Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 9: Bà Lương Minh Hương làm chứng (tt)

02 Tháng Chín, 2009 | Kiện tụng

 

Một góc trường Hưng Đạo, hình trích từ cuốn “Những Tháng Ngày Khó Quên”  của ông Nguyễn Ngọc Minh, cựu hiệu trưởng trường tư thục Hưng Đạo từ 1969-1973

 

Về buổi hội thảo chính trị ở Melbourne

 

Luật sư  McHugh nhắc lại việc bà Lương Minh Hương đã làm chứng rằng có cuộc hội thảo chính trị được tổ chức vào tháng 3 hay tháng 4.  

 

Vì bà Hương chỉ nói tháng 3 hay tháng 4, Luật sư McHugh muốn bà nói rõ hơn, chính xác hơn thế nữa. Có lúc Luật sư  McHugh yêu cầu bà Hương chớ nhìn vào các bản cung khai (witness statements) trước mặt bà bởi ông muốn bà cố gắng nhớ lại để xem khi bà soạn thảo các bản cung khai này, bà đã có thể  nhớ chính xác ngày nào đó hơn là chỉ nói tháng 3 hay tháng 4.

 

Luật sư Evatt của nguyên đơn hỏi tại sao bà ta không nên nhìn vào cái đó (tức bản cung khai) nhưng ông quan tòa trả lời rằng hỏi cách đó cũng là chính đáng, hợp lý thôi.

 

Nhưng bà Hương vẫn trả lời tháng 3 hay tháng 4.

 

Luật sư  McHugh lại hỏi bà chẳng lẽ bà chỉ đủ khả năng để nhớ chừng đó thôi thì bà Hương trả lời: “Xin đợi, có phải 21 tháng 4 không nhỉ”.

 

Luật sư  McHugh hỏi làm sao bà Hương nhớ được cái ngày đó và muốn biết bà có đi dự buổi hội thảo đó không. Bà Hương nói bà ở Sydney, không đi dự buổi hội thảo đó (ở Melbourne) nhưng biết được qua thông cáo (community notice) trên báo chí sắc tộc.

 

Hỏi làm sao đã 2 năm sau mà bà còn nhớ được chính xác cái ngày 21 tháng 4 đó,  bà Hương nói nhờ hai cái bản cung khai mà luật sư McHugh vừa đưa cho bà, và bà vừa mới đọc ngay lúc này đây.

 

Bây giờ Luật sư yêu cầu bà Hương nhìn vào bản cung khai thứ hai, ở đoạn 6 trong đó có mấy chữ “21 tháng 4 năm 2002”.

 

Qua những câu hỏi của luật sư  bị đơn, tòa được nghe rằng bà Hương nói tờ cung khai cá nhân do bà soạn bằng tiếng Việt có ghi ngày tháng đó (tức 21 tháng 4). Bà Hương nhớ chính xác ngày tháng đó vì nhờ đọc cái thông cáo đăng trên báo chí.

 

Hỏi làm sao khi soạn bản cung khai bằng tiếng Việt vào năm 2004 và bà không có cái thông cáo đó trong tay mà bà có thể nhớ được chính xác ngày 21 tháng 4, bà Hương nói nhờ bà có trí nhớ tốt.

 

Luật sư  hỏi có phải bà có một trí nhớ tốt mặc dầu trong lời chứng khi chất vấn (evidence in chief) bà đã nói tháng 3 hay tháng 4 và đã không thể nhớ chính xác lúc nào, bà Hương trả lời: “Đúng thế”.

 

Vì bà Hương nói luật sư (của nguyên đơn) đã không giúp bà nhớ lại cái ngày 21 tháng 4 như  Luật sư  McHugh gợi ý,  rằng bà không gặp ông luật sư (của nguyên đơn) cho đến ngày ông ấy mang bản dịch tiếng Anh tờ cung khai cá nhân cho bà ký, Luật sư  McHugh lại hỏi có chắc bà Hương có ghi ngày 21 tháng 4 vào tờ cung khai bằng tiếng Việt không.  Và khi bà Hương xác nhận có, Luật sư  McHugh yêu cầu bà Hương cho ông bản sao, thì bà Hương nói bà để ở nhà, sáng mai sẽ fax hay đưa cho ông.

 

Trong lúc đối chất, bà Lâm Minh Hương cho biết bà đọc hai bài viết trên báo TVTS từ đầu đến cuối, rằng bà tìm đọc chứ không có do ai khác chỉ cho bà đọc.

