Chỉ ở Việt Nam mới có loại tội danh này: “lợi dụng các quyền tự do xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước”

15 Tháng Mười, 2008 | Tội phạm

 









Nhà báo Nguyễn Việt Chiến: “Tôi thực sự đau xót” (sic)


 


 


(TH) Như người ta có thể đoán, bởi vì cái gọi là “thái độ khác nhau của hai nguyên nhà báo tại tòa”, hôm nay Hội đồng Xét xử (HĐXX) đã kết án một nhà báo và một thượng tá tù giam trong khi một nhà báo khác và ông cựu tướng cảnh sát chỉ lãnh án cải tạo không giam giữ và án cảnh cáo, có nghĩa là hai ông sau không phải ngồi tù.


 


Các bị cáo trong vụ tường thuật vụ tham nhũng động trời PMU 18 đã bị buộc những tội danh mà chỉ có một chế độ tự xưng là đỉnh cao trí tuệ mới có như “Cố ý làm lộ bí mật công tác”“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.


 


Thật là một lối chơi chữ của luật pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.


 


Tự do đã là cái quyền thì là cái quyền, mắc mớ gì gọi là lợi dụng quyền tự do. Lợi ích Nhà nước thì dĩ nhiên phải hợp pháp không lẽ bất hợp pháp? Và lợi ích nào gọi là lợi ích hợp pháp của tổ chức?


 


Với cái luật kỳ quặc như vậy, Luật sư Phạm Hồng Hải khi biện hộ cho bị cáo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải đã cho rằng buộc các bị cáo tội danh lợi dụng quyền tự do dân chủ là không có căn cứ, như VnExpress đưa tin:


 


“Để buộc được tội này, Viện kiểm sát phải chứng minh quyền lợi của cá nhân hay tổ chức nào đó bị xâm hại. Nhưng trong bản luận tội VKS không đưa ra bất cứ luận cứ nào về thiệt hại. Tôi đề nghị công tố viên đối đáp”.


Nhắc lại lời khai của bị cáo Chiến về những nguồn tin khai thác, luật sư Hải lưu ý, bị cáo Chiến đã cung cấp nhiều băng ghi âm chứng minh cơ sở nguồn tin, nhưng những “vật chứng” này không được ghi nhận trong hồ sơ vụ án. “Những vật chứng này nằm ở đâu, tại sao không được đưa vào tài liệu làm căn cứ xem xét?”, ông Hải đặt câu hỏi.


Dẫn ra các điều quy định liên quan đến họat động báo chí, vị luật sư nổi tiếng này cho rằng, nếu thân chủ ông phạm tội như cáo buộc của VKS thì người phải chịu trách nhiệm hình sự, nếu có, phải là người đứng đầu cơ quan báo chí chứ không phải là bản thân người viết: “Pháp luật quy định, nếu viết bài sai sự thật, thì phóng viên phải đính chính, xin lỗi, bồi thường và nếu cần thì sẽ phải ra tòa trong vụ án dân sự khi người bị hại khởi kiện”.









Nhà báo Nguyễn Văn Hải: thành thật khai báo, ăn năn hối cải 


Trong khi đó, bị cáo cựu Thượng tá Đinh văn Huynh cho rằng, quá trình tố tụng có những thủ tục công khai như khởi tố, bắt giam các bị can, việc cung cấp những tin này không phải là tội. Vì thế cả ông Huynh lẫn cựu Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc phủ nhận họ tiết lộ bí mật cho các phóng viên.


Bào chữa cho cựu Tướng Phạm Xuân Quắc, luật sư Nguyễn Thị Hà cho rằng ngoài lời khai của các nhân chứng về việc ông Quắc cung cấp tin thì Viện kiểm sát đã không đưa ra được gì cụ thể chứng minh ông tiết lộ bí mật điều tra:


 


“Tôi không tin thân chủ của tôi không phân biệt được đâu là bí mật của vụ án và đâu là thông tin có thể công khai. Vì nếu không biết được điều này, chắc chắn ông Quắc đã không thể làm Cục trưởng, được phong hàm thiếu tướng”.


Các luật sư ở các tòa án Việt Nam hiện nay chỉ làm việc biện hộ như là một thứ trình diễn, làm cảnh cho có vẻ Việt Nam có luật pháp, có tòa án đàng hoàng nhưng cái án thường đã được quy định từ cấp cao, tức lãnh đạo đảng. Đảng trên tòa án. Và nếu bị cáo nào thành khẩn nhận tội, thì may ra được giảm án hay chỉ bị cải tạo, cảnh cáo.









Tướng Phạm Xuân Quắc: không làm chủ bản thân nhưng có thành tích xuất sắc 


Theo báo Người Lao Động, Hội đồng Xét xử nhận thấy ông Phạm Xuân Quắc “không cố ý cung cấp thông tin cho báo chí nhưng do sức ép của công việc nên đã không làm chủ bản thân; ngoài ra bị cáo có thành tích xuất sắc, nhân thân tốt”.


Bị cáo Đinh Văn Huynh qua ngày xuất hiện thứ hai và trước khi tuyên án, đã đổi ý bất ngờ nhận tội.


Còn ông nhà báo Nguyễn Văn Hải “trong quá trình điều tra đã tỏ ra thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” trong khi ông Nguyễn Việt Chiến là người “có hành vi tội phạm nguy hiểm”.


Bởi thế hôm nay Hội đồng Xét xử đã ra cái án như sau:


 


Ông Đinh Văn Huynh bị  1 năm tù; ông Phạm Xuân Quắc chỉ bị cảnh cáo về tội “Cố ý làm lộ bí mật công tác”.


 


Ông Nguyễn Việt Chiến bị án tù 2 năm; ông Nguyễn Văn Hải bị 2 năm cải tạo không giam giữ và được tuyên trả tự do ngay tại tòa, về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích hợp pháp của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.


 


Báo VnEpress đưa tin về thái độ của ông Phạm Việt Chiến trong phiên xử ngày hôm qua như sau:


 


“Dù chưa phải lúc nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, nguyên nhà báo Việt Chiến đã không nén nổi cảm xúc: “30 năm làm báo, trong đó 20 năm chuyên viết về nội chính. Tôi đã nhiều lần có mặt tại phòng xử án này. Các thẩm phán ngồi kia chắc cũng không lạ gì tôi. Với lương tâm của một nhà báo, tôi khẳng định không có mục đích nào xấu khi viết bài về PMU 18. Mong các vị hãy minh oan cho tôi”. Cả phòng xử án lặng phắc khi nghe bị cáo, từng là cây bút được nhiều người biết tiếng trải lòng”.