Kinh tế khánh tận, phe Đối lập Venezuela gom 1.85 triệu chữ ký đòi phế truất Tổng thống

04 Tháng Năm, 2016 | Tin thế giới

 

Mọi người xếp hàng chờ đến lượt mình để mua các mặt
hàng lương thực cơ bản nhất bên ngoài một siêu thị ở
Caracas, Venezuela, ngày 28.4.2016. Photo Courtesy: Reuters

 

Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn “siêu lạm phát” – giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc “sụp đổ hoàn toàn”…

Nền kinh tế Venezuela có thể sẽ sụp đổ hoàn toàn trong 12-18 tháng tới đây sau khi rơi vào tình trạng siêu lạm phát kỷ lục, theo nhận định của chuyên gia kinh tế vĩ mô Robert K. Rennhack, phó giám đốc phụ trách khu vực Tây bán cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Một báo cáo gần đây của IMF cho biết năm nay tỉ lệ lạm phát tại Venezuela sẽ là 720%, mức cao nhất thế giới. Nhưng theo báoMiami Herald, chuyên gia Rennhack cho rằng Venezuela đang trên hành trình tiến tới giai đoạn “siêu lạm phát”, giai đoạn mà nền kinh tế hoàn toàn hỗn loạn và có thể chạm mốc “sụp đổ hoàn toàn” nếu không có thay đổi đáng kể nào về chính sách kinh tế.

Ông Rennhack cho rằng lạm phát ở Venezuela có thể đã bước vào lộ trình siêu lạm phát từ năm 2015 và dự kiến năm 2017, tỉ lệ lạm phát ở đây sẽ đạt 2,200% rồi có thể lao lên rất nhanh tới mức 13,000% một năm, giai đoạn mà hầu hết các học giả kinh tế định nghĩa là siêu lạm phát toàn diện.

Khi tỉ lệ lạm phát lên tới mức 5 con số như thế, hoặc chính phủ phải tiến hành một cuộc cải tổ chính trị theo kiểu quay ngược 180 độ, hoặc họ sẽ sụp đổ.

Trong khi đó nhiều người Venezuela thậm chí còn tin rằng nền kinh tế trong nước sẽ sụp đổ sớm hơn mốc thời gian 12-18 tháng như dự đoán của chuyên gia IMF. Giá cả hàng hóa tăng vọt hằng ngày, các kệ hàng trong siêu thị gần như trống trơn, lượng điện tiêu thụ ngày càng thiếu hụt. Chính quyền thậm chí buộc người lao động làm ít, ngủ cũng phải ít, để tiết kiệm năng lượng.

Phe Đối lập yêu cầu phế truất tổng thống

 

 Tổng thống Nicolas Maduro và vợ tham dự một bữa tiệc ở 
Caracas,Venezuela, vào ngày 1.5.2016. Photo Courtesy: Reuters

 

Trước sự hỗn loạn không phanh này, phe Đối lập Venezuela ngày 2.5 đệ trình lên ủy ban bầu cử các đơn kiến nghị với 1,85 triệu chữ ký kêu gọi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý về việc phế truất Tổng thống Nicolas Maduro.

Liên minh Đoàn kết Dân chủ (MUD) Venezuela cho biết đã thu thập gấp hơn 9 lần số chữ ký cần thiết là 200,000 chữ ký trong vòng 1 tuần, để bắt đầu giai đoạn tiếp theo của một cuộc trưng cầu ý dân xem xét bãi nhiệm Tổng thống Maduro trước khi nhiệm kì của ông kết thúc vào năm 2019.

Ông Jorge Rodriguez, thủ lĩnh Đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền cho biết sẽ yêu cầu Ủy ban bầu cử quốc gia kiểm tra các chữ ký mà phe đối lập đã thu thập, nhằm đảm bảo Hiến pháp được tôn trọng.

Nếu Ủy ban bầu cử quốc gia phê chuẩn tính xác thực của các chữ kýtrong những ngày tới, sẽ bắt đầu giai đoạn thứ 2 với việc thu thập thêm 20% tương đương 4 triệu chữ ký, trước khi một cuộc bỏ phiếu cuối cùng có thể được tổ chức.

Mặc dù phe đối lập bày tỏ tin tưởng có thể thu thập đủ chữ kí trong khoảng thời gian cho phép nhưng các chuyên gia phân tích nhận định, tiến trình bãi nhiệm Tổng thống Maduro sẽ là một việc không dễ dàng.

Ông Jesus Torrealba, một lãnh đạo của MUD cho biết 80 thùng chứa các đơn kiến nghị đã được chuyển cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia.

Nghị sĩ Diosdado Cabello, một đồng minh đầy quyền lực của ông Maduro, cho biết: “Chúng tôi không sợ họ. Chúng tôi sẽ kiểm từng chữ ký một”.

Theo hiến pháp Venezuela, chính quyền nước này có 5 ngày để đếm tất cả các chữ ký của phe đối lập đưa ra và 5 ngày để xác thực các chữ ký. Nếu tất cả chữ ký được xác thực thì phe đối lập sẽ phải thu thập thêm 4 triệu chữ ký trình cho Ủy ban Bầu cử Quốc gia mới đủ điều kiện để thực sự tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý.

Tổng hợp