 

Hỏi bà quen nguyên đơn đã bao lâu, bà Hương nói đã 32 năm.

 

Hỏi có phải khi bà gởi bản cung khai (statement) hay bài viết (article) cho tờ báo Việt ngữ có phải bà muốn giúp nguyên đơn thắng không, bà Hương nói thật sự không phải giúp mà vì bà cảm thấy (người ta) làm như vậy là sai, nên bà lên tiếng, chỉ vậy thôi.

 

Sau đó luật sư lại hỏi có phải chắc chắn là bà không muốn làm hại nguyên đơn khi bà gởi bài viết (article) cho tờ báo không, bà Hương hỏi lại rằng có phải ý luật sư muốn nói “tôi đã không muốn làm hại ông ấy” không, và khi luật sư nói “đúng thế”, bà Hương trả lời bà không muốn làm hại ông ấy.

 

Rồi luật sư đặt câu hỏi bằng cách đề nghị rằng có phải bà Hương muốn nguyên đơn thắng trong vụ kiện này không hay là bà chẳng cần biết ông ta thắng thay thua, bà Hương nói bà thích ông ta thắng.

 

Vì bà Hương nói ông Nguyễn Thuyên là “Giáo sư”, là hiệu trưởng của trường mà bà dạy ở Việt Nam, là người hiệu trưởng duy nhất của hai trường trung học, Luật sư McHugh hỏi vậy bà có biết ai tên  Nguyễn Ngọc Minh là giáo viên (teacher) tại một trong hai trường đó không, bà Hương nói làm sao bà nhớ được chuyện cả 32 năm qua.

 

Bà Hương nói bà không nhớ, rằng “Thật tình mà nói, tôi không nhớ cả ngày sinh của mẹ tôi, chỉ nhớ ngày bà ấy chết”.

 

* * *

 

Mở ngoặc của người viết: Căn cứ vào một số tài liệu, nhân vật Nguyễn Ngọc Minh mà Luật sư McHugh vừa nói là ông Nguyễn Ngọc Minh, hiệu trưởng của trường Hưng Đạo từ năm 1969 đến 1973. Ông Nguyễn Ngọc Minh hiện đang sống ở Mỹ. 

 

Ở Huế thời đó nhiều người được nghe danh ông Nguyễn Ngọc Minh bởi ông là hiệu trưởng của trường tư thục Hưng Đạo trong thời gian vừa nói trên.

 

Đặc biệt hơn nữa, ông Nguyễn Ngọc Minh là một trong vài người tốt nghiệp cử nhân khóa đầu tiên của trường Đại học Khoa học, thuộc Viện Đại học Huế.

 

Trong cuốn  Viện Đại Học HuếSinh Viên Tốt Nghiệp” ghi tên các sinh viên tốt nghiệp các phân khoa Khoa Học, Luật Khoa, Sư  Phạm, Văn Khoa và Y Khoa từ năm 1961 đến năm 1972  do Viện trưởng Lê Thanh Minh Châu ký ngày  5.3.1973,  người viết (tức Nguyễn Hồng Anh) thấy chỉ có tên 4 người tốt nghiệp Đại học Khoa học năm 1961, trong đó ghi, nguyên văn: “3. Nguyễn Ngọc Minh, Hiệu trưởng Trường Hưng Đạo Huế”. 

 

Cho đến năm 1972,  Đại học Khoa học Huế chỉ đào tạo  được 194 người tốt nghiệp cử nhân mà thôi. Người viết hiện có giữ bản gốc tập danh sách này.

 

Ra hải ngoại,  ông Nguyễn Ngọc Minh có phát hành hai cuốn kỷ yếu có tựa “Những Tháng Ngày Khó Quên”  và “Nòi Giống Hồng Lạc” trong đó đăng những hình ảnh sinh hoạt của trường Hưng Đạo trong thời gian từ năm 1969 đến 1973.

 

– Trong cuốn “Những Tháng Ngày Khó Quên” ở  trang 74 có chụp bức hình những người đang ngồi trong bàn tiệc với chú thích: “Bàn thảo để Tư thục HƯNG ĐẠO  ra đời. Từ trái qua phải: Trịnh Công Sơn, Đặng Ngọc Vinh, Tôn Thất Văn, Châu Trọng Ngô, Âu Đức Tài, Nguyễn Thuyên, Bửu Ý, Nguyễn Đình Hiển, Nguyễn Ngọc Minh”.

