Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ ly – kỳ 3: thời gian Lý Tống ở tù và việc gây quỹ

01 Tháng Bảy, 2009 | Kiện tụng

 

Nguyễn Thuyên đầu thập niên 1990 (Hình TVTS) và Lý Tống ở Thái Lan sau vụ không tặc tháng 11 năm 2000 (Hình nhật báo Viễn Đông)

 

Lời giải thích: Trong phần Mở Đầu  của loạt bài tường thuật này, chúng tôi có nhắc đến hai câu nói rất quen thuộc của người xưa “Con kiến kiện củ khoai”“Vô phúc đáo tụng đình”, và coi đây là một kinh nghiệm, một bài học không những cho bản thân chúng tôi mà còn cho những người khác trong tương lai nếu họ phải bị dính vào các vụ kiện tụng.

 

Có bạn đọc thắc mắc, muốn hiểu rõ hơn hai câu nói của người xưa, chúng tôi xin được giải thích căn cứ vào tài liệu sách vở:

 

Con kiến kiện củ khoai: Nói vụ kiện chẳng có ý nghĩa gì. Việc chẳng ra sao mà nó cũng làm đơn kiện, khác nào con kiến kiện củ khoai (xuất xứ:  Từ điển Từ và Ngữ Việt Nam của Giáo sư  Nguyễn Lân. Nhà xuất bản Tổng hợp TP HCM).

 

Vô phúc đáo tụng đình: Đáo: đến;  tụng đình: tòa án). Lời khuyên không nên kiện cáo: Dàn xếp ổn thỏa với nhau, chứ kiện cáo thì vô phúc đáo tụng đình. (Xuất xứ như trên).

 

Hệ thống pháp luật ở Úc có tạo cơ hội cho những người trong nội vụ giải quyết với nhau qua một người trung gian (mediator) để giảm thiểu các chi phí về pháp luật, cho chính phủ cũng như cho những người trong vụ kiện. Bởi vậy có những vụ được giải quyết ngoài tòa. Người Úc khi nói về chuyện kiện tụng có cho rằng cuối cùng luật sư luôn là người thắng.

 

Như chúng tôi đã hứa với độc giả TVTS vào cuối năm 2004 trong một bài tường thuật ngắn về kết quả của vụ xử trước bồi thẩm đoàn, rằng chúng tôi sẽ tiếp tục vụ này đến nơi đến chốn, qua một phiên xử khác trước một quan tòa để biện hộ và sẽ tường thuật sau khi việc kiện tụng đã chấm dứt, nay chúng tôi giữ lời hứa đó!

 

Chúng tôi xin nhắc lại: Mục đích của bài viết này là trình bày sự thật, tường trình những gì đã xảy ra một cách trung thực và công bằng (true and fair report). Bởi vậy, tuy có mặt trong 19 ngày tòa xử để lắng nghe và ghi chép, chúng tôi vẫn sử dụng biên bản của tòa (court transcript) để tham khảo hầu bảo đảm sự chính xác.

 

Và sau cùng nhưng quan trọng hơn cả, sẽ tường thuật phán quyết (Judgement) của quan tòa.

 

Quan tòa đã phán như thế nào trong bản văn dài  94 trang? Mời độc giả theo dõi từ đầu đến cuối loạt bài này.

 

* * *

 

Bây giờ đến lượt hỏi về hai tờ Cung Khai của Nhân Chứng (Witness  Statement) mà ông Phong ký vào ngày 30.10.04 và 15.11.04; cả hai được quan tòa lúc này giải thích cho bồi thẩm đoàn rằng đấy chỉ là những tài liệu được đánh dấu để nhận dạng (MFI – Mark For Identification) chứ chưa được thừa nhận như là bằng chứng trong lúc này.

 

Qua các câu hỏi chéo (tức đối chất) của Luật sư  McHugh của các bị đơn, ông Phong trả lời ông biết bản cung khai mà ông ký sẽ được nguyên đơn cung cấp cho bị đơn với mục đích dùng cho vụ kiện.

