Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 5: tranh luận tiếp việc dịch một số từ ngữ

14 Tháng Bảy, 2009 | Kiện tụng

 

 

Cử Bịp, Đại Bịp, Tay giáo sư đại bịp, Cóp nhặt của người khác: cách dịch của thông dịch viên nguyên đơn (màu đỏ) và đề nghị của luật sư bị đơn (đen)

 

Chuyên viên dịch thuật làm chứng (tiếp theo)

 

Bây giờ luật sư yêu cầu ông Xuong Dich Âu xem lại bản dịch ở đọan 6 với từ  đại bịp mà ông Âu dịch là blatant fraudster (người viết tạm dịch tay lường gạt trắng trợn) từ câu tiếng Việt  “Theo ông, tay đại bịp này” và hỏi chữ  đại bịp này có phải cùng là một chữ y hệt với những chữ mà ông đã dịch thành  the worst kind of fraudster không, ông Âu trả lời vâng.

 

Luật sư hỏi có phải ông Âu dịch chữ  đại  thành blatant  không, ông Âu nói vâng và luật sư hỏi tiếp có phải ông Âu muốn nói  blatant cũng có nghĩa như the worst kind of  không thì ông Âu trả lời không.

 

Nhưng luật sư nói đó cùng là một từ trong tiếng Việt mà ông Âu đã dịch, ông Âu trả lời không phải cùng một từ  mà hoàn toàn khác nhau.

 

Luật sư hỏi ông Âu vậy từ nào trong tiếng Việt ông đã dịch thành  blatant, ông Âu nói  đại. Hỏi thêm vậy từ nào trong tiếng Việt ông Âu dịch thành the worst kind of,  ông Âu nói đại.

 

Luật sư hỏi đấy cùng là một chữ  (the same word) trong tiếng Việt với hai cách dịch ra tiếng Anh phải không, thì ông Âu nói đúng như thế.  Và ông Âu cũng đồng ý với luật sư rằng hai cụm từ trong tiếng Anh lại khác nhau, the worst kind of  không cùng nghĩa với blatant.

 

Quan tòa nói ông không rõ hai bên (luật sư và nhân chứng) cùng nghĩ như nhau về ý nghĩa của câu trích dẫn  “the same word” hay không, bởi vì theo ông tòa, cùng một âm (sound) không hẳn luôn luôn cùng một chữ (the same word),  thí dụ như chữ “pair”.

 

Luật sư McHugh cám ơn quan tòa và đề nghị đưa cho ông Âu  cây bút chì và yêu cầu ông Âu theo dõi và khoanh tròn cũng như đánh dấu vào các từ tiếng Việt và từ được dịch ra tiếng Anh.

 

Luật sư yêu cầu ông Âu nhìn vào đoạn 5  (mời vị “giáo sư” kia mà ông biết rõ là một tay đại bịp) và khoanh hai từ  đại bịp cuối cùng và hỏi đó có phải là những từ mà ông Âu đã dịch thành the worst kind of fraudster không.

 

Luật sư yêu cầu lần xem xuống phía dưới nữa, ở giòng (Theo ông, tay đại bịp này còn cao cơ hơn cả anh em Văn Thuổng, Văn Chôm trong phóng sự Công Ngủ Phiêu Du Ký của Sáu Lèo đăng trên TVTS trước đây) để khoanh tròn các chữ  đại bịp mà ông Âu đã dịch thành blatant  fraudster và sau đó yêu cầu ông Âu ghi số  2 vào các chữ được dịch thành  blatant fraudster và số 1  vào các chữ ông dịch là worst kind of.

 

Bây giờ luật sư hỏi mấy chữ mà ông Âu vừa khoanh tròn có phải cùng là những chữ trong tiếng Việt, không khác nhau trong tiếng Việt phải không, ông Âu nói đúng.