 

– Trang 75 chụp một tòa nhà với bảng hiệu trên cửa tầng trệt có hai chữ “Hưng Đạo” đứng trước là một người đàn ông tay phải ôm một em bé tay trái chỉ về phía trước, với giòng ghi chú: “Trường Trung học Đệ nhị cấp Hưng Đạo Huế khai giảng năm học đầu tiên ngày 15-09-1969”.

 

Vì tác giả Nguyễn Ngọc Minh tặng cuốn kỷ yếu này cho người viết, nên dưới bức hình này và hàng chữ đánh máy sẵn vừa nói, tác giả ghi thêm giòng chữ viết tay: “Con trai đầu của tôi và N. Thuyên”.

 

– Trang 76 có 2 bức hình. Hình trên chụp một người đàn ông mặc bộ vét đen mang kính đứng trước một cái bàn phủ khăn trắng ở trên bàn có chậu cây cảnh, xem ra đây là khung cảnh của một buổi văn nghệ. Dưới bức hình ghi chú: “Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Minh và”.

 

Hình dưới là cảnh chụp nhiều người đứng trước cái bàn dài phủ khăn trắng, ra vẻ là cảnh trong sân trường, trên tường treo nhiều tranh vẽ, những quảng cáo ghi những chữ như “Nhạc Kịch”, “Văn Nghệ”.

 

Dưới bức hình đông người này có ghi chú như sau: “Ban Giảng Huấn cơ bản. Từ trái qua phải, hàng đầu: Cô Nguyễn Thị Hương, các thầy Lê Văn Dung, Trần Viết Ngạc, Lê Phương, Bửu Ý, Nguyễn Ngọc Minh, Phan Hữu Lượng, Lê Khắc Cầm, Nguyễn Tường, Nguyễn Văn Đắc; hàng nhì: các thầy Lê Quang Cư, Nguyễn Giao (kế toán), Nguyễn Tú, Nguyễn Ngọc Lâm (văn phòng), Nguyễn Cáng; hàng ba: các thầy Tôn Thất Bằng, Nguyễn Thuyên, Nguyễn Ngọc Bích, Châu Trọng Ngô, Trần Văn Lễ, Hoàng Trạch Thạnh, Trần Văn Giảng (giám thị), Nguyễn Quang Nghĩa, Tạ Thúc Thọ, Hồ Đình Chữ, Hồng Giũ Lưu…”

 

Đó là vài điều người viết trình bày với bạn đọc về nhân vật Nguyễn Ngọc Minh vừa được nhắc ở trên, vì sẽ có liên hệ đến một phiên xử khác vào năm 2006 trước một quan tòa (before a judge).

 

Tuy nhiên, trong phiên xử  7A trial  hôm nay (năm 2004),  tòa và bồi thẩm đoàn đã không được nghe thêm điều gì về ông Nguyễn Ngọc Minh liên quan đến trường Hưng Đạo, ngoài một lần Luật sư  McHugh hỏi bà Hương như vừa nói ở trên.

 

* * *

Về buổi gây quỹ ở Sydney

 

Luật sư McHugh hỏi bà Hương có nhớ ấn bản thứ hai cuốn sách của nguyên đơn in lúc nào vào năm 2000, đầu năm hay cuối năm, bà Hương nói bà không nhớ, nhưng nhớ là có hiện diện tại buổi bán sách gây quỹ giúp Lý Tống đang ở tù, bà mua một cuốn $40, tiền đó đưa vào quỹ.

 

Luật sư  gợi ý với bà có phải buổi gây quỹ đó vào khoảng giữa tháng 6 không. Ban đầu bà Hương nói không chắc chắn nhưng sau lại nói đúng vào tháng 6, bởi bà nhớ hôm đó trời rất lạnh và bà đi với người anh/em rể (brother-in-law), nhờ vậy mà bà nhớ.

 

Luật sư lại hỏi không phải mùa hè sao, bà Hương nói bà nhớ là mùa đông vì bà đi với người anh/em rể nên nhờ vậy có thể nhớ.

 

Luật sư McHugh bảo bà hãy nhìn vào tờ cung khai cá nhân của bà đoạn  9 trong đó bà nói có một buổi gây quỹ được tổ chức trong tháng 2.

 

Lúc này bà Hương liền trả lời không, không phải thế, rằng bà chẳng nhớ trời lạnh hay mùa đông gì nữa, rằng bà đến đó với người anh/em rể.  Rồi bà xin lỗi để nói lại đấy là người anh/em rể cũ (ex-brother-in-law), rằng bà không nhớ chắc chắn cả năm hay tháng.

