Tân Dân biểu Đài Lê có quốc tịch Việt Cộng (CHXHCNVN)? Đối diện với thắc mắc song tịch, nhưng hy vọng cô sẽ vượt qua

25 Tháng Năm, 2022 | Tin nước Úc
Công dân của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam (VC)? Trăm lần không!!! Năm 2017 Nghị viên Lê Đài (bên phải) vận động Hội đồng Thành phố Fairfield thông qua nghị quyết công nhận cờ vàng của Việt Nam Cộng Hòa là biểu tượng của người Việt tự do. Hình: DAI LE, TVTS edited

Nguyễn Hồng-Anh (TVTS) –

Vừa mới thắng cử được ba ngày, dân biểu độc lập đánh bại cựu Thủ hiến và Thượng nghị sĩ Kristina Keneally đang đối diện với câu hỏi liệu có hợp lệ không khi ra tranh cử sau khi có phát hiện cô đã khai trong đơn ứng cử của Ủy ban Bầu cử Úc (AEC) liên quan Điều 44 của Hiến pháp,  rằng cô chưa bao giờ là thần dân hay công dân của một nước nào khác ngoài Úc.

Nhật báo toàn quốc The Australian này hôm nay 25/5 đưa tin ở trang nhất câu chuyện Đài Lê sinh đẻ ở Việt Nam, đã cùng gia đình vượt biên năm 1975 khi mới bảy tuổi, trải qua nhiều năm ở các trại tị nạn Philippines và Hong Kong trước khi đến định cư ở Úc vào năm 1979 lúc 11 tuổi.

Báo The Australian nói Đài Lê đã đánh dấu vào ô  checklist của AEC về Điều 44 (của Hiến pháp), khai cô đã chưa bao giờ là thần dân hay công dân của một quốc gia nào khác ngoài Úc.

Mẫu đơn cũng yêu cầu ứng viên từng là công dân của các nước khác giải thích lý do qua đó họ mất tư cách công dân và ngày họ mất. Đài Lê đã bỏ trống chỗ này.

Cách đây vài năm, một số dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang đã bị tố cáo, khiếu nại là họ có song tịch, trong đó có những người sinh ra ở một số nước đương nhiên có quốc tịch nước đó, ngay cả cha mẹ có quốc tịch nước đó mà con cái dù sinh ở Úc, cũng “được hưởng” quốc tịch nước đó.

Vụ này đã gây ra tranh luận kéo dài một thời gian khá dài qua các vụ kiện, khiếu nại trước tòa án, thậm chí lên tới Tối cao Pháp viện để giải quyết. Một vài đương kim dân biểu nghị sĩ phải từ chức, sau đó ứng cử lại, hoặc xin nước cũ của mình hay của cha mẹ xác nhận mình không có quốc tịch như người ta tố cáo hay khiếu nại.

Vụ nổi tiếng nhất là Dân biểu Josh Frydenberg sau này trở thành Bộ trưởng Ngân khố  dù sinh ở Melbourne năm 1971 nhưng bị (phe đối thủ) khiếu nại là có song tịch bởi bà mẹ là người gốc Do Thái sinh ở Hung Gia Lợi năm 1943, qua Úc tị nạn năm 1950 như là đứa trẻ “vô quốc gia” từ trại tị nạn sau khi thoát khỏi lò diệt chủng Holocaust của Đức Quốc Xã. Ông Frydenberg sau đó đã được nước Hung Gia Lợi xác nhận không có quốc tịch nước này. Và từ đó thì êm!

Theo sự hiểu biết của TVTS, chỉ có các vị dân cử liên bang Úc mới bị Điều 44 buộc chỉ có người có quốc tịch Úc duy nhất hay  có chứng nhận đã từ khước quốc tịch cũ, mới được ứng cử hợp lệ.

Và bây giờ, có thể đến lượt tân Dân biểu Đài Lê sẽ bị khiếu nại, bị điều tra và có thể phải ra tòa nếu tính cách hợp lệ tranh cử của Đài Lê bị thách thức bởi đảng Lao động, một ứng viên, hay đến lúc nào đó Hạ viện đưa vấn đề này ra tòa.

Thị trưởng Thành phố Fairfield, một người ủng hộ rất tích cực trong chiến dịch tranh cử của Đài Lê nói ông tin rằng cô đã có giấy từ tòa đại sứ Việt Nam cô đã khước từ quốc tịch.

Thị trưởng Frank Carbone nói: “Cô không phải công dân của Việt Nam, không bao giờ là công dân, cô đã kiểm tra rồi, nếu ai mà quá hồ hởi phấn khởi, thì cuối cùng họ sẽ nhận những cái trứng vào mặt. Cô không cần phải giải thích cho ai cả. Nếu ai muốn đưa cô ra tòa, thì cứ việc để họ đưa ra tòa”.

The Australian nói Đài Lê đã không trả lời điện thoại và email của tờ báo.

Trong số báo phát hành hôm nay của The Australian, có hai chuyên gia về hiến pháp bình luận về trường hợp Đài Lê nhưng vẫn nói nước đôi, chung chung. Phải đợi, nếu Đài Lê bị khiếu nại, và khi đó sẽ cô đưa ra bằng chứng hay lý do mà tòa án hay Tối cao Pháp viện chấp nhận hay bác bỏ.

Theo TVTS, Đài Lê là công dân của nước Việt Nam Cộng Hòa (có thể gia đình cô còn giữ khai sinh của cô?). Cô không là công dân của nước Cộng Hòa XHCNVN, một nước mà tiền thân là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã vi phạm luật pháp quốc tế, Hiệp định Paris, chiếm Việt Nam Cộng Hòa một cách bất hợp pháp, chỉ được quốc tế thừa nhận sau này mà thôi (như một sự đã rồi).

Một công dân của Việt Nam Cộng Hòa, từ bỏ một nước xâm chiếm nước mình bất hợp pháp, vận động để TP Fairfield công nhận quốc kỳ của nước mình đã bị mất vào tay cộng sản, thì không thể là công dân của nước xâm chiếm bất hợp pháp đó.

Đài Lê và luật sư của cô sẽ có lý do chính đáng để thách thức bất cứ ai kiện, khiếu nại cô, nói cô là người có quốc tịch của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Nước Việt Nam Cộng Hòa đã mất, cô là người không có quốc gia (stateless), thì không thể là công dân của nước Việt Nam cộng sản bây giờ được. Đài Lê có cần phải khai với AEC cô  từng là công dân của một nước nay đã bị mất, bị xóa tên trên bản đồ khi cô mới bảy tuổi, và không còn được quốc tế công nhận? Nói hay buộc cô có song tịch không dễ khi cô đến Úc lúc 11 tuổi với tư cách là người không có quốc gia.

Điều này chứng tỏ Đài Lê đã khôn ngoan để trống không điền vào ô giải thích. Nếu Đài Lê bị kiện, bị khiếu nại hay bị Hạ viện đưa qua tòa án, cũng còn lâu mới có thể rút lại tư cách hợp lệ của cô khi ra ứng cử, nếu cô không chứng minh được. Phức tạp lắm. Chúng ta hãy chờ xem.

Nguyễn Hồng-Anh 25/5/2022