 

Bản cung khai đầu là bản cung khai tập thể không do ông Phong viết, nhưng ông có đọc và hài lòng khi ký. Tuy nhiên, hai tuần sau theo yêu cầu của luật sư của nguyên đơn, ông làm lại bản cung khai mới để làm rõ một số vấn đề.

 

Luật sư McHugh yêu cầu ông Phong nhìn vào  Bằng chứng A (Exhibit A), tức là bài báo bằng tiếng Việt trên TVTS  số ra ngày 17.4.02 và ông luật sư đặt một số câu hỏi, được ông Phong trả lời, tóm lược như sau:

 

Ông Phong mua báo đọc bài đầu sau  khi các thành viên trong cộng đồng điện thoại cho ông hay có bài viết nói xấu buổi hội thảo sắp đến. Sau đó ông mua báo khá đều để tìm xem còn viết gì thêm nữa không.

 

Ông Phong nói ông quen biết ông Thuyên ít nhất là từ thập niên 1990 hoặc có thể trước đó nữa và trở nên thân thiết hơn với nguyên đơn khi gần đến ngày hội thảo.

 

Ông Phong trả lời luật sư  của bị đơn rằng ông không bị trát tòa đòi phải ra làm chứng (subpoena) mà ra với tính cách tự nguyện, rằng ông không nghĩ ông ra tòa để giúp ông Thuyên thắng kiện, mà chỉ đến để giúp nói lên sự thật.

 

Ở một đoạn trước, ông Phong nói ông Thuyên không nói với ông Phong ông Thuyên có bằng cử nhân (bachelor degree) mà chỉ nghe người khác nói thôi.  Nhưng khi luật sư McHugh hỏi ông Phong có nghe nói ông Thuyên có bằng cử nhân trước khi có bài báo đầu tiên trên TVTS không,  ông Phong lại nói ông không được kể cho biết, nhưng ông thiết nghĩ ông Thuyên phải có bằng cử nhân để được gọi là Giáo sư.

 

Luật sư McHugh yêu cầu ông Phong xem Bằng chứng B (Exhibit B), tức bản dịch Bằng chứng A, do thông dịch viên của nguyên đơn thực hiện  và ông luật sư  đọc một câu của đoạn 6 bằng tiếng Anh “… people who knew the story called him ‘Cu Bip’ (Cheating Bachelor)” và hỏi ông Phong có thấy không. 

 

Khi ông Phong trả lời vâng,  Luật sư McHugh hỏi: “Có phải điều này ngụ ý rằng Cử Bịp không có văn bằng cử nhân không” thì bị Luật sư Evatt  của bên nguyên lên tiếng phản đối (objection). Ông tòa cũng cho rằng câu hỏi của Luật sư  McHugh không rõ. 

 

Luật sư McHugh  lại hỏi ông Phong có phải khi ông Phong đọc bản tiếng Việt, ông Phong có hiểu rằng hai từ đó (Cử Bịp) trong tiếng Việt ám chỉ rằng người đó không có bằng cử nhân không, thì ông Phong trả lời không, rằng điều đó chỉ ám chỉ người này làm chuyện bịp (cheating), lừa đảo (con) hay làm gì đó lừa gạt (misleading) kẻ khác, những chuyện đại khái như thế.

 

Luật sư lại yêu cầu ông Phong xem đoạn 6 bằng tiếng Anh và yêu cầu ông Phong đọc đoạn tương tự bằng tiếng Việt,  và luật sư hỏi rằng có phải lúc mới đọc bài báo lần đầu, ông Phong đã hiểu rằng đoạn văn tiếng Việt đó có ý diễn tả rằng Cử Bịp có hay không có bằng cử nhân thì ông Phong cho rằng có vẻ ông ấy không có bằng cử nhân.

