LTS: Bài “Của Hồi Môn” do Nguyễn Hồng-Anh viết năm 1976, được tác giả hát tặng người bạn đời trong tiệc cưới cách đây đúng 40 năm. Năm 2013, nhà báo Hoài Nam đã điểm sơ qua ca khúc này trong bài viết “Ca khúc Nguyễn Hồng-Anh: một thời để nhớ!”. Năm 2015 Kim Trang, một nhạc sĩ dương cầm ở Melbourne đã dành riêng một bài viết để giới thiệu “Của Hồi Môn” với bạn đọc. Nhân dịp 40 năm tác giả chính thức ra mắt bài hát mà tác giả nói “viết dành cho người bạn đời tương lai”, TVTS xin mời bạn đọc xem lại và nghe ca khúc mà tác giả nói nằm “bộ ba thiền ca” (trilogy) gồm “Thiền Sư Xuống Núi, Của Hồi Môn và Thiền Sư Lên Núi”. Tác giả cho biết, nếu muốn, bạn đọc có thể dùng bài này để trình diễn trong đám cưới của mình hay của thân nhân mình, như là một sự chia sẻ miền vui và hạnh phúc của một đời người. Lời và nhạc có ghi hợp âm (với music sheet) đăng cuối bài. Link videos qua tiếng hát của ca sĩ Trần Hoài Phong (và ở dưới) của ca sĩ Phương Thảo.
Để nhớ 40 NĂM: Cắt bánh cưới tại nhà hàng Lê Lai, Victoria St, Richmond, Melbourne 3/9/1983. Ca sĩ Trần Hoài Phong trình bày năm 2012
Trước đây, trong TVTS số 1429 (14/8/2013), nhà báo Hoài Nam đã từng giới thiệu “Của Hồi Môn” như là một trong hai bản tình ca hay nhất của Nguyễn Hồng Anh trong những năm đầu tiên sáng tác (bài kia là Thiền Sư Xuống Núi).
Giờ đây, với tư cách là một người trong giới thưởng ngoạn, tôi muốn cùng các bạn đọc bàn luận thêm chi tiết về bản nhạc tình mà Hoài Nam cho là “sôi động, dễ thương” này.
Của hồi môn là món quà mà cha mẹ dành cho con gái khi bước chân về nhà chồng. Đây cũng là một phần của truyền thống, là nét đẹp văn hóa trong nghi lễ cưới xin của người Việt. Nhưng trong bài ca này, “Của Hồi Môn” lại là quà tặng của chú rể dành cho cô dâu, vì trong hoàn cảnh mới, không có cha mẹ bên cạnh, và đôi uyên ương cũng chân ướt, chân ráo, trên mảnh đất tự do mà mình đã phải trải qua bao gian khổ mới tới được. Do đó, của hồi môn này vừa mang một ý nghĩa văn hoá dân tộc nhưng lại rất lãng mạn hiện thực với những hình ảnh đẹp của những khoảnh khắc bỡ ngỡ, thơ mộng, tâm sự vui buồn bên nhau sẽ được giữ mãi trong ký ức của đôi tình nhân, trân quý như một món quà cưới vô giá – đó cũng là ý nghĩa của tình khúc “Của Hồi Môn”, với lời mở đầu nghe rất nhí nhảnh, hồn nhiên qua âm điệu ngũ cung tình tứ với lời thơ êm đềm và tha thiết:’
“Xin cho em chút gió để em làm của hồi môn.
Xin cho em thoáng buồn để đưa anh vào giấc mộng.”
Tình bâng khuâng như làn gió mát mơn man lên mái tóc em:
“Xin cho em mái tóc để em làm của hồi môn.
