Người dân Thái Lan chấp nhận bản hiến pháp mới sau cuộc trưng cầu dân ý

08 Tháng Tám, 2016 | Tin thế giới
Người dân Thái Lan đi bỏ phiếu tại thủ đôBangkok sáng 7.8. Photo Courtesy: Reuters

Kết quả trưng cầu dân ý ngày 7.8 cho thấy đa số người dân Thái Lan (61%) đồng ý bản hiến pháp mới do chính quyền quân đội soạn thảo.

Tính đến tối 7.8, tờ Bangkok Post dẫn kết quả kiểm phiếu từ Uỷ ban bầu cử (EC) cho hay đã có hơn 15.5 triệu người dân Thái Lan bỏ phiếu (khoảng 61%) chấp thuận bản hiến pháp mới, trong khi chỉ có hơn 9.7 triệu phiếu phản đối. Có 94% tổng số phiếu bầu đã được kiểm. Kết quả đầy đủ dự kiến được công bố vào ngày 10.8. Theo The Washington Post, có khoảng 50 triệu người đăng ký tham gia trưng cầu nhưng chỉ có 55% số này đi bỏ phiếu.

Sau khi 90% số phiếu được kiểm tra, ông Somchai Srisutthiyakorn, chủ tịch EC tuyên bố khoảng cách trên đủ lớn để không làm thay đổi kết quả cuối cùng, theo Reuters. Chính quyền cũng đưa ra câu hỏi phụ trong cuộc trưng cầu lần này, hỏi rằng người dân có đồng ý việc Thượng viện được quyền chọn ra thủ tướng. Có 52% đồng ý và 42% phản đối, theo chủ tịch EC Somchai.

Trước đó vào sáng sớm cùng ngày 7.8, người dân Thái Lan đã tham gia cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp mới do một ủy ban được chính quyền quân sự bổ nhiệm.

Sau cuộc đảo chính giành chính quyền thành công vào năm 2014, Hội đồng quốc gia vì trật tự và hòa bình (NCPO) thuộc phe quân đội đã bỏ hiến pháp cũ và cho soạn dự thảo hiến pháp mới.

Nếu nhận nhiều đồng thuận từ các cử tri, dự thảo sẽ trở thành hiến pháp. Ngược lại, hiện chưa rõ kết cục gì xảy ra nhưng chính quyền quân đội vẫn nắm quyền lực.

Một trong những nội dung gây tranh cãi nhất là Thượng viện có 250 ghế, toàn bộ do quân đội bổ nhiệm.

Phía quân đội biện hộ rằng bước đi này nhằm tăng dân chủ, giảm thiểunạn tham nhũngđã gây chia rẽ, bất ổn chính trị. Phe phản đối cho rằng thay đổi này nhằm nâng cao quyền lực của quân đội, khiến chính trường Thái Lan tiếp tục bất ổn.

Hôm 5.8, phát biểu trước báo giới, Thủ tướng Prayuth một lần nữa khẳng định cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức như kế hoạch trong năm 2017, bất chấp kết quả của cuộc trưng cầu ý dândiễn ra hôm nay.

Đây là cuộc trưng cầu ýdân thứ hai về hiến pháp mới tại nước này. Nếu được thông qua, nó sẽ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932.

Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp là vào năm 2007, một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tổng hợp