Trưng cầu dân ý, Tiếng Nói Bản Địa bị đánh bại rõ rệt và sẽ gây chia rẽ giữa người Úc

15 Tháng Mười, 2023 | Tin nước Úc
Một tấm biển ‘No’ đặt trước Tòa nhà Quốc hội Úc Cũ khi cử tri đến trong cuộc trưng cầu dân ý The Voice ở Canberra, Úc, ngày 14/10/2023. Photo courtesy: Reuters

Chiến dịch vận động đưa Tiếng Nói của người bản địa (Thố dân và dân Đảo Torres Strait) kéo dài trong 6 tuần lễ đã kết thúc bằng cuộc bỏ phiếu vào hôm Thứ Bảy 14/10/2023 với kết quả cử tri đã bỏ phiếu chống lại đề nghị Yes. Phe ủng hộ NO đã thắng lớn.

Chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ khi các phòng phiếu ở miền đông nước Úc đóng cửa và cuộc đến phiếu (tùy các tiểu bang) chỉ mới khoảng 50% số phiếu, Thủ tướng Úc Albanese đã xuất hiện trên truyền hình tuyên bố chiến dịch Yes đã thất bại.

Ông thừa nhận sự thất bại, chấp nhận quyết định của cử tri và nhận trách nhiệm. Ông Albanese cám ơn tất cả những người lãnh đạo chiến dịch Yes và hàng chục ngàn thiện nguyện viên hoạt động và vận động cho YES.

Nhiều nhân vật nổi tiếng của chiến dịch Yes nói họ không ngạc nhiên với kết quả, chỉ buồn hay thất vọng. Lý do dễ hiểu là trong những tuần lễ cận ngày bỏ phiếu, các cuộc thăm dò dư luận của các công ty và tổ chức thăm dò đều cho thấy phe Yes sẽ thua và thua đậm.

Thủ lãnh Đối lập Peter Dutton nói Yes thất bại là một sự may mắn cho nước Úc vì Tiếng Nói đưa vào Hiến pháp là sự chia rẽ. Ông nói rằng mặc dầu ông ủng hộ No nhưng ông tôn trọng những người bỏ phiếu Yes.

Ông Dutton nói sau ngày bỏ phiếu, tất cả mọi người ủng hộ Yes hay No đều là người Úc, yêu nước Úc, hãy đoàn kết và tiếp tục tiến lên, tìm những phương cách khác để hỗ trợ người bản địa mà không cần phải có Tiếng Nói trong Hiến Pháp.

24 tiếng đồng hồ sau khi đếm phiếu số cử tri bỏ phiếu No là 61% và Yes 31%.

Tất cả các tiểu bang và lãnh thổ đều bỏ phiếu cho No ngoại trừ lãnh thổ ACT (Lãnh thổ Thủ đô Úc).  Các tiểu bang bỏ phiếu NO nhiều theo thứ tự sau:

-Queensland: 69% (đã đếm tới 74% số phiếu)

-Nam Úc: 65% (đếm được 79%)

-Tây Úc: 64% (đếm 75%)

-NSW: 60% (đếm 81%)

-Tasmania: 60% (đếm 83%)

-Victoria: 55% (đếm 78%)

Trưng cầu dân ý chỉ thành công khi số phiếu Yes toàn quốc quá bán và phải có ít nhất 4 tiểu bang bỏ phiếu Yes (nguyên tắc double majority).

Cuộc trưng cầu dân ý lần này là lần thứ 45. Từ ngày thành lập liên bang năm 1901, chỉ có 8 lần thành công.

Việc người dân Úc bỏ phiếu bác bỏ Tiếng Nói cấp toàn quốc và cấp liên bang với số phiếu áp đảo sẽ không còn cho phép phe phái nào nghĩ đến việc tổ chức đưa Tiếng Nói vào Hiến pháp thêm một lần nữa.

Ngay cả việc đơn giản nhất là thừa nhận người Bản địa trong Hiến pháp e rằng cũng khó thực hiện với kết quả bầu cử vừa qua.

Cuộc bầu cử này đã gây chia rẽ trong thời gian 6 tháng vận động và sẽ còn chia rẽ sau khi có kết quả, dù phe nào thắng. Sẽ có những tiếng nói chua chát, cay cú, hờn dỗi, tức giận v.v… trong những ngày tới.

Phải cần thời gian để hàn gắn. Dù sao, Thủ tướng Albanese phải chịu trách nhiệm vì ông đã biết rằng, một cuộc trưng cầu dân ý mà không có sự hợp tác, đồng thuận của lưỡng đảng, thì không thành công. Mà ông vẫn cứ làm để tốn $400 triệu đô la và gây chia rẽ.