 

Nhưng vì ông Phong đã trả lời ông biết nguyên đơn có bằng cử nhân nhưng sau đó lại nói nhân vật Cử Bịp trong bài báo có vẻ không có bằng cử nhân, Luật sư  McHugh vặn hỏi: “Có phải là hơi phi lý một chút khi ông nghĩ rằng Cử Bịp là nguyên đơn nếu nguyên đơn có bằng cử nhân trong khi  Cử Bịp lại không có bằng cử nhân”  thì ông Phong trả lời không phi lý bởi khi đọc, ông Phong đọc nguyên cả bản văn chứ không chỉ dựa trên sự kiện đó mà thôi.

 

Luật sư của bị đơn nhiều lần hỏi đi hỏi lại ông Phong câu trên, đại khái Cử Bịp  trong tiếng Việt của bản văn có phải là người không có bằng cử nhân không.

 

Luật sư  McHugh nói và phát âm tiếng Việt các từ  Cử Bịp và Giáo Sư  khá chuẩn như Cu-Bíp, Dao-Xư, có thể do phải nói quá nhiều lần các từ này trong phiên tòa.

 

* * *

 

Đến đây xin mở ngoặc để nói về vai trò của vị quan tòa trong phiên xử gọi là 7A Trial trong đó bồi thẩm đoàn ngồi nghe hai bên trình bày với người trọng tài là ông quan tòa, nhưng phán quyết sẽ không phải là của ông tòa mà của bồi thẩm đoàn, dựa trên số phiếu nhất trí. 

 

Và nếu bồi thẩm đoàn không thể đồng ý với nhau sau 4 giờ nghị luận, sẽ dựa vào đa số quá bán (a majority vote) đối với một vụ kiện dân sự.

 

Đôi lúc các luật sư hai bên tranh cãi với nhau một số vấn đề mà quan tòa không muốn bồi thẩm đoàn nghe thì, hoặc quan tòa bảo khoan nói hoặc mời bồi thẩm đoàn tạm lui nghỉ (vào bên trong phòng khác) để hai bên chỉ tranh cãi trước vị quan tòa mà thôi.

 

* * *

 

Luật sư  McHugh tiếp tục chất vấn chéo (đối chứng) xem có phải nguyên đơn chưa bao giờ dạy ở đại học và hỏi ông Phong rằng khi nguyên đơn được gọi là giáo sư, điều đó có nghĩa ông ta là một teacher (giáo viên) có bằng đại học, ông Phong trả lời đúng.

 

Và khi hỏi cũng có thể rằng ông ấy là một high school teacher (giáo viên trung học) nhưng vẫn dùng that name (cái tên đó)  và được ông Phong trả lời đúng, thì Luật sư  McHugh hỏi tiếp: “That title (chức vụ đó), giáo sư?  và ông Phong trả lời: “Vâng, đúng vậy”, thì Luật sư  Evatt của nguyên đơn phản đối ngay, hỏi tòa rằng có phải nhân chứng đã bị sử dụng như là một phiên dịch viên không.

 

Ông quan tòa giải thích một người thông thạo cả hai thứ tiếng là một chuyên gia cho mục đích nói lên các từ có nghĩa như thế nào trong một ngôn ngữ khác. 

 

Sau khi quan tòa và luật sư  Evatt trao đổi qua lại với nhau, cuối cùng ông tòa bác bỏ lời phản đối và phán rằng bằng chứng vẫn có giá trị.

 

Luật sư  McHugh bước qua vấn đề hai bản cung khai của nhân chứng Nguyễn Thế Phong và sự khác biệt giữa hai bản cung khai của ông Phong.

 

Trong bản đầu, ông Phong  khai một buổi hội thảo chính trị được dự trù diễn ra tại Melbourne vào tháng 3 năm 2002, nhưng qua bản sau lại khai diễn ra vào ngày 21.4.2002.  Luật sư McHugh hỏi có phải bản đầu sai và có phải ông Phong được yêu cầu sửa lại không, thì ông Phong cho rằng những gì nói trong bản cung khai đầu sai nhưng không ai yêu cầu sửa lại, mà sau đó nhớ lại thấy sai nên sửa chữa lại.