 

Luật sư  McHugh thưa quan tòa luật sư nghĩ đã làm sáng tỏ vấn đề mà quan tòa nêu lên, nhưng quan tòa cũng không chắc như thế, cho rằng trong tiếng Anh, một chữ/từ  có cùng một phát âm, cùng một cách đánh vần nhưng có thể có hai nghĩa hoàn toàn khác nhau bởi thế nói đó cùng là một từ hay không cùng một từ là không rõ ràng.

 

Luật sư  McHugh lại cám ơn sự góp ý của quan tòa và cho rằng ông đã làm sáng tỏ rồi.

 

Khi luật sư tiếp tục yêu cầu ông Âu hãy nhìn vào và nói chưa hết lời nhưng bị  ông Âu ngắt lời và hỏi luật sư có phải vấn đề mà luật sư muốn nêu lên ở đây là tại sao cùng một từ Việt ngữ mà ông Âu đã dùng hai cách dịch khác nhau không, thì luật sư lại ngắt lời ông Âu và nói với ông Âu rằng ông Âu không phải là người đặt câu hỏi mà chính luật sư là người đặt câu hỏi,  ông Âu liền nói “sorry”.

 

Luật sư hỏi lại, rằng cụm từ  đại bịp mà ông Âu đã khoanh tròn trong bản tiếng Việt có phải chúng cùng một từ, không những chỉ có cùng một âm, một cách đánh vần, mà cùng một từ tiếng Việt, ông Âu xác nhận the same words. Nghe vậy Luật sư  McHugh thưa với quan tòa rằng cuối cùng ông đã có thể làm sáng tỏ vấn đề rồi.

 

Tiếp đến, luật sư mời ông Âu nhìn xuống đoạn  6 bản dịch, nhích xuống vài hàng với câu bắt đầu  “As for this blatant fraudster professor” và hỏi có phải blatant fraudster  đại bịp không và như đã nói trước đây, chúng có phải  là những từ giống nhau không (the sames words) không,  thì đã được trả lời có.

 

Bây giờ luật sư  McHugh yêu cầu ông Âu xem Bằng chứng D, tức bản dịch Anh ngữ bài báo thứ hai, đoạn 22, câu thứ ba bắt đầu “So, thousands of his book  – with content pilfered and copied  from other people’s books,  piled up in a corner of his garage” và vân vân (nguyên văn tiếng Việt: Thế là cả ngàn cuốn sách với nội dung chôm chỉa, cóp nhặt của người khác, quăng trong một góc “ga-ra”).

 

Đây là vấn đề mà Luật sư McHugh đã nói với quan tòa trong ngày đầu khi giới thiệu bồi thẩm đoàn, bởi vì dịch thành số nhiều chữ  books  của cụm từ  những cuốn sách mà trong nguyên bản không có. Đây là đề tài mà Luật sư McHugh muốn tranh cãi liên quan đến bản dịch.

 

Luật sư hỏi ông Âu có thấy từ  books trong câu “from other people’s books” không, và hỏi ông đã dịch từ nào trong tiếng Việt thành từ books, ông Âu nói không có từ đó và đấy là một từ mà ông đặt để vào!

 

Ông Âu giải thích mặc dầu không có từ tiếng Việt đó, nhưng ông phải lưu ý đến ý nghĩa của văn bản tiếng Việt  và đồng thời của cấu trúc văn phạm tiếng Anh để thêm vào, thêm từ “books” để làm cho có ý nghĩa (to make sense).

 

Việc ông Âu dịch cụm từ   của người khác thành other people’s cũng là vấn đề bởi trong khi ông Âu muốn cho rằng của người khác  là số nhiều trong tiếng Việt và như vậy dịch ra tiếng Anh phải là other people’s,  luật sư  McHugh đề nghị dịch là somebody else.

 

Ban đầu khi hỏi  người khác có nghĩa là somebody else  như trong tiếng Anh không, ông Âu đồng ý; hỏi trong tiếng Việt, người khác có thể hiểu là số ít hay số nhiều, ông Âu cũng đồng ý.

 

Và luật sư nói tiếp, vậy thì nó có thể có nghĩa là somebody else, nhưng đến đây ông Âu nói nó phải được hiểu là số nhiều, chỉ có số nhiều mà thôi bởi vì nếu là số ít, ông phải thêm từ  một  trong tiếng Việt có nghĩa là one  trước từ  người khácmột người khác.

