Mỹ chỉ trích Trung Quốc mở rộng phi pháp trên biển Đông

27 Tháng Hai, 2015 | Tin thế giới

< ?xml:namespace prefix = "o" ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" /> 

 

 

Công trình phi pháp của Trung Quốc ở đá Gaven. Photo Courtesy: Unanhai.com

 

Trung Quốc đang mở rộng các tiền đồn ở biển Đông nhằm “phục vụ mưu đồ hung hăng áp đặt chủ quyền trong khu vực”.

 

Đó là lời nhận định của Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper vào hôm 27.1, khi ông này khẳng định Trung Quốc đang “mở rộng tiền đồn” trên biển Đông để đòi hỏi “một cách hiếu chiến” vấn đề chủ quyền biển.

 

Lời phát biểu trên được ông James Clapper đưa ra trong một buổi điều trần đặc biệt về các điểm nóng an ninh toàn cầu tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ. Về tin tức liên quan đến việc Trung Quốc tăng cường bồi đắp đất để xây đảo nhân tạo trên biển Đông theo ông Clapper đó là nhằm tạo các cảng và sân bay để phục vụ chiến lược “hiếu chiến” trên biển Đông.

 

Cũng theo vị giám đốc này nhận định việc Bắc Kinh đòi chủ quyền tới 80% diện tích biển Đông là “đòi hỏi quá đáng”.

 

Cũng trong buổi điều trần này, Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, công bố các bức ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép ở Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông McCain còn cho hay việc mở rộng của Trung Quốc có thể cho phép nó sử dụng các loại vũ khí, bao gồm cả vũ khí phòng không và các lựa chọn khác.

 

Còn ông James Calpper thì tin rằng Trung Quốc vẫn đang trong quá trình xây dựng nên hiện ông chưa rõ Bắc Kinh sẽ triển khai các loại vũ khí, lực lượng nào.

 

Theo trang tin AP dẫn lời các chuyên gia nhận định những cảnh báo của các quan chức Mỹ cấp cao như vậy cho thấy nước này đang rất quan ngại các hành động bồi đắp ở biển Đông có thể làm leo thang căng thẳng giữa Trung Quốc với các nước khác.

 

Cũng cần phải nhắc lại rằng chính quyền Manila đã đưa đơn kiện Bắc Kinh ra Tòa án Trọng tài Thường trực Hague, yêu cầu phân xử liệu các thực thể thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đang tiến hành xây dựng là đảo hay các bãi đá.

 

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), một hòn đảo phải hình thành tự nhiên và vẫn nổi trên mặt nước khi thủy triều dâng mới đem lại nhiều ý nghĩa cho bên tuyên bố chủ quyền. Trái lại, các bãi đá, đảo đá không thể duy trì sự sống con người hay đời sống kinh tế thì không có vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.

 

Còn về phần mình Bắc Kinh từ chối tham gia vụ kiện đồng thời tuyên bố không chấp nhận mọi phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế.

 

Nguồn: Thanh Niên, Giáodục.net, VnExpress