Xin cho em tóc dài để mai anh làm gối mộng”
Tác phẩm Của Hồi Môn được viết với cấu trúc đơn giản của âm giai Đô Trưởng với ý tình xúc cảm mang màu sắc Á châu qua lời ca bình dân, giản dị, nhưng rất lãng mạn:
“Xin cho em làn mây để em tô lên mắt
Xin cho em da trời làm áo cưới em”
Chiếc áo cưới màu xanh da trời đã hiện ra trong giấc mơ tình yêu của chàng. Một màu xanh hy vọng cùa một thế giới tràn ngập tình yêu và hạnh phúc, như được mô tả trong một bàn nhạc Pháp nổi tiếng có tên: “L’Amour Est Bleu” (Love Is Blue) – Tình Yêu Màu Xanh được viết bởi Andre Popp (phần nhạc) và Pierre Cour (phần lời) vào năm 1967.
Những hợp âm Trưởng được xếp nối tiếp nhau trong dòng nhạc tình thơ mộng để diễn tả một tình cảm vui tươi trong sáng. Một màu xanh của bầu trời bao la và biển rộng mênh mông, cũng như sự tĩnh lặng khi nhìn ra đại dương xa thẳm của vũ trụ trường tồn bất biến, đã gợi cho con người cái cảm giác thanh thản và êm dịu.
Những cảm giác sâu lắng, êm đềm của tình yêu đó đã được tác giả diễn tả qua hình ảnh rất thơ mộng: “mái tóc”, “môi hồng” , “gối mộng”:
“Xin cho em mái tóc để em làm của hồi môn
Xin cho em tóc dài để mai anh làm gối mộng”
nhưng với cả một tấm lòng chân thật:
“Ta yêu nhau từ khi ánh dương vừa lên”
Trong đoạn chuyển tiếp, tác giả bắt đầu bằng cách chuyển qua thể thứ từ hợp âm Mi Thứ được chuyển đến Rê Thứ, qua La 7 rồi lại trở về Rê Thứ, gây một cảm giác căng thẳng khiến người nghe chờ đợi, có thể sẽ có một chuyện không vui gì xảy ra… để bộc lộ nỗi ưu tư cho tương lai của cuộc sống lứa đôi với những khó khăn, nghịch cảnh trước mắt: (theo tâm lý học mà nói thì những niềm lo sợ về tương lai cũng thường hay đến trong trí tưởng tượng của những kẻ đang yêu!)
“Không mai sau rồi khi bóng đêm rơi dần.”
Những lời tâm sự chân thật cùng nỗi băn khoăn thầm lặng, đã khiến ta có cảm giác rằng tình yêu giống như cuộc hành trình mà bạn phải lái xe trong bóng tối. Bạn không thể nhìn xa hơn đèn pha của ô tô, nhưng bạn luôn có thể làm cho cuộc hành trình trở nên lâu dài, và dĩ nhiên là đầy thú vị khi có một người bạn đồng hành, phải không các bạn?
Và rồi bước chuyển biến tại mốc cao điểm đã được đưa về thể trưởng qua một tiến trình hoà âm (chord progression) rất căn bản, Fa Trưởng -> Do Trưởng -> Mi Trưởng, để kết thúc những âu lo với sự chấp nhận người bạn đời như một duyên số tiền định:
“Ta yêu người nợ duyên đã mấy kiếp”
Nói đến tình yêu, người ta hay nhắc đến chữ duyên, chữ nợ. Phải có duyên gặp gỡ mới đến được với nhau và phải có nợ thì mới nên vợ nên chồng. Nhân duyên trong tình yêu có được chính là nhờ sợi dây tơ hồng của Nguyệt Lão.
Nguyệt Lão tương truyền là ông lão ngồi dưới trăng, có một cái túi lớn, trong túi đựng đầy dây tơ đỏ. Ông có một quyển sách ghi lại chuyện hôn sự trong thiên hạ và những sợi tơ đỏ thì dùng để buộc chân những đôi trai gái sẽ thành vợ thành chồng.
Tác phẩm Nhị Độ Mai có viết:
“Sinh rằng: Nguyệt Lão xe tơ
Nhân duyên đã định trần ai những ngày.”