 

Luật sư lại đề nghị ông Âu có thể dịch tiếng Việt đang có trước mặt ông thành somebody else’s  được không, nhưng ông Âu cho rằng chỉ có thể dịch with content pilfered and copied from other people’books hay nếu không muốn từ books thì có thể dịch from other people,  nhưng mà như thế thì tiếng Anh không chỉnh về mặt văn phạm.

 

Luật sư  McHugh nói  copied from somebody else  không phải là thứ tiếng Anh hay ho thì hóa ra ông Âu nghĩ đấy là tiếng Anh tồi tệ sao, ông Âu nói ông chỉ chấp nhận đó là tiếng Anh nói chứ không phải tiếng Anh viết.

 

Luật sư hỏi ông Âu có nghĩ viết  copied from somebody else  bad English thì ông Âu trả lời vâng.

 

Luật sư muốn đề nghị với ông Âu rằng quan niệm như thế là sai, nhưng ông Âu muốn biết lý do tại sao sai.

 

Luật sư  McHugh bèn trả lời: “Bởi vì tôi là người sinh ra và lớn lên đã nói tiếng Anh”.

 

Ông Âu cũng không vừa, cho rằng ông đồng ý như thế nhưng  dẫu sao ông Âu nghĩ rằng văn phạm của ông (Âu) không tệ hơn  Luật sư McHugh.

 

Luật sư  McHugh nói ông không có ý chỉ trích văn phạm của ông Âu mà chỉ cố gắng hiểu ông Âu đang nói gì.

 

Sự tranh cãi về văn phạm, cú pháp và cách dùng tiếng Anh vẫn tiếp tục giữa một luật sư  tiếng mẹ đẻ là Anh ngữ và một thông dịch viên tiếng mẹ đẻ là Việt ngữ.

 

Khi ông Âu nói người ta không thể chôm chỉa nội dung của một người khác được (how could you pilfer the content of somebody else or someone?)  thì  luật sư đề nghị dịch pilfered from” – “from other people chẳng hạn, và hỏi như thế đấy là tiếng Anh giỏi hoặc tiếng Anh tồi? 

 

Nhưng ông Âu hỏi vậy thì đâu là túc từ (object) của pilfered. Luật sư nói ông Âu vừa cho luật sư biết không có từ  “books” trong bản văn tiếng Việt mà, vậy thì đâu là túc từ?

 

Ông Âu nói không có túc từ, nhưng luật sư nên biết văn phạm Việt ngữ khác Anh ngữ, không chặt chẽ như trong tiếng Anh. Có rất nhiều quy tắc khác về văn phạm không áp dụng trong tiếng Việt. “Vì thế, trong tiếng Việt chúng tôi có thể nói một điều gì đó không đúng về mặt văn phạm như trong tiếng Anh, nhưng chúng tôi nói, chúng tôi dùng, bởi đó là ngôn ngữ của chúng tôi, và đúng là cái lối như thế”,  ông Âu nói.

 

Đến đây luật sư muốn làm sáng tỏ bằng cách đặt câu hỏi có phải ông Âu muốn nói rằng tiếng Việt không chính xác (precise) như tiếng Anh không, thì  ông Âu nói ông không muốn nói như thế, mà chỉ cho rằng quy tắc văn phạm (tiếng Việt) không nghiêm nhặt bằng tiếng Anh, chứ ông nghĩ mỗi ngôn ngữ có cái hay và cái dở của nó.

 

Luật sư muốn hỏi ông Âu có phải khi ông đọc tiếng Việt ông hiểu một cách chính xác  và rồi dịch ra một cách chính xác phải không, ông Âu tái xác nhận ông không dùng thuật ngữ tuyệt đối “precisely” kia, bởi ngôn ngữ chẳng bao giờ là một khoa học chính xác cả, như toán học;  ngôn ngữ là nghệ thuật, vì thế hãy  nói về nghệ thuật, nó không có thể là tuyệt đối bao giờ được.

