Tâm trạng của người Việt ở Ukraine trước việc Nga xâm lăng: ý kiến trái chiều

Metro trở thành hầm trú ẩn cho người dân ở thủ đô Kyiv (Kiev). Photo courtesy: Reuters

Người Việt ở Ukraine có những suy nghĩ,  ý kiến khác nhau về việc Nga xâm lăng Ukraine. Truyền thông hải ngoại phỏng vấn họ và đưa thông tin hai chiều. Tuy nhiên, trong bản tin này, TVTS Online trích dẫn hai ý kiến đối nghịch để bạn đọc hiểu được tình hình sôi bỏng hiện nay ở Ukraine.

* * *

Theo VOA Tiếng Việt với tiêu đề trong một bản tin “Người Việt ở Ukraine: Lo lắng, sơ tán, xuống hầm trú ẩn và ‘căm thù’ Putin” thì cộng đồng người Việt Nam ở nhiều nơi tại Ukraine đang rất lo lắng và tìm cách thông tin cho nhau trong lúc lánh nạn tại các hầm trú ẩn ở những “điểm nóng” chiến tranh như thủ đô Kyiv hay ở thành phố Kharkiv miền đông.“Căng thẳng lắm”, ông Vũ Chân ở Kharkiv chỉ có thể nhắn được tin nhắn cho VOA trong lúc đang sơ tán trẻ em và phụ nữ trong gia đình đến hầm trú bom trong thành phố.Ông là người thường xuyên cập nhật tin tức cho cộng đồng ở Kharkiv, nơi được mệnh danh là thủ phủ của người Việt Nam ở Ukraine. Giờ thì an toàn của bản thân, gia đình ông cũng như toàn bộ người dân Ukraine đã không còn được bảo đảm, kể từ khi quốc gia láng giềng tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày hôm qua, 24/2.“Phần lớn những người ở phía bắc, Kharkiv, trung tâm Kyiv… người Việt và cả người U (Ukraine) là đang ở dưới hầm trú ẩn. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng người ta nghe thấy vắng tiếng súng, tiếng bom thì người ta lại lên lại nhà của người ta. Nhưng nói chung là ở những vùng đó cách đây khoảng 2, 3 tiếng trước người ta đã xuống hầm”, ông Đức Huy, một người Việt đã sống ở Ukraine 35 năm, cho VOA biết vào trưa 25/2 giờ địa phương.Do điều kiện tương đối an toàn ở khu vực miền Tây, ông Đức Huy hiện giờ đang trở thành một trong những người cung cấp, cập nhật, dịch thuật, tóm tắt thông tin chiến sự và tin tức cần thiết cho cộng đồng người Việt ở Ukraine, trong khi cộng đồng người Việt lớn nhất ở Kharkiv, Kyiv và những nơi khác đang phải sơ tán và tạm lánh nạn ở các hầm trú ẩn.“Hơn một ngày đêm, tức là tính chính xác từ 5 giờ sáng hôm qua đến nay là gần 35 tiếng đồng hồ chiến sự diễn ra quyết liệt. Tôi nghĩ đã có rất nhiều người hy sinh, bị tàn phá nhiều vì quân xâm lược Nga dùng cả tên lửa và mọi phương tiện mà chúng có thể dùng. Về thông tin thiệt hại của người Việt mình thì tôi không thể nói chính xác được, bởi vì ở Ukraine này có tới hơn 10.000 người (Việt Nam) sinh sống. Nhưng trong số những người Việt tôi biết thì không có tin buồn nào”, ông Huy cho biết.

Căm thù Putin

Không như hai ngày trước, khi vẫn có một số ít người Việt ở Ukraine do tình cảm yêu mến nước Nga nên không chỉ trích hành động của Putin, thì nay nhiều người đã thay đổi hẳn quan niệm, bày tỏ sự căm phẫn đối với người đứng đầu của quốc gia láng giềng, người mà họ giờ đây xem là “kẻ thù” gây ra những xáo trộn, mất mát ở đất nước xinh đẹp, hiền hoà đã trở thành quê hương thứ hai của họ nhiều năm nay.

“Chưa bao giờ lại căm ghét putin như lúc này. Thằng phát xít!”, tài khoản Vân Nguyễn bày tỏ.

