Trung Cộng đưa hàng ngàn binh sĩ đến Tây Tạng. Vẫn rước đuốc Thế Vận. Phật Sống muốn nói chuyện

20 Tháng Ba, 2008 | Tin thế giới

Cả thế giới đang hướng về Tây Tạng khi những cuộc biểu tình tuần qua trở thành vụ nổi loạn và bạo động  lớn nhất và gây thiệt hại nhất trong vòng 20 năm qua.  Bắc Kinh nói có 13 thường dân bị giết trong khi người Tây Tạng lưu vong nói khoảng 100 người biểu tình chết. Vụ nổi loạn này đúng vào dịp kỷ niệm cuộc nổi dậy năm 1959 thất bại khiến Đức Đạt Lai Lạt Ma phải sang sống lưu vong ở một vùng dọc biên giới Ấn Độ.

 

Ký giả người Đức nói ông thấy binh sĩ Trung Cộng đi từng nhà lục soát và ở nơi đâu cũng thấy lực lượng an ninh, khiến không khí rất căng thẳng.

 

Nước Đức đã ngưng cuộc đàm phán về phát triển song phương giữa hai nước do vụ Tây Tạng mới đây. Bộ trưởng Phát triển Heidemarie Wieczorek-Zuel nói: “Đối thoại giữa hai nước hiện nay không thể tiếp tục. Bạo động không bao giờ là giải phát. Chỉ qua đàm phán thì hai bên mới có thể đi đến một giải pháp”.

 

Một ký giả của Đài BBC ở  vùng phía tây Trung Hoa cho biết  ông thấy 400 chiếc quân xa đang chạy về hướng Tây Tạng, trên xe binh sĩ trang bị vũ khí đầy người như súng tự động và lưỡi lê.

 

Trong khi Trung Cộng bất chấp dư luận thế giới đàn áp mạnh tay những người nổi dậy và tiếp tục dồn quân sang Tây Tạng, nước Anh ra vẻ đang muốn đứng ra dàn xếp một cuộc thương lượng giữa Trung Cộng và Đức Đạt Lai Lạt Ma về vấn đề Tây Tạng.  Thủ tướng Anh Brown Gordon cho biết ông  sẽ gặp Phật Sống khi ngài sang thăm Anh quốc vào tháng 5 này.

 

Trong khi Anh muốn làm trung gian, Bắc Kinh lại cực lực phản đối việc bất cứ một chính phủ nào tiếp đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Trước đây Thủ tướng Anh nói sẽ không tiếp,  nhưng sau vụ bạo động và dẹp loạn ở Tây Tạng,  ông Gordon lại tuyên bố sẽ gặp Đức Đạt Lai Lạt ma để tìm một giải pháp cho hai bên. Thái tử Charles đã tuyên bố tẩy chay không tham dự  Thế Vận Hội Bắc Kinh, cho biết ông sẽ tiếp Phật Sống khi ngài qua thăm Anh.

 

Tại Úc, mặc dù chính phủ Lao động chưa có những lời lên án mạnh mẽ đối với việc Bắc Kinh dùng bạo lực để giải quyết vụ Tây Tạng, Bộ ngoại giao đã dứt khoát trong viêc yêu cầu Trung Cộng phải để cho nhân viên sứ quán Úc được tới Tây Tạng để quan sát và bảo vệ kiều dân Úc  cũng như sự an toàn của người Tây Tạng.

 

Ngoại trưởng Úc Stephen  Smith  yêu cầu các viên chức tòa đại sứ Úc ở Bắc Kinh mở những cuộc thảo luận với nhà cầm quyền Trung Cộng và yêu cầu cho biết tình hình ở Tây Tạng cũng  như khuyến cáo  Bắc Kinh hãy tự chế trong việc dùng vũ lực. Ông Smith nói: “Chính phủ Úc vẫn rất quan tâm sâu xa về tình hình ở Tây Tạng và các vùng lân cận bởi vì đã có nghe những tường trình rằng các vụ bạo động đã lan ra các tỉnh gần đó”.

 

Một nhóm phóng viên truyền hình Gia Nã Đại đã quay được thước phim trong đó có khoảng 1,000 người Tây Tạng nổi dậy tấn công và có những người nổi dậy phi ngựa nữa. Có cảnh những người nổi dậy vây và tấn công người Hoa địa phương. Một số trường học ở vùng xa treo cờ Trung Cộng đã bị kéo xuống và được thay bằng cờ của Tây Tạng.

 

Cảnh người nổi dậy tấn công di dân Trung Hoa ở thành phố Lhasa

Thủ tướng  Trung Cộng Ôn Gia Bảo đã chính thức lên tiếng cáo buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma là người đứng sau các vụ nổi loạn ở Tây Tạng. Nhưng Phật Sống bác bỏ. Chính ngài đã dọa rằng nếu người Tây Tạng dùng bạo động để giải quyết vấn đề thì ngài sẽ từ chức lãnh tụ tinh thần của họ.

 

Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố  ngài muốn có cuộc nói chuyện tay đôi với Thủ tướng Ôn Gia Bảo, một người mà Phật Sống nói dễ thương, dịu dàng. Nhưng Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng muốn có cuộc nói chuyện tay đôi thì người Tây Tạng phải từ bỏ bạo lực và từ bỏ đòi độc lập cho Tây Tạng, một điều mà Đức Đạt Lai Lại Ma đã khẳng định từ lâu. Ngài chỉ muốn Tây Tạng được quyền tự trị rộng rãi hơn chứ không đòi độc lập.

 

Trả lời tuần san Newsweek trong cuộc phỏng vấn mới nhất sau vụ nổi loạn, Đức Đạt Lai Lạt Ma nói tinh thần đấu tranh của người Tây Tạng sẽ không mất sau khi ngài qua đời, mà có cơ  tiếp tục mạnh mẽ hơn với những thế hệ trẻ. Đức Đạt Lai Lạt Ma được giải Nobel Hòa Bình vì chủ trương tranh đấu trong hòa bình.

 

Dù có tin đồn hay bình luận cho rằng vụ nổi loạn ở Tây Tạng có mục đích phá hoại Thế Vận Hội 2008 sẽ được tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 8 tới đây,  đuốc Thế Vận Hội vẫn sẽ được châm tại thành phố Athens, Hi Lạp, vào Thứ  Hai tuần tới và sau khi rước qua 135 quốc gia, đuốc sẽ được đưa lên đỉnh ngọn Everest trong dãy Hy Mã Lạp Sơn vào khoảng tháng 5.

 

Sau đó, theo các viên chức Thế Vận Hội Trung Cộng, đuốc sẽ được rước xuống thành phố Lhasa ở Tây Tạng  như đã dự tính dù có những cuộc bạo động hiện đang  xảy ra.  Nhưng với tình hình hiện nay, thế nào cũng có bạo động khi đuốc Thế Vận tới thủ đô của người Tây Tạng.