Người tầm trú đốt nhà, tấn công cảnh sát qua cuộc bạo động trên đảo Christmas ở miền bắc nước Úc

21 Tháng Ba, 2011 | Tin nước Úc

 


 








Trại tạm giam ở Christmas Island. Picture: PerthNow, source: The Daily Telegraph

 


Một phần của trung tâm tạm giam trên đảo Christmas, ở Tây Úc, đã bị thiêu rụi khi cuộc  biểu tình chống đối của 250 người tầm trú biến thành bạo loạn vào tối thứ Sáu tuần qua.


 


Một số lớn trong 200 người tỵ nạn tham gia vào cuộc đốt phá có thể sẽ bị truy tố ra toà hay bị gạt bỏ đơn xin tầm trú,  cho dù họ thực sự là người tỵ nạn.


 


Nỗi giận dữ trước tiến trình phân loại quá chậm chạp đã bùng nổ vào hôm thứ Năm  khi người tỵ nạn, trang bị cây gỗ, gạch, bình xăng và một thùng đựng rác chưá đầy đá, mở cuộc tuần hành đối đầu với cảnh sát.


 


Tổng Trưởng Di Trú Chris Bowen nhìn nhận  tình hình cẳng thẳng trên đảo hiện rất cao, nhưng cảnh cáo người tầm trú chớ nên gây thêm bạo loạn nữa.


 


Ông nói: “Một số nhỏ những người bị tạm giam đã nói rõ là họ sẽ  tiếp tục gây bạo động cho đến khi họ được cấp chiếu khán. Chúng tôi không đáp ứng với những hành động chống đối như thế.”


 


Ông Bowen cũng đã ra lệnh điều tra về bốn vụ biểu tình ở các trại tạm giam trong tuần qua, và khuyến cáo người tầm trú là hành vi bạo động sẽ ảnh hưởng đến quyền hạn của họ được định cư ở Úc. 


 


Ông Bowen nói: “Việc này sẽ được cứu xét theo từng trường hợp riêng rẻ. Nhưng những xét định về hạnh kiểm cá nhân sẽ được áp dụng đối với những người ở đảo Christmas từng tổ chức và gây ra những biến động như thế”.


 


Nhiều cơ sở và tiện nghi trong tâm tạm giam đã bị người biểu tình, trong đó có một số mang mặt nạ, phá hủy. Nhiều nhân viên coi sóc trại và người tỵ nạn bị thương nhẹ.


 


Ngoài ra có chừng 105 người không tham gia vào vụ bạo loạn đã được di chuyển vào đất liền, và sang ngày hôm thêm nhiều người khác cũng được đưa đi.


 


Cư dân trên đảo Christmas cũng đưọc Bộ Di Trú loan báo là 600 người bị giam giữ sẽ được di chuyển khỏi hòn đảo này trong hai tuần tới.


 

Ông Bowen phát biểu: “Những người đã được đưa đi khỏi đảo Christmas, bao gồm những kẻ đã ở đó lâu nhất, những người đã được chấp nhận tư cách tỵ nạn nhưng đang chờ đợi một vài thủ tục xét định cuối cùng, và những người đặc biệt dễ bị tổn thương về phương diện cảm xúc.”