“Đả đảo putin xâm lược quyền độc lập tự chủ của dân tộc Ukraina!”, tài khoản Tam Nguyen nói, trong khi tài khoản Huệ Nguyện cho biết “đêm không ngủ được vì căm thù kẻ gây chiến”.

“Tôi nhận thấy người ta thay đổi quan điểm rất nhiều”, ông Đức Huy nhận xét với VOA. “Có những người trước đây người ta yêu Pushkin của nước Nga, người ta yêu văn hoá Nga, con người Nga. Người ta nhầm lẫn, những cái đó không phải là ông Putin nhưng người ta vẫn yêu luôn ông Putin. Bây giờ người ta thay đổi quan điểm rất nhiều. Người ta hiểu Putin là kẻ xâm lược. Theo tôi, thay đổi này tích cực, nghĩa là người ta chỉ mặt đúng kẻ thù, quân xâm lược, đó là Putin”.

Trong khi đó, một số người Việt khác cho biết những gì đang diễn ra ở Ukraine đang “gợi nhớ” họ về cuộc chiến biên giới Việt Trung năm 1979, khi đất mẹ của họ cũng đã từng bị “ông hàng xóm tham lam và bẩn thỉu” ức hiếp hệt như Nga đối với Ukraine lúc này.

Dù thế nào đi nữa, nhiều người Việt cho biết họ ủng hộ hết mình và cầu nguyện cho những người đang chiến đấu hết mình và hy sinh tính mạng để bảo vệ cho quê hương thứ hai của họ.

Trong khi BBC Tiếng Việt có một bài viết có tựa:  Một người Việt ở Odessa: ‘Ukraine nên đàm phán với Nga’ với nội dung như sau:

Một người dân gốc Việt đang làm ăn sinh sống tại Odessa, thành phố lớn thứ ba của Ukraine, cho BBC biết tâm trạng thời chiến hôm 25/2.

“Hôm rồi ngày 24/2, mọi người vẫn ra đường nhưng rồi có thông báo có chiến sự và được khuyến cáo không ra đường nên ban ngày chúng em ở trong nhà, vẫn ăn uống cơm nước bình thường.”

“Ban đêm thì phải đi xuồng tầng hầm trú ẩn để phòng trường hợp quân của Nga xâm nhập các khu vực ở thủ đô, các căn cứ của quân đội, có thể sẽ quay lại thành phố cảng Odessa này.”

Người gốc Việt này, muốn giấu tên vì lý do an ninh, nói với BBC: “Chúng em đã giữ sẵn một ít tiền mặt và cũng đã mua lương thực thực phẩm dự trữ. Hôm 25/2 thấy tình hình vẫn bình ổn nhưng cả gia đình ở trong nhà cả ngày, không dám ra đường.”

Từ hôm 24/2, trên địa bàn thành phố và tỉnh Odessa đã áp dụng giờ giới nghiêm, từ 23:00 đến 06:00 sáng.

Khi được hỏi nghĩ gì xung đột Nga và Ukraine hiện nay, người gốc Việt giấu tên này trả lời: “Theo em hiểu thì Tổng thống Putin muốn người Ukraine hàng xóm láng giềng và là anh em của Nga thì nghe theo Nga và hạ vũ khí để không thêm đổ máu.”

“Nga nói Ukraine không nên nghe theo khối NATO và Anh Mỹ rồi nhận vũ khí để xảy ra chiến tranh.”

“Bản thân em thì em nghĩ là người Ukraine theo Nga sẽ tốt hơn. Nga là anh em láng giềng nên mọi khó khăn hay có vấn đề gì giữa Nga và Ukraine thì đàm phán, hội thoại sẽ giải quyết dễ dàng hơn.”

Người này cũng nói với BBC về mong muốn có lại hòa bình trên địa bàn.

“Chắc chúng em ai bây giờ cũng muốn là Tổng thống Ukraine sẽ đàm phán với Tổng thống Putin. Không phải là mình đầu hàng đâu, nhưng đàm phán lại giữa hai nước láng giềng rồi cùng kết hợp, cùng hoà bình với nhau và trong khó khăn thì hỗ trợ lẫn nhau. Như vậy sẽ tốt hơn.”

“Đấy là người Việt tại đây thì nghĩ thế chứ nhiều người Ukraine thì lại không nghĩ vậy và muốn theo NATO hơn,” người này nói.