175 nước ký hiệp định chống biến đổi khí hậu

23 Tháng Tư, 2016 | Tin thế giới

 

Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại buổi
lễ ngày 22.4 ở Nữu Ước. Photo Courtesy: Reuters

Đại diện 175 nước ngày 22.4 đã ký thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu tại trụ sở của Liên Hợp Quốc, nhằm thúc đẩy các hành động cấp thiết chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Trong cuộc họp này, Tổng thống Pháp Francois Hollande là người đầu tiên đặt bút ký vào bản hiệp định, tiếp theo đó là lãnh đạo của các nước bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đây cũng được coi là buổi ký kết mang tính lịch sử cho một thoả thuận tầm quốc tế, khi trong cùng một ngày có tới 175 quốc gia ký kết một hiệp định. Kỷ lục trước đó được lập vào năm 1982, khi 119 quốc gia cùng ký kết Công ước LHQ về Luật Biển. Lễ ký kết Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu diễn ra đúng vào Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất, 22.4.

Thoả thuận khung được các nước cam kết tại Paris (Pháp) hồi tháng 12 năm ngoái. Các quốc gia tham gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 2 độ C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850).

Tổng thống Hollande cho biết quốc hội Pháp sẽ thông qua trong vài tháng tới và kêu gọi 28 nước EU làm gương, phê chuẩn thoả thuận chống biến đổi khí hậu này trước cuối năm 2016. Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố sẽ phê chuẩn trong năm nay để thoả thuận có thể có hiệu lực vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.

Phát biểu tại buổi lễ, tài tử đồng thời là một nhà hoạt động vì môi trường Leonardo DiCaprio kêu gọi các lãnh đạo hành động: “Cả thế giới đang dõi theo. Các bạn sẽ được các thế hệ tương lai ca ngợi, hoặc sẽ bị họ phỉ báng”.

Buổi lễ ký kết này được xem là thành tựu của ông Ban Ki-moon, người đã thúc đẩy thoả thuận này trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng thư ký LHQ.

Phát biểu tại buổi lễ Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định Hiệp định Paris là một bước ngoặt cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, và “là cách thức duy nhất để chúng ta cứu Trái đất”. Theo ông Ban Ki-moon, Hiệp định Paris kết hợp với Chương trình nghị sự phát triển bền vững năm 2030 sẽ tạo ra sức mạnh để biến đổi thế giới.

Dự kiến, Hiệp định Paris sẽ bắt đầu có hiệu lực 30 ngày sau khi được 55 quốc gia chiếm ít nhất 55% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu phê chuẩn. Mặc dù chỉ tiêu đề ra là năm 2020, nhưng nếu được các nước phê chuẩn sớm, hiệp định này có thể bắt đầu có hiệu lực trong năm nay hoặc đầu năm tới.

Tháng 3 vừa qua được đánh giá là tháng 3 nóng nhất trong lịch sử, và năm 2016 được dự đoán là năm mà nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục. Hiện tượng El Nino đang gây ra sức tàn phá nặng nề với nạn hạn hán, lũ lụt và bão mạnh.

Tổng hợp