 

Luật sư  McHugh cho rằng nói như thế thì ông Âu muốn dịch sao cũng được bởi vì ông vừa cho rằng ngôn ngữ là nghệ thuật. Luật sư hỏi bởi ông Âu nói về nghệ thuật và vì thế khi ông Âu  diễn dịch thì đó là sự diễn dịch của ông, vậy thì có phải  từ  books không có trong bản tiếng Việt nhưng ông thêm vào trong bản tiếng Anh như là một sự diễn dịch của cá nhân ông, ông Âu trả lời: yes.

 

* * *

Bây giờ qua bản tường trình (report) ngày 25.11.2004  của phiên dịch viên.  Luật sư Evatt của nguyên đơn đứng lên xin tòa để hỏi nhân chứng  rằng có phải cuối tuần vừa qua ông Âu có thảo luận với thông dịch viên của các bị đơn về bản dịch không, và khi ông Âu nói có, Luật sư Evatt xin cám ơn quan tòa vì ông chỉ muốn hỏi từng ấy thôi.

 

Quan tòa hỏi luật sư McHugh có điều gì đáng nêu lên qua chuyện này không, thì luật sư McHugh thưa có, và ông đứng dậy tiếp tục cuộc đối chất (chất vấn chéo) với nhân chứng của nguyên đơn.

 

Luật sư McHugh hỏi có phải trong buổi nói chuyện đó ông Âu đã có thay đổi quan điểm về một vài vấn đề không, như có một vài vấn đề dịch không chính xác, ông Âu trả lời rằng luôn luôn có các bản dịch từ các phiên dịch viên khác nhau không giống nhau. Như trong buổi nói chuyện hôm Thứ Sáu vừa qua với phiên dịch viên của nguyên đơn, ông Tôn Thất (tức Tôn Thất Quỳnh Du, ghi chú của người viết)  đồng ý 3 điểm trong 13 điểm.

 

Luật sư  McHugh nhắc nhở rằng ông muốn biết những gì ông Âu thay đổi chứ không phải những thay đổi của ông Tôn Thất.

 

Luật sư nói có phải ông Âu đồng ý một vài điều trong bản dịch của ông Tôn Thất là thích hợp và chính xác không, ông Âu trả lời ông chỉ đồng ý 2 điểm mà thôi và khi ông Âu nói ông lấy làm tiếc 11 điểm kia là hoàn toàn sai, luật sư nhắc lại rằng ông chỉ muốn biết ông Âu có thay đổi vài vấn đề không,  ông Âu lại nói ông lấy làm tiếc, khiến quan tòa yêu cầu ông Âu hãy đợi, lắng nghe câu hỏi đã.

 

Luật sư  McHugh hỏi có phải ông đã đổi ý vài điều và có những điều khác ông cương quyết giữ lập trường không, ông Âu lại nói ông đã thay đổi  2 điểm và giữ 11 điểm khác trong bản dịch, vì chúng đều hoàn toàn đúng và ông rất tự hào về điều này.

 

Luật sư  McHugh nói chẳng ai nghi ngờ ông Âu tự hào về điều đó. Nhưng ông Âu lặp lại rằng ông rất tự hào và nói luật sư  có thể hỏi bất cứ phiên dịch viên nào!

 

Luật sư  lại hỏi trong số 11 điểm mà ông Âu nói ông duy trì, có phải có việc dịch các từ   blatant fraudster, professor, worst kind of fraudster    từ books không, ông Âu trả lời có. Luật sư  McHugh cám ơn ông Âu.

 

Đến đây, buổi làm chứng của chuyên gia phiên dịch Xuong Dich Âu  chấm dứt. Sau đó là buổi làm chứng của nguyên đơn trong vụ kiện: Nguyễn Thuyên. Thông dịch viên của ông ta là bà  Bùi Kim Chi.

 

Lúc này gần trưa của phiên tòa này thứ hai.

 

Kỳ tới: Chất vấn và đối chất với nguyên đơn Nguyễn Thuyên.