15 năm sau vụ 11.9, cuộc chiến chống khủng bố vẫn chưa có hồi kết

11 Tháng Chín, 2016 | Tin thế giới
Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập hôm 11.9.2001. Photo Courtesy: Reuters

Đã 15 năm trôi qua kể từ ngày Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York bị đánh sập, câu chuyện thương tâm này vẫn để lại cho người dân Mỹ nói riêng và thế giới nói chung những nỗi đau vẫn còn tiếp diễn.

Còn nhớ vào ngày 11.9.2001, một loạt các vụ tấn công do nhóm khủng bố Al Qaeda thực hiện tại tòa nhà Trung tâm Thương mại thế giới (World Trade Center – WTC) và Lầu Năm Góc đã gây chấn động toàn thế giới. Sau vụ khủng bố đẫm máu này, Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới đã bị cuốn vào một cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, cho tới nay, vẫn chưa thu được thành quả mỹ mãn.

Vào ngày định mệnh đó, 4 chiếc máy bay Boeing của Mỹ, với sức chứa gần 91,000 lít xăng cho động cơ phản lực của mỗi chiếc, đã bị khủng bố khống chế, biến chúng thành những quả bom lửa, chuyển hướng lao thẳng vào những mục tiêu được xem là trung tâm của nước Mỹ.

Bức ảnh lịch sử của nữ phóng viên Suzanne. Photo Courtesy: AP

Bức ảnh lịch sử của nữ phóng viên Suzanne. Photo Courtesy: AP

Những địa điểm trở thành mục tiêu bao gồm: Washington – trung tâm chính trị; Lầu Năm góc – trung tâm quân sự; Tòa tháp đôi WTC ở New York – trung tâm kinh tế của nước Mỹ. Chỉ trong vòng 102 phút, cả hai tòa tháp của WTC đã bị sụp đổ hoàn toàn, cướp đi 2,996 sinh mạng và đã làm hơn 6,000 người khác bị thương.

Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất do nước ngoài thực hiện trên lãnh thổ Mỹ, hơn cả trận Trân Châu Cảng (Hawaii) năm 1941 khiến 2,403 người thiệt mạng.

Sau vụ tấn công xảy ra, tổ chức khủng bố al-Qaeda đã lên tiếng nhận trách nhiệm tiến hành vụ khủng bố này. Trước đó, trùm khủng bố Osama bin Laden, thủ lĩnh al-Qaeda đã tuyên chiến chống lại nước Mỹ. Hành động này được cho là đã truyền động lực cho 19 tên không tặc người Ả Rập, UAE, Ai Cập và Li Băng tiến hành cuộc khủng bố.

15 năm sau, theo VOA trích dẫn một đoạn video được tổ chức này tung lên mạng có tựa đề “Những kẻ thách thức công lý”, thủ lĩnh Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri nói rằng các vụ tấn công 11.9 ‘trả lại sự cân bằng” giữa Hồi giáo và cái mà nhóm này gọi là những kẻ thù Thập tự chinh vật chất – theo bản dịch của Tổ chức tình báo SITE.

Zawahiri nói, các vụ tấn công nhắc người Hồi giáo về sức mạnh của họ và “tiềm năng chống xâm lược” của họ. Nhân vật này cũng nhắc tới những bất bình đẳng sắc tộc ở Mỹ và kêu gọi người Mỹ da đen cải đạo sang Hồi giáo.

Trong khi đó các quan chức tình báo Mỹ nói rằng họ đã biết về video, mặc dù ít nhất một quan chức đã giảm nhẹ ý nghĩa của nó, gọi Zawahiri là nhân vật ngoài lề”.

Người đi đường chỉ lên toà Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy. Photo Courtesy: Reuters

Người đi đường chỉ lên toà Trung tâm Thương mại Thế giới bốc cháy. Photo Courtesy: Reuters

Cũng hơn một thập kỷ đã trôi qua, nước Mỹ hiện vẫn đang loay hoay trong cuộc chiến chống khủng bố. Mỹ đã bị “sa lầy” nhiều năm ở chiến trường Iraq và Afghanistan, còn Trung Đông trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Tuy Mỹ và liên quân đã tiêu diệt được trùm khủng bố Bin Laden, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, lật đổ chế độ Taliban…, nhưng thực tế Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này.

Hiểm họa từ Taliban và Al Qaeda vẫn còn đó. Hiện Taliban vẫn tổ chức các hoạt động phiến loạn tại Afghanistan. Còn Al Qaeda có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan có chiều hướng gia tăng và phạm vi hoạt động thậm chí mở rộng sang tận Trung và Nam Á. Nội chiến ở Iraq, Syria ngày càng lan rộng và chưa có dấu hiệu kết thúc, làn sóng di cư từ Trung Đông trở thành mối hiểm họa với an ninh châu Âu…

Bên cạnh đó, Mỹ và thế giới lại tiếp tục phải đối mặt với một mối nguy cơ lớn hơn nhiều, đó là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Từng là một nhánh của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, song mức độ nguy hiểm và tư tưởng cực đoan của nhóm này còn lớn hơn nhiều. Chính phủ Mỹ và phương Tây đều phải thừa nhận, đây là một mối nguy cơ chưa từng có, nhất là khi IS đã chiêu mộ được hàng nghìn tay súng nước ngoài, bao gồm cả người châu Âu và người Mỹ.

Tổng hợp