Phi Luật Tân công kích TQ trong phiên xử về Biển Đông

09 Tháng Bảy, 2015 | Tin thế giới

 

 

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

Phái đoàn và các luật sư đại diện cho Phi Luật Tân tại phiên tòa ở PCA. Photo Courtesy: Bộ Ngoại giao Phi Luật Tân

 

Trong phần điều trần tại Tòa trọng tài Trọng tài thường trực (PCA) tại Hà Lan, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario cho rằng Trung Quốc đang “gặm dần” Biển Đông bằng chiến lược “cải bắp” của mình.

 

Vào hôm 9.7, khi tham gia điều trần trước Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, Hà Lan, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario đã tố cáo Trung Quốc “gặm dần” biển của Phi Luật Tân bằng chiến lược “cải bắp” và “cắt lát” nhằm phục vụ cho âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.

 

Ông Rosario giải thích rằng chiến lược cắt lát của Trung Quốc được thể hiện qua việc nước này đang dần dần thực hiện những bước đi nhỏ để lấn chiếm trên biển, những hành động đó đủ nhỏ để không gây ra cuộc khủng hoảng. Nhưng với những lát cắt liên tiếp như thế, Trung Quốc dần dần củng cố sự kiểm soát của họ trên khắp Biển Đông”.

 

Ngoại trưởng Phi Luật Tân còn nói rõ trước tòa rằng: “Vụ kiện trước mặt các quý vị có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với Phi Luật Tân, khu vực và cả thế giới… Trong quan điểm của chúng tôi, vụ kiện này cũng có ý nghĩa lớn lao đối với sự toàn vẹn của Công ước, và đối với cấu trúc trật tự pháp lý của các biển và đại dương.”

 

Cũng theo ông Del Rosario, Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) được ký kết bởi 162 quốc gia, là một yếu tố cân bằng để giúp các nước nhỏ hơn có thể yêu cầu những nước lớn ngừng vi phạm lãnh thổ của mình. Công ước này có thể bị suy giảm hiệu lực nếu không được sử dụng để ngăn Trung Quốc khỏi việc vi phạm các quyền trên biển của những nước liên quan.

 

Phiên tòa xét xử vụ Phi Luật Tân kiện Trung Quốc đã bắt đầu diễn ra vào ngày 7.7. Thông cáo báo chí của PCA cho biết tòa án cho phép các nước Mã Lai, Nam Dương, Việt Nam, Thái Lan và Nhật Bản, cử phái đoàn nhỏ đến với tư cách là quan sát viên.

 

Trong khi đó về phần mình, Trung Quốc luôn từ chối tham dự vụ kiện và cho rằng PCA không có thẩm quyền xem xét vụ kiện của Phi Luật Tân. Bắc Kinh còn cảnh báo Manila “chớ có đối đầu” và vẫn khẳng định giải quyết vấn đề theo song phương.

 

Tổng hợp