Phi Luật Tân bỗng nhiên muốn ngừng tuần tra chung với Mỹ và mua vũ khí Trung Quốc

14 Tháng Chín, 2016 | Tin thế giới
Tổng thống Phi Luật Tân tham dự lễ kỷ niệm 250 năm thành lập căn cứ không quân Villamor tại thành phố Pasay, Phi Luật Tân hôm 13.9.2016. Photo Courtesy: Reuters

Tình hình Biển Đông ngày 14.9, Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte cho biết ông đang cân nhắc mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, đặc biệt Manila sẽ ngừng tham gia tuần tra chung với các lực lượng quân sự Mỹ trên Biển Đông.

Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin trong bài phát biểu trên truyền hình trước các quan chức quân sự Phi Luật Tân tại Manila hôm 13.9, ông Duterte tuyên bố 2 quốc gia (song không nói rõ cụ thể là nước nào), đã đồng ý cung cấp cho Phi Luật Tân một khoản vay trong 25 năm để mua các thiết bị quân sự. Cũng theo ông Duterte sắp tới Bộ trưởng Quốc phòng và các nhân viên kỹ thuật quân sự Phi Luật Tân sẽ lên đường sang Nga và Trung Quốc để “lựa chọn những thiết bị tốt nhất”.

Mặc dù ông Duterte nhấn mạnh rằng ông không muốn cắt đứt “mối quan hệ trọng tâm” với các nước đồng minh nhưng rõ ràng tuyên bố mua vũ khí của Nga và Trung Quốc cho thấy khả năng hiệp ước quốc phòng giữa Manila và Mỹ được ký kết hồi năm 1951 sẽ sớm không còn hiệu lực. Sau khi có những lời xúc phạm nặng nề Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi tuần trước, Tổng thống Duterte còn đưa ra một quyết định gây sốc khi kêu gọi các lực lượng quân sự Mỹ rời khỏi khu vực miền nam hòn đảo Mindanao của Phi Luật Tân.

Theo Tổng thống Duterte, ông muốn mua các loại vũ khí “giá rẻ và ở những nơi không bị các thỏa thuận ràng buộc cũng như thông tin minh bạch”. Ông nói: “Tôi không cần các chiến đấu cơ như F-16 bởi chúng tôi không sử dụng tới chúng. Chúng tôi cũng không có ý định tấn công bất cứ quốc gia nào”.

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm cho hay kể từ năm 1950, vũ khí của Mỹ chiếm 75% tổng số lượng thiết bị quân sự mà Phi Luật Tân nhập khẩu. Trong khi đó, Nga và Trung Quốc chưa xuất khẩu bất cứ loại vũ khí nào sang Phi Luật Tân.

Tuy nhiên, chuyên gia quốc phòng Jon Grevatt tại Viện IHS Janes ở Bangkok cho rằng Mỹ sẽ thúc đẩy biện pháp ngoại giao để ngăn Phi Luật Tân mua các hệ thống phòng thủ quy mô lớn từ Trung Quốc. Còn trong năm nay, Manila đã tăng khoản chi tiêu mau sắm vũ khí lên 25 tỷ peso (4.08 tỷ Mỹ kim), tăng hơn 60% so với năm 2015.

“Điều này cho thấy Phi Luật Tân đang dần tách khỏi Mỹ – một đối tác truyền thống của Manila. Trung Quốc và Nga sẽ nhanh chóng nắm bắt cơ hội tiến vào thị trường Phi Luật Tân”, ông Grevatt nói.

Ngoài việc chuyển sang mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, ông Duterte còn nhấn mạnh Phi Luật Tân sẽ không tham gia các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ nhằm tránh những “hành động mang tính thù địch”. “Tôi chỉ muốn tiến hành tuần tra tại hải phận của chúng tôi”, Tổng thống Phi Luật Tân nói.

Trước khi ông Duterte giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Duterte diễn ra hồi tháng Năm, Mỹ và Phi Luật Tân đã cùng tiến hành các cuộc tuần tra chung trên Biển Đông trong năm nay.

Tuy nhiên, các lực lượng vũ trang Phi Luật Tân cho hay mối quan hệ quân sự giữa nước này với Mỹ vẫn “bền chặt” và các hoạt động đã được lên kế hoạch trong năm nay vẫn sẽ diễn ra.

Phản ứng trước tuyên bố chính thức của Tổng thống Duterte về việc yêu cầu quân đội Mỹ rút khỏi đảo Mindanao, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Gary Ross cho biết quan hệ Mỹ – Phi Luật Tân “đã đạt dấu mốc bền vững trong hơn 70 năm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố vấn cho Phi Luật Tân để đưa ra sự hỗ trợ phù hợp như mong muốn của chính quyền mới tại nước này”.

Nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Shen Shishun thì cho rằng động thái ngừng tuần tra chung với Mỹ là dấu hiệu cho thấy ông Duterte có ý định xích lại thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Theo Infonet