kinh độ 118 , theo Công ước Paris 1898, Công ước 1900 giữa Washington và London cũng như theo quy định của Hiến pháp Phi Luật Tân.

Cũng theo lập luận này, “tất cả các đảo của Trung Quốc” đều nằm ở phía tây kinh độ 118, do vậy “đảo Hoàng Nham” là của Trung Quốc.

Tiếp đó, phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc bác bỏ cáo buộc của bài xã luận rằng Trung Quốc đã từ chối tuân thủ luật pháp quốc tế khi không tham gia vào vụ kiện “đường lưỡi bò” của Phi Luật Tân tại Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye. Ông Châu cho rằng, việc Trung Quốc không chấp nhận và không tham gia vụ kiện của Phi Luật Tân là “phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Ông Châu giải thích rằng, năm 2006, Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện quyền của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (1982) và đưa ra tuyên bố Trung Quốc không công nhận thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc đối với các tình huống cung cấp tại điều 298 của UNCLOS, bao gồm cả những thỏa thuận liên quan đến xác định hàng hải. Phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc cũng lưu ý thêm rằng, hơn 30 quốc gia khác cũng thực hiện tuyên bố tương tự như Bắc Kinh.

Theo ông Châu, Trung Quốc ủng hộ cách tiếp cận “hai kênh” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để xử lý các vấn đề Biển Đông, đó là: duy trì hòa bình ổn định ở khu vực trong khi giải quyết các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn giữa các quốc gia có liên quan.

Trong thư, phát ngôn viên sứ quán Trung Quốc cũng “khuyên” Washington không nên làm “tảng đá nguy hiểm” ở khu vực, vì Mỹ thực sự không có yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông.

Đồng thời, ông Châu dường như cũng có ý “nhắc nhở” các quốc gia khác trong khu vực không nên “xích” lại hay tìm sự hỗ trợ của Mỹ trong vấn đề Biển Đông khi cảnh báo: Việc khuyến khích Mỹ phô trương “sức mạnh cơ bắp” trong khu vực là “nguy hiểm và phản tác dụng”.

Cũng trong chiến dịch tuyên truyền dọn đường chờ phán quyết của Toà án Trọng tài thường trực, Bắc Kinh vận động Kabul qua chuyến công du của Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 17.5. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Chính phủ Afghanistan tuyên bố “ủng hộ” lập trường của Trung Quốc tại Biển Đông. Hôm 16.5, Bắc Kinh đã tuyên bố các tiểu vương quốc Arập Xêút cũng ủng hộ họ.

Những thông tin một phía này từ Bắc Kinh rõ ràng là “chẳng biết đâu là thật” vì tháng trước, Bắc Kinh cũng khẳng định được Fiji rồi Campuchia ủng hộ nhưng ngay sau đó, Fiji và Phnom Penh đều lên tiếng cải chính.

Theo Petrotimes