 

Luật sư  McHugh  hỏi ông Phong có biết rằng bài báo TVTS phát hành ngày 17.4.02 và có phải ông Phong thay đổi ngày tháng trong hai bản cung khai để bảo đảm cuộc hội thảo xảy ra sau bài báo không,  bởi vì nếu xảy ra trong tháng 3 thì lại trước ngày bài báo phát hành,  mà trong bài báo lại viết rằng trong buổi hội thảo đó một Giáo sư sẽ được mời.

 

Về câu hỏi này, ông Phong giải thích  rằng tháng 3  là tháng ông ra thông cáo để chuẩn bị trước cả tháng, nhưng sau bài báo đó, buổi hội thảo mới diễn ra vào tháng 4.

 

Luật sư  McHugh  nói trong lời chứng vừa rồi vào ngày hôm nay, ông Phong nói tất cả những người được mời tới nói về đề tài chống cộng, nhưng có phải trong bản cung khai thứ hai ông Phong viết  nguyên đơn là người duy nhất được mời để nói về vấn đề này không, tức là đề tài chống cộng.

 

Ông Phong nói đáng lẽ ông phải viết ra rõ hơn nguyên đơn nói về đề tài gì vì có 3 đề tài về những người cộng sản.

 

Trong lúc chất vấn chéo, Luật sư McHugh  khen tiếng Anh của ông Phong tuyệt vời nhưng ông Phong nói không dám tự nhận như thế.

 

Luật sư McHugh lại tiếp tục nói về bản cung khai thứ hai trong đó ông Phong nói “đề tài này” có phải là ông Phong muốn nói rõ ràng rằng đề tài đó là chống cộng không, và ông Phong có chịu nhận nói như  thế là sai không, thì ông Phong đồng ý.

 

* * *

 

Về Lý Tống và việc gây quỹ ủng hộ Lý Tống

 

Nói về việc nguyên đơn bán sách, Luật sư McHugh yêu cầu ông Phong xem Bằng chứng D (Exhibit D), bản dịch bài báo thứ hai ngày 5.6.02  ở trong đoạn 22 và 23  trong đó có câu  “nửa số tiền sách bán được của nguyên đơn sẽ được tặng cho ủy ban thăm nuôi và hỗ trợ Lý Tống”.

 

Luật sư McHugh hỏi ông Phong có phải những gì nói trong bài viết khác với sự hiểu biết của ông Phong,  là tất cả số tiền bán được đều tặng cho Lý Tống không, thì ông Phong nói đúng.

 

Bây giờ nói sang chuyện Lý Tống, một người mà ông Phong khi làm chứng cho là một vị anh hùng trong cộng đồng Việt Nam.

 

Luật sư  McHugh hỏi có phải Lý Tống là người đã từng không tặc các máy bay 2 lần để bay sang Việt Nam không nhưng ông Phong trả lời rằng một lần ở Cuba và một lần ở Việt Nam.

 

Luật sư  McHugh có vẻ hơi ngạc nhiên với câu trả lời của ông Phong, nên hỏi lại có phải có hai vụ không tặc ở hai nước khác nhau không và ông Phong xác nhận ở hai nước.

 

Luật sư hỏi, khi không tặc, Lý Tống có sử dụng đến bạo động không.  Bây giờ ông Phong mới xin nói lại cho rõ, rằng vụ đầu tiên không phải là không tặc mà ông Lý Tống thuê phi cơ  bay sang Cuba, rằng ông Lý Tống chỉ không tăc một lần mà thôi đó là vụ ở Thái Lan để thả truyền đơn trong đó ông Lý Tống không dùng vũ khí, không làm hại viên phi công.

