Thủ tướng Angela Merkel lại đối mặt làn sóng phản đối

08 Tháng Năm, 2016 | Tin thế giới

 

Cuộc biểu tình của những người theo cánh tả ngày 7.5 tại thủ đô Berlin. Photo Courtesy: Reuters

 

Ngày 7.5, khoảng 1.800 người theo phe cực hữu đã tụ tập tại thủ đô Berlin, biểu tình và đòi Thủ tướng Angela Merkel phải từ chức vì cho phép tiếp nhận người tị nạn vào Đức.

Theo Reuters đưa tin, với khẩu hiệu “Bà Merkel phải ra đi”, hay”Người Hồi giáo không được chào đón”, hàng ngàn người biểu tình theo phe cực hữu đã tập trung bên ngoài trạm xe điện trung tâm ở Berlin và vẫy cờ Đức.

Cùng với nhóm người biểu tình chống bà Merkel xuống đường biểu tình mà cùng ngày còn có khoảng7,500 người khác theo phe cánh tả cũng xuống đường phản đối cuộc biểu tình của những người cực hữu.

Sputnik đưa tin cảnh sát Berlin đã phải huy động 1,700 nhân viên cảnh sát nhằm đảm bảo hai cuộc biểu tình diễn ra trong ôn hòa. Nguồn tin từ cảnh sát cho biết, số người biểu tình chống Thủ tướng Merkel ít hơn khoảng một nửa so với những người tổ chức nó mong đợi.

Một hàng rào cảnh sát đã được thiết lập khi hai nhóm biểu tình này đụng đầu nhau. Một số người biểu tình quá khích đã cố phá hàng rào ngăn cách, ném chai lọ vào các nhân viên cảnh sát khiến ít nhất 13 người bị thương. Cảnh sát sau đó đã buộc phải đáp trả lại những người này bằng hơi cay và giành lại quyền kiểm soát tình hình.

Đến nay nội bộ trong lòng nước Đức ngày càng trở nên lộn xộn, khi có nhiều người Đức vẵn sẵn sàng chào đón người di cư, trong khi những người khác thì cho rằng đất nước không thể đối mặt với việc hòa hợp và có nguy cơ mất bản sắc.

Đặc biệt số lượng người ủng hộ cho Đảng Sự lựa chọn vì Đức (AfG), đảng có quan điểm phản đối người di cư, đã tăng mạnh trong thời gian qua. Trong khi các vụ tấn công vào trung tâm dành cho người di cư và biểu tình có bạo lực cũng trở nên phổ biến hơn.

Nữ Thủ tướng Merkel từng được ca ngợi vì đã đóng vai trò tiên phong trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, mở cửa biên giới Đức cho hàng trăm nghìn người tị nạn, trong khi các quốc gia khác từ chối làm điều này. Hành động của bà được mọi người gọi là “lương tâm của châu Âu” nhưng cũng khiến bà đối mặt với áp lực và chỉ trích từ cả người dân Đức lẫn các đồng minh bảo thủ.

Tổng hợp