Các TNS Mỹ ủng hộ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc

19 Tháng Bảy, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

 

Đoàn đại biểu Phi Luật Tân tham dự vụ kiện ở Hà Lan. Photo Courtesy:Abigail Valte

 

Bốn thượng nghị sĩ đứng đầu của hai đảng Dân chủ và Cộng Hòa của Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Phi Luật Tân về cách giải quyết tranh chấp trên Biển Đông và hối thúc chính phủ hỗ trợ các nước Đông Nam Á đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.

 

Vào hôm 18.7, Thượng nghị sỹ (TNS) John McCain, TNS Jack Reed, TNS Bob Corker, TNS Ben Cardin đã đưa ra tuyên bố ủng hộ đối với vụ kiện của Phi Luật Tân và hối thúc Washington thực hiện các bước đi cần thiết để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

 

TNS John McCain và ông Reed lần lượt là chủ tịch và ủy viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, còn ông Corker và ông Cardin là chủ tịch và ủy viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.

 

Trong bản tuyên bố này, các Thượng viện Mỹ cho hay dù họ đứng trung lập trong tranh chấp tại Biển Đông, nhưng Mỹ hoan nghênh cam kết theo đuổi con đường pháp lý của Tổng thống Benigno Aquino III và chính phủ của ông.

 

Không những thế các vị thượng nghị sĩ này cũng đã đưa ra lời ca ngợi Phi Luật Tân đã kiên trì theo đuổi phương thức hòa bình để giải quyết tranh chấp giữa lúc Trung Quốc đang xây dựng và quân sự hóa các dải đất mới trên Biển Đông, cũng như tăng cường các hành động đe dọa để đạt được mục đích.

 

Ngoài ra các Thượng nghị sĩ này còn nhấn mạnh, Mỹ cần tiếp tục ủng hộ các nước đồng minh và đối tác đang đấu tranh chống tham vọng của Trung Quốc bằng cách thường xuyên thực thi các hoạt động tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông và Hoa Đông, hỗ trợ năng lực biển của các quốc gia Đông Nam Á, tiến hành diễn tập và tuần tra chung.

 

Tuần qua, nhóm pháp lý của Phi Luật Tân đã tham gia phiên tranh tụng tại Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) nhằm xác định thẩm quyền xét xử của Tòa trong vụ kiện Trung Quốc. Nếu xác định có thẩm quyền, Tòa trọng tài thường trựcsẽ mở phiên xét xử và đưa ra phán quyết đối với những yêu sách đòi hỏi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc vào năm 2016.

 

Tổng hợp