 

Luật sư  hỏi ông Phong tiếp rằng ông có biết Lý Tống có ở tù không trong khoảng thời gian  năm 1998 và tháng 11 năm 2000,  nhưng ông Phong hỏi ngược lại ở tù tại chỗ nào. 

 

Luật sư  nói ở tù bất cứ chỗ nào cũng được, miễn là do hậu quả của các chuyến bay trong thời gian từ năm 1988 đến tháng 11 năm 2000.

 

Lúc này ông Phong  nói trong chuyến bay đầu tiên ông bay sang Cuba trở về được người Mỹ hoan nghênh khi ông ta diễn hành trên đường phố Hoa Kỳ khiến luật sư nói rằng ông chỉ muốn hỏi ông Phong về ngày tháng và xin trả lời trong phạm vi câu hỏi.

 

Ông Phong nói nếu luật sư hỏi ông về chuyện ở tù thì ông biết rằng ông Lý Tống bị bỏ tù trong năm 1998 và khoảng đâu đó, nhưng rõ ràng sau đó ông bị bỏ tù ở Thái Lan nhưng ông không rõ chính xác về thời gian.

 

Bây giờ  Luật sư  McHugh nói với ông Phong là ông gợi ý (suggest) rằng vào tháng 2 năm 2000 Lý Tống ở trong tù,  ông Phong có biết hay không biết, thì ông Phong trả lời rằng ông không biết.

 

Luật sư hỏi lại, trong bản cung khai ông Phong nói rằng vào tháng 2 năm 2000 ông được cho biết có một buổi gây quỹ cho Lý Tống và luật sư gợi ý với ông Phong rằng sẽ không có một buổi gây quỹ nếu ông Lý Tống không ở trong tù, thì ông Phong lại đồng ý.

 

Nhưng khi luật sư hỏi ông Phong có đồng ý rằng thời gian tháng 2 năm 2000 sẽ sai nếu ông Lý Tống không ở trong tù thì ông Phong nói “vâng, sẽ sai, nhưng ông Lý Tống đang ở trong tù lúc đó”.

 

Luật sư hỏi ông Phong có đồng ý có thể thời gian tháng 2 năm 2000 ghi trong tờ cung khai là sai, nhưng ông Phong nói ông không nghĩ thế, vì khi ông viết xuống, ông nhớ rất rõ.

 

* * *

 

Ghi chú của người viết:  Tháng 2 năm 2000, Lý Tống đang ở đâu đó tại Mỹ hay đi thăm các nơi có người Việt định cư  sau khi được nhà nước Việt Nam trả tự do cho ông vào khoảng năm  1998, nói cách khác, ông Lý Tống không ở tù trong thời gian đó.

 

Ngày 4.9.1992,  ông Lý Tống  cưỡng bách một chiếc phi cơ của Hàng Không Việt Nam bay thấp xuống bầu trời Sài Gòn thả truyền đơn và nhảy dù, nhưng bị bắt và bị giam tù nhiều năm trời.

 

Lý do luật sư McHugh hỏi đi hỏi lại sự kiện tháng 2 năm 2000 vì trong tờ cung khai, ông Phong  khai: “Vào tháng 2 năm 2000, tôi được cho biết có một cuộc gây quỹ tổ chức ở Sydney và giá cuốn sách được bán ở trong buổi gây quỹ này là $40, và tiền kiếm được từ  việc bán cuốn sách này sẽ được dùng để giúp đỡ Lý Tống”.

 

Lý Tống chỉ vào tù lần thứ hai tại Thái Lan, khi ông ta bị buộc tội không tặc vào tháng 11 năm 2000,  bởi cáo buộc ép viên phi công Thái bay sang Sài Gòn thả truyền đơn nhân dịp Tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam.

 

Khi làm chứng ông Phong có nói Lý Tống không tặc hai lần, ở Cuba và Thái Lan, nhưng sau đó nói chỉ có một lần ở Thái Lan.