 

Luật sư  McHugh nói với bà Hương ông muốn làm rõ vấn đề, rằng bây giờ bà nói không phải là mùa đông nữa, vậy thì đấy là mùa đông hay không phải mùa đông?

 

Bà Hương cứ nói không nhiều lần,  rồi giải  thích rằng vì bà đi dự một số buổi hội họp (functions) do Giáo sư Thuyên tổ chức nên có thể bà lộn cái này qua cái khác.

 

Luật sư yêu cầu bà Hương tập trung vào câu hỏi của ông, rằng cách đây chừng 5 phút bà nói bà nghĩ đó là mùa đông, vậy bà có nhớ những gì bà nói không.  Nhưng bà Hương nói vì lý do bà đi dự một số buổi họp do Giáo sư Thuyên (bà vẫn nói bằng tiếng Anh về nguyên đơn là Professor Thuyên) khiến luật sư bảo bà Hương ông không hỏi lý do mà chỉ muốn làm rõ vấn đề về thời gian.

 

Khi bà Hương nói bà không nhớ rõ, luật sư hỏi có phải bà quyết định nói không phải là mùa đông sau khi bà đã nhìn vào đoạn 9 của bà không, bà Hương nói bà không nhớ. Cứ thế mà cuộc chất vấn chéo kéo dài.

 

Cuối cùng luật sư hỏi theo lối đề nghị (suggest) với bà rằng có phải bà không có một hồi ức rất rõ ràng  khi nào buổi gây quỹ đó xảy ra, bà Hương nói đúng vậy, bà không nắm rõ.

Luật sư lại nói rất có thể là xảy ra vào tháng 6 năm 2002 nhưng bà không nhớ chắc chắn,  đến đây bà Hương nói bà chẳng còn nhớ năm nào, tháng nào nữa. Bà chỉ nhớ có tới một buổi, một buổi đặc biệt nào đó.

 

Về tiền bán sách

 

Khi Luật sư McHugh hỏi bà Hương có phải  bà nói bà nghĩ tất cả tiền lời bán sách sẽ đưa cho Lý Tống và được bà trả lời đúng vậy thì luật sư yêu  cầu bà hãy nhìn vào bằng chứng D (bản dịch bài Mượn đầu Lý Tống nấu cháo) ở đoạn 22 giữa giòng có nói nửa số tiền bán sách sẽ tặng cho Ủy ban Lý Tống. Luật sư hỏi bà có thấy không, bà Hương nói thấy.

 

Luật sư lại hỏi bà có thấy ở giữa đoạn 23  của bài viết có nói nửa số tiền bán được hứa cho Lý Tống không, bà Hương nói thấy. Hỏi đó có phải là những gì bài viết nói không, bà Hương nói đúng vậy.

 

Bấy giờ  luật sư  nói với bà Hương rằng trong bản cung khai bà nói tất cả số tiền bán được đều cho Lý Tống, thế thì có phải có sự khác biệt giữa những gì bà nghĩ và những gì tờ báo viết không, bà Hương cũng trả lời đúng vậy.

 

Luật sư McHugh nói với quan tòa đã gần hết giờ rồi trong khi ông còn muốn hỏi thêm bà Hương chừng 15 hay 20 phút,  hay có thể ngắn hơn nhưng ông cũng không biết nhân chứng sẽ trả lời như thế nào.

 

Quan tòa nói với bà Hương hãy trở lại sáng mai lúc 10 giờ, nhưng bà Hương nói bà chỉ có 2 ngày và hôm nay đứng ở đây trọn ngày rồi, lại còn ngày mai nữa thì không biết ăn nói làm sao với chủ nhân.

 

Nhưng khi quan tòa bảo bà hãy nói với chủ nhân là ông Chánh án yêu cầu bà 10 giờ sáng mai đến dự phiên tòa, thì bà Hương nói “OK Sir, sáng sớm mai tôi sẽ nói họ kiếm người khác thế”. Quan tòa bảo bồi thẩm đoàn sáng mai trở lại.

 

Tòa làm việc từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều, rất đúng giờ và không kéo dài hơn. Buổi trưa nghỉ đến 2 giờ tòa mới họp lại, vì thế mỗi ngày tòa ngồi xử chừng 4 tiếng đồng hồ.

 

* * *

 

Phiên tòa ngày thứ ba.