Trong Hoa Tiên, điển cố tơ hồng được kết hợp với việc gieo tú cầu của các cô gái ngày xưa để nói về nhân duyên:
“Lưng trời với những đâu đâu
Những tơ nào thắm những cầu nào xanh”
Còn trong thơ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Bính đã sử dụng điển cố về tơ hồng để chỉ nhân duyên:
“Ta sẽ là vợ chồng
Sẽ yêu nhau mãi mãi
Sẽ se sợi chỉ hồng
Sẽ hát ca ân ái.”
(Hôn nhau lần cuối)
Hay mối duyên tình e ấp nhưng mặn mà:
“Lâu nay tôi thấy ở lòng tôi
Như có tơ vương đến một người
Người ấy, nhưng mà tôi chả nói
Tôi đành ngậm miệng nữa mà thôi.”
(Mùa đông đan áo)
VIDEO: Ca sĩ Phương Thảo trình diễn tại Melbourne Recital Centre, năm 2016
Đã là duyên số, thì không còn gì để đắn đo nữa, và đến đây cung Rê Thứ được chuyển qua Sol trưởng và trở về chủ âm trong khúc nhạc êm ái, vui tươi:
“Ta yêu nhau như chính thân ta”
Đây là một tư tưởng rất mới mẻ về tình yêu cao thượng, bắt nguồn từ quá trình bản vị hoá văn hoá Á Châu do ảnh hưởng giao lưu với văn hoá nhân loại học của Kitô giáo Âu Châu.
Friedrich Schiller, một nhà văn hào Đức thế kỷ 18 đã từng cho rằng: “Tình yêu là niềm say mê làm cho người khác được hạnh phúc”, niềm say mê chân chính đó sẽ làm cho con người thêm yêu cuộc sống và thôi thúc ước mơ về hạnh phúc tương lai:
“Xin cho em như trước tình yêu ta vẫn đẹp luôn
Xin cho em sau cùng tình yêu ngày dài tháng rộng.”
Hai câu thơ trên được tác giả xếp đối vế và đối chữ, nghe rất khéo: “như trước” đối với “sau cùng”; “ta vẫn đẹp luôn” đối với “ngày dài tháng rộng”.
Số phận là những gì mang chúng ta lại với nhau. Anh chỉ hy vọng tình yêu có thể giữ cho chúng ta hạnh phúc như vậy mãi:
“Cho em tôi và tôi tình yêu luôn thắm thiết
Có gió mây môi mềm làm của hồi môn.”
Định mệnh đã đưa đến cho chàng nghệ sĩ Nguyễn Hồng Anh một người vợ tuyệt vời để chia sẻ vui buồn, đồng cam cộng khổ và làm điểm tựa tinh thần cho ông trong những bước thăng trầm của đời người. “Của Hồi Môn” mà ông dành cho người bạn đời đó chính là một trái tim trọn vẹn, một “tình yêu luôn thắm thiết”, với cả một tấm chân tình bát ngát “gió mây”. Thử hỏi xem, bạn cần phải có bao nhiêu tiền để mua ngần ấy bảo vật vô giá trong đời?
Kim Trang
(Trích TiVi Tuần-san số 1515 ngày 8.4.2015)
MỘT THOÁNG 40 NĂM! Video từ phút 28’28”: Chuyện trò giữa LS Nguyễn Tân Hải và Chủ bút Nguyễn Hồng-Anh về ngày Father’s Day (Ngày của Cha) 3/9/2023 và đám cưới vợ chồng LS Hải dự ngày 3/9/1983 trong đó có Linh mục Huỳnh San, Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách, Chủ tịch Hội Cựu Quân nhân QLVNCH-Vic Bùi Quốc Sủng v.v… tại nhả thờ St Joseph, Collingwood và ở nhà hàng Lê Lai, Richmond