Các công tố viên đang nghi một thành viên trong số các anh em của Thủ tướng Tân Gia Ba Lý Hiển Long đã can thiệp vào di chúc của cha, tức cố thủ tướng Lý Quang Diệu.
Từ giữa năm 2017, câu chuyện lục đục giữa anh em ông Lý Hiển Long đã gây xôn xao tại Tân Gia Ba.
Ông Lý Hiển Long, người em trai Lý Hiển Dương và em gái Lý Vỹ Linh đã công khai chỉ trích nhau về mục đích sử dụng ngôi nhà số 38 đường Oxley. Đây là nơi cha của ba người, ông Lý Quang Diệu – cố thủ tướng và là người khai sinh nước Tân Gia Ba hiện đại, sinh sống cả đời.
Sau khi ông Lý Quang Diệu qua đời năm 2015, Thủ tướng Lý Hiển Long tỏ ý muốn chuyển nơi này thành bảo tàng nhưng 2 người em là bà Lý Vỹ Linh và ông Lý Hiển Dương phản đối quyết liệt vì cho rằng anh trai cố ý làm trái di nguyện của cha là phá dỡ căn nhà. Họ còn cáo buộc Thủ tướng Lý “lợi dụng di sản của cha vì mục đích chính trị”. Tranh chấp diễn ra căng thẳng đến mức ông Lý Hiển Long phải ra điều trần trước quốc hội, xin lỗi toàn dân và đề nghị chính quyền can thiệp.
Đến tháng 4.2018, Ủy ban Bộ trưởng đặc biệt xử lý vấn đề này đã trình bày một số phương án về số phận ngôi nhà nhưng quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra sau khi bà Lý Vỹ Linh dọn đi. Thủ tướng Lý và 2 người em cũng đồng ý không tiếp tục công khai tranh chấp trong gia đình.
Ông Lý Hiển Long đến nay vẫn hoài nghi về việc cha mình có thật sự muốn phá hủy ngôi nhà hay không. Ông cho biết bản thân không can dự vào thảo luận của chính phủ về vấn đề này.
Ngày 7.1, văn phòng Tổng chưởng lý Tân Gia Ba (AGC) cho biết đã thông báo với Hội luật sư Tân Gia Ba (LSS) về một trường hợp “sai phạm về nghiệp vụ”, liên quan đến sự can thiệp của vợ ông Lý Hiển Dương, bà Lee Suet Fern, vào di chúc.
Bà Lee Suet Fern vốn hành nghề luật sư, được cho là người tham gia chuẩn bị di chúc của cha họ, tuy chồng bà là một trong những người có lợi từ bản di chúc trên, theo văn phòng AGC. Bà Lee từ chối trả lời về vấn đề trên. Bà cũng chưa từng phát biểu về nghi vấn trên.
Nếu bà Lee Suet Fern thực sự sai phạm, đây rõ ràng là một chi tiết có lợi cho ông Lý Hiển Long.
Trong khi đó, bà Lý Vỹ Linh trong một bài đăng trên Facebook ngày 5-1 đã viết: “Lý Quang Diệu, một luật sư đầy uy tín, chưa bao giờ phàn nàn về di chúc của ông… Vậy thì vì sao lại có cuộc công kích mới này về di chúc của cha chúng tôi? Tại sao mọi chuyện lại bắt đầu lúc này, từ SGC, sau ngần ấy thời gian?”.
Một hội đồng chính phủ, được lập ra nhằm quyết định số phận của ngôi nhà vào năm ngoái, đã thống nhất rằng chính phủ tương lai sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.
Theo giới quan sát, những diễn biến nói trên cho thấy mâu thuẫn nội bộ nhà họ Lý có thể sẽ còn nhiều trắc trở trong tương lai, đặc biệt khi đảng PAP đang chuẩn bị cho quá trình tìm kiếm lãnh đạo kế nhiệm Thủ tướng Lý Hiển Long. Trước đó, nhà lãnh đạo từng bày tỏ ý định thôi chức trước năm 2020.
Tổng hợp