 

Các luật sư và quan tòa thảo luận một số vấn đề không có mặt bồi thẩm đoàn. Sau đó bồi thẩm đoàn được gọi vào và bà Lương Minh Hương tiếp tục lên bục chứng.

 

Luật sư McHugh tiếp tục cuộc chất vấn bằng cách hỏi bà Hương tối hôm qua có bàn thảo với ai về việc làm chứng của bà không, và khi đi xuống cầu thang với nguyên đơn có thảo luận chuyện đó với nguyên đơn không, bà Hương nói bà nói (với nguyên đơn) đừng nói chuyện với bà vì bà không muốn nói. Luật sư McHugh bảo vậy thì tốt.

 

Và rồi Luật sư McHugh nhắc lại chuyện bản cung khai bằng tiếng Việt đã được nói ngày hôm qua, bản mà bà Hương nói bà đã soạn trước đây. Hôm qua Luật sư McHugh yêu cầu bà về nhà tìm và muốn biết hôm nay bà Hương có mang theo không.

 

Khi ông luật sư tỏ ý muốn có bản đó thì bà Hương nói thật ra “đấy không phải là một bản cung khai (statement) mà là lá thư (letter) tôi gởi cho báo chí”.

 

Luật sư McHugh hỏi bà gởi đã bao lâu rồi thì bà Hương nói cũng khá lâu nhưng bà không nhớ chính xác. Hỏi gởi cho báo nào, bà Hương nói báo Nhân Quyền (Human Rights).

 

Bởi bà Hương nói bà không nhớ rõ, luật sư hỏi có phải không ghi ngày tháng không, thì bà Hương nói có ghi ở cuối thư. Hỏi có phải là ngày 1.7.2002 không, bà trả lời đúng vậy.

 

Đây chính là tài liệu mà bà Hương nói đến trong chiều hôm qua. Vì bà Hương ngoài mang theo lá thư bằng tiếng Việt, bà còn mang theo bản dịch lá thư của bà nữa, nên Luật sư McHugh hỏi bà bà lấy ở đâu, ai là người dịch ra tiếng Anh lá thư này. Bà Hương nói bà về nhà lục lọi trong đống hồ sơ và thấy nên mang lại, bà không dịch lá thư của bà và bà không biết ai là người dịch.

 

Luật sư xin quan tòa cho phép đánh dấu lá thư tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh để làm dấu nhận diện (Mark For Identification) rồi ông hỏi tiếp nhân chứng.

 

Luật sư hỏi bà Hương có nhớ ngày hôm qua ông yêu cầu bà Fax cho ông nhưng bà Hương nói bà không có phương tiện. Hỏi bà tài liệu này có phải là bản tiếng Việt của bản cung khai ngày 17 tháng 11 năm 2004 mà bà muốn nói không, bà Hương nói đúng.

 

Luật sư muốn hỏi bản tiếng Anh của lá thư mà bà mang theo hôm nay có phải là lá thư tiếng Anh mà bà nói trong ngày hôm qua khi cho rằng ông luật sư của nguyên đơn mang đến cho bà, yêu cầu bà xem có đúng không thì ký vào.

 

Luật sư hỏi bà có nhớ hôm qua khi hỏi bà có phải tài liệu này bà đã gởi cho báo Việt ngữ vào năm 2002, năm 2003 không thì bà trả lời không. Bà nói năm 2004, chỉ cách đây vài tuần lễ mà thôi.

 

Luật sư nói để ông đọc lại những lời khai của bà ngày hôm qua trong biên bản của tòa (transcript) để giúp bà nhớ lại, nhưng bà Hương cứ nói bà không nhớ những gì bà đã nói ngày hôm qua, kể cả việc luật sư (của nguyên đơn) mang sẵn bản tiếng Anh đề ngày 17.11.2004  nói đã dịch từ  bản tiếng Việt của bà và yêu cầu bà ký và bà đã ký.

 

Bởi bà Hương cứ nói bà không nhớ một khi ông nhắc lại những lời khai ngày hôm qua, luật sư McHugh đọc lại một đoạn  “làm thế nào mà bà có thể nhớ một chuyện cách đây hai năm” thì bà Hương đã trả lời bà có trí nhớ tốt (good memory).

 

Luật sư McHugh cứ hỏi đi hỏi lại nhiều lần bà có nhớ ngày hôm qua khi ông hỏi ông luật sư của nguyên đơn đưa cho bà xem bản cung khai (statement) bằng tiếng Anh có ghi ngày 21 tháng 4 không thì bà nói có.