 

Thật ra, vụ không tặc đầu tiên của Lý Tống xảy ra năm 1992 tại Việt Nam mới là vụ nổi tiếng nhất, nhưng ông Phong lại không biết hoặc không nhớ khi ra làm chứng.

 

* * *

 

Về việc trong bản cung khai đầu tiên ông Phong nói nguyên đơn dọn lên tiểu bang New South Wales từ  năm 2001 đến 2004, nhưng qua bản cung khai thứ hai, lại nói từ 2001 đến 2002, Luật sư McHugh hỏi có ai yêu cầu ông làm lại nhưng thế không và ông Phong trả lời không.

 

Theo ông Phong, bản cung khai đầu là khai tập thể, nhưng sau đó ông nghĩ  lại và thấy cần phải sửa lại cho đúng hơn.

 

Trở lại nhân vật Cử Bịp được viết trong cả hai bài báo, luật sư hỏi ông Phong những điều nói trong đó không phải là những điều mà ông Phong nghĩ nguyên đơn đã làm cũng như ngạc nhiên khi nghe đến,  vậy thì ông cũng có thể nghi ngờ nhân vật đó không phải là nguyên đơn chứ,  nhưng ông Phong nhất định cho rằng ông không có một chút nghi ngờ hai bài viết đã ám chỉ ai.

 

Luật sư lại hỏi, căn cứ vào vài đề tài từ hồi nãy đến giờ, như ngày tháng, văn bằng, chuyện bán sách,  ông muốn gợi ý với ông Phong rằng sẽ không hợp lý để ông Phong nhận diện  nguyên đơn như là nhân vật được mô tả là Cử Bịp chiếu theo sự  trái ngược giữa những gì ông đã biết và những gì trong các bài báo, nhưng ông Phong nói ông chẳng bao giờ nghi ngờ đấy là sự ám chỉ nguyên đơn.

 

Luật sư  McHugh nói một điều cuối cùng rằng  ông muốn hỏi ông Phong là trong bài báo thứ hai,  một trong những lý do làm ông Phong nghĩ đến nguyên đơn bởi vì không có một ai khác viết cuốn sách có tên “Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh” như ông  Phong đã trả lời cho Luật sư  Evatt trước đây, nhưng trong thực tế, tựa cuốn sách đã không được nhắc tới trong bài báo, vậy thì khi mới bắt đầu đọc bài báo, ông Phong không thể nghĩ tựa của cuốn sách đã được nhắc tới trong bài báo,  nhưng ông Phong nói bài viết đã nói về tác giả, về nhân vật Cử Bịp, dùng từ ngữ, giá cả cuốn sách và mặc dầu không thật sự nói đến tựa cuốn sách, những ai từng theo dõi sinh hoạt cộng đồng, theo dõi tạp chí Việt ngữ (the Vietnamese magazine), những gì đã được viết và nói trước đây, về người được gọi là Giáo sư,  sẽ biết muốn ám chỉ ai.

 

Luật sư McHugh nói ông không còn gì để hỏi nhân chứng. 

 

Luật sư  Evatt của nguyên đơn tái thẩm vấn (re-examine) bằng cách hỏi ông Phong rằng ông chưa nghe ông Phong nói đấy là cuốn sách duy nhất bán nhân danh Lý Tống, và như thế có giúp cho ông Phong nhận diện được nhân chứng không?

 

Luật sư McHugh phản đối cho rằng vấn đề này chưa xuất hiện (arise) và quan tòa nói đó là lối dẫn dụ (leading) nên ông quan tòa không công nhận (disallow) câu hỏi đó của luật sư bên nguyên đơn.

 

Nhân chứng Nguyễn Thế Phong được phép ra về. Và sau đó phiên tòa ngày đầu tiên chấm dứt khoảng 4 giờ chiều.

 

Lần tới: Tường thuật việc làm chứng của chuyên viên dịch thuật.