 

Rồi luật sư McHugh hỏi bà có chắc trong bản cung khai tiếng Việt có ngày 21 tháng 4 không, bà cũng trả lời có. Luật sư hỏi vậy bây giờ bà có nhớ việc làm chứng đó không, bà Hương nói bà không nhớ.

 

Luật sư hỏi tối hôm qua khi về nhà bà có đọc lại bản cung khai hay lá thư tiếng Việt bà gởi cho báo Việt ngữ không, bà Hương nói bà đã không đọc.

 

Luật sư hỏi ít ra thêm hai lần nữa  rằng bà có nhớ trong tài liệu (tức lá thư gởi cho báo việt ngữ) mà sáng nay bà đưa cho  ông có nói về ngày 21 tháng 4 không, thì bà Hương vẫn luôn luôn nói không nhớ.

 

Luật sư McHugh nói:  “Đấy là điều mà chúng ta sẽ kiểm tra lúc này và xem qua”.

 

Khi Luật sư  Evatt của nguyên đơn nói “Tại sao ông không chỉ cho bà ấy xem”, quan tòa bảo: “Ông Evatt, Ông McHugh sẽ tiến hành theo cách mà ông ấy nghĩ tốt nhất”.

 

Luật sư  McHugh của bị đơn bèn nói ông sẽ chỉ cho bà xem sau này, còn bây giờ ông muốn trở lại một vấn đề khác mà bà Hương đã làm chứng trong ngày hôm qua, về nguyên đơn được biết như là “giáo sư” và bà Hương đã dịch là “professor”. (Luật sư McHugh nói bằng tiếng Việt cụm từ giáo sư với âm dao-xư)

 

– “Professor Thuyên” và “Ông Thuyên”

 

Luật sư  McHugh hỏi bà Hương có nhớ bà đã làm chứng và khi nói về nguyên đơn bà đã gọi ông ta là “giáo sư” và luôn luôn nói đến ông ta là “giáo sư” không, bà Hương nói đúng thế.

Hỏi bà có bao giờ gọi nguyên đơn bằng cách khác không thì bà Hương nói chỉ gọi ông ta bằng “giáo sư” và luôn luôn là “giáo sư”.

 

Luật sư McHugh lại hỏi bà Hương có phải khi bà nói chuyện với người khác về nguyên đơn, bà cũng gọi ông ta là “giáo sư”, bà Hương nói phải,  rằng “tôi nhắc tới ông ta với người khác bằng giáo sư”.

 

Bây giờ Luật sư  McHugh đưa cho bà Hương tờ tuần báo có tên  “Tuần Báo Tivi Victoria”, yêu cầu bà mở phần giữa tờ báo. Ông yêu cầu bà Hương nhìn vào và hỏi có nhận ra được không, rằng đấy có phải là lá thư của bà trong tuần báo này không, và nó cũng giống lá thư bà mới trao cho ông sáng nay không. Bà Hương nói đúng vậy, và đã được đăng trên báo vào tháng 7 năm 2002 như  luật sư McHugh gợi ý với bà.

 

Luật sư đề nghị bà hãy nhìn vào tờ báo và hỏi có phải trong lá thư này bà lặp đi lặp lại nhiều lần về nguyên đơn và gọi ông ta là “Mr” có nghĩa là “ông” phải không, bà Hương nói đúng.

 

Rồi luật sư bảo bà cứ từ từ,  đọc hết cả bài báo xem có chỗ nào bà gọi nguyên đơn là “giáo sư” không thì bà Hương nói  có,  “giáo sư” ở đây nè. Luật sư nói nếu bà đã tìm được từ “giáo sư” thì hãy khoanh tròn chữ đó lại.

 

Luật sư  McHugh yêu cầu bà đọc tiếp, khi bà nói đã tìm thêm một từ “giáo sư” luật sư yêu cầu bà khoanh tròn lại.

 

Luật sư hỏi bà còn những lần khác bà gọi (refer) nguyên đơn là “Mr Thuyên” phải không, và ít nhất đã gọi nguyên đơn 10 lần bằng “Mr Thuyên” thì bà Hương trả lời đúng vậy. Luật sư đề nghị đánh dấu nhận diện MFI cho tờ magazine Tuan Bao Tivi này và quan tòa đồng ý. (Còn tiếp)

 

(Trích TVTS  1211  – 10.6.09)